Nỗ lực tìm đơn hàng
Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã chủ động kết nối với các hiệp hội ngành hàng của nước sở tại và của Việt Nam nhằm tranh thủ cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Trong tháng 2/2020, Thương vụ đã tổ chức đoàn các nhà nhập khẩu rau củ quả Singapore vào Việt Nam kết nối tìm nguồn cung và đang bám sát các đối tác để kịp thời nắm bắt các đơn hàng mua sắm công của Chính phủ Singapore, nhanh chóng thông tin cho các doanh nghiệp trong nước.
Tính riêng trong tháng 3/2020, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã kết nối được hơn 20 đơn hàng trong các lĩnh vực mặt hàng khác nhau (cà phê, mì ăn liền, khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long…), với khoảng 500 tấn hàng từ Việt Nam.
Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đơn hàng và hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước cũng đang được nhiều thương vụ Việt Nam ở nước ngoài triển khai.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong quý I/2020, xuất khẩu hàng hóa của nước ta đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 5,2%) - mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Sự sụt giảm rõ ràng nhất thể hiện với hàng dệt may. Trong đó, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 10,3% (cùng kỳ tăng 7,9%); vải mành, vải kỹ thuật giảm 15,1% (cùng kỳ tăng 16,7%); hàng dệt và may mặc giảm 8,9% (cùng kỳ tăng 10,7%). Trong khi đó, xuất khẩu giày, dép các loại giảm 1,9% (cùng kỳ tăng 14%); túi xách, vali, mũ ô dù giảm 5,5% (cùng kỳ tăng 10,2%); rau quả giảm 11,5%; thủy sản giảm 11,2%; cao su giảm 26,1% so với cùng kỳ...
Sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hồng Kông giảm 12%; Đài Loan giảm 6,3%...
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong quý I/2020 vẫn được duy trì. Điều này ít nhiều tạo thêm kỳ vọng để xuất khẩu bật tăng trở lại khi dịch qua đi tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Kỳ vọng thị trường gần
Dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, nên hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế. Đây là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình thông quan hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đang dần được cải thiện.
“Dù phía Trung Quốc vẫn thiếu nhân công bốc dỡ hàng hóa, trong khi các xe hàng phải qua các thủ tục kiểm dịch chặt chẽ, nhưng tốc độ thông quan hàng hóa trong những ngày gần đây đã cải thiện hơn nhiều so với thời điểm đầu tháng 3”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.
Ngoài Trung Quốc, một số thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có sự phục hồi khá rõ trong tháng 3, do bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước này đang dần được kiểm soát. Tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng 11,5%, xuất sang Nhật Bản tăng 3,5%. Các thị trường đang có sự hồi phục nhanh sau dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc… sẽ được doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Phạm Năng Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Tâm Thành, chuyên xuất khẩu chuối cho hay, từ đầu năm đến nay, Công ty vẫn xuất khẩu đều đặn sang Trung Quốc. Tất nhiên, do dịch bệnh, không tránh khỏi có thời điểm lượng hàng xuất khẩu bị ùn ứ do thủ tục kiểm dịch bị kéo dài.
Đối với mặt hàng gạo, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu gần 3 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1,4 triệu tấn, với trị giá 652 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đáng mừng là, xuất sang Trung Quốc tăng mạnh, chủ yếu là gạo nếp, vốn là mặt hàng khó bán sang các thị trường khác. Trong 2 tháng đầu năm, gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 595% về lượng và tăng 724% về giá trị, đạt hơn 66.000 tấn, với 37 triệu USD.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng mạnh và được thực hiện gần như toàn bộ theo hình thức chính ngạch, bởi hoạt động xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch) trên thực tế đã dừng từ sau Tết Nguyên đán tới nay. Trong 2 năm gần đây, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch. Các doanh nghiệp đang dần thích nghi và có bước chuyển đổi theo thông lệ thương mại quốc tế.