Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển
Phát biểu tại Hội nghị "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/11/2023, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam chúng ta có rất nhiều đảo, và thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách để làm sao phát triển kinh tế biển, trong đó có các đảo.
Việt Nam nằm ở biển Đông và đây là một vị trí rất chiến lược, đối với không chỉ riêng Việt Nam cũng như 90 quốc gia thiết giáp trong vùng biển này mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, giao thông, địa chính trị.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng đang nằm trong một khu vực phát triển rất sôi động, Việt Nam có sự tăng trưởng kinh tế ở mức rất cao trong những năm gần đây.
Trước đây, khi điều kiện kinh tế, khoa học kỹ thuật còn hạn chế, Việt Nam chưa có điều kiện tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Thế nhưng khi chúng ta đã có những khả năng về kinh tế, về khoa học, sức khỏe, tiềm lực để đi sâu, đi xa, khai thác tiềm năng của biển thì cũng thấy được rằng biển của chúng ta rất giàu tài nguyên, rất nhiều nguồn lợi và có thể phát triển trong thời gian tới.
Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thế kỉ XX - XXI được coi như thế kỉ của đại dương, hiện nay cùng với việc khoa học, công nghệ phát triển thì các nước trên thế giới đã phát triển rất nhiều các loại hình sản xuất để khai thác các tài nguyên mới ở dưới biển. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đảng, Nhà nước ta thì đã có nhiều chủ trương, chính sách để làm sao khai thác, phát huy tối đa tiềm năng kinh tế biển.
Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mới đây nhất, ngày 3/4/2023 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều các văn bản, các chiến lược, quy hoạch, chương trình liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển, ví dụ như Quy hoạch tổng thể quốc gia do Quốc hội ban hành năm 2021, trong đó có một mục riêng về quy hoạch không gian biển; các quy hoạch ngành có liên quan như quy hoạch năng lượng quốc gia, quy hoạch điện, quy hoạch bảo tồn, phát triển thủy sản, quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch,…
Tựu chung lại, trong các văn bản này, Đảng và Nhà nước đề ra là chúng ta phải phát triển kinh tế biển, trong đó ưu tiên phát triển một số các ngành chủ lực mà chúng ta có lợi thế đối với biển Việt Nam, như du lịch, cảng biển và hàng hải, khai thác nuôi trồng thủy sản, dầu khí, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Việt Nam được ban tặng cho rất nhiều đảo và hiện nay chúng ta cũng chưa thực sự thống kê được có bao nhiêu đảo. Chúng ta thường nói là Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km2 biển, gấp 3 lần diện tích đất liền, có 3.260 km bờ biển, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng theo các tiêu chí khác nhau thì con số thống kê cho thấy chúng ta có thể có tới khoảng trên 6.000 “hải đảo”. Các con số này sẽ được chính xác hóa trong thời gian tới.
Chung tay phát triển thương mại vùng biển và hải đảo
Trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển luôn nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng phát triển kinh tế biển xanh, bền vững và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ biển, tuy nhiên, phải đi đôi với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái của chúng ta. Và điều đó cũng để làm giàu cho tài nguyên và không mang tính hủy diệt.
Kèm theo đó thì trong các chiến lược, các nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã đề ra rất nhiều các chính sách để làm sao thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nhấn mạnh đến các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng; ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư; thúc đẩy sản xuất, liên kết phát triển các cụm, ngành kinh tế biển,… và các văn bản cụ thể về các quy hoạch, chiến lược, chương trình sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn đối với từng lĩnh vực như phát triển du lịch, phát triển nuôi trồng thủy sản - đặc biệt là nuôi biển xa bờ, phát triển về cảng biển, hàng hải,...
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để các chính sách này được triển khai thực hiện đi vào cuộc sống, rất cần có sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành và các địa phương có biển, trong đó cần phải nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách cụ thể để quy định, áp dụng trên phạm vi cả nước cũng như phù hợp với đặc thù của từng địa phương, từng vùng miền, làm sao phải khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của chính địa phương và khu vực đó, trong đó có các hải đảo.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng để trình 2 quy hoạch liên quan đến biển, đó là quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Và trong 2 quy hoạch này thì chúng tôi cũng đề xuất là sẽ có sự ưu tiên tập trung đầu tư để phát triển các đảo và hải đảo, trong đó sẽ lựa chọn 12 huyện đảo ưu tiên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị trên các đảo đó và phát triển xây dựng các cảng, đặc biệt là các cảng cá, tàu biển để góp phần hỗ trợ cho phát triển kinh tế ở các đảo.
Tại Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, ông Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ sự nhất trí cao với các giải pháp, các vấn đề được đặt ra, cần tiếp tục triển khai thực hiện để làm sao thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của bà con trên các hải đảo.
“Thời gian tới khi các giải pháp, nhiệm vụ đó được triển khai, tiếp tục đi vào cuộc sống, chúng ta sẽ cải thiện và nâng cao được mức thu nhập cũng như đời sống của nhân dân trên các hải đảo, cũng như các vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.” - ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng trong thời gian tới, bộ mặt về kinh tế xã hội trên các đảo sẽ có sự thay đổi một cách vượt bậc, đặc biệt là thu nhập, đời sống của bà con trên các đảo sẽ có sự phát triển, tăng trưởng tốt.