Nếu tính theo tháng thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 của Hoa Kỳ đã tăng 0,6% so với tháng 4/2021. Trong tháng 4/2021, chỉ số CPI của Hoa Kỳ đã tăng tới 0,8% so với hồi tháng 3 trước đó, xác lập mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009.
Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng trong rổ hàng hoá, chỉ số CPI lõi tháng 5/2021 tại Hoa Kỳ tăng 0,7% so với tháng liền trước và tăng tới 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học cho biết chỉ số CPI tháng 5/2021 của Hoa Kỳ phần nào đã bị bóp méo khi so sánh với mức nền rất thấp của năm ngoái khi nhu cầu tiêu dùng tại nước này giảm mạnh và hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Mặc dù các chỉ số cảnh báo lạm phát tại Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi giai đoạn 2008 – 2009, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vẫn giữ quan điểm lạc quan và nhận định tình trạng lạm phát cao hiện nay chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Trong những tháng gần đây, FED liên tục cho biết dự báo chỉ số CPI của Hoa Kỳ sẽ tăng cao trong một khoảng thời gian do nhu cầu bùng nổ sau khi bị dồn nén suốt thời gian dài khi đại dịch Covid-19 diễn ra cũng như do “các nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến dòng chảy hàng hoá bị tắc nghẽn.
Nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang bùng nổ khi việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho phép nước này sớm tái mở cửa nền kinh tế. Ngoài ra, các gói kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có cùng với lượng tiết kiệm dồi dào của người tiêu dùng sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh cũng thúc đẩy nhu cầu đối với các loại hàng hoá.
Một số nhà kinh tế học lo ngại nếu như giá hàng hoá tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng lên với tốc độ cao như hiện nay, người tiêu dùng có thể giảm mua sắm và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của Hoa Kỳ khi nền kinh tế nước này phụ thuộc mạnh vào tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Hoa Kỳ cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu hụt lao động, hàng hoá và nguyên liệu đầu vào. Chi phí logistics tăng do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công đồng loạt tăng đang bào mỏng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp tại đây.
Áp lực lạm phát tăng cao có thể sẽ buộc FED phải sớm thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế như giảm bớt quy mô gói nới lỏng định lượng trị giá 120 tỷ USD/tháng hoặc nâng lãi suất cơ bản nhằm đạt mục tiêu lạm phát trung bình ở mức 2%.
Bà Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế tại hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics cho biết FED có thể muốn chấp nhận để lạm phát tăng vượt lên mức 2% bởi điều đó sẽ tốt cho nền kinh tế. Lạm phát cao đồng nghĩa với lãi suất cao, FED sẽ có thêm dư địa để hạ lãi suất trong đợt kinh tế suy thoái lần tới, bà Kathy Bostjancic nhận định.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ bà Janet Yellen cho rằng Tổng thống Joe Biden nên tiếp tục thúc đẩy kế hoạch chi tiêu 4.000 tỷ USD đang được đề xuất. Bà Janet Yellen, cựu chủ tịch FED giai đoạn 2014 - 2018, nhận định đề xuất trên chỉ khiến mức chi tiêu tăng thêm 400 tỷ USD mỗi năm, không đủ để khiến lạm phát “tăng vọt”. Mọi sự tăng giá tại Hoa Kỳ do ảnh hưởng từ các gói cứu trợ hiện nay được bà Janet Yellen dự báo sẽ giảm dần trong năm sau.