Khu vực miền núi, hải đảo, biên giới là một trong những vùng trước đây được nhắc đến nhiều vì khó khăn. Vấn đề thách thức trong quá trình phát triển khu vực này là phải tìm ra những giải pháp mang tính bền vững.
Có thể thấy có rất nhiều điều khác biệt về địa hình, thời tiết, văn hóa, dân tộc. Trong quá trình phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thay đổi tư duy phát triển để hỗ trợ cho đồng bào vùng núi, hải đảo, dân tộc trên cơ sở bảo tồn văn hóa vùng.
Nếu thuần túy đưa các doanh nghiệp lớn đến đầu tư các khu công nghiệp, các nhà máy, doanh nghiệp thì vô hình chung sẽ thay đổi thói quen, phong tục, tập quán và đặc biệt là truyền thống dân tộc của bà con vùng miền. Đây là một vấn đề thách thức trong quá trình phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những quốc gia khác.
Trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận lại quá trình phát triển và phải khẳng định rằng, bên cạnh sự chia cắt về mặt địa lý, sự manh mún về mặt quy mô, sự hạn chế về mặt trình độ, năng lực thì đây thực sự là vùng có dư địa phát triển rất tốt, qua đó góp phần tạo ra sinh kế, tạo ra thu nhập cho bà con vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng hải đảo. Trong quá trình phát triển tạo thu nhập đó vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, vẫn giữ được cốt cách và hồn cốt của dân tộc, đồng bào. Nhìn nhận từ góc độ đó, thực sự khu vực này có tiềm năng rất lớn.
Để xúc tiến được sản phẩm trở thành sinh kế bền vững thì phải có thị trường. Không chỉ thuần túy nói về các dư địa, về tiềm năng trên cơ sở lý thuyết mà phải biến nó thành các sản phẩm có giá trị gia tăng. Với quy mô và hạn chế về mặt địa lý, không thể bán giá trị sử dụng thuần túy mà phải bán giá trị gia tăng. Đó là sự tích hợp đa giá trị, trong đó bao gồm cả giá trị văn hóa, giá trị nhân văn và những giá trị ẩn sâu và tiềm năng, giá trị bản địa.
Từ năm 2018 khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, cách tiếp cận khu vực này đã bắt đầu có sự thay đổi. Sau 5 năm triển khai, hiện có 10.800 sản phẩm OCOP, trong đó khoảng 25% các sản phẩm đến từ các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.
Không chỉ số lượng sản phẩm phát triển mà trên thực tế mức độ nhận biết của người tiêu dùng trên phạm vi cả nước đối với sản phẩm OCOP đã được lan tỏa rất nhiều ngay tại thị trường nội địa. Hiện nay tại một số chuỗi phân phối tỷ lệ sản phẩm OCOP lên tới 45% và đã có những người tiêu dùng quan tâm đến chứng nhận OCOP của các sản phẩm.
Như vậy, chương trình đã phần nào thành công khi không chỉ gắn sao gắn vạch bằng sự quản lý nhà nước mà gắn được sao trong lòng người tiêu dùng. Đặc biệt đối với sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa đều có sự đặc sắc. Đây không phải là sản phẩm sản xuất đại trà mà tạo ra được sự khác biệt. Mỗi người tiêu dùng ở các thành phố lớn khi sử dụng những sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa thì đằng sau đó chúng ta cũng gửi gắm được sự đồng hành, sự chung sức để hỗ trợ phát triển cho những vùng khó khăn đó.
Những cơ quan, đơn vị triển khai chương trình đã khai phá được những tiềm năng đó để đồng hành với sự phát triển của đất nước và vẫn giữ được nét văn hóa, giữ được truyền thống bản sắc. Đây chính là hướng xúc tiến thương mại đối với sản phẩm này.
Từ năm 2019, Bộ Công Thương, cơ quan đầu tiên ban hành hướng dẫn chi tiết những điểm bán hàng sản phẩm của OCOP, đã nhìn nhận thấy nếu chuẩn hóa sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa để thực sự đáp ứng được thị trường thì sẽ có địa vị rất lớn.
Từ phía ngành nông nghiệp - là ngành quản lý về sản xuất - trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm. Nếu vẫn để sản phẩm thông thường thì rất khó truy xuất được nguồn gốc, không đảm bảo về an quản vệ sinh thực phẩm, khó tiêu thụ trong các chuỗi. Muốn xúc tiến sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa quan trọng là chất lượng, là chuẩn hóa các sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu và quy chuẩn hiện nay. Đây là vấn đề cốt lõi.
Vấn đề đầu tiên là từ trách nhiệm của các chủ thể, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm, phải chuẩn hóa được sản phẩm bằng sự tâm huyết, bằng mong muốn để bảo tồn văn hóa truyền thống và bản sắc vùng. Khi chuẩn hóa được thì công tác xúc tiến thương mại sẽ đơn giản hơn nhiều.
Qua cách thức xúc tiến truyền thống như hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối cung cầu từ phía các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, có thể thấy mọi người đều mong muốn tìm những sản phẩm mới, những sản phẩm đáp ứng được xu hướng sử dụng tiêu dùng hiện đại, có giá trị dinh dưỡng và mang tính khác biệt, đằng sau sản phẩm phải có các câu chuyện.
Sự khác biệt đó có thể đến từ văn hóa, đến được từ tính bền vững của sản phẩm, từ giá trị dinh dưỡng, … tổng hòa các giá trị đó tạo ra khác biệt.
Hiện nay, đối với thương mại điện tử, trên các sàn hay Tiktok, mạng xã hội, các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa đã chuẩn hóa, có chủ thể, có gắn tên, có gắn mác và truy xuất nguồn gốc thì khi làm clip kể câu chuyện của sản phẩm hay livestream bán hàng mới tạo ra được sự quan tâm và đặc biệt là cảm xúc của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hiện nay, trong xu hướng tiêu dùng hiện nay, không chỉ nói đến phân khúc thị trường mà còn nói đến cá thể hoá với người mua sắm. Mỗi câu chuyện, mỗi cách tiếp cận các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo luôn có thể lấy được cảm xúc của người tiêu dùng để xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Sau nhiều năm triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại vùng miền, vấn đề quy mô, giá thành hay sản phẩm quá lạ chưa có ai sử dụng không phải rào cản đáng lo ngại. Trên thực tế cần khai thác vào câu chuyện, thương hiệu để chuyển hóa được cảm xúc mà trước hết phải chuẩn hóa về chất lượng, luôn luôn đảm bảo chất lượng, đảm bảo đáp ứng đúng là quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường trong nước và quốc tế. Nếu làm được như vậy, các hệ thống phân phối sẵn sàng kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Như vậy sẽ tạo ra định hướng phát triển kinh tế bền vững cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa .
Đây không chỉ là góp phần phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn những giá trị bản địa, tài nguyên bản địa, giá sự văn hóa và đặc trưng là gìn giữ được đời sống cũng như cốt cách của đồng bào, kể cả đồng bào dân tộc, kể cả người Kinh ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.
Trong quá trình phát triển đó phải tạo tốt và giữ hồn, là hỗ trợ để hình thành những hướng phát triển mới để từng ngày nâng cấp lên nhưng vẫn phải giữ được cái hồn, cái đặc trưng của những sản phẩm, không đồng hoá, không phản hoá miền núi, không đồng kinh hóa dân tộc thì sẽ có rất nhiều tiềm năng để tạo ra thị trường mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội miền núi, vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa phát triển bền vững.