Lợi thế so sánh của ngành Thủy sản Việt Nam trong khu vực Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

NGUYỄN BÌNH AN (Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá lợi thế so sánh của ngành Thủy sản Việt Nam trong khu vực Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thông qua hệ số lợi thế so sánh (Revealed Comparative Advantage - RCA) với các dữ liệu về ngành Thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020 và dựa trên giả định RCEP đại diện cho một “thế giới” các nước thành viên của Hiệp định. Kết quả cho thấy, lợi thế so sánh Việt Nam đang giảm dần từ mức cao xuống mức trung bình ở ngành hàng Thủy sản trong những năm gần đây.

Từ khóa: lợi thế so sánh, hệ số lợi thế so sánh (RCA), xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

1. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mở ra triển vọng cho ngành Thủy sản Việt Nam

Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết ngày 15/11/2020 bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới (MUTRAD, 2018).

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản, các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Từ đó, giúp thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

RCEP mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành Thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu và khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng. Cụ thể, với hàng thủy sản, các hiệp định FTA trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi (TCCT, 2021). Điều này được áp dụng với các nước thành viên của RCEP. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước thành viên trong RCEP có sự tương đồng và cùng chủng loại mặt hàng thủy sản xuất khẩu trong thị trường RCEP (Ngọc và Ngọc Sơn, 2016), MUTRAD, 2018). Vì vậy, lợi thế so sánh của ngành Thủy sản Việt Nam gặp nhiều thách thức tại thị trường RCEP.

2. Khái niệm lợi thế so sánh

Kế thừa và phát triển các lý thuyết về lợi thế tuyệt đối của Adam Smith, Daivd Ricardo đã đưa ra lý thuyết lợi thế so sánh vào năm 1817. Lợi thế so sánh được xác định thông qua việc so sánh chi phí sản xuất của các loại hàng hóa khác nhau trong một nước. Một quốc gia được gọi là có lợi thế so sánh trong việc sản xuất một loại hàng hóa nào đó nếu chi phí để sản xuất ra hàng hóa đó thấp hơn tương đối so với chi phí để sản xuất ra các hàng hóa khác (Findlay, 1991). Theo lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo, mỗi quốc gia nên chuyên môn hóa vào việc sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó có lợi thế so sánh và nhập khẩu những mặt hàng có ít lợi thế so sánh nhất dẫn đến tổng sản lượng của mỗi sản phẩm trên thế giới sẽ tăng lên và tất cả các quốc gia đều có lợi (Feenstra và Taylor, 2014). Lý thuyết lợi thế so sánh có vai trò quan trọng trong tự do hóa thương mại giữa các quốc gia ngày nay và tiếp tục được các nhà kinh tế học khác phát triển, đưa ra phương pháp xác định các hàng hóa nào của quốc gia có lợi thế trong thương mại (Hoen và Oosterhaven, 2006).

3. Phương pháp định lượng lợi thế so sánh

Trên cơ sở lý thuyết lợi thế so sánh, các hàng hóa xuất khẩu chủ lực của một quốc gia thường là các nhóm hàng của quốc gia đó có lợi thế so sánh, Liesner (1958) đã đưa ra ý tưởng đánh giá hàng hóa có lợi thế so sánh của một quốc gia thông qua việc phân tích kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa đó. Tiếp tục ý tưởng đó, Balassa (1965) đã hoàn thiện cách đánh giá này và đưa ra hệ số lợi thế so sánh (- RCA). Hệ số này thể hiện lợi thế hoặc bất lợi tương đối của một quốc gia đối với một sản phẩm nào đó thông qua việc so sánh tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia với tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.

Theo Balassa (1965), hệ số RCA được tính toán theo công thức (1). Cùng với giả thiết RCEP đại diện cho một “thế giới” các nước thành viên Hiệp định và chỉ xem xét giao dịch thương mại giữa các nước thành viên với nhau. Vì vậy, có công thức tính RCA như sau:

Trong đó:

RCA là hệ số lợi thế so sánh biểu lộ trong xuất khẩu sản phẩm j của nước i trong khu vực Hiệp định RCEP;

Xij là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của nước i đến các nước thành viên Hiệp định RCEP;

Xi là tổng kim ngạch xuất khẩu của nước thành viên Hiệp định RCEP;

Xwj là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của toàn khu vực Hiệp định RCEP;

Xw là tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn khu vực Hiệp định RCEP.

Nếu RCA > 1 thì nước i có lợi thế so sánh đối với sản phẩm j.

Nếu RCA < 1 thì nước i không có lợi thế so sánh đối với sản phẩm j. Để đánh giá cụ thể về mức độ lợi thế so sánh, Hinloopen và Marrewijk (2001) phân giá trị của hệ số RCA thành 4 nhóm có ý nghĩa như sau: (Xem Bảng 1)

4. Lợi thế so sánh của ngành Thủy sản Việt Nam trong thị trường RCEP giai đoạn 2010 - 2020

Trong nhiều năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng và vươn lên trở thành một trong số các ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, chiếm 4-5% GDP của Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho hơn 4 triệu lao động, chiếm 5% tổng số lao động của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh từ 5,0 tỷ USD năm 2010 lên 8,5 tỷ USD năm 2020, chiếm 9 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (VASEP, 2021). Từ chỗ phát triển để phục vụ nhu cầu nội địa là chính, đến nay ngành Thủy sản Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 4 thế giới về kim ngạch xuất khẩu với giá trị xuất khẩu đạt gần 8,5 tỷ USD trong năm 2020 (VASEP, 2021).  

Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP (chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) bao gồm ASEAN (6,7%) và Hàn Quốc (9,2%) ổn định, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc (16,5%) tăng trưởng mạnh nhất, xuất khẩu sang Nhật Bản (16,8%) cũng duy trì tăng trưởng khả quan (VASEP, 2021). Những thành tựu trong những năm qua cũng là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành Thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh hơn vào các quốc gia thành viên của RCEP. 

Tuy nhiên, ngành Thủy sản Việt Nam cần cải thiện lợi thế so sánh để có đủ sức tham gia Hiệp định RCEP khi đa số thành viên trong RCEP có cơ cấu và chủng loại xuất khẩu thủy sản tương đồng với Việt Nam (Sơn và Ngọc Sơn, 2016); (MUTRAP, 2018). Điều này được khẳng định thông qua kết quả tính toán hệ số lợi thế so sánh của nhóm hàng thủy sản Việt Nam được thể hiện qua Biểu đồ 1 sau đây:

RCA của ngành Thủy sản Việt Nam trong thị trường RCEP liên tục giảm dần từ 5,40 trong năm 2010 xuống mức 2,44 trong năm 2020. Hệ số RCA > 2 cho thấy, Việt Nam có lợi thế so sánh tại thị trường RCEP trong nhóm hàng thủy sản. Về cơ bản, RCA ≥ 4 trong giai đoạn 2010 – 2017, cho thấy lợi thế so sánh của nhóm hàng thủy sản Việt Nam đạt mức cao. Sau đó, trong các năm tiếp theo (2018 - 2020), lợi thế so sánh của nhóm hàng thủy sản Việt Nam tụt xuống mức trung bình với RCA ở trong khoảng từ 2 đến 4.

Biểu đồ 2 so sánh hệ số RCA của ngành Thủy sản Việt Nam với các nước thành viên xuất khẩu thủy sản trong RCEP. Trung Quốc mặc dù là nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất trong khu vực RCEP, chiếm 40,62% tổng kim ngạch thủy sản toàn khu vực RCEP nhưng cũng chỉ có lợi thế so sánh ở mức thấp. Hệ số RCA của nhóm hàng thủy sản Trung Quốc có xu hướng luôn dao động tương đối ổn định trong khoảng từ 1,76 vào năm 2010 đến còn 1,25 vào năm 2020. Tương tự như Trung Quốc, hệ số RCA của nhóm hàng thủy sản của các nước Thái Lan và Indonesia cũng luôn dao động gần như không đổi trong giai đoạn nghiên cứu và lần lượt đạt mức 1,79 và 2,14 trong năm 2020. Ngoài ra, hệ số RCA nhóm hàng thủy sản của các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Philippines, Cambodia và Lào cũng luôn dao động gần như không đổi trong giai đoạn 2010 - 2020 nhưng lại thuộc nhóm không có lợi thế so sánh.

Trong khi đó, Myanamar lại có lợi thế so sánh rất cao trong nhóm hàng này cả giai đoạn nghiên cứu, với hệ số RCA là 5,81 năm 2020, mặc dù tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước này chỉ ở mức 3,08% trong tổng kim ngạch nhóm hàng thủy sản của toàn khu vực Hiệp định RCEP. New Zealand có lợi thế so sánh ở mức trung bình nhưng luôn tiệm cận ở mức lợi thế so sánh cao trong lĩnh vực thủy sản với hệ số RCA duy trì tương đối ổn định ở mức 3,02 với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước này chỉ ở mức 3,16% trong tổng kim ngạch nhóm hàng thủy sản của toàn khu vực RCEP. Kết quả phân tích cho thấy, lợi thế so sánh về ngành hàng thủy sản của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Myanmar và New Zealand nhưng lại cao hơn với Indonesia và cao hơn nhiều so với các nước còn lại trong khu vực Hiệp định RCEP.

Để nâng cao lợi thế so sánh của nhóm hàng thủy sản Việt Nam, một trong những yếu tố then chốt là phải hiểu thị trường hơn nữa để phát triển thị trường được tốt hơn. Việc chủ động nghiên cứu thị trường để nắm bắt xu thế hàng hóa của thị trường, hành vi của người tiêu dùng và tìm kiếm các đơn hàng phải là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh việc chủ động giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế, các phương tiện truyền thông, internet và tới tận các doanh nghiệp phân phối nước ngoài thì hoạt động xúc tiến thương mại, mạng lưới cơ quan Thương vụ Việt Nam ở các quốc gia thành viên Hiệp định RCEP và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam trong việc kết nối doanh nghiệp trong nước với thị trường nước ngoài có ý nghĩa quan trọng giúp mở rộng thị trường cho thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành Thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về SPS (Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật) và TBT (Rào cản kỹ thuật trong thương mại) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Về phía Bộ Công Thương, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành Thủy sản để tháo gỡ rào cản để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ RCEP; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ricardo, D. (1817) Principles of political economy and taxation. London, UK: John Murray.
  2. Liesner, H. H. (1958) The European Common Market and British Industry. Economic Journal, 68, 302 - 16.
  3. Balassa, B. (1965) Trade liberalization and revealed comparative advantage. The Manchester School, 33(2), 99 - 123.
  4. Findlay R. (1991) Comparative Advantage. London: Palgrave Macmillan. 
  5. Hinloopen, J., and Van Marrewijk, C. (2001) On the empirical distribution of the Balassa index. Weltwirtschaftliches Archiv 137, 1 - 35.
  6. Hoen, A.R., and Oosterhaven, J. (2006) On the measurement of comparative advantage. The Annals of Regional Science, 40677  691.
  7. Feenstra, C.R. and Taylor, M.A. (2014) Essentials of International Economics, 3rd. New York: Worth.
  8. Ngọc, K., và Ngọc Sơn, T. (2016) Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Khoa học Xã hội Việt Nam, (9), 51.
  9. MUTRAD. (2018) Báo cáo Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam [Trực tuyến]. Trang điện tử: ICB-8 output 3 Tac dong cua Hiep dinh RCEP doi voi nen kinh te VN.pdf (hlu.edu.vn) [Truy cập 24/5/2021].
  10.  Tạp chí Công Thương. (2021) 3 điểm cộng trong quy tắc xuất xứ của RCEP [Trực tuyến]. Trang điện tử: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/3-diem-cong-trong-quy-tac-xuat-xu-cua-rcep-79897.htm  [Truy cập 29/5/2021].
  11. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). (2021) Tổng quan ngành Thủy sản [Trực tuyến]. Trang điện tử  http://vasep.com.vn/.  [Truy cập 24/5/2021].
  12. International Trade Centre. (2021) Database [Trực tuyến]. Trang điện tử http://www.intracen.org/. [Truy cập 2/6/2021].

            The comparative advantage of Vietnam's seafood industry in the Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP)

            Nguyen Binh An

            Department of Asia - Africa Market

Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

This study assesses the comparative advantage of Vietnam's seafood industry in the Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP). To conduct this study, the Revealed Comparative Advantage (RCA) with data about Vietnam’s seafood industry over the period from 2010 to 2020 was used and it assumes that the RCEP represents a "world" of member countries. Therefore, this study only examines trade transactions between the RCEP’s member countries. The study finds out that the comparative advantage of Vietnam’s seafood industry is gradually decreasing from high to average level in recent years.

Keywords: comparative advantage, revealed comparative advantage (RCA), exports, Vietnam’s seafood industry, the Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]