Văn phòng Chính phủ mới đây đã có Công văn số 5714/VPCP-CN ngày 12/8/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.
Theo đó, xét Báo cáo số 5590/BC-BKHĐT ngày 16/7/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp về nội dung này.
Để bảo đảm nội dung phục vụ cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Quốc phòng căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, trách nhiệm cơ quan thẩm định để nghiên cứu có ý kiến về các kiến nghị, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 5590/BC-BKHĐT và có ý kiến cụ thể về các nội dung.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về sự phù hợp phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch liên quan đối với từng giai đoạn đầu tư của Dự án (vị trí, quy mô, diện tích sử dụng đất, công suất hàng hóa thông qua); chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ đối với Dự án theo Luật chuyển giao công nghệ; các nội dung liên quan đến giao thông kết nối phục vụ khai thác bến cảng và tác động của Dự án đến các cảng biển trong khu vực (cảng Cái Mép Hạ, Cái Mép - Thị Vải, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu);
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định rõ quan điểm về tác động môi trường của Dự án; sự phù hợp nhu cầu sử dụng đất của Dự án với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về thẩm quyền, trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư và các Nghị định có liên quan.
Bộ Ngoại giao có ý kiến về quy định quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới, các nội dung liên quan về tác động, ảnh hưởng của Dự án đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ nghiên cứu kỹ quy định pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, lâm nghiệp… về các nội dung Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm nội dung gì? Nêu rõ ý kiến, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì được hiểu là đã cho phép về môi trường, đất đai, quy hoạch,… hay là phải được phê duyệt các Quy hoạch, môi trường, đất đai… rồi mới có căn cứ để chấp thuận chủ trương?
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát kỹ các nội dung thẩm định theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó cần khẳng định rõ về nội dung đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đã tuân thủ khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2024 và pháp luật có liên quan; cơ sở pháp lý về việc phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian đầu tư 22 năm, dự kiến hoàn thành năm 2045; bổ sung rõ quy mô đầu tư, công suất hàng hóa thông qua bến cảng của từng giai đoạn; rà soát tên dự án bảo đảm thống nhất với các văn bản có liên quan; bổ sung nội dung đánh giá việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).
Nội dung kiến nghị phải có ý kiến rõ Dự án đã bảo đảm đầy đủ điều kiện và đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hay chưa. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn thiện Báo cáo.
Tại Báo cáo số 5590/BC-BKHĐT ngày 16/7/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đưa Dự án vào nhóm các dự án thực hiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược làm cơ sở thúc đẩy kinh tế và làm động lực phát triển cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn khi được triển khai thành công sẽ bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng biển hiện hữu; tương hỗ và khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4 trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế; khẳng định vị thế và định vị quốc gia của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò là trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn của khu vực và thế giới.
Dự án còn giúp Việt Nam trở thành khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và có tính chất, ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế biển.
Để đảm bảo sự thành công và nâng cao hiệu quả của Dự án, bên cạnh việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ thì việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược có đủ kinh nghiệm, năng lực, công nghệ vận hành khai thác cảng, mạng lưới logistics quốc tế, nguồn hàng trung chuyển quốc tế là yếu tố quyết định.
Do Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn nằm ở vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có hệ thống rừng ngập mặn tái sinh được UNESCO công nhận nên vấn đề môi trường và công nghệ sử dụng xây dựng, vận hành cảng là yếu tố quan trọng để hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới khu vực Khu dự trữ sinh quyển.
Do đó, cơ quan thẩm định Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thể hiện rõ quan điểm về môi trường Dự án. Bộ Giao thông vận tải - cơ quan được Thủ tướng giao thẩm định Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh có ý kiến về các vấn đề liên quan đến công nghệ, kết nối giao thông để đảm bảo phát huy hiệu quả khi dự án triển khai; điều phối nguồn hàng của các cảng trong nhóm cảng biển số 4...