Kinh nghiệm phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở một số quốc gia và đề xuất thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam

Đề tài Kinh nghiệm phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở một số quốc gia và đề xuất thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam do ThS. Lê Duy (Trường Đại học Thương mại) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, sự phát triển của thị trường trái phiếu dán nhãn, trái phiếu xanh được biết đến như là một công cụ hữu hiệu để huy động vốn cho các dự án về môi trường và góp phần hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới. Dựa trên việc phân tích thực trạng phát triển thị trường trái phiếu xanh ở một số nền kinh tế trên thế giới và tại Việt Nam,  tác giả đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam, bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam, tăng cường các biện pháp hỗ trợ đầu tư cho khu vực tư nhân và các giải pháp tăng tính minh bạch trên thị trường.

Từ khóa: trái phiếu xanh, phát triển bền vững, kinh nghiệm quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu luôn được xem là vấn đề cấp bách, có tác động tới sự phát triển và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Với mục đích huy động vốn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua các thị trường vốn quốc tế, trái phiếu xanh được chính phủ và các tổ chức tư nhân phát hành để huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích cho môi trường và xã hội. Trái phiếu xanh có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, là một công cụ đa năng cho tổ chức phát hành và dễ dàng sử dụng cho các nhà đầu tư. Tác giả nhận thấy việc thực hiện các nghiên cứu về trái phiếu xanh là cần thiết.

2. Kinh nghiệm phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở một số quốc gia

Thị trường trái phiếu xanh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Singapore... Trái phiếu xanh đã được phát hành với mục tiêu tập trung vào các ngành, lĩnh vực liên quan đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu như: giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lí nước, rác thải.

2.1. Tại Nhật Bản

Tính đến cuối năm 2020, về cơ cấu tổ chức phát hành, các công ty tài chính và các tổ chức được chính phủ bảo lãnh (Cơ quan Tài chính Nhà ở Nhật Bản, Cơ quan Công nghệ, Vận tải và Xây dựng đường sắt Nhật Bản) dẫn đầu về phát hành trái phiếu xanh ở Nhật Bản, với thị phần lần lượt là 32% (3,4 tỷ USD) và 29% (3 tỷ USD), sau đó là các doanh nghiệp phi tài chính với 26% (2,8 tỷ USD), còn lại là các ngân hàng phát triển, chính quyền địa phương... (Hình 1)

trái phiếu xanh

 

Về mục đích sử dụng nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh, Nhật Bản chủ yếu phân bổ vào các tòa nhà, xây dựng cơ sở hạ tầng (35%); giao thông vận tải (29%) và năng lượng (28%) có thị phần tương đương nhau. Về cơ chế chính sách, năm 2020, Nhật Bản đã có cam kết không phát thải ròng tới năm 2050. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đưa ra Chiến lược Tăng trưởng xanh vào tháng 12/2020, đặt ra kế hoạch hành động cho 14 lĩnh vực ưu tiên với mục tiêu thúc đẩy sản xuất điện xanh. Kế hoạch bao gồm việc phát triển khí hydro như một nguồn năng lượng và mở rộng sản xuất điện gió để tạo ra tăng trưởng xanh hàng năm với trị giá khoảng 2.000 tỷ USD.

2.2. Tại Trung Quốc

Trung Quốc đã xây dựng và đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính xanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển trái phiếu xanh và trở thành quốc gia có thị trường trái phiếu xanh lớn thứ hai thế giới (CBI, 2021). 

Mặc dù tương đối non trẻ so với đối tác ở Liên minh châu Âu (EU), nơi Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên trên thế giới - trái phiếu nhận thức về khí hậu vào năm 2007, nhưng thị trường trái phiếu xanh của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trong vài năm qua. Năm 2016, Trung Quốc trở thành một trong những nhà phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới với giá trị phát hành trái phiếu xanh là 37 tỉ USD chiếm đến 40% giá trị phát hành trái phiếu xanh toàn cầu. Và việc phát hành ra thị trường trong nước và quốc tế lên tới 109,5 tỉ USD trái phiếu xanh trong năm 2021 đã giúp tái khẳng định Trung Quốc là thị trường trái phiếu xanh lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. (Hình 2)

trái phiếu xanh

 

Tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường trái phiếu xanh nhanh như trên đã góp phần đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, vận tải và bảo vệ môi trường, mở đường cho quá trình chuyển đổi của Trung Quốc sang nền kinh tế xanh, ít carbon. Các nhóm chủ thể phát hành cũng ngày càng chú trọng mở rộng quy mô thị trường, tăng lượng trái phiếu xanh phát hành. Đặc biệt, năm 2021, giá trị phát hành trái phiếu xanh từ các công ty tài chính tăng 237% so với năm 2020 lên 24 tỉ USD, đóng góp 35% cho tổng lượng phát hành trái phiếu xanh. Các doanh nghiệp phi tài chính cũng tham gia mạnh mẽ vào thị trường với giá trị phát hành tăng 482% so với năm 2020 đạt mức 31,2 tỉ USD, chiếm gần một nửa (46%) khối lượng trái phiếu xanh của Trung Quốc.

Để đạt được kết quả trên, Trung Quốc đã triển khai thực hiện các biện pháp chủ đạo sau:

- Xây dựng hành lang pháp lí. Ngày 22/12/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ban hành Chỉ thị về trái phiếu tài chính xanh, trong đó quy định các nội dung sau: Khái niệm trái phiếu xanh, danh sách các ngành tài trợ cho trái phiếu xanh, đối tượng được phép phát hành trái phiếu xanh, thủ tục xin cấp trái phiếu xanh, đợt phát hành

- Ban hành danh sách các dự án được tài trợ bằng trái phiếu xanh - thiết lập các tiêu chuẩn để các dự án, ngành và lĩnh vực xem xét tài trợ bằng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với chính sách môi trường của Trung Quốc.

- Thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh. Đặc biệt, PBoC đã chấp thuận cho các tổ chức tài chính sử dụng trái phiếu xanh làm tài sản thế chấp để được hưởng các khoản vay lãi suất thấp từ ngân hàng trung ương.

4. Thực trạng trái phiếu xanh tại Việt Nam

4.1. Các nguyên tắc và tiêu chuẩn cho trái phiếu xanh tại Việt Nam

Ngày 4/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đây được coi là khung pháp lý đầu tiên cho trái phiếu xanh tại Việt Nam và cung cấp đòn bẩy để khuyến khích đầu tư hơn nữa vào các dự án xanh trong khu vực tư nhân.

Ngày 31/12/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP) đã quy định thêm về chào bán riêng lẻ và kinh doanh trái phiếu DN tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng chính thức công nhận trái phiếu xanh như một công cụ kinh tế quan trọng đối với bảo vệ môi trường.

Trái phiếu xanh tại Việt Nam được phát hành dựa trên các Tiêu chuẩn trái phiếu xanh của ASEAN (AGBS) và dựa trên các Nguyên tắc Trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam (UBCKNN, 2021).

4.2. Số lượng và giá trị trái phiếu xanh được phát hành tại Việt Nam

So với các nước khác trên thế giới, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được triển khai chậm hơn. Tính đến tháng 10/2022, Việt Nam mới phát hành được 5 đợt trái phiếu xanh với tổng giá trị khá khiêm tốn ở mức 200 triệu USD. Phần lớn số tiền thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành được Việt Nam quan tâm chính, bên cạnh lĩnh vực nước, rác thải và nông nghiệp (MOF, 2021).

Bức tranh tổng thể về thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được đánh giá hiện đang ở dạng sơ khai, chưa phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn, đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung về trái phiếu xanh còn rất nhiều hạn chế.

Xét về mặt cơ cấu, trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là trái phiếu chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án xanh, gần như hệ thống các DN tham gia phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn chưa nhiều.

5. Một số đề xuất thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam

5.1. Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam

Thứ nhất, Việt Nam cần kịp thời ban hành những văn bản pháp luật chuyên biệt về trái phiếu xanh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, nhà đầu tư tham gia thị trường. Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu xây dựng Nghị định về trái phiếu xanh, bộ tiêu chuẩn xanh, kiểm soát công bố thông tin, sử dụng vốn, giám sát dự án, cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát thị trường. Bộ Tài chính cần đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: (i) Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); (ii) Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; (iii) Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; (iv) Các chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành. Thứ hai, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền, tránh việc chồng chéo các mục tiêu và nhiệm vụ được ưu tiên có thể dẫn đến làm mất tác dụng đối với các chính sách huy động vốn xanh qua hình thức trái phiếu xanh.

5.2. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ đầu tư cho khu vực tư nhân

Theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, hạn mức vay nợ ngân sách do Bộ Tài chính và Quốc hội phê duyệt hàng năm khá hạn hẹp. Bên cạnh phát hành trái phiếu xanh trong khuôn khổ hạn mức ngân sách được Bộ Tài chính và Quốc hội phê duyệt hàng năm, tác giả kiến nghị xem xét cho phép các địa phương được phát hành trái phiếu xanh đảm bảo và trái phiếu chính quyền địa phương xanh không thuộc hạn mức huy động vốn của tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cho các chương trình, dự án sản xuất - kinh doanh của tư nhân gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng đảm bảo lãi suất ưu đãi so với lãi suất thị trường, phù hợp với hoạt động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm.

5.3. Các giải pháp tăng tính minh bạch trên thị trường

Việt Nam có thể tham khảo áp dụng và triển khai các phương án trong gói Hỗ trợ Kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á cho ASEAN (giai đoạn 2020-2022), như là lộ trình quảng bá phát hành trái phiếu xanh, sử dụng kết quả đánh giá Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN... Tăng cường các biện pháp tuyên truyền để thu hút các nhà đầu tư, các công ty niêm yết đối với các chương trình phát triển bền vững. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các chủ thể về vấn đề bảo vệ môi trường. Khi các chủ thể trong nền kinh tế quan tâm đến môi trường sẽ tạo ra được những cải cách lớn trong nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng để phát triển các công cụ huy động vốn xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Văn Sơn (2009). Phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam. NXB Tài chính, trang 113, 114.
  2. Minh Châu (2019). Trái phiếu xanh: Thuận lợi và khó khăn để phát triển ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 24/2019.
  3. Amanda Giorgi and Carlotta Michett (2021). Japan Green Finance State of the Market 2020. Climate Bonds Initiative, March 2021, page 1-5.
  4. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (2021), Sổ tay phát hành Trái phiếu xanh, Trái phiếu xã hội và Trái phiếu bền vững. Truy cập tại <https://asianbondsonline.adb.org/green-bonds/pdf/How%20to%20Issue%20Guide%20Vietnamese%20FINAL%20PRINT.pdf>

Experience of some countries in sustainably developing the green bond market and solutions for Vietnam

Master.Le Duy

Thuongmai University

Abtracts

In recent years, labeled bond and green bond have become known as an effective tool to mobilize capital for environmental projects and contribute to supporting sustainable goals of many countries around the world. By analyzing the current development of green bond markets in some countries and in Vietnam, this paper proposed some groups of solutions to sustainably develop the green bond market in Vietnam, including improving the green bond market’s legal framework, strenthening investment supports for the private sector, and promoting the market’s transparency.

Keywords: green bonds, sustainable development, international experience.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12 năm 2023]

Tạp chí Công Thương