Sáng 16/4, tại Hà Nội, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, và Du lịch - Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đồng tổ chức Hội nghị “Gian hàng Việt trực tuyến” - Hỗ trợ Doanh nghiệp phân phối sản phẩm trên sàn Thương mại điện tử.
Hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng mở rộng kênh phân phối hàng hóa, phục hồi kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tap.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, đại dịch Covid-19 đã tạo ra động lực mới cho thương mại điện tử phát triển. Xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là tất yếu của cuộc cách mạng 4.0. Giai đoạn phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã tìm ra được hướng đi mới để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua thị trường thương mại điện tử.
Không chỉ vậy, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn cho rằng, hiện nay, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được ký kết đã và đang mang đến những cơ hội và thách thức mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho doanh nghiệp sản xuất Việt nói riêng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt phải cùng nhau đồng hành tạo nên một cộng đồng sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng Việt. Bắt nguồn từ hệ thống các siêu thị lớn, siêu thị quy mô vừa và nhỏ, hệ thống chợ truyền thống, các hệ thống bán buôn và bán lẻ cho tới kênh phân phối hiện đại trên sàn thương mại điện tử, bắt tay nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình và phát triển bền vững hơn nữa ở thị trường trong nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki… thiết kế xây dựng mô hình phân phối trực tiếp từ Nhà sản xuất tới Người tiêu dùng. Mô hình này có tên gọi “Gian hàng Việt trực tuyến”.
“Gian hàng Việt trực tuyến” mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất hàng Việt, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Đây sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp sản xuất Việt kết nối thị trường trong nước, hướng tới sự phát triển bền vững, từ đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân trong nước cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Cục trưởng Đặng Hoàng Hải khẳng định.
Giới thiệu rõ hơn về mô hình hoạt động của “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) chia sẻ, tham gia mô hình này, sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được chuyển tới tận tay người tiêu dùng Việt trong cả nước thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử một cách nhanh chóng với chi phí thấp.
Các sản phẩm địa phương sẽ được hưởng lợi chung từ các hoạt động truyền thông, quảng bá, các sự kiện, hoạt động kết nối phân phối thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt trực tuyến” do Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng với các đối tác tổ chức triển khai, đồng thời có thể tiếp cận tập khách hàng, người tiêu dùng lớn trên phạm vi toàn quốc.
Chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng Việt nói chung và hàng Việt được phân phối trên các sàn thương mại điện tử nói riêng là chủ đề luôn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi phân phối lên sàn, cùng với sự phối hợp của Quỹ Châu Á và Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã kết nối 12 doanh nghiệp đã và đang được thực hiện truy xuất hàng hóa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong khuôn khổ dự án Truy xuất Nguồn gốc Hàng hóa và Phát triển Thị trường do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ.
“Các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam trên “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối hàng hoá trên môi trường trực tuyến.
Trong đó, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp trong dự án giúp doanh nghiệp tạo niềm tin với người tiêu dùng về tính minh bạch của nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hơn cho doanh nghiệp khi tham gia phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử”, ông Bùi Huy Hoàng phân tích.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ, hợp tác xã có hai sản phẩm tiêu và cà phê được lựa chọn, phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến”. Trước đây, chưa có mô hình này, các sản phẩm của hợp tác xã chỉ được phân phối theo phương thức truyền thống: đưa đến các cửa hàng bán lẻ, các siêu thị nhỏ, các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc. Cũng có một số sản phẩm xuất khẩu sang Pháp và thị trường châu Âu.
Sau khi tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến”, Bộ Công Thương cùng các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ Hợp tác xã rất nhiều. Ngay ở khâu trồng trọt, các đơn vị đã hỗ trợ bà con khoanh vùng, chuyển đổi sang trồng trọt hữu cơ, hỗ trợ chi phí xây dựng nhà máy, vùng trồng nguyên liệu, đào tạo đồi ngũ nguồn nhân lực… hướng tới sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt hơn.
""Gian hàng Việt trực tuyến" sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho Hợp tác xã, không chỉ riêng cho hồ tiêu, cà phê mà cả nhiều mặt hàng nông sản khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai", Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang chia sẻ.
Là đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Sendo.vn, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ cho biết, doanh nghiệp đang tập trung mở rộng số lượng sản phẩm Việt trên sàn thương mại điện tử Sendo, tập trung phân phối và mở rộng tập khách hàng, người tiêu dùng trên toàn bộ các tỉnh thành phố, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” thực hiện phân phối hàng hóa trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn.
Hệ sinh thái cho thương mại điện tử của Sen Đỏ sẽ tập trung vào các giải pháp thương mại điện tử như Chợ Việt, Gian hàng Việt trực tuyến, Nông nghiệp số, Chuỗi cửa hàng… kết hợp với nền tảng vận chuyển SenGo (giao vận toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa với chi phí thấp) và ví điện tử SenPay (hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán điện tử).
Kết thúc Hội nghị, gần 20 doanh nghiệp sản xuất đã hoàn thành việc ký kết thỏa thuận triển khai phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.
Ngay tại Hội nghị, thay mặt đơn vị tổ chức, lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội đã trao các thỏa thuận triển khai cho các doanh nghiệp trong đợt này.
Trong thời gian tới, Chương trình Kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt mở rộng kênh phân phối hàng hoá trên môi trường trực tuyến, kết nối với người tiêu dùng thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử sẽ được Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và doanh nghiệp các tỉnh thành phố trên cả nước nói chung.