So với cùng năm 2020, đầu tư công 7 tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh khó khăn hơn. Trước hết, đầu tư công phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công, do vậy trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã bị ảnh hưởng nhiều. Nhất là với các tỉnh phía Nam, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhiều dự án lớn, nhưng cũng là địa phương thực hiện giãn cách kéo dài.
Thứ hai là, các công nhân, chuyên gia, tư vấn cũng phải thực hiện các chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh của mình. Cho nên tỷ lệ các địa phương 7 tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn so với năm 2020, và phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch gặp rất khó khăn..
Thứ ba, so với năm 2020, giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công tăng hơn. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký và việc tăng giá khiến họ khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi thực hiện dự án.
Thứ tư, có sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian vật chất của công tác chỉ đạo điều hành. Với các địa phương có dịch, ưu tiên hàng đầu về thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất là dành cho công tác chống dịch, đã ảnh hưởng lớn đến đầu tư công.
Thứ năm, quý III/2021 là quý bị ảnh hưởng dịch nhất, trong khi quý III/2020 lại là quý phục hồi sau quý II/2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hiện đầu tư công vẫn ưu tiên cho các dự án trọng điểm. Hiện nay các dự án lớn năm 2021 như dự án Đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các công trình hạ tầng quy mô lớn của ngành giao thông, nông nghiệp hay các lĩnh vực khác, về cơ bản không lo thiếu vốn mà chủ yếu phụ thuộc vào các bộ ngành, địa phương có triển khai và làm được hay không.
Qua rà soát thông tin số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2021, các Bộ có kế hoạch lớn như: Giao thông, Nông nghiệp, Quốc phòng, Công an… hay các địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn thì phần giải ngân đã được thực hiện khá tốt, đỡ cho kết quả chung của cả.
Cũng theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong công điện của Thủ tướng có nêu một số nơi vẫn còn có giải ngân thấp, thậm chí có nơi chưa giải ngân, chủ yếu là ở các đơn vị có ít công trình, quy mô nhỏ. Dù vậy, mong muốn các đơn vị này thúc đẩy nhanh tiến độ.
Về cơ bản, các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia mặc dù gặp một số khó khăn nhưng vẫn đang triển khai đạt kết quả tích cực. Các tuyến cao tốc Bắc - Nam ở các địa bàn có thực hiện giãn cách hiện đang gặp khó khăn về công nhân.