Nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sinh thái bền vững.
Theo lãnh đạo UBND huyện Ba Tơ, hiện nay trên địa bàn nhiều hộ gia đình có vườn ươm cây, con, bảo đảm hằng năm cho huyện trồng mới hơn 6.500 ha rừng nguyên liệu để phát triển kinh tế, góp phần xóa nghèo bền vững. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Ba Tơ tận dụng đất đai sẵn có cùng với sức lao động và sáng tạo đã đầu tư phát triển kinh tế rừng, trồng keo, mì, tre và kết hợp với chăn nuôi... để phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với các chính sách đồng bộ trong việc khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó phong trào trồng rừng, trồng tre nguyên liệu, phát triển chăn nuôi hàng hoá đã thu hút nhiều người dân trên địa bàn xã Ba Vì hăng hái tham gia. Ðiển hình như hộ kinh doanh Vũ Đức Thắng ở thôn Giá Vực, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết tâm bỏ phố về rừng, cùng với gia đình gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên để thực hiện ước mơ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững.
Từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin sau hơn 10 năm làm việc tại tỉnh Bình Dương, năm 2018 anh Vũ Đức Thắng quyết định cùng vợ về quê khởi nghiệp trên vùng đồi rộng hơn 10 ha của gia đình sở hữu đang chủ yếu trồng các cây keo, mì.
Trải qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt quy luật của thời tiết và các loại cây trồng có thế mạnh phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, anh Vũ Đức Thắng quyết tâm chọn mô hình trồng tre sinh khối, trồng tre lấy măng và phát triển các sản phẩm chế biến từ măng như: măng muối, măng khô, măng ớt xiêm…làm sản phẩm chủ đạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Xác định việc phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái là một quá trình dài kết hợp giữa sự lao động cần cù, miệt mài và sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể địa phương, vùng đồi đất nhà anh Vũ Đức Thắng đã có sự chuyển biến tích cực của hơn 3 ha với 1.000 cây tre cho thu nhập từ măng ổn định. Bện cạnh đó, anh Vũ Đức Thắng còn trồng các loại cây ăn quả gồm: bưởi, mít, chuối... và kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm: heo, gà, hươu (sinh sản)… theo hướng sản xuất hàng hoá.
Được sự hỗ trợ mô hình khởi nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, anh Vũ Đức Thắng đã nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ măng như: Măng muối ớt tỏi sả gừng, măng khô.. theo hướng sản xuất hàng hoá đạt tiêu chuẩn OCOP được thiết kế nhận diện với mã vạch qr code và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tạo thuận lợi cho các sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường nhằm tiêu thụ hàng hoá, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững là một chặng đường dài, tuy còn nhiều khó khăn nhưng mô hình sản xuất của hộ kinh doanh Vũ Đức Thắng đã lan toả đến người dân địa phương về sự chăm chỉ, dám nghĩ dám làm và kiên trì tìm tòi học hỏi. Anh Vũ Đức Thắng cho biết: Mục tiêu trong thời gian tới của anh là nhân rộng mô hình trồng tre làm nguyên liệu trên địa bàn. Về lâu dài, sẽ tiếp tục phát triển thêm về lĩnh vực chăn nuôi, trồng cây ăn quả và tạo cảnh quan kết hợp phát triển du lịch sinh thái trên mảnh đất của gia đình.
Hy vọng, mô hình này được chính quyền địa phương và huyện Ba Tơ quan tâm nhân rộng để góp phần tạo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định, tạo sinh kế phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc của địa phương./.