Hiệp định RCEP đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Tuy nhiên, xét về lợi ích cụ thể thì các nhóm nước khác nhau có lợi ích cũng khác nhau. Cụ thể, với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã FTA với các đối tác.
Thay vào đó, với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực. Trong bối cảnh thế giới đang có có nhiều biến động hiện nay, đặc biệt là việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thể đóng vai trò hiệu quả trong giải quyết các xung đột thương mại như trước đây thì đây là giá trị không nhỏ cho các nước có quy mô kinh tế vừa phải như các Thành viên ASEAN.
Với 5 nước đối tác của ASEAN là Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Niu Di-lân thì góc nhìn có khác. Ngoài các giá trị các nước này chia sẻ với các Thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác cũng được hưởng lợi ích từ việc mở cửa thị trưởng mới cho nhau, đặc biệt là giữa các nước hiện chưa có quan hệ FTA. Khác với các nước ASEAN, trước khi thiết lập khu vực RCEP thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có FTA với nhau, thậm chí quá trình đàm phán riêng giữa 3 nước này kéo dài nhưng không đạt được kết quả. Tuy nhiên, khi được đặt trong không gian của Hiệp định RCEP và với sự trung hòa quan điểm từ các nước ASEAN thì các nước đối tác cũng đã thống nhất được quan điểm với nhau.
Đây chính là thể hiện rõ rệt nhất vai trò trung tâm của ASEAN. Cũng có lẽ vì lý do đó mà RCEP là một số ít Hiệp định mà cả trong quá trình đàm phán lẫn khi ký kết đều có sự tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác.
Với tất cả các nước thành viên RCEP thì Hiệp định này về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhìn chung, RCEP mang lại 3 lợi ích chung. Thứ nhất, Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ (thay vì áp dụng 5 bộ quy tắc xuất xứ của 5 hiệp định FTA như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.
Thứ hai, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.
Thứ ba, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Theo một số nghiên cứu độc lập, ví dụ như nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thì việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, làm cho Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài.
Với những lợi ích chung đan xen với lợi ích riêng trong từng nhóm nước, doanh nghiệp nước ta ứng xử thế nào? Theo đánh giá, Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.
Vì vậy, trước hết, cũng như với các hiệp định FTA khác, để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại v.v…
Thứ hai, việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà Hiệp định RCEP đem lại, Bộ Công Thương đã chuẩn bị lộ trình triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, Bộ đã xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về Hiệp định, xây dựng các buổi tập huấn bổ sung kiến thức về Hiệp định cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước; xây dựng các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ mà ta có thế mạnh và tiềm năng. Cùng với đó, nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại, văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước RCEP; phát triển và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng…
Trước đó, ngay từ giai đoạn đàm phán Hiệp định, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp xử lý như:
- Tham vấn chặt chẽ các Bộ ngành, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan nhằm đàm phán lộ trình phù hợp cho việc cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nhạy cảm, giúp doanh nghiệp trong nước có thêm thời gian để chuẩn bị, thích nghi với sức ép cạnh tranh.
- Ưu tiên các cam kết cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Theo thống kê, hàng năm ta đang nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ các nước ASEAN. Việc ưu tiên cắt giảm thuế quan đối với nhóm các mặt hàng này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, qua đó tăng sức cạnh tranh cho các hàng hóa sản xuất trong nước liên quan.
Đồng thời, ta cũng sẽ có thêm những đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và cải thiện môi trường đầu tư. Điều này cũng sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo đà để ta tham gia sâu hơn và ổn định hơn vào các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực.