Ngày 21/12, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, da giày”.
Hội nghị nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo gần 70 đại biểu đến từ các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư, các Hiệp hội và cộng đồng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá cao sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong Hội nghị giao thương này.
Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài kỳ vọng, với nền tảng hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực dệt may, da giày, thông qua sự kiện, các bên sẽ trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu hợp tác, năng lực, trao đổi các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hướng tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất các sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam - Hàn Quốc bền vững và hiệu quả. Góp phần nâng cao tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.
Giới thiệu thế mạnh của ngành Dệt may đối với các đối tác Hàn Quốc, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành Dệt may hiện phụ thuộc vào sản xuất gia công, việc tự thiết kế và bán hàng theo thương hiệu của chính mình đang tồn tại khá nhiều hạn chế.
Theo đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn, Hàn Quốc có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, đầu tư vào khâu thượng nguồn (sản xuất vải, nhuộm và nguyên phụ liệu dệt may…) và khâu thiết kế để có thể đáp ứng được yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do và hưởng lợi từ việc giảm thuế quan từng bước về 0%.
Đối với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cũng chia sẻ, tỷ trọng xuất khẩu của ngành Da giày Việt Nam ra thị trường thế giới là khá lớn (khoảng 20 tỷ USD), đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Số lượng doanh nghiệp trong ngành hiện khoảng gần 2.000 doanh nghiệp, tham gia từ khâu sản xuất nguyên phụ liệu đến sản phẩm hoàn chỉnh. Trong 5 thị trường xuất khẩu chính của ngành, Hàn Quốc là thị trường quan trọng với tỷ trọng tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 10%.
“Với tỷ trọng như vậy, cơ hội hợp tác với nhà nhập khẩu Hàn Quốc trong tương lai gần của doanh nghiệp Việt Nam để gia tăng xuất khẩu là khá lớn”, bà Phan Thị Thanh Xuân thông tin.
Trong khi đó, ông Kyoung Don Kim - Trưởng phòng xúc tiến đầu tư, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội đã chia sẻ thông tin về triển vọng hợp tác thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trong tình hình mới.
Theo ông, Hàn Quốc là quốc gia số 1 trong đầu tư vào ngành Dệt may ở Việt Nam. Từ 1989 đến 2019 có 464 công ty dệt may của Hàn Quốc, chiếm hơn 25% vốn FDI. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, là điểm đến đầu tư nước ngoài lớn nhất. Tính đến 2020, thương mại song phương ngành dệt may đạt khoảng 6,3 tỷ đô.
Ngay sau phiên hội nghị, đã diễn ra chương trình giao thương với khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo ban tổ chức, buổi giao thương đã diễn ra thành công với 20 phiên giao thương nhỏ.