TÓM TẮT:
Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với một quốc gia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định là tiền đề cho việc thúc đẩy phát triển đất nước và các địa phương. Tăng trưởng kinh tế là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố khoa học - công nghệ (KH&CN) giữ vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế. Bài viết trình bày thực trạng, đề xuất giải pháp vĩ mô phát triển KH&CN đối với vùng Đông Nam Bộ. Các đề xuất giải pháp này nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững vùng Đông Nam Bộ, từ đó tạo động lực để Vùng trở thành khu vực phát triển kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Từ khóa: vùng Đông Nam Bộ, tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học - công nghệ, giải pháp chính sách.
1. Đặt vấn đề
Trong dài hạn, mục tiêu các nhà hoạch định chính sách đặt ra phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và bền vững. Tăng trưởng kinh tế của một quốc gia là kết quả tổng hợp từ tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Từ những năm cuối thập niên 1980, nước ta thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nền kinh tế thị trường dần dần được hình thành và bắt đầu phát huy những ưu điểm của nó. Hòa mình cùng với công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đã xác định những tiềm năng và thế mạnh để tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có; ra sức phát huy những mặt tích cực đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng để cùng nhau phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính nhờ chiến lược phát triển đúng đắn, vùng ĐNB từng đạt được mức tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm, tuy nhiên trong thập niên gần đây đã giảm xuống duy trì ở mức 7 - 8%/năm. Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng, đòi hỏi phải phân tích toàn diện những nhân tố tác động. Một trong những nhân tố quan trọng đó là phát triển và ứng dụng những tiến bộ của KH&CN vào trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng. Nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của yếu tố KH&CN đối với quá trình tăng trưởng kinh tế của vùng ĐNB, tác giả đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp vĩ mô nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của Vùng trong thời gian tới.
2. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết dựa vào nguồn thông tin thứ cấp, các dữ liệu thu thập được; trên cơ sở đó sử dụng phương pháp phân tích định tính để trình bày thực trạng và đề xuất giải pháp vĩ mô về KH&CN đối với tăng trưởng kinh tế vùng ĐNB.
3. Cơ sở lý thuyết
3.1. Khái niệm về GDP, GRDP và tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm nội địa (Gross Domestic Product - GDP) là chỉ tiêu giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên phạm vi lãnh thổ của 1 nước, trong một khoảng thời gian nhất định thường là 1 năm.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (Gross Regional Domestic Product - GRDP) là chỉ tiêu giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên phạm vi của 1 tỉnh (thành phố, vùng), trong một khoảng thời gian nhất định thường là 1 năm.
Về phương pháp và nội dung tính của chỉ tiêu GDP và GRDP về cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở phạm vi tính. Chỉ tiêu GDP được tính trên phạm vi của 1 quốc gia, còn GRDP được tính trên phạm vi của 1 tỉnh (vùng, thành phố).
Tăng trưởng kinh tế phản ánh sự thay đổi quy mô kinh tế của 1 quốc gia hay 1 địa phương mà cụ thể là sản lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra. Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế được chia thành 2 loại: tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trong một thời kỳ.[1]
3.2. Kiến thức - công nghệ
Kiến thức - công nghệ là sự hiểu biết của xã hội về cách thức tốt nhất để tạo ra sản phẩm, nói cách khác là con người tìm ra phương pháp sản xuất tốt nhất trong việc sản xuất sản phẩm. Ứng dụng những thành tựu KH&CN tiên tiến vào trong hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nghiên cứu và ứng dụng những kiến thức - công nghệ tiên tiến không những gia tăng số lượng và chất lượng sản phẩm còn tạo ra những sản phẩm mới cho xã hội. Kiến thức công nghệ có nhiều hình thức; một số kiến thức - công nghệ được phổ biến rộng rãi, và một số kiến thức - công nghệ không phổ biến. Tất cả những hình thức này của kiến thức - công nghệ có vai trò quan trọng cho quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ của cả nền kinh tế.
3.3. Sơ lược về điều kiện tự nhiên Vùng Đông Nam Bộ
Vùng ĐNB có 1 thành phố trực thuộc trung ương là TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Vùng ĐNB có diện tích chiếm khoảng 7,5% diện tích cả nước (23,6 nghìn km2), với dân số chiếm khoảng 17,3% tổng dân số cả nước (15,7 triệu người). Đây là vùng đất tập trung nhiều đô thị nằm giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên là vùng giàu tài nguyên đất đai, rừng và khoáng sản. Phía Tây và Tây - Nam giáp Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có tiềm năng lớn về nông nghiệp, là vựa lúa lớn nhất nước ta; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, giàu tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt và thuận lợi xây dựng các cảng biển tạo ra đầu mối liên hệ kinh tế thương mại với các nước trong khu vực và quốc tế; phía Tây Bắc giáp với Campuchia có cửa khẩu Tây Ninh tạo mối giao lưu rộng rãi với Campuchia, Thái Lan, Lào, Mianma. Với vị trí này, vùng ĐNB là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế.
Về khí hậu, vùng ĐNB có đặc điểm của vùng khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và có sự phân hóa sâu sắc theo mùa, phù hợp với hoạt động của gió mùa. Về tài nguyên đất, trong tổng quỹ đất có 27,1% đang được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, đất chưa sử dụng chiếm 22,7% diện tích đất tự nhiên (so với cả nước là 42,98%). Về tài nguyên rừng, diện tích rừng của vùng còn khoảng 532.200 ha chiếm 2,8% diện tích rừng cả nước và phân bố không đều ở các tỉnh. Về dầu khí có trữ lượng dự báo là 4-5 tỷ tấn dầu và 485 - 500 tỷ m3 khí có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế vùng và kinh tế quốc dân. Quặng bôxit phân bố ở Bình Phước, Bình Dương, đá ốp lát phân bố ở Bình Thuận, Đồng Nai, cao lanh phân bố ở Bình Dương, Bình Phước, mỏ cát thủy tinh phân bố ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Về tài nguyên nước, có hệ thống sông Đồng Nai là 1 trong 3 con sông lớn của Việt Nam. Về tài nguyên biển, với bờ biển dài 350 km nối liền từ vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của nước ta [2]
4. Thực trang khoa học - công nghệ và tăng trưởng kinh tế Vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 1986 - 2020
4.1. Tình hình tăng trưởng kinh tế Vùng Đông Nam Bộ từ năm 1986 đến năm 2020
Cả nước bước vào thời kỳ đổi mới kinh tế, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Trong 5 năm (1986 - 1990), công cuộc đổi mới kinh tế bước đầu đã gặt hái được những thành tựu rất quan trọng như: kinh tế tăng trưởng tốt, GRDP tăng bình quân trên 7,9%/năm trong khi GDP trung bình của cả nước thời kỳ này là 4,4%. Các tỉnh ĐNB thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế lớn (lương thực, thực phẩm - hàng tiêu dùng - hàng xuất khẩu). Sản xuất phục hồi, lạm phát được kiềm chế, lao động có việc làm ngày càng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), vùng ĐNB chủ trương phát triển các địa phương giàu mạnh; tuy còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cũng có nhiều vận hội mới, thời cơ mới để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo những chuyển biến tích cực về văn hóa - xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, GRDP của vùng ĐNB năm 1991 chiếm 28,1% trên GDP cả nước; năm 1992 chiếm 30,1%; năm 1993 chiếm 31,1%; năm 1994 chiếm 31,1%; năm 1995 chiếm 28,78%. Như vậy trong 5 năm (1991 - 1995), GRDP của ĐNB tăng bình quân trên 11%. Tốc độ tăng GRDP của vùng ĐNB không chỉ cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước, mà còn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của các vùng khác. Con số thống kê tuy chưa phản ánh hết tình hình tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn cho phép nhận thấy tầm vóc quan trọng của vùng ĐNB trong cơ cấu kinh tế của cả nước, hàng năm đã tạo ra trên 30% tổng sản phẩm trong nước. Không chỉ tăng trưởng nhanh, vùng ĐNB còn là địa bàn có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 (thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, tháng 6/1991), các tỉnh ĐNB nỗ lực phát triển công nghiệp với những bước đi ban đầu táo bạo. Vùng tam giác tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hình thành với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân mỗi năm 15%, gần gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước. Đến năm 1997, khi tỉnh Bình Dương được tái lập, vùng ĐNB hình thành tứ giác tăng trưởng, làm tiền đề cho Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với mục tiêu trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển nhanh, có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn so với các vùng khác trong nước, đi đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển của Nam Bộ và góp phần thúc đẩy nền kinh tế cả nước.
Thực hiện Chiến lược lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, các tỉnh thành vùng ĐNB tiếp tục khai thác tốt lợi thế so sánh của từng địa phương, phát huy tốt môi trường phát triển kinh tế ở các trung tâm đô thị lớn, phát triển với tốc độ ngày càng mạnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng liên tục tăng nhanh từ khoảng 10% (năm 2000) đến 18% (năm 2003); tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2001 - 2003 của Vùng đạt 12%, tăng gần 2% so với thời kỳ 1996 - 2000, bằng 1,7 lần so với bình quân chung cả nước [3]. Năm 2020, GRDP của vùng ĐNB tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và gấp 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng ĐNB đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng khu vực dịch vụ vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước [4].
4.2. Thực trạng khoa học - công nghệ Vùng Đông Nam Bộ
Khoa học kỹ thuật tiến bộ, cùng trình độ công nghệ hiện đại sẽ cho phép cùng một lượng lao động và vốn có thể tạo ra sản lượng cao hơn, hay nói cách khác quá trình sản xuất có hiệu quả hơn. Song song với sự phát triển KH&CN của cả nước, lực lượng trí thức của vùng ĐNB ngày càng phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.
Tính đến tháng 6/2022, toàn Vùng có 57 cơ sở giáo dục đại học (tăng 10 cơ sở giáo dục đại học so với năm học 2010-2011) và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 16% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của toàn quốc). Đến năm 2021, có 5980 tiến sĩ, 14561 thạc sĩ đang công tác trong các trường cơ sở giáo dục, số lượng sinh viên đại học của Vùng là 651.727 sinh viên, (đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, sau vùng đồng bằng sông Hồng). Với tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng 30,3%, đứng thứ 2 toàn quốc chỉ đứng sau vùng đồng bằng sông Hồng (40,9%), vùng Đông Nam Bộ ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.[5] Vùng ĐNB có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đứng thứ hai trong cả nước, tuy vậy còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiện nay, phần lớn đội ngũ các nhà khoa học - kỹ thuật lại tập trung sinh sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh.
Từ sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền các tỉnh về phát triển KH&CN, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các địa phương trong Vùng đã có sự phát triển rõ nét. Cụ thể nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tạo ra quy trình kỹ thuật sản xuất mới, công nghệ mới, có năng suất cao, nhiều loại giống cây con và sản phẩm mới được chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Theo Báo cáo tại Hội nghị giao ban KHCN vùng Đông Nam bộ, trong giai đoạn 2017 - 2019, có 682 nhiệm vụ KHCN được triển khai trên tất cả lĩnh vực: Khoa học tự nhiên (28%), khoa học kỹ thuật và công nghệ (28%), khoa học nông nghiệp (26,5%), khoa học y dược (5,9%), khoa học xã hội (6,5%) và khoa học nhân văn (5,1%). Kinh phí dành cho lĩnh vực này chiếm 65 - 70% kinh phí sự nghiệp KHCN của các địa phương [6]
Ngoài việc quan tâm tới nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu, tính ứng dụng thực tế, các địa phương đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất. Những thành công trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN của các tỉnh, cùng với các hoạt động liên kết, hợp tác về KH&CN của các địa phương trong vùng đã góp phần làm cho chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện theo hướng bền vững và ổn định.
Đội ngũ cán bộ KH&CN của các tỉnh trong vùng trong thời gian qua góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế của vùng ĐNB. Hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của vùng Đông Nam Bộ cao hơn so với nhiều vùng kinh tế khác ở Việt Nam, nhưng nhìn chung vai trò của sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đời sống xã hội còn hạn chế, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.[7] Nhìn chung, liên kết vùng về hoạt động KH&CN giữa các địa phương vùng ĐNB còn mang tính hình thức, chưa có cơ quan điều phối quản lý, chưa có sự gắn kết, đặc biệt là thiếu cơ chế chỉ đạo, sự chia sẻ đồng bộ, đã làm cho các cam kết trở lên mờ nhạt khi thực thi.[8]
5. Giải pháp chính sách về khoa học - công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế Vùng Đông Nam Bộ [9]
Thứ nhất, cần tạo ra được động lực cho sự phát triển của KH&CN. Động lực phát triển KH&CN không phải chỉ tập trung ở hoạt động nghiên cứu khoa học mà nó phải diễn ra trên hai lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và ứng dụng sản xuất. Do vậy, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐNB cần phải có những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đầu tư cho khoa học, xem KH&CN là yếu tố sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, mới có thể đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN, các nhà khoa học mới có cơ hội để phát huy triệt để năng lực của mình.
Thứ hai, cần tạo nguồn lực tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ mới. Nguồn lực tài chính là điều kiện tiên quyết để phát triển KH&CN. Thực tế tại nhiều nước cho thấy, nguồn lực tài chính phát triển KH&CN thường được huy động từ hai phía: nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Về đầu tư từ ngân sách nhà nước, Luật KH&CN khẳng định rõ mức chi ngân sách hàng năm cho KH&CN từ 2% trở lên và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Do đó, trong thời gian tới, các tỉnh thành trong vùng ĐNB cần cân đối bổ sung ngân sách từ địa phương để đảm bảo tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN. Bộ KH&CN sẽ cần tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức chuyên môn trong vùng; hình thành một số viện, trung tâm nghiên cứu ứng dụng cấp vùng, nhằm giải quyết các vấn đề lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất của Vùng
Thứ ba, cần xây dựng các chương trình liên kết, hợp tác giữa các Sở KH&CN của các tỉnh, thành vùng ĐNB trong việc nghiên cứu và phát triển sản xuất một số sản phẩm chủ lực, trọng điểm của vùng; xác định rõ vai trò, vị thế của KH&CN trong từng công đoạn sản phẩm. Các sở KH&CN của các tỉnh thành liên kết, hợp tác và hỗ trợ nhau triển khai, thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp vùng, cấp quốc gia. Thúc đẩy ứng dụng nhanh chóng các thành tựu KH&CN đã đạt được vào trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội.
Thứ tư, tận dụng xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nhằm mở rộng quan hệ quốc tế về KH&CN. Nếu không thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác và trao đổi quốc tế về hoạt động nghiên cứu - triển khai thì không thể tiếp nhận được KH&CN tiên tiến của nhân loại. Các tỉnh thành vùng ĐNB cần coi trọng quan hệ hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của các hội khoa học kỹ thuật trong vùng. Cần ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác đầu tư nước ngoài vào phát triển KH&CN; cho phép nhập khẩu và tiếp nhận chuyển giao những công nghệ tiên tiến phù hợp với định hướng phát triển của Vùng.
Thứ năm, lãnh đạo các địa phương cần xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn nhằm tăng cường nguồn nhân lực KH&CN về số lượng và chất lượng; đẩy nhanh việc đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ khoa học giỏi để làm nòng cốt cho các ngành trọng yếu và các ngành đòi hỏi công nghệ cao của tỉnh; cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong các cơ sở nghiên cứu, các trường học và các cơ sở kinh doanh; mở rộng và phát triển hơn nữa thị trường nhân lực chất lượng cao. Cần mạnh dạn bố trí và phân công các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, có năng lực vào các vị trí phù hợp với chuyên môn, ngành nghề đào tạo của họ.
6. Kết luận
Trong những năm gần đây, kinh tế vùng ĐNB đã có những thay đổi và chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên mức trung bình của cả nước. Hầu hết các lĩnh vực như giao thông vận tải, y tế, giáo dục, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế… đều có những tiến bộ đáng kể, mức sống của người dân trong Vùng được nâng cao, đời sống tinh thần được cải thiện. Những thành quả đạt được của vùng ĐNB là kết quả của nhiều yếu tố cấu thành, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các tỉnh thành trong vùng là yếu tố quan trọng nhất không thể thiếu. Đảng bộ và chính quyền các địa phương đã vận dụng linh hoạt, đúng đắn các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN. Trong các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, yếu tố KH&CN giữ vai trò rất quan trọng trong điều kiện nguồn lực của xã hội có giới hạn. Vì vậy, việc đề xuất các giải pháp vĩ mô và triển khai thực hiện các giải pháp đó nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng bộ và chính quyền của các tỉnh, thành vùng ĐNB hiện nay và trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Như Ý, Trần Thị Bích Dung (2017). Kinh tế Vĩ mô. Hà Nội: NXB Thống kê.
- Báo Dân tộc và Miền núi (2017). Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên Vùng Đông Nam Bộ. Truy cập tại https://dantocmiennui.vn/vi-tri-dia-ly-dieu-kien-tu-nhien-vung-dong-nam-bo/130930.html
- Nguyễn Văn Hiệp (2015). Miền Đông Nam Bộ - bảy mươi năm từ “gian lao mà anh dũng” đến hành trình thành động lực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm (1945 - 2015). Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 4(23)
- Phạm Tùng (2023). Đông Nam Bộ, vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Truy cập tại https://baodongnai.com.vn/dongnambo/202301/dong-nam-bo-vung-dong-luc-tang-truong-lon-nhat-ca-nuoc-3153748/
- Mộc Trà (2023). Giáo dục Đông Nam Bộ đặt mục tiêu không hạn chế sự phát triển của trường tư thục. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Truy cập tại https://giaoduc.net.vn/giao-duc-dong-nam-bo-dat-muc-tieu-khong-han-che-su-phat-trien-cua-truong-tu-thuc-post234510.gd.
- Ngọc Trang (2019). Hoạt động khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2017 - 2019. Cổng thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương. Truy cập tại http://khcnbinhduong.gov.vn/New/hoat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe-vung-dong-nam-bo-giai-doan-2017-2019-2372.
- L. Mỹ (2023). Kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Vẫn tồn tại những điểm nghẽn. Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp. Truy cập tại https://diendandoanhnghiep.vn/kinh-te-vung-dong-nam-bo-van-ton-tai-nhung-diem-nghen-240353.html
- Phạm Xuân Đà, Trần Hà Hoàng Việt, Huỳnh Văn Tùng (2018). Thực trạng và giải pháp thúc đẩy liên kết hoạt động khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ. Diễn đàn Khoa học Công nghệ. Truy cập tại file:///C:/Users/DELL/Downloads/36048-Article%20Text-116384-1-10-20180719%20(1).pdf.
- An Hạ (2022). Khoa học, công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam. Truy cập tại https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/khoa-hoc-cong-nghe-thuc-day-doi-moi-sang-tao-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ben-vung.html
THE ROLE OF SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL DEVELOPMENT IN THE ECONOMIC GROWTH OF THE SOUTHEAST REGION: THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
Master. Tran Ba Tho
University of Economics Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
Economic growth is the most important goal for a country. High and stable economic growth is a prerequisite for promoting the development of the country and its localities in all aspects. Economic growth is the combined result of many factors, of which science and technology factors play an important role in economic development. This paper presents the current situation of scientific and technological development in the Southeast region of Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to promote the Southeast region’s scientific and technological development in order to help the region achieve its sustainable economic growth goal and create a driving force for the region to become a leading economic development area of Vietnam.
Keywords: Southeast region, economic growth, scientific and technological development, solutions.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]