Chính vì thế chương trình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Phong – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hoá
PV: Năm 2023, chương trình khuyến công ưu tiên những đối tượng nào được thụ hưởng nguồn vốn? Chính sách khuyến công đem lại hiệu quả thế nào cho đơn vị thụ hưởng?
Ông Hoàng Xuân Phong: Bước vào năm 2023, trước thực trạng nền kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao, nên các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhiều gặp khó khăn trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm có thị trường xuất khẩu. Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hoá đã chủ động rà soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc áp dụng các cơ chế chính sách khuyến công để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất….
Hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản đang được Trung tâm ưu tiên hỗ trợ xây dựng theo đề án điểm, giai đoạn 2023 – 2025. Trong năm đầu thực hiện đề án điểm, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã chủ động tập trung các nguồn lực kinh tế để phối hợp chặt chẽ với chương trình khuyến công đã triển khai hoàn thành tốt các đề án khuyến công, đã đem lại hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc tiến tiến, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp.
PV: Kết quả hoạt động công tác Khuyến công của Trung tâm trong thời gian qua? Hoạt động nào nổi bật nhất? Định hướng hoạt động Khuyến công trong thời gian tới?
Ông Hoàng Xuân Phong: Chương trình khuyến công trong thời gian qua đã góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động dư thừa trên địa bàn sinh sống của người dân, tạo nhiều việc làm mới trên địa bàn nông thôn; góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn; góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Thông qua hoạt động khuyến công, đã tác động tích cực đến cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm nhân công lao động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chú trọng, quan tâm hơn đến các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tìm kiếm thị thường tiêu thụ. Từ đó xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh điển hình trong tỉnh để giới thiệu và nhân rộng.
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện đề án điểm giai đoạn 2023 - 2025 trong lĩnh vực chế biến lâm sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Các cơ sở CNNT đăng ký các nội dung thụ hưởng chương trình khuyến công đã chủ động đầu tư có hiệu quả, tạo ra hiệu ứng tích cực, bước đầu đã cho các đơn vị liên kết đầu tư, quy hoạch nguồn nguyên liệu, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng tại địa phương.
Bên cạnh đó, trong các nội dung của chương trình khuyến công thì hoạt động về lĩnh vực chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ ứng dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ để sản xuất sản phẩm đang được ưu tiên hỗ trợ, phù hợp với chiến lược đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn tới, Trung tâm tiếp tục đồng hành phối hợp với các cơ sở công nghiệp nông thôn triển khai thành công đề án điểm về lĩnh vực chế biến lâm sản, giai đoạn 2023 - 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Ngoài ra, Trung tâm nghiên cứu xây dựng các đề án nhóm, có trọng tâm, trọng điểm; nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu có trữ lượng đồi dào, phong phú về chủng loại của từng địa phương; phát huy lợi thế của địa phương, tạo đòn bẩy kích cầu cho doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ.
PV: Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã đồng hành cùng các đơn vị thu hưởng đề án ra sao?
Ông Hoàng Xuân Phong: Qua theo dõi kiểm tra, tư vấn hỗ trợ cho các đơn vị thụ hưởng, Trung tâm đánh giá quá trình thực hiện đề án khuyến công trong thời gian qua, các cơ sở công nghiệp nông thôn bước đầu đã tiếp thu ứng dụng chuyển giao công nghệ, vận hành máy móc thiết bị tiên tiến rất thuần thục, thuận lợi, đem lại những hiệu ứng tích cực, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Các máy móc thiết bị đầu tư đáp ứng được các tiêu chí của chương trình như: Hoạt động ổn định, tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, … đã tạo ra nhiều công ăn việc làm ổn định cho người lao động nông thôn, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng thu ngân sách địa phương.
Ngoài ra, Trung tâm cũng chủ động xây dưng các chương trình xúc tiến thương mại nội địa cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia; tham gia các phiên chợ kết nối cung cầu và các hội nghị giao thương; hợp tác ký hợp đồng cung cấp nguồn nguyên liệu thô, hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh và cả nước... Nhằm giúp cho các doanh nghiệp liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ; học tập, trao đổi kinh nghiệm, tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương để cùng phát triển bền vững.
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên là cả một quá trình phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương; rà soát, kiểm tra, tư vấn hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng các đề án khuyến công; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, tiến hành nghiệm thu đề án; triển khai thực hiện.
Trung tâm phân công từng cán bộ chuyên môn, bám sát từng đề án, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thụ hưởng để triển khai thành công các đề án khuyến công; từ bước khảo sát xây dựng đề án đến khi vận hành sản xuất ổn định và liên tục cập nhật thông tin, đồng hành cùng đơn vị, đánh giá hiệu quả của chương trình khuyến công đối với đơn vị, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về sản xuất, về bao tiêu sản phẩm trong thời gian tiếp theo sau chương trình.