Kinh nghiệm quản lý kiểm tra sau thông quan của một số nước trên thế giới và bài học cho Hải quan Việt Nam

HOÀNG TRUNG DŨNG (Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan)

TÓM TẮT:

Nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) được hình thành và hoàn thiện dần cùng việc hình thành và hoàn thiện khoa học về quản lý rủi ro trong hoạt động của cơ quan hải quan. Đến nay, tại nhiều nước, cơ quan hải quan đã áp dụng biện pháp KTSTQ trong quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn quản lý KTSTQ của một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,… có vai trò rất quan trọng trong việc vận dụng vào công tác quản lý KTSTQ tại Việt Nam.

Từ khóa: Tổng cục Hải quan, kiểm tra sau thông quan, xuất khẩu, nhập khẩu.

I. Mô hình kiểm tra sau thông quan tổng quát

1. Khái niệm

Mô hình kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là một mô hình nghiệp vụ hải quan, nằm trong hệ thống nghiệp vụ chung, được thực thi sau khi hàng hóa đã được thông quan nhằm đảm bảo tính chính xác và trung thực của nội dung khai báo hải quan và tính tuân thủ các quy định pháp luật hải quan của đối tượng kiểm tra.

Theo Tổ chức Hải quan Thế giới, KTSTQ là quy trình nghiệp vụ cho phép công chức hải quan kiểm tra tính chính xác của hoạt động khai hải quan bằng việc kiểm tra các hồ sơ, tài liệu ghi chép về kế toán và thương mại liên quan đến hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa và tất cả các số liệu, thông tin, bằng chứng khác cho cơ quan Hải quan mà hiện tại đang được các đối tượng kiểm tra (cá nhân hoặc doanh nghiệp) trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động buôn bán quốc tế nắm giữ.

Theo Công ước Kyoto sửa đổi, bổ sung tháng 9/1999, kiểm tra trên cơ sở kiểm toán là các biện pháp được tiến hành nhằm thỏa mãn mục đích của họ trong việc xác định tính chính xác và trung thực của các tờ khai hàng hóa thông qua kiểm tra các chứng từ, biên bản, hệ thống kinh tế và dữ liệu thương mại của các bên liên quan.

Theo Hải quan ASEAN, KTSTQ là một biện pháp kiểm soát hải quan có hệ thống mà thấy thỏa đáng về độ chính xác và trung thực của việc khai báo hải quan thông qua việc kiểm tra sổ sách, hồ sơ có liên quan, hệ thống kinh doanh và dữ liệu thương mại của các cá nhân/các công ty tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào thương mại quốc tế.

Theo Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung năm 2005 của Việt Nam, KTSTQ là hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan nhằm: Thẩm định tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ mà chủ hàng, người được chủ hàng ủy quyền, tổ chức, cá nhân trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu đó khai, nộp, xuất trình với cơ quan Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đó được thông quan; thẩm định việc tuân thủ pháp luật trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Như vậy, về mặt pháp lý ở hầu hết các nước, các tổ chức liên quan đến hải quan đều coi KTSTQ là một khâu nghiệp vụ của cơ quan Hải quan. KTSTQ không phải là một lĩnh vực khoa học riêng biệt mà là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Hải quan trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học của các ngành khoa học khác như kiểm toán, xác suất thống kê, QLRR, điều tra, giám định.

Hoạt động KTSTQ được thực hiện nhằm đạt được năm mục tiêu chủ yếu sau:

Một là, thẩm định tính chính xác, trung thực của các nội dung khai báo về đối tượng quản lý của cơ quan Hải quan, phù hợp với quy định của pháp luật;

Hai là, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật Hải quan của người khai hải quan;

Ba là, tiến hành kiểm tra một cách có hệ thống các hoạt động gian lận thương mại, bảo đảm áp dụng một cách tốt nhất các quy định của pháp luật và quy định của cơ quan Hải quan;

Bốn là, tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bảo vệ nguồn thu cho NSNN;

Năm là, khai thác bố trí, sắp xếp nhân lực và phương tiện kiểm tra hải quan hiệu quả nhất.

2. Vai trò của kiểm tra sau thông quan

Một là, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan, thực hiện chống gian lận thương mại có hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện, cho phép áp dụng đơn giản hóa, tự động hóa thủ tục hải quan, đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa XNK góp phần tích cực vào phát triển và giao lưu thương mại quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư; góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong sản xuất, lưu thông;

Hai là, đảm bảo tuân thủ pháp luật: Góp phần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Hải quan và pháp luật có liên quan đến lĩnh vực XNK, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp;

Ba là, góp phần tăng thu về thuế đối với hàng hóa XNK, giảm thiểu chi phí và rủi ro;

Bốn là, KTSTQ tác động tích cực trở lại với hệ thống quản lý của cơ quan Hải quan thông qua việc nhận biết và xử lý các rủi ro tiềm ẩn của toàn hệ thống kiểm tra, giám sát hải quan;

Năm là, mở rộng phạm vi kiểm tra đối với hàng hóa XNK đã được thông quan: Thông qua hoạt động KTSTQ có thể mở rộng phạm vi kiểm tra tiếp khi cần thiết trong nhiều lĩnh vực khác như kiểm tra về chế độ giấy phép, về hạn ngạch, về xuất xứ hàng hóa, về sử dụng và quản lý hàng hóa được miễn thuế hoặc giảm thuế, chống bán phá giá, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp.

Tóm lại, KTSTQ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế phát triển, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực XNK, tạo lập cơ chế quản lý XNK phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước và xu thế không ngừng mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

II. Kinh nghiệm quản lý kiểm tra sau thông quan của một số nước trên thế giới

1. Kinh nghiệm quản lý kiểm tra sau thông quan của Mỹ

Quy trình tổ chức thực hiện KTSTQ của hải quan Mỹ được tiến hành thông qua ba giai đoạn: (i) Giai đoạn đầu tiên là đánh giá sự phù hợp của hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp so với pháp luật liên quan đến hoạt động XNK; (ii) Giai đoạn 2: Nếu bản tự đánh giá của doanh nghiệp được cơ quan hải quan chấp nhận thì quá trình KTSTQ sẽ kết thúc mà không chuyển sang giai đoạn thứ hai. Nếu cơ quan hải quan không chấp nhận việc tự đánh giá của doanh nghiệp thì sẽ tiến hành giai đoạn hai của KTSTQ; (iii) Giai đoạn 3: Sau khi giai đoạn hai kết thúc, cơ quan hải quan sẽ đưa ra các khuyến cáo để doanh nghiệp cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.

Cụ thể, khi tiến hành KTSTQ đối với một doanh nghiệp, đầu tiên, cơ quan hải quan sẽ lấy mẫu và kết quả thử nghiệm hàng hóa nhập khẩu; đồng thời kiểm tra các giao dịch tài chính để đánh giá việc khai báo hàng hóa nhập khẩu, các nghiệp vụ thanh toán của doanh nghiệp có đúng quy định pháp luật hay không. Ở giai đoạn hai, doanh nghiệp sẽ phải gửi cho cơ quan hải quan bản tự đánh giá sự chính xác trong khai báo, thanh toán lô hàng nhập khẩu. Nếu cơ quan hải quan chấp nhận bản tự đánh giá của doanh nghiệp thì sẽ kết thúc quá trình KTSTQ. Nếu cơ quan hải quan nhận thấy còn có khác biệt giữa bản tự đánh giá về hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp với thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan, cơ quan hải quan sẽ đưa ra các khuyến cáo để doanh nghiệp cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và tiến hành các biện pháp cải tiến. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng đánh giá lại khả năng tuân thủ của nhà nhập khẩu khi tiến hành các biện pháp cải tiến.

Qua đó có thể thấy, điểm nổi bật của mô hình quản lý KTSTQ của Mỹ đó là quy trình tổ chức thực hiện KTSTQ, cụ thể quy trình cơ bản dựa trên nền tảng quy định của pháp luật về việc doanh nghiệp tự khai báo, tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu đã khai báo với cơ quan hải quan. Việc thực hiện KTSTQ trên cơ sở sự tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp sẽ giúp cơ quan hải quan tiết kiệm tối đa nguồn lực, nhưng vẫn có thể quản lý toàn diện đối với doanh nghiệp.

2. Mô hình quản lý kiểm tra sau thông quan của Nhật Bản

Hải quan Nhật Bản được coi là một trong những cơ quan Hải quan tiên tiến nhất trên thế giới, do đó, nghiên cứu những kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình quản lý công tác kiểm tra sau thông quan là rất quan trọng.

Về tổ chức bộ máy, các bộ phận KTSTQ của hải quan Nhật Bản trực thuộc hải quan các vùng, bộ phận KTSTQ gồm có 3 phòng là: Phòng Kiểm soát, Phòng Kiểm tra tại doanh nghiệp và Phòng Thông tin. Phòng Kiểm soát có chức năng điều chỉnh và trao đổi thông tin về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cho tất cả các đơn vị KTSTQ. Phòng Kiểm tra tại doanh nghiệp thực hiện kiểm toán doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động XNK. Phòng Thông tin có nhiệm vụ thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp các thông tin cần thiết để hỗ trợ cho Phòng Kiểm tra thực hiện kiểm toán tại doanh nghiệp.

Hải quan Nhật Bản thành lập và duy trì một hệ thống hỗ trợ KTSTQ sử dụng dữ liệu tương tác từ các đơn vị KTSTQ, các đơn vị thông quan hàng hóa và cơ sở dữ liệu tình báo hải quan. Trong quá trình thông quan, hải quan Nhật Bản áp dụng hệ thống thông quan tự động, hệ thống thông quan này tạo nên một cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan hải quan, doanh nghiệp và bên thứ ba với thẩm quyền truy cập không hạn chế. Từ hệ thống thông quan tự động, cộng thêm các thông tin thu thập được từ các bộ phận như điều tra, thuế, trị giá, thông quan và KTSTQ, thông tin được thu thập và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu tình báo hải quan là cơ sở cho việc lựa chọn đối tượng KTSTQ và cung cấp thông tin phục vụ KTSTQ.

Theo quy định tại Điều 105 Luật Hải quan Nhật Bản, công chức hải quan kiểm tra bất kỳ chứng từ, sổ sách kế toán lưu giữ liên quan đến hàng hóa XNK trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 năm. Công chức hải quan Nhật Bản làm công tác KTSTQ yêu cầu có kiến thức, kỹ năng tổng hợp về ba lĩnh vực đó là kiến thức chung, kiến thức về nghiệp vụ hải quan và hiểu biết cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. Cán bộ làm KTSTQ có trình độ cao giúp công tác quản lý KTSTQ hiệu quả, hiệu lực hơn. Việc lựa chọn đối tượng KTSTQ được dựa trên nền tảng CNTT hiện đại kết hợp với hệ thống tiêu chí QLRR đầy đủ, chi tiết.

Điểm nổi bật mô hình quản lý KTSTQ của Nhật Bản là mô hình tổ chức KTSTQ được bố trí theo mô hình dọc, có cấp Trung ương và cấp vùng. Bên cạnh đó, bộ máy được chia thành 3 phòng nghiệp vụ để hỗ trợ lẫn nhau. Mô hình quản lý KTSTQ như vậy giúp Hải quan Nhật Bản có thể quản lý KTSTQ theo cả chiều dọc và chiều ngang. Việc lựa chọn đối tượng KTSTQ (thực chất là lập kế hoạch KTSTQ) được dựa trên nền tảng CNTT hiện đại kết hợp với hệ thống tiêu chí QLRR đầy đủ, chi tiết. Cán bộ làm KTSTQ có trình độ cao giúp công tác quản lý KTSTQ hiệu quả, hiệu lực hơn.

Như vậy, hệ thống công cụ hỗ trợ có hiệu quả nhất và mang đặc trưng nhất của Hải quan Nhật Bản là hệ thống quản lý rủi ro được thực thi trên một nền tảng công nghệ thông tin hoàn hảo. Thêm vào đó, Hải quan Nhật Bản cũng có một số thẩm quyền trong lĩnh vực điều tra xác minh, đồng thời nghiệp vụ kiểm toán cũng được Hải quan Nhật Bản hết sức coi trọng, như một nhân tố quyết định sự thành công của kiểm tra sau thông quan.

3. Mô hình quản lý kiểm tra sau thông quan của Trung Quốc

Mô hình KTSTQ của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1994. Mục đích khi tiến hành các hoạt động KTSTQ là cải tiến phương thức quản lý nhằm duy trì trật tự và các nguyên tắc thị trường kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ công thuận lợi hơn thay vì việc can thiệp trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp và thị trường. Hiện nay, cơ quan điều tra của ?Hải quan Trung Quốc chịu trách nhiệm chính về KTSTQ, bao gồm bộ phận kiểm tra và bộ phận điều tra thương mại, tại các vùng cũng có các bộ phận kiểm tra.

Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày hàng hóa XNK được thông quan hoặc trong thời hạn giám sát hải quan của hàng hóa bảo thuế, hàng hóa miễn giảm thuế nhập khẩu, cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra sổ sách kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính và các tài liệu khác có liên quan cùng với hàng hóa XNK của người bị kiểm tra để kiểm tra tính hợp pháp, tính chân thực của hoạt động XNK hàng hóa.

Cơ quan hải quan tiến hành KTSTQ đối với những doanh nghiệp, tổ chức liên quan trực tiếp đến hoạt động XNK. Cụ thể là các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tham gia vào hoạt động gia công quốc tế, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực kho ngoại quan, các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng hoặc có liên quan đến hàng hóa được hưởng các ưu đãi về giảm thuế, miễn thuế, hoàn thuế, các doanh nghiệp là đại lý hải quan, khai thuê hải quan và các doanh nghiệp khác tham gia vào hoạt động kinh doanh liên quan trực tiếp đến hoạt động XNK do Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định.

Hải quan Trung Quốc dựa trên cơ sở áp dụng quy trình QLRR để lựa chọn các đối tượng KTSTQ. KTSTQ được thực hiện theo kế hoạch hoặc theo dấu hiệu vi phạm. Hoạt động KTSTQ được thực hiện thông qua quy trình 4 bước: Chuẩn bị kiểm tra, Thực hiện kiểm tra; Xử lý hồ sơ; Đánh giá kết quả.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện mô hình KTSTQ theo hướng 4 trong 1, bao gồm: phân tích rủi ro, kiểm toán doanh nghiệp, điều tra thương mại, quản lý doanh nghiệp. Mục tiêu của Hải quan Trung Quốc là tiến tới mô hình quản lý hải quan hiện đại theo các chuẩn mực của thông lệ quốc tế. Mô hình KTSTQ mang đặc trưng Trung Quốc là lấy phân tích rủi ro làm cơ sở, lấy việc kiểm toán doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp làm phương tiện và lấy việc điều tiết hoạt động XNK của doanh nghiệp làm mục tiêu quản lý.

Giống như Nhật Bản, Trung Quốc cũng áp dụng mô hình quản lý KTSTQ theo chiều dọc và có những bộ phận hỗ trợ KTSTQ theo chiều ngang. Trung Quốc cũng lập kế hoạch KTSTQ, lựa chọn doanh nghiệp KTSTQ trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro. Đây cũng là điểm mạnh của mô hình quản lý KTSTQ của Trung Quốc. Đó cũng là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam khi tiến hành cải cách và hiện đại hóa hải quan.

III. Bài học kinh nghiệm vận dụng vào quản lý kiểm tra sau thông quan tại Việt Nam

1. Bài học kinh nghiệm vận dụng tại Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn quản lý KTSTQ của một số nước tiên tiến trên thế giới, những nội dung có thể rút ra làm bài học kinh nghiệm cho việc vận dụng tại Việt Nam là:

Thứ nhất: Qua nghiên cứu mô hình quản lý KTSTQ của Nhật Bản, Trung Quốc, chúng ta có thể nhận thấy việc lập kế hoạch KTSTQ để lựa chọn đối tượng KTSTQ cơ bản đều dựa trên nền tảng CNTT hiện đại kết hợp với hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro đầy đủ, chi tiết. Do đó, việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro vào trong hoạt động nghiệp vụ của Hải quan Việt Nam nói chung và quản lý KTSTQ nói riêng là phù hợp với xu hướng và yêu cầu quản lý hiện đại. Tuy nhiên, việc đánh giá rủi ro cần phải trên cơ sở hệ thống CNTT hiện đại, đồng thời phải xây dựng được hệ thống các tiêu chí quản lý rủi ro tổng hợp và thống nhất như loại hình doanh nghiệp, loại hình XNK, mã HS, tiêu chí chấp hành tốt pháp luật và chưa chấp hành tốt pháp luật,… để làm cơ sở phân loại doanh nghiệp khi lựa chọn đối tượng KTSTQ.

Thứ hai: Hầu hết các nước có hoạt động KTSTQ hiệu quả đều dựa trên mô hình tổ chức bộ máy KTSTQ theo mô hình dọc từ cấp Trung ương đến Hải quan các địa phương. Đồng thời, trong bộ máy KTSTQ chia theo chức năng nhiệm vụ từng bộ phận để hỗ trợ cho nhau trong quá trình KTSTQ (mô hình Hải quan Nhật Bản, Hải quan Trung Quốc).

Thứ ba: Hoạt động nghiệp vụ hải quan cần cải cách, hiện đại hóa toàn diện theo hướng sử dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro, từ đó cho phép hầu hết các công việc được tiến hành một cách tự động hóa, từ đó vừa giảm chi phí vừa nâng cao hiệu quả của KTSTQ. Xây dựng trung tâm xử lý và phân tích thông tin trực tuyến với khả năng tích hợp toàn bộ các dữ liệu từ các đơn vị chức năng như dữ liệu thông quan, thuế, tỷ giá, giao dịch ngoại tệ, tình trạng thuế nội địa, chống buôn lậu, gian lận thương mại để phục vụ việc phân tích thông tin một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả (mô hình Hải quan Nhật Bản).

Thứ tư: Các hình thức KTSTQ chia thành kiểm tra theo kế hoạch, theo tình huống và kiểm tra toàn diện (doanh nghiệp tự đánh giá) theo mô hình Hải quan Mỹ. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam hiện nay chưa thể áp dụng hình thức kiểm tra toàn diện hay kiểm toán tuân thủ, trong đó cho phép doanh nghiệp tự đánh giá việc tuân thủ chấp hành các quy định của pháp luật vì Hải quan Việt Nam chưa xây dựng được các bộ tiêu chí làm cơ sở cho việc tự đánh giá của các doanh nghiệp và chưa xây dựng được cơ chế kiểm tra các báo cáo tự đánh giá của doanh nghiệp.

2. Các giải pháp hoàn thiện hệ thống KTSTQ

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất từ Luật tới các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác kiểm tra sau thông quan: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống các quy định pháp luật về kiểm tra sau thông quan thống nhất tại Luật Hải quan và các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn, cải cách hiện đại hóa hải quan, thực hiện hải quan điện tử và pháp luật có liên quan, để đảm bảo cơ sở pháp lý và tính đồng bộ, nhất quán trong thực hiện.

Công tác nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan được thực hiện thường xuyên, thống nhất đúng quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ: Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp nhằm hướng tới đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đảm bảo hoạt động kiểm tra sau thông quan dần phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Xây dựng các chuyên đề theo kế hoạch để chỉ đạo các địa phương thực hiện kiểm tra sau thông quan có hiệu quả; Tăng cường sự chỉ đạo, quản lý kiểm tra của Tổng cục Hải quan, Cục KTSTQ với hoạt động kiểm tra sau thông quan của các địa phương.

Kiện toàn tổ chức bộ máy kiểm tra sau thông quan từ Tổng cục Hải quan đến các cục hải quan nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan trong tình hình mới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra sau thông quan: Định hướng đến năm 2020 biên chế cán bộ làm công tác kiểm tra sau thông quan đảm bảo phù hợp với chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc được giao, tăng theo lộ trình hàng năm.

Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin dữ liệu và áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra sau thông quan: Nâng cấp, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin phục vụ hoạt động kiểm tra sau thông quan (STQ01); Xây dựng bộ tiêu chí phân loại hồ sơ Hải quan, doanh nghiệp theo tiêu chí quản lý rủi ro để xác định đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra thực hiện thống nhất trên toàn quốc; Xây dựng quy chế và bộ tiêu chí cập nhật thông tin dữ liệu kết quả kiểm tra sau thông quan đầy đủ, kịp thời, tạo nguồn dữ liệu cho lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn quốc nghiên cứu thực hiện,…

III. Kết luận

KTSTQ là một phương thức quản lý hiện đại về Hải quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế. KTSTQ được hình thành nhằm đáp ứng yêu cầu không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, đặc biệt là ngoại thương trên phạm vi toàn cầu.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng phải đảm bảo quản lý tốt các hoạt động liên quan đến Hải quan, KTSTQ đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003. Tuy là lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ mới nhưng trong những năm qua hoạt động KTSTQ đã có tác động tích cực tới việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan, thúc đẩy và lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại nói chung và XNK nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2009), Thông tư số 193/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 của Bộ Tài chính Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 97/2007/NĐ-CP và Nghị định số 18/2009/NĐ-CP, Hà Nội.

2. Bộ Tài chính (2009), Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009, Hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu, Hà Nội.

3 . Bộ Tài chính (2010), Quyết định số 1015/QĐ-BTC ngày 11/5/2010 của Bộ Tà chính, Quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục kiểm tra sau thông quan trực thuộc Tổng cục Hải quan, Hà Nội.

4. Bộ Tài chính (2010), Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010, Hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu, Hà Nội.5. Quốc hội Khóa 10 (2001), Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001, Hà Nội.

6. Quốc hội Khóa 11 (2005), Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005, Hà Nội.

7. Quốc hội Khóa 11 (2005), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại Tố cáo số 58/2005/QH11 ngày 29/11/2005, Hà Nội.

INTERNATIONAL MANAGEMENT EXPERIENCE OF POST CLEARANCE AUDIT AND LESSONS FOR VIETNAMESE CUSTOMS

HOANG TRUNG DUNG

Post Clearance Audit Department, General Department of Vietnam Customs

ABSTRACT:

Post clearance audit service has been developed and completed alongside with risk management in customs operations. To date, in many countries, the customs administrations have adopted post clearance audit toward import and export goods. Therefore, the study of experiences of the management of post clearance audit of developed countries such as the United States, Japan, China, etc. plays a vital role in applying post clearance audit management for Vietnamese economy.

Keywords: General Department of Vietnam Customs, Post Clearance Audit, export and import.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây