Theo số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2019 đạt hơn 43 tỷ USD, cao nhất so với các tháng đầu năm của nhiều năm gần đây.
So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 cao hơn hơn gần 2,9 tỷ USD. Và kết quả trong tháng đầu năm 2019 còn cao gần gấp đôi so với mức bình quân khoảng 23 tỷ USD/tháng của cả giai đoạn 2012-2018.
Ngoài kỷ lục về kim ngạch, từ dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan còn cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc của hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Trong tháng, khối doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng tới 1,92 tỷ USD, trong khi đó khối doanh nghiệp FDI chỉ tăng 973 triệu USD.
Nếu 15 ngày đầu tháng 1, cả nước thâm hụt gần 1 tỷ USD nhưng nhờ sự bứt phá trong những ngày cuối tháng cán cân thương mại được đưa trở về quy đạo xuất siêu lớn được duy trì từ năm 2018 với con số thặng dư tới 816 triệu USD chỉ trong tháng 1.
Về xuất khẩu, tháng 1, tổng trị giá xuất khẩu đạt 22,07 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD so với tháng 1/2018. Trong đó, có 3 nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là hàng dệt may tăng 810 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 415 triệu USD; giày dép các loại tăng 351 triệu USD. Cả 3 nhóm hàng này nằm trong câu lạc bộ có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019.
Trong tháng 1/2019, tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt 22,07 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD so với tháng 1/2018. Trong đó, có 3 nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là hàng dệt may tăng 810 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 415 triệu USD; giày dép các loại tăng 351 triệu USD. Cả 3 nhóm hàng này nằm trong câu lạc bộ có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019.
Về nhập khẩu, tổng trị giá đạt 21,26 tỷ USD, tăng 1,09 tỷ USD so với tháng 1/2018. Trong đó kim ngạch tăng mạnh ở các nhóm hàng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 522 triệu USD; dầu thô tăng 390 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 256 triệu USD; than các loại tăng 205 triệu USD…