Kinh tế Mỹ tăng trưởng Quý I vượt xa dự báo, các chuyên gia kinh tế bày tỏ nghi ngờ

Cục Phân tích Kinh tế (BEA) đưa ra số liệu sơ bộ về nền kinh tế, trong đó GDP quý 1/2019 tăng trưởng 3.2%, vượt xa dự báo và ghi nhận mức tăng trưởng khởi đầu năm tốt nhất trong 4 năm qua.

Cục Phân tích Kinh tế (BEA) đưa ra số liệu sơ bộ về nền kinh tế, trong đó GDP quý 1/2019 tăng trưởng 3.2%, vượt xa dự báo tăng trưởng 2.5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, GDP quý 1 tăng trưởng tvượt mức 3%.

“Sở dĩ GDP tăng trưởng vượt dự báo là nhờ thương mại ròng (xuất khẩu tăng vọt, còn nhập khẩu suy giảm mạnh) và hàng tồn kho. Hai yếu tố này đóng góp tới 170 điểm cơ bản cho đà tăng GDP”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho hay. “Dù vậy, chi tiêu cá nhân – thành phần chiếm tỷ trọng cao nhất – chỉ tăng trưởng 1.2%, cao hơn dự báo khoảng 0.2%, khi sự gia tăng cho chi tiêu dịch vụ và hàng không lâu bền bù đắp cho sự suy giảm của chi tiêu cho hàng lâu bền”.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 3.7% trong quý 1/2019, còn kim ngạch nhập khẩu giảm 3.7%. Tăng trưởng kinh tế cũng nhận được cú huých từ khoản đầu tư mạnh vào các sản phẩm sở hữu trí tuệ. Khoản đầu tư này tăng trưởng 8.6%.

Thu nhập cá nhân khả dụng tăng trưởng 3%, còn chỉ số giá tăng 1.3% khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng. Chỉ số gia chung tăng trưởng 0.8% trong quý 1/2019.

Dữ liệu ngày thứ Sáu (26/04) đưa ra cái nhìn đầu tiên về thành quả của nền kinh tế trong suốt giai đoạn đóng cửa Chính phủ Mỹ dài nhất trong lịch sử. Chính phủ liên bang đã đóng cửa trong 35 ngày giữa cuối tháng 12 cho tới ngày 25/01/2019, giữa lúc xảy ra xung đột giữa chính quyền Trump và các Đảng viên Dân chủ về vấn đề tài trợ cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico.

Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao dữ liệu GDP khi họ tìm kiếm thêm thông tin xác nhận cho việc suy thoái có thể chưa xảy ra trong ngắn hạn.

Báo cáo trên cũng xoa dịu nỗi lo về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu, Alec Young, Giám đốc quản lý tại bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại FTSE Russell, cho hay. “Vào thời điểm vẫn còn đó bất ổn thương mại Mỹ-Trung và dữ liệu kinh tế yếu ớt ở mọi nơi từ Đức cho tới Hàn Quốc, dữ liệu lạc quan từ Mỹ đóng vai trò như chính sách bảo hiểm trước khả năng nền kinh tế toàn cầu suy yếu thêm. Và khi lạm phát vẫn còn yếu ớt, vẫn còn quá sớm để lo ngại về các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề là mức gia tăng hàng tồn kho này đến từ đâu. Hàng hóa phải đến từ một nơi nào đó, được sản xuất bởi các công ty trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó theo báo cáo chính thức, cả sản xuất và nhập khẩu của Mỹ đều giảm trong ba tháng đầu năm.

“Một quốc gia không thể dự trữ những gì không nhập hoặc không sản xuất”, Robert Brusca, kinh tế trưởng tại FAO Economics khẳng định.

Số liệu từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần trước cho biết sản lượng công nghiệp đã giảm 0,3% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên. Và báo cáo ước tính GDP của chính phủ cũng cho biết nhập khẩu đã giảm 3,7% trong ba tháng đầu năm.

“Một lý giải có thể là do mức tiêu thụ đã giảm mạnh khiến các doanh nghiệp gia tăng hàng tồn kho”, chuyên gia kinh tế Robert Brusca đưa ra nhận định. “Tuy mức tiêu thụ hàng hóa có giảm nhưng không giảm nhanh hơn tốc độ sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu để tạo ra bất kỳ thặng dư nào”, chuyên gia này nói. "Thực tế chi tiêu cho hàng tiêu dùng lâu bền đã giảm 5,3%, mức giảm lớn nhất trong 10 năm. Chi tiêu của doanh nghiệp dành cho trang thiết bị cũng suy yếu. Nhìn từ bất cứ góc độ nào, báo cáo GDP này ... là một mớ hỗn độn rõ ràng”.

chuyên gia kinh tế
Ông Kevin Hassett, chuyên gia kinh tế của Nhà trắng lượng tồn kho tăng là từ các nhà máy mới đưa vào hoạt động trong quý 1.

 

Một nhà kinh tế khác của Nhà Trắng, Kevin Hassett, gợi ý rằng báo cáo của Fed về sản xuất công nghiệp đã không cập nhật mức gia tăng sản xuất. “Nhiều nhà máy đã được xây mới vào năm ngoái. Tới năm nay chúng bắt đầu đi vào sản xuất. Trong quý đầu tiên, tôi nghĩ rằng rất nhiều sản lượng mới từ các nhà máy mới đã được gộp vào hàng tồn kho, ông Hass Hassett nói.

Hiện tượng gia tăng đầy bí ẩn của lượng hàng tồn kho có ý nghĩa quan trọng trong thời gian tới. Nếu việc gia tăng hàng tồn kho là có thật và không mong muốn, tăng trưởng sản xuất có thể chậm lại trong tương lai. Mặt khác, nếu hàng tồn kho được điều chỉnh bằng cách nào đó, tăng trưởng trong quý thứ hai có thể không yếu như mong đợi. Những thông tin này sẽ là căn cứ quyết định để FED quyết định lãi suất.

Tuấn Hưng (tổng hợp)