TÓM TẮT:
Các mô hình doanh nghiệp xã hội xuất hiện tại Hàn Quốc từ cuối thập kỷ 90 (thế kỷ XX) và đã có nhiều đóng góp được ghi nhận bởi cộng đồng. Bài viết dưới đây giới thiệu về các mô hình doanh nghiệp xã hội phổ biến tại Hàn Quốc thông qua việc phân tích căn cứ pháp lý, thể chế là cơ sở hình thành và phát triển của các mô hình này. Đồng thời, đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện chính sách về loại hình doanh nghiệp này.
Từ khóa: doanh nghiệp xã hội, chính sách công, Khu vực thanh toán duy nhất bằng đồng Euro (SEPA), Hàn Quốc.
1. Đặt vấn đề
Khái niệm doanh nghiệp xã hội (DNXH) vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam với rất ít các quy định pháp lý liên quan. Hiện tại, các cơ quan quản lý vẫn dựa trên các tiêu chí theo quy định tại Luật Doanh nghiệp để xếp loại và xem xét tiêu chuẩn của DNXH khi họ tiếp cận với các chính sách ưu đãi hay hỗ trợ. Thực tế này khác hẳn với Hàn Quốc - nơi DNXH đang hoạt động sôi nổi dưới nhiều hình thức pháp lý và chương trình hỗ trợ được quy định tại nhiều chính sách, văn bản pháp luật khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về các mô hình DNXH phổ biến tại Hàn Quốc hiện nay và đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.
2. Mô hình DNXH tại Hàn Quốc
Nhận thức về DNXH đã bắt đầu lan rộng tại Hàn Quốc từ cuối những năm 1990 trong các nhóm xã hội và giới trí thức có tư tưởng cải cách. Các chính quyền dân chủ tại Hàn Quốc sau đó đã nhấn mạnh đến vai trò của DNXH như một trong các nỗ lực chống lại đói nghèo và thất nghiệp (Defourny, J. và Kim, S.:2011). Năm 2006, Hàn Quốc ban hành Đạo luật Thúc đẩy doanh nghiệp xã hội (Social Enterprise Promotion Act) (“SEPA”) và trở thành quốc gia châu Á đầu tiên có quy định pháp lý và tiêu chuẩn cho doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, nhiều sáng kiến khác tương tự như DNXH đã xuất hiện trước khi SEPA ban hành (Nyssens M. và Defourny J.:2012) và hiện tại có nhiều mô hình DNXH tại Hàn Quốc bên cạnh mô hình DNXH SEPA với các hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: dịch vụ xã hội (13,4%), văn hóa (12,1%), làm sạch (10%), giáo dục (8,4%), hoạt động vì môi trường (6,4%) và giúp hòa nhập cộng đồng - tạo việc làm (46,3%) (Bidet, E., Eum, H., và Ryu, J.:2019).
2.1. Mô hình tự cung tự cấp (The self-sufficiency meta-model)
Mô hình này vốn có nền tảng là Chương trình tự cung tự cấp ra đời năm 1996 vốn là một kế hoạch gồm nhiều chương trình phụ của Bộ Y tế - Phúc lợi và Bộ Lao động. Mô hình được triển khai qua 247 trung tâm tự túc địa phương (LSSC) nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của những người thuộc nhóm hưởng trợ cấp An sinh Cơ bản của quốc gia (NBLS) và những người nghèo không thể hưởng lợi từ NBLS (Eum H. và Bidet, E.: 2011). Các DNXH này được thành lập bởi ít nhất 3 người thụ hưởng NBLS hoặc người nghèo. Nếu hơn 1/3 số người lao động trong doanh nghiệp là người thụ hưởng NBLS và doanh nghiệp có thể tạo ra doanh thu bao gồm cả lương cố định, thì có thể được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương hoặc LSSC trong 3 năm. Năm 2016, số lượng DNXH tự túc là 1.334 và cung cấp 9.147 việc làm, trong đó có 2.303 là các đối tượng hưởng NBLS (25,2%) (Bidet, E.:2012). Chương trình này được đánh giá là vườn ươm cho các mô hình DNXH, đồng thời cung cấp kiểu mẫu về mô hình DNXH thành công (Bidet, E., Eum, H., & Ryu, J.: 2019).
2.2. Mô hình SEPA (SEPA meta-model)
SEPA định nghĩa DNXH là “một tổ chức được chứng nhận tham gia vào các hoạt động kinh doanh sản xuất, bán hàng hóa và dịch vụ đồng thời theo đuổi mục đích xã hội là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương bằng cách cung cấp các dịch vụ xã hội và tạo việc làm cho người thiệt thòi” (Điều 2, SEPA: 2006). Dựa trên định nghĩa này, cơ quan quản lý đã đưa ra các điều kiện, thủ tục, chính sách riêng để thành lập và thúc đẩy DNXH. Mặc dù mô hình SEPA tạo thành một mô hình cụ thể, nhưng ban đầu nó được thiết kế như một nhãn phụ cho các mô hình DNXH khác tồn tại trước đó. SEPA cũng giúp hợp pháp hóa các biện pháp hỗ trợ cho DNXH và đóng vai trò của mô hình mẫu trong việc (tái) định hình các mô hình DNXH đơn lẻ. Các điều kiện được nhấn mạnh trong SEPA gồm: hoạt động kinh doanh, mục đích xã hội, quản trị (Defourny, J. và Nyssens, M.: 2012).
2.3. Mô hình kinh tế xã hội (Social economy meta-model)
Với nền tảng là các tổ chức xã hội dân sự gồm các hợp tác xã và các tổ chức xã hội,... các DNXH dạng này phát triển mạnh sau khi được các chính quyền địa phương lựa chọn và được hưởng các chính sách hỗ trợ địa phương do hoạt động thường gắn với các vấn đề của địa phương. Hiện nay, DNXH mô hình này có nhiều hình thức pháp lý khác nhau tập trung trong các lĩnh vực hướng tới người già, y tế, dịch vụ xã hội, cộng đồng thiểu số,… Sự phát triển của mô hình này cũng liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của các hợp tác xã mới (và độc lập) trong những năm 1980 - 1990 và được thừa nhận đầy đủ về mặt pháp lý thông qua Luật Hợp tác xã tiêu dùng (1999) và Đạo luật khung về hợp tác xã (2012) (Bidet, E., Eum, H. và Ryu, J.:2019).
2.4. Các mô hình đơn lẻ (Single-models)
Có 3 loại mô hình dạng này với 8 loại DNXH được liệt kê căn cứ trên các tiêu chí như mức độ thể chế hóa, mục tiêu chính được tuyên bố, tính năng hoạt động gồm: (1) các mô hình dựa trên chính sách công; (2) các mô hình kết quả từ việc diễn giải lại các kinh nghiệm hiện có; và (3) các mô hình mới (Bidet, E., Eum, H., và Ryu, J.:2019).
Mô hình dựa trên chính sách công, gồm các DNXH hướng tới giải quyết các nhu cầu của cộng đồng dựa trên việc tận dụng các chính sách công bao gồm: Sáng kiến làm việc cho người cao tuổi (loại 1) - giúp mang lại cơ hội làm việc cho những người trên 65 tuổi; Doanh nghiệp cộng đồng (loại 2) là sự kết hợp của các chính sách phát triển địa phương từ giữa những năm 1990 và chương trình hỗ trợ do Bộ An ninh và Hành chính công khởi xướng năm 2008; và Doanh nghiệp cộng đồng ở nông thôn (loại 3) tập trung vào các vấn đề về môi trường và nông thôn.
Mô hình là kết quả của việc diễn giải lại các kinh nghiệm hiện có là nhóm doanh nghiệp được đánh giá lại - “diễn giải lại” thông qua cách tiếp cận về DNXH sau khi SEPA có hiệu lực. Các mô hình này đã tồn tại trước khi xuất hiện khái niệm DNXH và có các cộng đồng với các sáng kiến, chương trình hỗ trợ liên quan tương đối đặc thù với 3 loại hình gồm: Cơ sở dạy nghề phục hồi chức năng dành cho người tàn tật (loại 4) hiện được quản lý bởi các tổ chức phi lợi nhuận do Bộ Y tế và Phúc lợi quản lý. Các cơ sở này dựa vào các nguồn lực do các hoạt động kinh tế của họ nhưng thường vẫn thuộc các tổ chức hoặc hiệp hội phúc lợi nhận trợ cấp và quyên góp tài chính, do đó có thể coi họ là công ty con của các tổ chức hoặc hiệp hội này. Hợp tác xã y tế (loại 5) - vốn là những hợp tác xã cung cấp các dịch vụ y tế và xã hội cho người dân địa phương.
Hợp tác xã y tế lần đầu tiên được thể chế hóa như một loại hình hợp tác xã tiêu dùng cụ thể theo Luật Hợp tác xã tiêu dùng (1999), sau đó các hợp tác xã này chuyển thành hợp tác xã xã hội (theo quy định tại Đạo luật khung về hợp tác xã 2012) với tiêu chuẩn của một tổ chức phi lợi nhuận theo đuổi ít nhất một trong hai mục tiêu xã hội được xác định là phát triển cộng đồng, cung cấp việc làm và/hoặc dịch vụ cho nhóm yếu thế. Loại 6 của mô hình này là các sáng kiến tự cung tự cấp đã được phát triển liên quan đến từng nhóm người bị thiệt thòi cụ thể như người vô gia cư, người di cư Bắc Triều Tiên,… dựa trên nền tảng là Đạo luật về Hỗ trợ Phúc lợi và Tự lực của Người vô gia cư, Đạo luật Hỗ trợ Định cư và Bảo vệ Người tị nạn Bắc Triều Tiên,… (Defourny J. và Kim S.:2011).
Mô hình mới hay còn gọi là "các mô hình mới nổi" gồm 2 loại DNXH gồm liên doanh xã hội cho thanh niên (loại 7) và doanh nghiệp đổi mới xã hội và đạo đức (loại 8). Tuy nhiên, các mô hình này còn sơ khai và chưa phát triển rộng với số lượng đủ để có thể khảo sát và đưa ra các đánh giá tổng quát bởi cơ quan có thẩm quyền hay các nghiên cứu có quy mô (Bidet, E., Eum, H. và Ryu, J.:2019).
3. Một số đề xuất chính sách gợi mở cho Việt Nam
Những kinh nghiệm từ Hàn Quốc hy vọng sẽ cung cấp một ví dụ tham khảo hữu ích và gợi ra một số đề xuất dưới đây cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và điều chỉnh chính sách về DNXH.
Thứ nhất, quy định và chính sách về DNXH cần hướng tới sự đa dạng trong mô hình hoạt động thay vì các hình thức khung theo cách quy định hiện nay tại Luật Doanh nghiệp. Các DNXH tại Hàn Quốc không chỉ giới hạn trong quy định hay theo tiêu chí của SEPA, nó còn có thể là các hợp tác xã, các doanh nghiệp tự cung tự cấp, doanh nghiệp cộng đồng, mô hình kinh doanh nhỏ phát triển từ sáng kiến nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều mô hình kinh doanh chưa hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu về DNXH của SEPA nhưng vẫn được nhìn nhận theo đúng bản chất và mục đích hoạt động vì xã hội của nó.
Thứ hai, cần xây dựng các biện pháp, nguồn lực hỗ trợ đa dạng từ địa phương để tạo môi trường và điều kiện phát triển tốt nhất cho các hoạt động của DNXH. Từ thực tế tại Hàn Quốc cho thấy, nhiều doanh nghiệp được phát triển dựa trên việc tận dụng các chính sách ưu đãi từ địa phương và hướng tới một số nhóm vấn đề cụ thể của địa phương. Với việc tận dụng chính sách ưu đãi và được hỗ trợ từ địa phương, các DNXH này đã hỗ trợ cộng đồng địa phương trong lĩnh vực mà địa phương đang cần như các dẫn chứng từ Mô hình đơn lẻ tại phần 1.
Thứ ba, các đạo luật, chính sách cho các nhóm đối tượng đặc thù cũng cần bổ sung thêm quy định liên quan tới việc phát triển DNXH. Kinh nghiệm từ nhóm mô hình tự cung tự cấp, loại số 6 trong Mô hình đơn lẻ với nền tảng là dựa trên nền tảng là Đạo luật về Hỗ trợ Phúc lợi và Tự lực của Người vô gia cư, Đạo luật Hỗ trợ Định cư và Bảo vệ Người tị nạn Bắc Triều Tiên,… cho thấy việc các chính sách và bộ luật dành cho nhóm đối tượng đặc thù cũng có thể góp phần phát triển và mở rộng giá trị đóng gốp cho cộng đồng của DNXH.
Thứ tư, là cần đa dạng hóa các tiêu chuẩn và tiêu chí cho DNXH. Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy cần nhìn nhận đúng về giá trị đóng góp của nhóm các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định pháp luật về DNXH hoặc chưa chuyển đổi thành DNXH. Do đó, cần xây dựng các nhóm tiêu chí đặc thù và đa dạng hơn các tiêu chí chung như quy định hiện nay tại Việt Nam. Việc đa dạng hóa này cũng thúc đẩy phát triển những giá trị hữu ích của nhóm doanh nghiệp này trong quá trình họ tích lũy nguồn lực để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cao hơn.
Với lượng thông tin tóm lược được giới thiệu, những đề xuất của bài viết mới chỉ dừng ở mức gợi mở và sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để có các đề xuất chính sách cụ thể hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bidet E. (2012). Overcoming Labor Market Problems and Providing Social Services: Government and Civil Society Collaboration in South Korea. Nonprofit and Voluntary Sector Quarterly, 41(6), 1215-30.
- Bidet E., Eum, H., và Ryu, J. (2019).Models of Social Enterprise in South Korea. Trong tuyển tập E. Bidet & J. Defourny (Eds.). Social Enterprise in Asia: Theory, Models and Practice. 97-115.
- Defourny J. và Kim S. (2011). Emerging Models of Social Enterprise in Eastern Asia: A Cross - Country Analysis. Social Enterprise Journal, 7(1), 86-111.
- Deok Soon Hwang, Wonbong Jang, Joon-Shik Park và Shinyang Kim. (2016). Social Enterprise in South Korea, ICSEM Working Papers No. 35. Liege: The International Comparative Social Enterprise Models (ICSEM) Project..
- Eum H. và Bidet, E. (2011). Social enterprise in South Korea: History and diversity. Social Enterprise Journal, 7(1), 69-85.
- Social Enterprise Promotion Act - SEPA (2006). Đạo luật Thúc đẩy doanh nghiệp xã hội
Social enterprise models in South Korea and some policy recommendations for Vietnam
Master. Nguyen Thi Ho Diep
Institute of Social Sciences Information
ABSTRACT:
Social enterprise models have appeared in South Korea since the late 1990s and have made many contributions to local communities. This paper introduces some popular social enterprise models in South Korea, and analyzes South Korea’s institutions and regulations on social enterprise models. The paper also presents some policy recommendations for Vietnam to complete the country’s policies on social enterprises.
Keywords: social enterprise, public policy, Single Euro Payments Area (SEPA), South Korea.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]