Phương thức phân phối hiện đại
Tháng 12/2019, tại Hồ Chí Minh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã họp báo ra mắt và khai trương “Gian hàng Việt trực tuyến”.
Tại đây, “Thỏa thuận hợp tác chiến lược ba bên giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sàn Thương mại điện tử Sendo và Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã được ký kết.
Thỏa thuận nhằm tăng cường sự hợp tác của các bên trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam”. Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số từng nhận định, đây không chỉ là giải pháp hiệu quả lâu dài giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại, “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” còn là giải pháp đắc lực nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng phó kịp thời trong đại dịch Covid từ năm 2019.
Phát huy hiệu quả từ Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”, tháng 11/2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục đẩy mạnh triển khai “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” thông qua lễ ký kết Chương trình triển khai hợp tác giữa Cục với các Sàn thương mại điện tử bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki.
Sự hợp tác này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối hàng hóa, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng một không gian mua sắm trực tuyến đáng tin cậy, an toàn, chất lượng từ các nhà sản xuất Việt uy tín.
Theo nhận định của các chuyên gia, “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, “Siêu thị hàng Việt” này giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí thấp hơn.
Cùng đánh giá về hiệu quả của Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội chia sẻ, đây là giải pháp tốt để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến với người tiêu dùng trong nước một cách rộng rãi nhất. “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” là “ngôi nhà chung” của sản phẩm Việt Nam, sản phẩm địa phương để người tiêu dùng cả nước có thể mua hàng một cách đơn giản với chi phí vận chuyển thấp thông qua thương mại điện tử.
Kênh phân phối bền vững trong mùa dịch
Số liệu thống kê từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, có tới 84% doanh nghiệp tư nhân, 85% doanh nghiệp FDI trên 20 năm hoạt động, đã chịu ảnh hưởng nặng nề ở mức từ tiêu cực đến rất tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong năm 2020. Sản xuất và thương mại ngưng trệ, hơn 8,3 triệu lao động đã mất việc, giãn việc.
Do vậy, các khối doanh nghiệp này đánh giá, Chương trình“Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” là một giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng, tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, Chương trình không chỉ đồng hành, giúp bà con ổn định đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mà Chương trình còn là “giải pháp tinh thần”, thể hiện sự chung tay, sát cánh của Bộ Công Thương và doanh nghiệp thương mại điện tử đối với bà con nông dân. Theo đó, để hỗ trợ người nông dân các tỉnh tiêu thụ nông sản, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso... đã vào cuộc đưa các mặt hàng nông sản lên sàn.
Điển hình, từ ngày 12-14/4/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Sendo tổ chức “Ngày đặc sản Sơn La” với các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ở Sơn La và người tiêu dùng trên cả nước. Trong ngày mở bán đầu tiên, đã có hơn 3.000 đơn hàng được xuất đi, điều này cho thấy, các sản phẩm của Sơn La như: sữa Mộc Châu, nông sản trái cây sấy, mật ong nhãn Sông Mã, các sản phẩm thực phẩm địa phương... rất được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng.
Nối tiếp thành công, từ ngày 20 - 22/04/2021, chương trình đặc biệt “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” cũng đã được tổ chức trên sàn thương mại điện tử Sendo với các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chế biến từ cây dừa Bến Tre. Sau 3 ngày, đã có hàng nghìn đơn hàng được bán ra với độ phủ 56 tỉnh, thành phố.
Chia sẻ từ doanh nghiệp, hợp tác xã ở Bến Tre cho biết, dù còn khó khăn trong quá trình tiếp cận và thực hiện các thao tác, quy trình công nghệ, nhưng với sự hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ của Sendo, “Gian hàng Việt trực tuyến” có ý nghĩa hết sức thực tế, giúp bà con từng bước tiếp cận phương thức phân phối mới.
Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sen Đỏ, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Sendo.vn cam kết, sẽ cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sendo trở thành một điểm mua sắm uy tín cho người tiêu dùng hàng hoá Việt trên cả nước.
Ngoài ra, đại diện Sendo cũng chia sẻ, để “Gian Hàng Việt trực tuyến” thực sự hiệu quả, doanh nghiệp phải tiếp cận đúng nhu cầu, sản phẩm phải có thương hiệu và giá thành, đáp ứng được đối tượng mua hàng tại sàn thương mại điện tử. Ví dụ, muốn khách mua hàng thì doanh nghiệp phải đầu tư vào hình ảnh sản phẩm, cách viết giới thiệu sản phẩm.
“Sendo có đội ngũ nhân viên với chuyên môn sâu có thể cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành, địa phương thực hiện phân phối hàng hóa của doanh nghiệp trên “Gian hàng Việt trực tuyến” trong thời gian đầu, sau đó doanh nghiệp sẽ có thể tự vận hành phân phối sản phẩm của doanh nghiệp mình”, đại diện Sendo khẳng định.
Gần đây nhất, từ ngày 5/5, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Sàn thương mại điện tử Voso.vn, Tổng Công ty Bưu chính Viettel Post hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu. Chỉ sau gần 10 ngày chạy chương trình trên Sàn thương mại điện tử Voso và “Gian hàng Việt trực tuyến” gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu đã được tiêu thụ. Ước tính đến hết tháng 05, lượng hành tím hỗ trợ tiêu thụ qua thương mại điện tử có thể lên tới 150 tấn.
Những số liệu trên đã minh chứng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, thương mại điện tử đang dần trở thành kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, giúp cho nông sản Việt có hướng đi bền vững, hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Kết nối nông sản đến các sàn trực tuyến quốc tế
Cho tới nay hàng nghìn lượt doanh nghiệp thông qua các sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, Hiệp hội ngành hàng tổ chức đã được tập huấn đào tạo cũng như triển khai chương trình.
Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp Việt được lựa chọn kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả đã được phân phối đưa lên phân phối trên sàn thương mại điện tử Sendo và Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”, hiển thị rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và trang chủ của Sendo, Voso.
Trao đổi về tương lai gần, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh, trong năm 2021, 2022 Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục tổ chức các Chương trình đào tạo và Kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Đây là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”. Đồng thời, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt uy tín ra nước ngoài.
“Hiện chúng tôi mới ký liên kết với một số sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki. Thời gian tới, sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có “Gian hàng Việt trực tuyến và tiếp tục thúc đẩy mở “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” tại các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ngoài””, Cục trưởng Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.
“Gian hàng Việt trực tuyến” do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và các sàn thương mại điện tử bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post) ký kết hợp tác từ năm 2019 và với Tiki năm 2020.
Ngày 18/5, Cục Thương mại và Kinh tế số đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thống nhất các phương án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử thông qua “Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021”.