Phụ tải miền Bắc tăng 115% so với cùng kỳ 2022
Báo cáo cập nhật từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong thời gian tuần 43 từ 16 đến 22/10, phụ tải khu vực miền Bắc cao hơn 1,7% so với tuần trước, phụ tải quốc gia tương đương so với tuần trước.
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022 (miền Bắc tăng 14,8%, miền Nam 7,4%, miền Trung 7,4%).
Từ đầu năm 2023 đến nay, phụ tải quốc gia chỉ tăng trưởng khoảng 3,3% (miền Bắc tăng 6,2%, miền Nam 0,4%, miền Trung 8,3%).
"Tình hình cung cấp điện trong tuần vẫn được đảm bảo tốt", Cục Điều tiết điện lực nhận định.
Về phụ tải hệ thống điện quốc gia, sản lượng điện trung bình ngày là 774,7 triệu kWh, thấp hơn so với tuần trước khoảng 0,6 triệu kWh; công suất cực đại trong tuần đạt 40.782,4 MW, cao hơn 687,8 MW so với tuần trước.
Đối với phụ tải hệ thống điện miền, phụ tải miền Bắc ghi nhận sản lượng trung bình ngày đạt 362,5 triệu kWh tăng 115% so với cùng kỳ năm 2022; phụ tải miền Trung đạt 67,7 triệu kWh tăng 107% so với cùng kỳ năm 2022; phụ tải miền Nam đạt 344 triệu kWh tăng 109% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế sản lượng phụ tải điện từ đầu năm đến nay đạt 227.014 triệu kWh, trong đó miền Bắc đạt 106.950 triệu kWh, miền Trung 21.493 triệu kWh, miền Nam là 98.228 triệu kWh.
Lũy kế sản lượng phụ tải điện từ đầu tháng 10 đến nay đạt 17.194 triệu kWh, trong đó miền Bắc đạt 8.180 triệu kWh, miền Trung 1.541 triệu kWh, miền Nam là 7.462 triệu kWh.
Thủy điện miền Bắc thủy văn kém, các hồ cần tích thêm nước
Theo Cục Điều tiết điện lực, trong tuần qua, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phía Bắc, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ gây ra đợt mưa lớn liên tiếp trên diện rộng ở khu vực miền Trung.
Tại miền Bắc, xu hướng nước về tiếp tục kém, chỉ khoảng 51 - 92% trung bình nhiều năm, đặc biệt trên nhánh Sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang), Nậm Chiến 1. Một số hồ có nước về tốt và cao hơn trung bình nhiều năm như Bản Chát, Thác Bà, Bản Vẽ, Hủa Na (từ 108 - 158%).
Tại miền Nam, các hồ Đồng Nai 2, Đam Bri, Thác Mơ, Đại Ninh tiếp tục có nước về tốt và cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 111 - 141%. Các hồ còn lại nước về giảm từ 76 - 91% trung bình nhiều năm. Các hồ đang xả điều tiết là Thác Mơ, ĐamBri.
Tại miền Trung, nhìn chung nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung có xu hướng giảm thấp, dao động ở mức 32 - 89%, riêng một số hồ vẫn tiếp tục có nước về tốt như Pleikrông, Ialy, A Vương, ĐăkRe, ĐăkRTih, Sông Ba Hạ, Bình Điền (cao hơn 121 - 561% trung bình nhiều năm). Các hồ đang thực hiện xả điều tiết gồm A Lưới, Hương Điền, Sông Côn 2, Pleikrông, Ialy, Krông H'năng, Sông Ba Hạ, Buôn Tua Srah, ĐakR'tih, Đăk Re.
Theo dõi thông tin cập nhật về các hồ thủy điện trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đánh giá sản lượng theo nước về từ ngày 1-22/10 và so sánh với cùng kỳ 2022 một số lưu vực sông, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết nhìn chung các lưu vực sông đều kém hơn so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt lưu vực sông Ba, Hương, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn chỉ đạt 14,4 - 57,3%, các lưu vực khác đạt từ 85.6 - 112.5%.
So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống cao hơn 359,3 triệu kWh (miền Bắc cao hơn 384,5 triệu kWh, miền Trung thấp hơn 295,3 triệu kWh, miền Nam cao hơn 270,1 triệu kWh).
Tính đến nay, các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc đã tích được lên xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên để đảm bảo mục tiêu tích nước phục vụ đảm bảo an ninh cung cấp điện năm 2024, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn tiếp tục duy trì các hồ ở mực nước cao xấp xỉ mực nước dâng bình thường và vận hành linh hoạt các nhà máy theo lưu lượng nước về.
Sản lượng trung bình ngày trong tuần của nguồn thủy điện đạt khoảng 293,9 triệu kWh.
Nâng cao khả dụng của nhiệt điện
Báo cáo của Cục Điều tiết điện lực cũng cho thấy, các tổ máy nhiệt điện than tiếp tục được sắp xếp sửa chữa nhằm nâng cao khả dụng, đáp ứng nhu cầu hệ thống điện trong giai đoạn tích nước cũng như mùa khô 2023-2024. Trong tuần không có tổ máy nhiệt điện bất khả dụng do thiếu than.
Tuy nhiên, thực tế vận hành vẫn có một số tổ máy sự cố hoặc sửa chữa kéo dài hơn kế hoạch, khiến hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ điện áp thấp, đặc biệt trong các ngày phụ tải tăng cao đột biến.
Trong thời gian tới, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thường xuyên đánh giá dự báo nhiệt độ, phụ tải thực tế để huy động thêm các nguồn điện còn dự phòng để đảm bảo điện áp cũng như huy động tối ưu các nhà máy thủy điện đang xả, có mực nước cao hoặc lưu lượng nước về tốt.
Sản lượng trung bình ngày trong tuần của nguồn nhiệt điện đạt khoảng 333,2 triệu kWh.
Ngoài ra, trong tuần qua, các nhà máy điện năng lượng tái tạo được huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.
Sản lượng trung bình ngày trong tuần của nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 75 triệu kWh.
Tính đến ngày 20/10, số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 21 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.201,42 MW. Lũy kế sản lượng của các dự án tính từ thời điểm COD đạt 709,5 triệu kWh.
Trào lưu truyền tải trên lưới điện 500kV trong tuần qua chủ yếu theo hướng từ Trung ra miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Mức truyền tải nặng nhất trên các đường dây 500kV Nho Quan - Nhà máy Nghi Sơn 2 - Hà Tĩnh và cung đoạn Trung - Nam.