Khảo sát các điều kiện thu hồi dầu từ hạt cây Sacha inchi (Sachi) trồng tại Việt Nam bằng phương pháp cơ học

TS. PHAN THẾ DUY - LÊ THỊ DIÊN - NGUYỄN THỊ TỐ OANH - LÊ XUÂN TÍN (Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện đối với mẫu hạt Sacha inchi (Plukenetia volubilis L.) thu hoạch ở Daklak. Nghiên cứu đánh giá sự ảnh hưởng của điều kiện ép dầu từ hạt cây Sacha inchi, bao gồm: kích thước hạt, tốc độ vòng quay của trục vít và nhiệt độ đầu ép đến hiệu suất ép, độ kháng oxy hóa và chất lượng của dầu hạt Sachi thô. Theo khảo sát, điều kiện cho hiệu suất ép cao nhất khoảng 91% khi ép ở nhiệt độ đầu ép là 90°C với kích thước lớn hơn 3 mm và tốc độ vòng quay là 70 rpm. Dầu hạt Sachi sau khi ép ở điều kiện trên được phân tích thành phần và các chỉ số về chất lượng dầu. Dầu có chỉ số iodine là 176,37 g/100g, chỉ số axit khoảng 2,06 mg/g, chỉ số peroxit là 8,95 meq O2/kg dầu và giá trị IC50 là 90,58 mg/ml.

Từ khóa: dầu Sachi, ép trục vít, DPPH.

1. Đặt vấn đề

Cây Sacha inchi (Plukenetia volubilis L.) gọi tắt là Sachi, là một loài dây leo lâu năm có thân bán gỗ, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) thường mọc trong các rừng nhiệt đới của Mỹ ở độ cao từ 200 đến 1500 m. Loại cây này có nguồn gốc từ vùng rừng rậm nhiệt đới Amazon ở Peru và thường biết đến với cái tên “Đậu phộng Inca”, “Đậu phộng hoang dã” hay “Đậu núi”[1]. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã phát triển việc trồng cây Sachi như Peru, Ecuador, Colombia. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên thuộc Liên minh EU.

Cây Sacha inchi được đưa về trồng ở Việt Nam từ năm 2012 và được biết đến với một số tên khác như đậu núi, đậu sao (vì quả có hình ngôi sao). Sachi được xếp vào loại cây dược liệu mới ở Việt Nam, đã được trồng ở các tỉnh ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc [2].

Theo nghiên cứu của Guillén và cộng sự (2003), hạt Sachi ở Peru chứa hàm lượng chất dầu cao (35-60%), bao gồm các thành phần axit béo tốt với hàm lượng chất béo không bão hòa cao [1]. Theo nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hạt Sachi trồng tại Việt Nam có hàm lượng dầu là 47,7% [3]. Dầu Sachi có lượng chất béo không bão hòa đa khoảng 84% tổng số axit béo, lượng axit không bão hòa đơn là 9% và lượng chất béo bão hòa là 7% [4]. Axit a-linolenic (w-3, 46,8-50,8%) là axit béo chính được tìm thấy trong dầu Sachi, tiếp theo là axit linoleic (w-6, 33,4-36,2%), axit oleic (w-9, 8,7-9,6%). Tỷ lệ axit béo w-6/w-3 của 16 loại hạt Sachi nằm trong khoảng 0,83-1,09 [5]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của chế độ ăn cân bằng tỉ lệ axit béo w-6/w-3 trong xã hội hiện đại, trong đó tỉ lệ 1:1 được xem là tốt nhất cho sức khỏe con người [6]. Do đó, dầu Sachi có rất nhiều lợi ích khi được chế biến và sử dụng hợp lý trong thực phẩm.

Các sản phẩm từ Sachi đã được ứng dụng trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Dầu Sachi có giá trị thương mại cao với nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe và hương vị độc đáo. Trong y dược, dầu Sachi được sử dụng để chăm sóc da, làm mềm da, chữa lành vết thương, điều trị các vết côn trùng cắn và da bị nhiễm trùng. Các sản phẩm mỹ phẩm từ Sachi được biết đến với khả năng kháng khuẩn, chống viêm, săn chắc da và chống lão hóa. Các mỹ phẩm, dược phẩm có chứa protein, dầu từ hạt Sachi đã liên tục được phát triển và được cấp nhiều bằng sáng chế [7]. Với những lợi ích mà dầu Sachi mang lại, dầu Sachi hứa hẹn là một “siêu thực phẩm” có giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế cao trong tương lai. Mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất ép cũng như đánh giá chất lượng dầu thu được bằng phương pháp cơ học sử dụng máy ép trục vít quy mô nhỏ.

2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

2.1. Nguyên liệu và dụng cụ

Nguyên liệu được chọn nghiên cứu là hạt Sachi phơi khô được bao gói trong các túi hút chân không. Hạt được đặt mua từ thôn Tân Xuân, xã Eatoh, huyện Krong Năng, tỉnh Daklak. Phần nhân hạt được thu bằng cách tách bỏ vỏ cứng màu nâu đen và loại bỏ những hạt hư hỏng. Sau đó, phần nhân này được đem đi nghiền nhỏ, rây để phân loại theo các kích thước khảo sát và được bảo quản trong các túi zip ở nhiệt độ phòng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu đơn yếu tố được sử dụng. Thí nghiệm sau kế thừa kết quả nghiên cứu của thí nghiệm trước. Để nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đầu ép, tiến hành khảo sát ở 4 mốc nhiệt độ khác nhau: 75oC, 90oC, 105oC và 120oC. Các thông số khác được cố định: kích thước nguyên liệu, tốc độ vòng quay trục vít lần lượt là 3-5 mm và 70 rpm. Nhiệt độ thích hợp được chọn dựa vào hiệu suất.

Để nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước nguyên liệu, khảo sát 3 khoảng kích thước khác nhau: 1-2 mm, 2-3 mm và 3-5 mm bằng rây kỹ thuật. Các thông số khác được cố định: nhiệt độ đầu ép, tốc độ vòng quay trục vít lần lượt là 90oC và 70 rpm. Kích thước hạt thích hợp được chọn dựa vào hiệu suất.

Ảnh hưởng của tốc độ vòng quay đến hiệu suất thu hồi, khảo sát ở 4 mức khác nhau lần lượt ở các mức là 40, 50, 60, 70 và 80 rpm. Thông số được giữ cố định: nhiệt độ, kích thước hạt được chọn ở thí nghiệm trên. Tốc độ vòng quay thích hợp được chọn dựa vào hiệu suất.

2.3. Phương pháp xác định

Xác định hoạt tính kháng oxy hóa bằng phương pháp bắt gốc tự do DPPH [4]

Về nguyên tắc, các chất kháng oxy hóa sẽ trung hòa gốc DPPH bằng cách cho hydrogen, làm giảm độ hấp thu tại bước sóng cực đại và màu của dung dịch phản ứng nhạt dần, chuyển từ màu tím sang màu vàng nhạt. Giá trị độ hấp thu càng thấp chứng tỏ khả năng bắt gốc tự do DPPH càng cao.

Tiến hành trích ly pha phenolic của các mẫu dầu bằng cách trộn 10 g dầu Sachi với 10 ml n-hexane và 10 ml dung dịch methanol/nước (80/20, v/v). Hỗn hợp được khuấy mạnh bằng máy lắc vortex trong 3 phút và tiếp tục được ly tâm ở tốc độ 5.500 rpm trong 15 phút. Phần dịch trích pha phenolic nằm phía trên được đem đi pha loãng bằng methanol thành các nồng độ 10-100 mg/ml. Phần dịch trích pha phenolic này được sử dụng để xác định khả năng kháng oxy hóa của mẫu dầu.

Quy trình xác định thực hiện như sau: Bổ sung 5 ml DPPH (0,08 mM, pha trong ethanol) vào mỗi ống nghiệm đã chứa 1 ml mẫu dịch trích pha phenolic tại các nồng độ khác nhau (10-100 mg/l). Để yên 30 phút trong bóng tối, sau đó tiến hành đo giá trị độ hấp thu tại bước sóng 517 nm. Mẫu trắng được thực hiện tương tự thay 1 ml mẫu bằng 1 ml ethanol.

Tỷ lệ phần trăm hoạt tính kháng oxy hóa (% ức chế) được xác định theo công thức sau:

cong_thuc

Trong đó:

Ao: độ hấp thụ của mẫu kiểm chứng

A1: độ hấp thụ của mẫu thí nghiệm

Từ vào kết quả trên, tính được giá trị IC50 - hay còn gọi là EC50 (Efficient concentration). Dựa vào IC50 để khẳng định độ kháng oxy hóa của mẫu dầu phân tích.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Kết quả khảo sát thành phần hóa lý mẫu hạt Sachi

Bảng 1. Thành phần có trong mẫu nguyên liệu

thanh_phan_co_trong_mau_nguyen_lieu

Bảng 1 cho thấy nguyên liệu có độ ẩm tương đối thấp (khoảng 5,21), nằm trong khoảng độ ẩm từ 0-13%, khoảng độ ẩm phù hợp cho việc chế biến và lưu trữ mà không bị vi sinh vật phân hủy triacylgycerols. Như vậy, nguyên liệu có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng mà không cần sấy để giảm độ ẩm.

Hàm lượng chất béo, protein trong nguyên liệu ở mức cao lần lượt là 54,41 và 31,30, kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu về hàm lượng dầu (54%), hàm lượng protein (33%) trong hạt Sachi ở Peru [8]. So với nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng về hạt Sachi ở Việt Nam thì cho kết quả cao hơn với hàm lượng dầu là 47,7% và hàm lượng protein là 27,5% [3]. Sự khác nhau này có thể là do có sự khác biệt về điều kiện khí hậu, đất đai, phương pháp canh tác, giống cây trồng hoặc cũng có thể do phương pháp phân tích khác nhau.

3.2. Kết quả thí nghiệm khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ép

  • Kết quả thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng nhiệt độ đầu ép đến hiệu suất ép dầu Sachi 

Hình 1. Ảnh hưởng của nhiệt độ đầu ép đến hiệu suất ép dầu

anh_huong_cua_nhiet_do_dau_ep_den_hieu_suat_ep_dau

Nhiệt độ đầu ép là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu suất ép cũng như chất lượng dầu sau khi ép. Kết quả cho thấy, nhiệt độ càng tăng dần thì hiệu suất ép của máy cũng tăng theo. Máy ép trục vít dùng phương pháp ép và tách dầu bằng nhiệt độ, ép sẽ thành dầu thô, kết hợp với nhiệt độ trong buồng ép để làm chín nguyên liệu thành dạng dầu tinh. Mục đích của việc làm nóng đầu ép là loại bỏ nước dư thừa trong nguyên liệu và cải thiện chất lượng dầu thu được. Do đó, ở nhiệt độ 75oC chưa đủ để làm chín nguyên liệu, dẫn đến lượng dầu ép thu được chưa triệt để kéo theo hiệu suất chưa đạt tối ưu nhất.

Tuy nhiên nếu tiếp tục gia nhiệt đầu ép lên trên 100oC, hiệu suất ép thu được gần như là bão hoà và không thể tăng được nữa, đồng thời màu sắc của dầu ép bắt đầu có dấu hiệu chuyển sang màu sẫm hơn và xuất hiện mùi khét. Để hạn chế sự ảnh hưởng của nhiệt độ lên chất lượng dầu mà vẫn đảm bảo hiệu suất ép cao, nhiệt độ đầu ép 90oC được lựa chọn để khảo sát các thí nghiệm tiếp theo. Kết quả trên khá tương đồng với nghiên cứu của Muangrat và cộng sự [4].

  • Kết quả thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của kích thước hạt đến hiệu suất ép dầu Sachi 

Hình 2: Ảnh hưởng của kích thước nguyên liệu đến hiệu suất ép

anh_huong_cua_kich_thuoc_nguyen_lieu_den_hieu_suat_ep Hình 2 thể hiện hiệu suất ép bị ảnh hưởng bởi kích thước nguyên liệu khi cho vào máy ép trục vít, với kích thước 3-5 mm sẽ thu được hiệu suất cao nhất, kích thước nguyên liệu càng nhỏ hoặc càng lớn (> 5 mm) thì quá trình thực hiện dễ bị kẹt trục ép dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi dầu. Nguyên nhân là áp lực trong lòng máy ép vít được tạo thành do sự nén nguyên liệu và sức phản kháng của nguyên liệu, áp lực này lớn hay bé tùy thuộc vào cấu tạo lồng ép và trục vít. Tiết diện khe côn tại cửa ra không bé hơn bất cứ điểm nào trong lồng ép, vì thế nên nguyên liệu chuyển động sẽ bị nén trở lại, tức là tạo cho máy ép có áp lực. Mặt khác, do trục vít có sự thay đổi bước vít (ngắn dần về phía ra bã ép), đường kính của lòng ép cũng thay đổi, nhỏ dần về phía ra bã ép, cho nên muốn chứa được lượng nguyên liệu từ đoạn sau chuyển tới buộc phải xảy ra sự nén, tức là tạo nên áp lực. Nếu cho vào máy ép một lượng hạt quá nhỏ, khi trục vít quay hầu như không có một áp lực nào. Từ kết quả phân tích trên, kích thước nguyên liệu là 3-5 mm sẽ được lựa chọn cho thí nghiệm tiếp theo.

  • Kết quả thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của tốc độ quay của trục vít đến hiệu suất ép dầu Sachi

Nguyên liệu được tiến hành ép ở các mức tốc độ khác nhau, nhằm xác định tốc độ của trục phù hợp để ép dầu cho hiệu suất cao. Số vòng quay của trục được khảo sát ở các mức độ lần lượt là 40, 50, 60, 70 và 80 rpm.

Hình 3. Ảnh hưởng của tốc độ vòng của trục máy đến hiệu suất ép

anh_huong_cua_toc_do_vong_cua_truc_may_den_hieu_suat_ep

Kết quả thu được cho thấy khi tăng tốc độ quay từ 70 rpm thì hiệu suất ép dầu ổn định nhất, nhưng tiếp tục tăng tốc độ trục ép thì hiệu suất giảm nhẹ. Nhìn chung, nếu tốc độ trục quay quá lớn thì hiệu suất ép dầu giảm. Nguyên nhân chính là do tốc độ quay có liên quan đến lực nén trên chiều dài trục ép khi tốc độ quay cao, làm cho lượng dầu thoát ra ít hơn, dẫn đến hiệu suất giảm. Khi tốc độ quay của trục quá chậm dẫn đến thời gian nén trên trục kéo dài và các tế bào dính kết vào nhau, do vậy trục nén không thể nén và lực không trải đều trên cả chiều dài của trục nén. Đồng thời nhiệt sinh ra lớn trong suốt thời gian dài nén, làm cho thất thoát dầu có thể tăng cao. Do vậy, tốc độ quay của trục ép là 70 rpm để thu được hiệu suất ép dầu là cao nhất. Kết quả trên tương đối phù hợp với nghiên cứu của Akkarachaneeyakorn và cộng sự [9].

3.3. Kết quả phân tích thành phần và đánh giá chất lượng dầu thu được

Dầu sau khi được ép ra khỏi máy ép được bảo quản trong hũ thủy tinh nâu 100 ml có nắp đậy, nhằm loại bỏ các yếu tố bất lợi có tác động đến chất lượng dầu. Sau khi được ly tâm tách cặn, mẫu dầu sẽ được gửi đi tiến hành phân tích thành phần bằng phương pháp GC-MS. Kết quả được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2. Một số thành phần axit béo có trong dầu Sachi

mot_so_thanh_phan_axit_beo_co_trong_dau_sachi

Bảng 2 cho thấy dầu Sachi thu được có hàm lượng axit béo không bão hòa cao. Axit béo w-3 chiếm 39,5%, axit w-6 chiếm 34,45, axit w-9 chiếm 13,2%,… Trong đó, tỉ lệ giữa w-6/w-3 của dầu Sachi là khoảng 0,87. Kết quả này tương tự với các nghiên cứu về tỉ lệ w-6/w-3 trong dầu Sachi (0,81-1,12) [5]. Đây được xem là tỉ lệ tốt cho sức khỏe con người [6], thích hợp để phát triển thêm các sản phẩm thực phẩm mới có bổ sung nguồn w-3, w-6 từ thực vật.

  • Ảnh hưởng của nhiệt độ đầu ép đến chỉ số axit 

Bảng 3. Ảnh hưởng của nhiệt độ đầu ép đến chỉ số axit

anh_huong_cua_nhiet_do_dau_ep_den_chi_so_axit

Dựa vào kết quả trên ta nhận thấy với mỗi mức nhiệt độ tăng dần thì chỉ số axit của dầu tăng nhẹ, nhìn chung dầu Sachi sau khi ép qua máy ép trục vít có chỉ số axit tương đối ổn định phù hợp với kết quả nghiên cứu của Muangrat và cộng sự (2018). Nguyên nhân của sự gia tăng chỉ số axit khi nhiệt độ tăng là do khi đầu ép bị đốt nóng khiến lượng dầu sau khi ép ra cũng bị làm nóng đồng thời có sự tham gia của oxi không khí dẫn đến làm thúc đẩy các phản ứng oxi hóa làm tạo thành các sản phẩm oxi hóa với các nhóm cacboxyl tự do [10].

  • Ảnh hưởng của số vòng quay của trục vít đến chỉ số iodine

Bảng 4. Ảnh hưởng của số vòng quay của trục vít đến chỉ số iodine

anh_huong_cua_so_vong_quay_cua_truc_vit_den_chi_so_iodine

Dựa vào kết quả trên cho thấy ảnh hưởng của số vòng quay trục vít lên chỉ số iodine tương đối không đáng kể, chỉ biến động nhẹ trong khoảng 172-176 g I2/100g dầu. Chỉ số iodine đặc trưng cho số lượng axit béo không no trong thành phần của chất béo, khả năng ổn định của chất béo đối với sự oxy hóa, polymer hóa và mức độ bảo quản chất béo. Số liệu ở Bảng 4 đã cho thấy chỉ số iodine ở tất cả các số vòng quay đều đạt giá trị cao trên 100. Chỉ số này càng cao chứng tỏ dầu càng giàu axit béo chưa bão hòa (như oleic, linoleic, linolenic,…), các axit béo này là thiết yếu và có giá trị dinh dưỡng rất cao đối với con người. Tuy nhiên, dầu rất dễ bị oxi hóa, cần phải có phương pháp bảo quản hợp lý trong quá trình tồn trữ để sử dụng về sau.

  • Kết quả thí nghiệm đánh giá độ kháng oxi hoá của dầu sau khi ép theo phương pháp bắt gốc tự do DPPH 

Bảng 5. Ảnh hưởng của nhiệt độ đầu ép đến độ kháng oxi hóa của dầu

anh_huong_cua_nhiet_do_dau_ep_den_do_khang_oxi_hoa_cua_dau

Chất chống oxy hóa là một chất hoặc một nhóm hợp chất có khả năng ngăn ngừa và loại bỏ tác dụng độc hại của các gốc tự do một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chất chống oxy hóa có thể trực tiếp phản ứng với các gốc tự do hoạt động để tạo ra những gốc tự do mới kém hoạt động hơn, từ đó có thể ngăn cản chuỗi phản ứng dây chuyền được khơi mào bởi các gốc tự do.

Từ kết quả của Bảng 5, với sự gia tăng của nhiệt độ của đầu ép trục vít, thì chỉ số DPPH IC50 cũng tăng. Các giá trị thu được lần lượt là 43,77; 90,58; 158,53 và 170,21 mg/ml đối với dầu có nhiệt độ đầu ép là 75, 90, 105 và 120oC. Những kết quả này cho thấy nhiệt độ đầu ép tăng sẽ làm giảm khả năng kháng oxi hóa của dầu, do đó nên chọn nhiệt độ đầu ép thấp nhất (75oC) khi thu hồi dầu từ hạt Sachi. Điều này luôn luôn đúng với việc khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng kháng oxy hóa của bất kỳ hợp chất sinh học.

4. KẾT LUẬN

Sachi là một loại hạt giàu chất béo, với hàm lượng lipid có trong nguyên liệu hạt khoảng 54%. Ở mỗi điều kiện khảo sát khác nhau sẽ cho hiệu suất thu hồi dầu khác nhau, trong đó yếu tố được chọn là 90oC. Tuy nhiên, nếu gia nhiệt quá cao, dầu ép thu được sẽ có chất lượng không tốt cả về cảm quan và giá trị dinh dưỡng. Với điều kiện thay đổi kích thước hạt nguyên liệu ép cũng như số vòng quay của trục máy ép trục vít thì lần lượt tối ưu ở kích thước lớn hơn 3 mm và số vòng quay ở 70 rpm sẽ cho hiệu suất ép cao khoảng 91%.

Dầu hạt Sachi sau khi ép ở điều kiện tối ưu được phân tích thành phần và các chỉ số về chất lượng dầu. Dầu có chỉ số iodine là 176,37 g/100g, chỉ số axit khoảng 2,06 mg/g, chỉ số peroxit là 8,95 meq O2/kg dầu và giá trị IC50 là 90,58 mg/ml. Các chỉ số này đều đáp ứng được yêu cầu về dầu thô trong sản xuất thực phẩm. Dầu Sachi thu được có hàm lượng axit béo không bão hòa cao, là nguồn thực phẩm mới có giá trị cao trong sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng và dược phẩm.

 

Lời cảm ơn:

Nhóm nghiên cứu xin được chân thành cảm ơn sự tài trợ kinh phí thực hiện của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (HUFI), thông qua Hợp đồng số 38/HĐ-DCT.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Guillén M D, Ruiz A, Cabo N, Chirinos , Pascual G. (2003). Characterization of sacha inchi (Plukenetia volubilis L.) Oil by FTIR spectroscopy and 1 H-NMR Comparison with linseed oil. Journal of the American Oil Chemists' Society, 755-762.
  2. Nguyễn Thị Trâm; Nguyễn Thị Bích Hồng; Nguyễn Thế Hùng; Phạm Thị Ngọc Yến; Đoàn Thu Thủy (2016). Nghiên cứu một số đặc điểm sinh trưởng phát triển và hàm lượng axít béo trong dầu đậu núi (Plukenetia volubilis L.) trồng tại Gia Lâm, Hà Nội, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, số 3-4 tr.71-78.
  3. Nguyễn Thị Kim Liên (2019). Đánh giá chất lượng và tỷ lệ dầu trong hạt Sacha inchi trồng tại Vĩnh Phúc, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc.
  4. Muangrat R, Veeraphong P, Chantee N. (2018). Screw press extraction of Sacha inchi seeds: Oil yield and its chemical composition and antioxidant properties. Journal of food processing and preservation, 42(6), e13635.
  5. Chirinos R, Zuloeta G, Pedreschi R, Mignolet E, Larondelle Y, Campos D. (2013). Sacha inchi (Plukenetia volubilis): A seed source of polyunsaturated fatty acids, tocopherols, phytosterols, phenolic compounds and antioxidant capacity. Food chemistry, 1732-1739.
  6. Simopoulos A P. (2011). Evolutionary aspects of diet: the omega-6/omega-3 ratio and the brain.Molecular neurobiology, 203-215.
  7. Wang S, Zhu F and Kakuda Y. (2018). Sacha inchi (Plukenetia volubilis L.): Nutritional composition, biological activity, and uses. Food chemistry, 265, 316-328.
  8. Follegatti-Romero, Piantino C. R., Grimaldi R., Cabral F. A. (2009). Supercritical CO2 extraction of omega-3 rich oil from Sacha inchi (Plukenetia volubilis L.) seeds. The Journal of Supercritical Fluids, 49(3), 323-329.
  9. AKKARACHANEEYAKORN ET AL. (2015). Optimization of oil extraction from gac (Momordica cochinchinensis Spreng) aril using a screw press. Chiang Mai University Journal of Natural Sciences, 14(3), 257-268.
  10. VELASCO ET AL, (2004). Formation of short‐chain glycerol‐bound oxidation products and oxidised monomeric triacylglycerols during deep‐frying and occurrence in used frying fats. European Journal of Lipid Science Technology, 106(11), 728-735.

 

EXAMINING THE EXTRACTION CONDITIONS OF OIL

FROM SACHA INCHI (SACHI) SEED HARVESTED

IN VIETNAM BY THE MECHANICAL METHOD

Ph.D. PHAN THE DUY 1

 LE THI DIEN 1

NGUYEN THI TO OANH 1

LE XUAN TIN 1

1 Faculty of Food Technology, Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

This study was performed on the Sacha inchi seed (Plukenetia volubilis L.) harvested in Daklak (Vietnam). This study examined the impacts of extraction conditions, including seed size, rotation speed of the shaft and pre-heat temperature on the pressing efficiency, the oxidation degree and quality of crude sachi oil. The study’s results show that the highest extraction efficiency (~91%) is obtained at 90oC for pre-heat temperature, ~3 mm for the seed size and 70 rpm for the rotation speed. The obtained sachi oil under these conditions has the iodine index of 176,37 g/100g, the acidity index of 2.06 mg/g, the peroxide index of 8,95 meq O2/kg and the IC50 value of 90,58 mg/ml.

Keyword: sachi oil, extrusion, DPPH.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 7, tháng 3 năm 2021]