Trong năm 2023, điều kiện tình hình kinh tế của thế giới và đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa, nhưng ngành Công Thương Yên Bái đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng của tỉnh.
Nỗ lực vượt khó, duy trì đà phát triển
Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Công Thương về những kết quả nổi bật đạt được của ngành Công Thương tỉnh Yên Bái trong năm 2023, ông Vũ Vinh Quang - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh - Bí thư Đảng uỷ - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: Năm 2023 là năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động của cấp ủy một cách toàn diện, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh và của Đảng ủy cấp trên và phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên nhìn chung tình hình phát triển công nghiệp, thương mại trong tỉnh vẫn được duy trì ổn định, chất lượng công tác quản lý nhà nước của Sở Công Thương tỉnh Yên Bái được nâng lên đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng cao của tỉnh.
Cụ thể, kết quả chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2023 đạt 16.920 tỷ đồng, vượt 0,1% kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng.
Bên cạnh đó, tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 25.825,8 tỷ đồng, vượt 1,4% kế hoạch, tăng 13% so cùng kỳ. Trong đó riêng doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.285,5 tỷ đồng vượt 14,3% kế hoạch, tăng 30,6% so với cùng kỳ.
Đồng thời, giá trị xuất khẩu năm 2023 ước đạt 355 triệu USD, vượt 1,4% kế hoạch, tăng 19% so cùng kỳ (tương đương 57,7 triệu USD). Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng hàng hóa bảo đảm đáp ứng yêu cầu các thị trường.
10 sự kiện nổi bật trong năm 2023
Thông qua việc đánh giá tổng kết, kết quả đạt được và việc nhận diện những khó khăn, thách thức trong năm 2023, ngành Công Thương Yên Bái đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo như:
Thứ nhất, tham mưu ban hành quy hoạch, các chương trình, kế hoạch, đề án… của tỉnh tạo cơ sở, căn cứ để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng nhanh, bền vững: Trong năm 2023, ngành Công Thương Yên Bái đã hoàn thành 03 chuyên đề quy hoạch ngành; đề án, phương án phát triển khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023. Tham mưu ban hành Chương trình hành động số 158-CTr/TU ngày 14/5/2023 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái…Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn.
Thứ hai, mời gọi, hướng dẫn và thu hút thành công nhà đầu tư thực hiện Cụm công nghiệp Phú thịnh 3, thành lập Cụm công nghiệp Phú Thịnh 3: Tiếp tục củng cố, phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Đến nay, đã thành lập mới 03 cụm công nghiệp (Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3 với tổng diện tích 225 ha). Thu hút 08 dự án đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp, tổng số vốn đăng ký là 525,6 tỷ đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích được quy hoạch 773,78 ha, thu hút 55 dự án đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp, tổng số vốn đăng ký là 3.717 tỷ đồng; 42 dự án đã đi vào sản xuất, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 40,4%.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính: Chỉ đạo xây dựng kế hoạch cải cách hành chính và rà soát thủ tục hành chính năm 2023, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả Hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp, hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ công, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Thực hiện tiếp nhận và trả kết quả 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Yên Bái đúng và trước thời hạn. Trong năm 2023, Sở Công Thương đã tiếp nhận 26.951 hồ sơ (tiếp nhận trực tuyến 26.900 hồ sơ; tiếp nhận trực tiếp 22 hồ sơ; từ kỳ trước chuyển sang 29 hồ sơ); đã giải quyết 26.920 hồ sơ (trước hạn 21.183 hồ sơ; đúng hạn 5.737 hồ sơ); đang giải quyết đúng hạn 31 hồ sơ.
Thứ tư, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm: Ngành Công Thương Yên Bái đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập tổ công tác, tổ giúp việc tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mặc trong quá trình triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh; tổ chức các đoàn khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu; thành lập đoàn công tác đi nắm tình hình sản xuất kinh doanh và việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong đầu tư, quản lý vận hành của các nhà máy thủy điện trên địa bàn.
Đồng thời, chủ trì tổ chức 03 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như xuất nhập khẩu; cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản và các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các Hiệp định FTA theo ngành hàng, thị trường cụ thể. Việc tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do tiếp tục là điểm sáng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh PCI của tỉnh. Tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền về các Hiệp định FTA theo chuyên ngành gỗ tại huyện Yên Bình và chuyên ngành quế tại huyện Văn Yên. Hướng dẫn, định hướng giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược kinh doanh của từng thị trường, từng ngành, nhóm hàng.
Thứ năm, công tác quản lý về điện lực, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tăng cường: Tham mưu với UBND tỉnh đề xuất danh mục các dự án phát triển nguồn điện trên địa bàn tỉnh Yên Bái vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Thực hiện cung ứng điện đảm bảo chất lượng, ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt; Tuyền truyền, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại thông qua Triển khai thực hiện mô hình thí điểm Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt năm 2023: Phối hợp với UBND thành phố Yên Bái, Viettel Yên Bái, UBND xã Giới Phiên, Ban Quản lý chợ thành phố Yên Bái và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện thí điểm mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Bến Đò năm 2023.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Viettel Yên Bái và đơn vị liên quan đã hoàn thành triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0 tại 15 chợ trên địa bàn thành phố và trung tâm các huyện, thị, để hoạt động của chợ hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán góp phần nâng cao hiệu quả nhiệm vụ công tác chuyển đổi số của ngành Công Thương.
Thứ bảy, tiếp tục đưa sản phẩm, hàng hóa của tỉnh tham gia trưng bày tại Hội chợ triển lãm quốc tế sau 02 năm giãn hoãn do dịch Covid-19 như: Tại Triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7 và Hội chợ Xuất Nhập khẩu (Côn Minh) Trung Quốc lần thứ 27; Tổ chức 02 gian hàng của tỉnh Yên Bái để trưng bày, tuyên truyền giới thiệu quảng bá về các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh.
Thứ tám, tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, khảo sát, kết nối mở rộng thị trường trong và ngoài nước: Tổ chức Hội chợ Xuân - OCOP, đặc sản các vùng miền năm 2023 tại sân Trung tâm Hội nghị tỉnh tạo các cơ hội xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trên 20 Hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu, kết nối giao thương; 19 hội chợ, triển lãm; tổ chức tham gia Hội chợ tại thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh; Tuần hàng giới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản tỉnh Yên Bái tại hệ thống siêu thị Big C Hà Nội (đưa 20 gian hàng của các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm sảnh của Siêu thị BigC Hà Nội, duy trì các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C).
Thứ chín, đẩy mạnh kết nối với các thương vụ, các tổ chức XTTM trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp: Tổ chức gian hàng tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 32 (Vietnam Expo 2023); phối hợp với các thương vụ, phòng thương mại và công nghiệp các nước kết nối giới thiệu sản phẩm của tỉnh sang thị trường Campuchia, Hoa Kỳ…
Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và xúc tiến thương mại năm 2023". Kết nối thông qua các Tham tán, Thương vụ của Việt Nam tại các quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các địa phương tỉnh Tây Bắc và một số tỉnh phía Bắc, đại diện các nhà cung cấp, Tổng công ty và doanh nghiệp.
Phối hợp với Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại các nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka tổ chức Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp tỉnh Yên Bái và các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài năm 2023.
Thứ mười, quan tâm triển khai các hoạt động an sinh xã hội: Tổ chức tuyền truyền, vận động các doanh nghiệp, các hộ dân khu vực chưa có điện lưới quốc gia thực hiện hiến đất, hiến cây, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án điện. Trong năm 2023 đã triển khai thực hiện được 02 mô hình, cách làm hay để hỗ trợ các xã vùng cao đầu tư cấp điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong học đường với nguồn kinh phí xã hội hóa trên 3,15 tỷ đồng, trong đó: Xây dựng mô hình chiếu sáng học đường hiệu xuất cao, tiết kiệm điện (02 mô hình trường học ở Bản Mù, huyện Trạm Tấu và Xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên); đầu tư cấp điện, hỗ trợ giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho 67 hộ dân thôn Mảm 2, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.