Marketing truyền thông xã hội: Chiến lược marketing cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn

TS. NGUYỄN VĂN HUÂN và ThS. PHAN THỊ HIỀN (Khoa Hệ thống thông tin kinh tế, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông)

TÓM TẮT:

Quýt vàng Bắc Sơn là một sản phẩm nổi tiếng của khu vực Đông Bắc và đem lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân. Trong những năm qua, sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn đã được bán và phân phối đến nhiều địa phương trong cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, diện tích, chất lượng thì sản phẩm quýt cần phải được phân phối, tìm đầu ra, mở rộng thị trường đầu ra cho nhân dân và hướng đến xây dựng một thành một thương hiệu của khu vực, cả nước và thế giới. Việc nghiên cứu tìm ra những giải pháp hữu hiệu về phân phối, quảng bá sản phẩm quýt là một việc làm hết sức cần thiết. Vì vậy, bài báo nghiên cứu đề xuất việc sử dụng marketing truyền thông xã hội và ứng dụng marketing phương tiện truyền thông xã hội facebook nhằm thu hút khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn.

Từ khóa: Marketing truyền thông xã hội, chiến lược maketing, quýt vàng Bắc Sơn.

1. Giới thiệu

Quýt vàng Bắc Sơn là cây đặc sản của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, giá trị kinh tế mà cây Quýt vàng đem lại cho nông dân địa phương khoảng 40 tỷ đồng/năm. Quýt vàng từ lâu đã trở thành cây trồng giúp các hộ nông dân địa phương xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. Trong những năm qua, vấn đề nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm Quýt vàng được lãnh đạo huyện Bắc Sơn rất quan tâm. huyện Bắc Sơn đã thực hiện quảng bá hình ảnh cây quýt vàng trên nhiều phương tiện truyền thông như trên báo chí, phóng sự trên truyền hình, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao.

Hiện nay, với sự ra đời và phát triển của internet, điện thoại thông minh, các phần mềm ứng dụng, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội với số lượng người dùng lớn nên các thông tin trên các truyền thông xã hội được người dùng tiếp cận và chia sẻ nhanh chóng. Truyền thông xã hội trở thành một công cụ để thực hiện hoạt động marketing, quảng bá vô cùng quan trọng và mang lại hiệu quả cao.

Truyền thông xã hội ra đời một vài thập kỷ trước đây với sự xuất hiện của mạng internet. Theo Kaplan “Truyền thông xã hội là một nhóm các ứng dụng dựa trên internet được xây dựng trên nền tảng ý tưởng và công nghệ của web 2.0, cho phép tạo lập và trao đổi nội dung được tạo ra bởi người dùng”[1].

Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP thì truyền thông xã hội được định nghĩa như sau: “Truyền thông xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung ứng, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.”[2].

Theo số liệu từ tháng 1/2017 của trang web We are Social và Hootsuite (công ty chuyên thực hiện các thống kê và đánh giá về thông tin kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan), Việt Nam với dân số đạt khoảng 93,6 triệu người, số người sử dụng internet là 50.05 triệu người, chiếm 53% dân số. Có khoảng 46 triệu người dùng truyền thông xã hội, chiếm 48% dân số. Trung bình 1 ngày, người Việt Nam bỏ ra 6 giờ 30 phút để duyệt web nếu dùng PC và Tablet, 2 giờ 33 phút nếu dùng điện thoại di động và 2 giờ 39 phút cho truyền thông xã hội. Điều này cho thấy truyền thông xã hội là “mảnh đất màu mỡ” để marketing sản phẩm và dịch vụ qua quảng cáo, mua bán trực tuyến, chia sẻ thông tin [4].

Hoạt động marketing trên truyền thông xã hội được định nghĩa như sau: Marketing truyền thông xã hội là hình thức tiếp thị dựa trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Mục đích của marketing truyền thông xã hội là tạo ra các nội dung mà người dùng có thể chia sẻ qua các phương tiện truyền thông xã hội nhằm giúp tổ chức, cá nhân quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng .

Các loại hình marketing truyền thông xã hội chủ yếu hiện này là[3]:

- Social News: Được đánh giá dựa trên lượt tiếp cận, lượt xem, đọc tin bài, lượt vote hoặc comment. (Ứng dụng trên các truyền thông xã hội Digg, Sphinn, Newsvine…).

- Social Sharing: Được đánh giá dựa trên lượt xem, lượt chia sẻ và mức độ lan truyền. Ứng dụng trên các truyền thông xã hội như Flickr, Snapfish, You Tobe.

- Social Networks: Được đánh giá dựa trên khả năng kết nối và chia sẻ cộng đồng (Facebook, Linkedln, MySpace, Twitter…).

- Social Bookmarking: Được đánh giá dựa trên mức độ save bookmark các nội dung (Delicious, Faves, StumbleUpon, BlogMarks, Diigo…).

Marketing truyền thông xã hội đem lại cho các nhân, tổ chức những lợi ích sau [3]:

- Tạo kênh quảng cáo hiệu quả cho sản phẩm của tổ chức, cá nhân.

- Gia tăng số lượng truy cập thông tin.

- Nắm bắt được những phản hồi của khách hàng về sản phẩm.

- Xây dựng các mối quan hệ mới trong kinh doanh, xác định được nhóm những khách hàng có ảnh hưởng, khách hàng tiềm năng.

- Mở rộng thị trường, tăng lượng sản phẩm, dịch vụ được tiêu thụ.

- Giảm chi phí marketing.

Vì vậy mà marketing truyền thông xã hội hiện nay được sử dụng rộng rãi để thực hiện các hoạt động marketing của các doanh nghiệp, địa phương, hộ gia đình…

2. Xây dựng chiến lược marketing truyền thông xã hội cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn

2.1. Giới thiệu về sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn

Quýt vàng là sản phẩm nổi tiếng của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Quýt vàng được trồng nhiều ở thung lũng xen giữa các khe núi (còn gọi là Lân) với đặc điểm vỏ vàng óng, thơm, vị chua ngọt đặc biệt của núi rừng. Quýt vàng hiện đang là cây xóa đói giảm nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Năm 2017, thu nhập của người dân từ cây quýt đạt khoảng 40 triệu đồng/ha [5].

Năm 2017, quýt vàng Bắc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Quýt vàng Bắc Sơn”. Việc công nhận sẽ giúp cho sản phẩm quýt vàng xây dưng thương hiệu trên thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nông sản khác, thị trường tiêu thụ của sản phẩm quýt vàng còn nhỏ hẹp, không ổn định, Quýt thường được bán cho thương lái nên khi vào mùa thường bị ép giá. Vì vậy, để mở mở rộng thị trường, tăng khả năng tiêu thụ thì cần có một chiến lược truyền thông marketing hiệu quả.

2.2. Những thuận lợi và khó khăn thực hiện chiến lược marketing truyền thông xã hội

2.2.1. Những thuận lợi

- Về sản phẩm: Quýt vàng Bắc Sơn là đặc sản nổi tiếng của Huyện Bắc Sơn. Quýt có màu sắc đẹp mắt, mùi vị đặc trưng và được bảo hộ nhãn hiệu nên đã tạo được thương hiệu trên thị trường.

- Về địa phương: Huyện Bắc Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, lễ hội thu hút nhiều khách du lịch nên được biết đến rộng rãi và được các phương tiện truyền thông đưa tin, bài, phóng sự… Đây cũng là nguồn thông tin có độ tin cậy cao, tạo uy tín cao khi sử dụng để quảng bá trên các kênh truyền thông xã hội.

- Về chủ trương, đường lối phát triển: Lãnh đạo huyện Bắc Sơn xác định Quýt vàng là cây trồng không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn định hướng phát triển Quýt vàng chất lượng tốt theo tiêu chuẩn VietGAP để có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ.

- Bên cạnh việc trồng quýt, hiện nay hộ nông dân bắt đầu biết kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch trải nghiệm, ăn uống tại các vườn quýt để thu hút khách du lịch và khách hàng tiềm năng.

- Bước đầu thành lập các hợp tác xã để hỗ trợ nông dân phát triển và là cơ sở để phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm quýt.

2.2.2. Những khó khăn

- Quýt vàng được trồng bằng hạt có hiện tượng thoái hóa giống, quýt được trồng ở trên Lân điều kiện đi lại khó khăn nên việc chăm sóc khó khăn, việc tưới nước vào mùa khô gần như không có. Do đó chất lượng quả không được đồng đều.

- Trình độ dân trí thấp, nhiều nơi vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận các thông tin truyền thông cũng như internet của người dân còn hạn chế.

- Chưa tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, việc quảng bá hình ảnh cũng như chất lượng sản phẩm còn hạn chế nên chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị, của hàng ở các thành phố lớn.

2.3. Xây dựng chiến lược marketing truyền thông xã hội

2.3.1. Xác định đơn vị thực hiện

Hiện nay, Quýt vàng Bắc Sơn do các hộ nông dân tự sản xuất và tiêu thụ chưa có đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm nên các hoạt động truyền thông, quảng bá về sản phẩm chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan chức năng của Huyện Bắc Sơn và chủ yếu là do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Phòng văn hóa - thông tin. Vì vậy để thực hiện chiến lược Marketing truyền thông xã hội hiệu quả cần có sự phối hợp hoạt động của hai cơ quan này.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt được các thông tin về sản phẩm, các hộ dân… sẽ cung cấp các thông tin về sản phẩm, liên lạc các hộ dân hỗ trợ cho việc xây dựng các nội dung truyền thông và phân tích các thông tin phản hồi của khách hàng giúp cho các hộ dân cải thiện chất lượng sản phẩm.

- Phòng văn hóa thông tin có chuyên môn về viết bài, làm các tư liệu truyền thông sẽ xây dựng các nội dung marketing hiệu quả hơn.

2.3.2. Xác định mục tiêu chiến lược

Xây dựng chiến lược marketing truyền thông cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn không chỉ nhằm giúp sản phẩm thâm nhập mở rộng thị trường tiêu thụ cho các hộ nông dân hiện tại mà hướng đến một mô hình sản xuất và tiêu thụ có tổ chức và quy mô lớn hơn với sự ra đời của các hợp tác xã.

- Quảng bá rộng rãi về sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn và các dịch vụ thu hút khách hàng đến thăm quan trải nghiệm vườn quýt đến khách hàng.

- Tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới và mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Xây dựng các nhóm, hợp tác xã để học tập, trao đổi kinh nghiệm, hình thành nên tổ chức để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Tạo kênh giao tiếp hiệu quả giữa các hộ dân trồng quýt và khách hàng.

- Cung cấp cho khách hàng những thông tin về sản phẩm.

2.3.3. Lựa chọn phương tiện truyền thông xã hội

Hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền thông xã hội để thực hiện hoạt động marketing phổ biến như Facebook, You Tobe, Zalo… Tuy nhiên, tác giả lựa chọn Facebook để thực hiện hoạt động marketing là do:

- Facebook là phương tiện truyền thông có số lượng tài khoản nhiều nhất tại Việt Nam chiếm 51% số người dùng (1/2017). Vì vậy, thông tin truyền tải qua Facebook sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng, đồng thời có thể giúp khoanh vùng đối tượng cần tiếp cận [4].

Hình 1: Thống kê hoạt động của các nền tảng truyền thông xã hội tại Việt Nam
Nguồn: Web We are Social

- Tính lan truyền mạnh mẽ: Facebook có tính chia sẻ và lan truyền thông tin nhanh chóng. Đưa các thông điệp lên Facebook, nhằm đúng đối tượng và nhu cầu, thì thông điệp đó được lan truyền mạnh mẽ hơn bất cứ phương pháp truyền thông nào và không mất chi phí. Hơn nữa, Facebook có tính chia sẻ cao, khi có khách hàng phản hồi tốt về sản phẩm, khách hàng có thể đưa nội dung lên Facebook và đó sẽ là thị trường tốt để nhiều khách hàng mua sản phẩm hơn nữa.

- Chi phí thực hiện marketing thấp, số lượng người tiếp cận thông tin được xác định một cách chính xác. Vì vậy có thể phân tích hiệu quả của chiến dịch marketing cũng như chủ động thay đổi chiến dịch khác phù hợp với mục tiêu hơn.

2.3.4. Xây dựng kế hoạch thực hiện

Để thực hiện chiến lược marketing trên Facebook cần phải thực hiện các bước sau:

- Bước 1: Xây dựng trang thông tin (fanpage)

Trang thông tin là nơi để tương tác giữa nhà kinh doanh với doanh nghiệp, người tiêu dùng. Một trang thông tin được coi là hiệu quả khi có một lượng tương tác tốt, duy trì ở một mức nhất định. Nghĩa là mỗi một bài viết hay hành động từ trang của bạn, cũng được khách hàng tương tác lại bằng like, share, comment... Để xây dựng trang thông tin hiệu quả cần chú ý các vấn đề như: loại trang, tên trang, các thông tin cơ bản của trang, cài đặt trang, viết bài và mời like.

- Bước 2: Thông tin về trang Facebook đến các hộ dân, hợp tác xã trồng quýt

Sau khi xây dựng trang sẽ tiến hành tuyên truyền, phổ biến về kế hoạch quảng bá sản phẩm quýt vàng bằng Facebook cho mọi người cùng tham gia. Hướng dẫn các hộ dân tham gia, trao đổi với khách hàng cũng như tạo nhóm để các hộ dân, hợp tác xã học tập, trao đổi kinh nghiệm.

- Bước 3: Chăm sóc nội dung của trang

Để thu hút được đông đảo người tiếp cận thì nội dung trang cần được chăm sóc thường xuyên. Do đó cần xây dựng kế hoạch để cập nhật các nội dung trên trang thông tin đạt hiệu quả. Với đặc thù của sản phẩm nông nghiệp không như những sản phẩm dịch vụ công nghiệp khác là luôn có sản phẩm khi khách hàng cần mà là theo mùa, vụ. Quýt vàng Bắc Sơn bắt đầu có thể thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên đến khi vào mùa mới bắt đầu thực hiện các hoạt động thì hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy cần phải thường xuyên có những hoạt động để quảng bá thông tin về sản phẩm cũng như các tin tức của địa phương.

Đối với các mặt hàng thực phẩm bên cạnh mùi, vị, sự hấp dẫn của sản phẩm thì vần đề an toàn thực phẩm sản được người tiêu dùng rất quan tâm. Vì vậy, nội dung thông tin đưa lên cần thể hiện được quá trình chăm sóc, thu hoạch sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Bắc Sơn là địa phương nổi tiếng có nhiều tài nguyên du lịch. Du lịch trải nghiệm vườn quýt là một loại hình mới không những thu hút một lượng lớn khách du lịch và đây cũng là các khách hàng tiềm năng của sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn.

- Bước 4: Sử dụng công cụ quảng cáo trên Facebook

Để hoạt động quảng bá được rộng rãi và hiệu quả hơn khi vào mùa cần sử dụng thêm công cụ quảng cáo của Facebook. Quảng cáo trên Facebook sẽ giúp cho nhiều người tiếp cận được thông tin về sản phẩm. Sử dụng Facebook ads để tạo các quảng cáo về sản phẩm quýt vàng, thời điểm chạy quảng cáo bắt đầu khoảng từ tháng 10 hàng năm. Đây là thời điểm quýt bắt đầu thu hoạch và là mùa lễ hội “Hoa tam giác mạch” tại Bắc Sơn sẽ thu hút được nhiều khách du lịch, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn. Tùy vào nguồn kinh phí mà có thể lựa chọn hoạt động quảng cáo vào thời điểm thích hợp nhất.

- Bước 5: Thông tin phản hồi khách hàng đến các hộ trồng quýt

Trong quá trình thực hiện, cần thu thập, phân tích các thông tin phản hồi của khách hàng đến các hộ trồng quýt để tiếp thu ý kiến, cải thiện chất lượng, phục vụ khách hàng tốt nhất.

Hình 2: Sơ đồ quá trình thực hiện hoạt động marketing bằng Facebook cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn

2.4. Kiến nghị

Marketing truyền thông xã hội là hình thức marketing khá phổ biến và mang lại hiệu quả cao trong việc quảng bá sản phẩm. Đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ thì việc quảng bá sản phẩm tốt sẽ giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên để thực hiện tốt hoạt động marketing truyền thông xã hội cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn bằng Facebook tác giả có kiến nghị sau:

- Huyện Bắc Sơn cần xây dựng chính sách, kế hoạch marketing cụ thể hàng năm cho sản phẩm.

- Cung cấp hạ tầng kỹ thuật và kinh phí đảm bảo cho hoạt động marketing bằng Facebook.

- Đầu tư kinh phí, thời gian, để đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng triển khai facebook marketing và sử dụng kết hợp với các phương tiện truyền thông xã khác để đạt hiệu quả cao.

- Nâng cao nhận thức của các hộ dân trồng quýt về tầm quan trọng của hoạt động marketing cũng như thu thập thông tin về các hộ trồng quýt để tạo mạng lưới cung ứng sản phẩm hiệu quả.

- Tổ chức tập huấn cho các hộ trồng quýt sử dụng Facebook và thực hiện marketing bằng Facebook.

- Tổng hợp những thông tin phản hồi của khách hàng cho các hộ trồng quýt để hoàn thiện sản phẩm.

- Xây dựng thêm phong phú thêm các dịch vụ du lịch trải nghiệm vườn quýt để thu hút khách du lịch cũng là khách hàng tiềm năng của sản phẩm.

3. Kết luận

Truyền thông xã hội mang lại cơ hội marketing hiệu quả cho các sản phẩm dịch vụ đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp các địa phương. Ưu điểm về số lượng người dùng lớn, tốc độ lan truyền nhanh, tương tác trực tiếp với người sử dụng, chi phí thấp là những ưu thế lớn để sử dụng cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Một trong những truyền thông xã hội có số lượng người sử dụng lớn nhất là Facebook. Bài báo nghiên cứu và hướng dẫn xây dựng chiến lược marketing trên Facebook cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn. Qua đó sẽ thu hút được số lượng lớn người tiếp cận cũng như các khách hàng tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn.

Nội dung bài báo là kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mã số T2017-07-13, được tài trợ bởi kinh phí của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kaplan A.M. Users of the World, unite! The challenges and opportunities of socila media (http://slideshare.net, truy cập 15/10/2015).

2. Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

3. Sisira Neti (2011), Social Media and its role in marketing, international Journal of Enterprise Computing and Business systems.

4. https://wearesocial.com/sg/blog/2017/02/digital-southeast-asia-2017

5. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo Tình hinh sản xuất và tiêu thụ cây quýt huyện Bắc Sơn năm 2015, 2017.

SOCIAL MEDIA MARKETING: MARKETING STRATEGY

FOR BAC SON GOLD MANDARIN PRODUCTS

● PhD. NGUYEN VAN HUAN

● MA. PHAN THI HIEN

Faculty of Economic Information System

University of Information Technology and Telecommunication

ABSTRACT:

Bac Son Gold Mandarin is a famous product of the Northeast region and brings high economic value to the people. Over the years, Bac Son gold Mandarin products have been sold and distributed to many places in various forms. However, with the strong development in scale and quality, the products need to have distributors, market expansion and brand-buidling campaign for both domestic and international regions. Researching and finding effective solutions for distribution and promotion of tangerine products is a necessity. Therefore, the research paper proposes the use of social media marketing and Facebook social media marketing application to attract customers and expand consumption market for Bac Son gold Mandarin products.

Keywords: Social media marketing, Marketing strategies, Bac Son gold Mandarin.