TÓM TẮT:
Mục đích của nghiên cứu này sẽ dùng phương pháp nghiên cứu định tính để lược khảo những nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị chiến lược (SMA - Strategic Management Accouting) để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sản xuất. Từ đó, vận dụng lý thuyết dự phòng và lý thuyết ứng xử thông tin để xây dựng mô hình và các giả thuyết nghiên cứu về sự ảnh hưởng của các nhân tố đến khả năng vận dụng SMA để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Bình Dương - Việt Nam. Tiếp theo, dùng phương pháp nghiên cứu định lượng để khảo sát nhà quản lý, nhân viên kế toán của 183 doanh nghiệp sản xuất tại Bình Dương để kiểm định ảnh hưởng của các nhân tố đến sự vận dụng SMA trong mối quan hệ với hiệu quả hoạt động. Kết quả nghiên cứu đã đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 4 biến độc lập: mức độ cạnh tranh, văn hóa công ty, trình độ kế toán, chiến lược kinh doanh; một biến trung gian là biến vận dụng SMA và biến phụ thuộc là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Từ khóa: Kế toán quản trị chiến lược, hiệu quả hoạt động, SMA.
1. Giới thiệu
Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển đã tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp. Áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không chỉ trong phạm vi quốc gia và chuyển sang trạng thái toàn cầu. Lúc này, vai trò của thông tin kế toán thực sự rất cần thiết đối với các doanh nghiệp, những thông tin mang tính lâu dài và định hướng cung cấp thông tin từ bên ngoài như thông tin về đối thủ cạnh tranh, thông tin khách hàng... chính là yếu tố giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nghiên cứu về các nhân tố tác động đến việc áp dụng SMA trong các doanh nghiệp đã được công bố khá nhiều trên thế giới. Tuy nhiên, những nghiên cứu này được thực hiện ở các quốc gia khác nhau; vì đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa và pháp lý khác nhau, do đó kết quả cũng khác nhau. Tại Việt Nam, đã có những nghiên cứu về SMA nhưng còn ít và việc nghiên cứu hầu hết chỉ tiếp cận theo hướng tầm quan trọng, định hướng áp dụng SMA; hay nghiên cứu về các kỹ thuật của SMA, mà chưa có nhiều nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong mối quan hệ với tổ chức thực hiện kế toán quản trị chiến lược.
Vận dụng SMA nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Việc phát hiện những nhân tố nào ảnh hưởng đến việc áp dụng SMA nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Bình Dương nói riêng là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn.
2. Cơ sở lý thuyết và lý thuyết nền
2.1. Cơ sở lý thuyết
Theo Neely (1995), hiệu quả hoạt động là một bộ tiêu chí nhằm định lượng tính hiệu quả và hiệu lực của các mặt hoạt động trong doanh nghiệp. Nó được kiểm định bởi 3 cấp độ: Cá nhân, mục tiêu doanh nghiệp và mối quan hệ giữa các tiêu chí đánh giá đó với môi trường hoạt động (văn hóa, thỏa mãn khách hàng, chiến lược phát triển,...).
Cấu trúc hiệu quả hoạt động được phát triển để đo lường hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp, hiệu quả được đánh giá bằng cả 2 thước đo là tài chính và phi tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp từ các quan điểm khác nhau (Kaplan và Norton, 1992; Lynch and Cross, 1995; Kaplan and Norton, 1996; Chenhall, 2005). Đối với hoạt động tài chính dùng các chỉ số để đo lường bao gồm: tổng thu nhập, tăng trưởng doanh thu, tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư để so sánh với đối thủ cạnh tranh. Đối với các chỉ số phi tài chính được đánh giá thông qua sự hài lòng của khách hàng, chất lượng sản phẩm/dịch vụ, phát triển và đào tạo nhân viên.
SMA xem như một cách tiếp cận giao thoa giữa quản trị chiến lược và kế toán. SMA lần đầu tiên được đề cập bởi Simmonds (1981), từ đó nhiều nghiên cứu liên quan đến SMA đã được thực hiện (Bromwich, 1990; Langfield-Smith, 2008; Ma và Tayles, 2009…). Vậy nhưng thực tế lại cho thấy rằng, vẫn chưa có một khái niệm chính thống nào về SMA được chấp nhận rộng rãi. Nhưng có thể nhận thấy SMA đều có điểm chung: Thứ nhất, đó là hướng đến thông tin được thu thập từ bên ngoài (Chủ yếu là các đối thủ cạnh tranh trong trong cùng ngành nghề sản xuất - kinh doanh); Thứ hai, sử dụng cả thông tin tài chính (chi phí sản xuất, tỷ suất sinh lợi,...) và thông tin phi tài chính (chất lượng sản phẩm, thị phần, sự hài lòng của khách hàng...), Thứ ba thường thì kế toán quản trị được xây dựng cho chu kỳ có thời gian dài tại doanh nghiệp.
2.2. Các lý thuyết nền liên quan đến vận dụng SMA để nâng cao hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp sản xuất
Để xây dựng mô hình nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng 2 lý thuyết nền tảng là Lý thuyết dự phòng và lý thuyết ứng xử thông tin. Trong đó:
Lý thuyết dự phòng: Lý thuyết dự phòng nghiên cứu SMA trong mối quan hệ tương tác với môi trường hoạt động của doanh nghiệp. Căn cứ vào các tài liệu về lý thuyết dự phòng cung cấp sự hiểu biết cơ bản về cách thức các loại yếu tố thuộc đặc điểm tổ chức và môi trường ảnh hưởng đến việc sử dụng các thông tin do kế toán quản trị cung cấp. Lý thuyết dự phòng sẽ được nhóm tác giả vận dụng để giải thích sự ảnh hưởng của 2 yếu tố môi trường (Mức độ cạnh tranh) và đặc điểm tổ chức (Văn hóa doanh nghiệp, trình độ nhân viên kế toán, chiến lược kinh doanh) đến hành vi tổ chức (Vận dụng SMA)
Lý thuyết xử lý thông tin: Theo (Galbraith, 1973) lý thuyết này xem xét đến ba khái niệm: Yêu cầu xử lý thông tin, khả năng xử lý thông tin, sự tương thích giữa yêu cầu và khả năng xử lý thông tin để đạt được hiệu quả tối ưu của doanh nghiệp. Vì vai trò của SMA là phải thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin cho nhà quản trị, do đó, việc vận dụng lý thuyết này trong nghiên cứu giúp nhóm tác giả hình thành ý tưởng về tác động của nhân tố Vận dụng SMA (tức là thu thập, xử lý, phân tích cung cấp thông tin SMA) đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
3. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu
3.1. Giả thuyết nghiên cứu
Mức độ cạnh tranh:
Collier và Gregory (1995); Cravens và Guilding (2001) cho rằng, thông tin về đối thủ cạnh tranh trong SMA đã được các công ty sử dụng rộng rãi để quản lý cạnh tranh (cạnh tranh về giá, quản lý chi phí) và thực hiện chiến lược kinh doanh. Và mức độ cạnh tranh trong ngành mà đơn vị hoạt động càng cao thì nhu cầu áp dụng SMA của các đơn vị càng cao để ra quyết định (Collier và Gregory, 1995).
Đoàn Ngọc Phi Anh (2012) trong nghiên cứu của mình cũng cho thấy có mức độ cạnh tranh càng cao thì khả năng vận dụng SMA càng lớn trong các doanh nghiệp Việt Nam. Kariuki và Kamau (2016) quan tâm tới việc vận dụng SMA trong các doanh nghiệp sản xuất ở Kenya, và chỉ ra rằng mức độ cạnh tranh trong ngành tác động đến việc triển khai vận hành SMA trong doanh nghiệp sản xuất ở Kenya.
Như vậy, có thể thấy, khi mức độ cạnh tranh càng khốc liệt thì doanh nghiệp cần phải tăng cường sử dụng các công cụ kế toán quản trị để cung cấp thông tin cho nhà quản trị nhằm đảm bảo thực hiện thành công chiến lược kinh doanh đề ra. Từ đó, giả thuyết H1 được đưa ra: Mức độ cạnh tranh càng cao thì nhu cầu vận dụng SMA của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam càng cao.
Văn hóa công ty:
Văn hóa doanh nghiệp được Ravasi và Shultz (2006) định nghĩa là một tập hợp các giả định chia sẻ hướng dẫn những gì xảy ra trong tổ chức, bằng cách xác định các hành vi phù hợp cho các tình huống khác nhau. Theo Erserim (2012) các loại hình văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến vận dụng kế toán quản trị như văn hóa trợ giúp, văn hóa quản lý theo mục tiêu và văn hóa cải tiến. Theo Trần Ngọc Hùng (2016) cho rằng trong các doanh nghiệp khi nhân viên nhận được sự hỗ trợ từ nhà quản trị, mọi thành viên trong doanh nghiệp đều đồng lòng hướng về mục tiêu chung của doanh nghiệp, và các phòng ban trong doanh nghiệp có sự chia sẻ lẫn nhau trong suốt quá trình hoạt động, những đặc điểm này là của văn hóa hỗ trợ hay văn hóa doanh nghiệp quản trị theo mục tiêu.
Từ đó, nhóm nhóm tác giả xây dựng giả thuyết nghiên cứu H2 như sau: Trong doanh nghiệp có nền văn hóa hỗ trợ/văn hóa quản lý theo mục tiêu sẽ làm tăng khả năng vận dụng SMA trong doanh nghiệp sản xuất Bình Dương.
Trình độ nhân viên kế toán:
Mặc dù hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về mối quan hệ giữa nhân tố trình độ nhân viên kế toán với việc vận dụng SMA, nhưng đã có một số học giả đã khẳng định trình độ nhân viên kế toán ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thông tin kế toán quản trị (Ahmad, 2012). Haldma và Laats (2002) cho rằng sự thiếu hụt các kế toán viên đủ tiêu chuẩn có thể là rào cản để áp dụng các kỹ thuật kế toán quản trị hiện đại. Ismail và King (2007) cho thấy nhân viên kế toán có trình độ càng cao thì mức độ vận dụng kế toán quản trị càng cao. Ahmad (2012) nhận xét trình độ của nhân viên kế toán quản trị là nhân tố nội sinh ảnh hưởng đến mức độ thực hiện kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
Từ đó, nhóm tác giả xây dựng giả thuyết nghiên cứu H3 như sau: Nhân viên kế toán càng sở hữu nhiều bằng cấp, chứng chỉ nghề, chứng chỉ kế toán chuyên nghiệp sẽ làm tăng khả năng vận dụng kế toán quản trị chiến lược trong doanh nghiệp sản xuất Bình Dương.
Chiến lược kinh doanh:
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa loại chiến lược kinh doanh và vận dụng SMA, tiêu biểu như Miles và Snow (1978) cho rằng các kỹ thuật SMA sẽ được áp dụng rộng rãi hơn trong ở các doanh nghiệp thực hiện chiến lược tấn công hơn là các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phòng thủ. Fisher (1995) cho rằng các yếu tố liên quan đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh có ảnh hưởng đến vận dụng SMA. Hay Burn & Nixon (2009), một trong những vấn đề chính của tiến trình kế toán quản trị là gắn kết với chiến lược. Cinquini và Tenucci, (2010) cũng cho thấy sự linh hoạt của chiến lược kinh doanh ảnh hưởng đến vận dụng SMA ở doanh nghiệp. Từ đó, giả thuyết H4 được đưa ra: Sự linh hoạt của chiến lược kinh doanh có ảnh hưởng cùng chiều đến vận dụng SMA trong các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Bình Dương.
Mối quan hệ giữa vận dụng SMA và hiệu quả hoạt động:
Kết quả lược khảo tài liệu cho thấy nhiều nhóm tác giả đã tìm thấy tác động thuận chiều giữa áp dụng SMA với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Hoque, 2004; Cadez và guilding, 2008; Đoàn Ngọc Phi Anh, 2012; Ojra, 2014; và cộng sự, 2017).
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nếu khả năng thu thập và xử lý của hệ thống thông tin không đáp ứng đầy đủ theo mong muốn thì các quyết định đưa ra bị muộn, không đảm bảo tính kịp thời, do đó dẫn đến hiệu quả của quyết định không cao. Gupta (1987) cho rằng các thông tin tốt hơn, chất lượng hơn được sử dụng cũng giúp việc doanh nghiệp cải thiện được khả năng tối ưu hóa nguồn lực và từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả xây dựng giả thuyết nghiên cứu H5 là: Việc áp dụng SMA có ảnh hưởng cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Bình Dương.
3.2. Mô hình nghiên cứu
Thông qua việc hệ thống hóa các tài liệu nghiên cứu về lý thuyết và tham khảo các mô hình nghiên cứu thực nghiệm tại các quốc gia trên thế giới, và vận dụng các lý thuyết nền tảng có liên quan nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu theo Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
Nguồn: Nhóm nhóm tác giả đề xuất
4. Kết quả nghiên cứu
Căn cứ vào kết quả khảo sát từ các nhà quản lý, các nhân viên kế toán của các doanh nghiệp sản xuất tại Bình Dương. Lấy mẫu theo phương pháp thuận tiện. Số bảng khảo sát phát ra là 250, thu về 213 phiếu. Sau khi sàng lọc loại bỏ những phiếu không đạt, làm sạch còn lại 183 phiếu để đưa vào phân tích chính thức. Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha nghiên cứu cho thấy đa phần các thang đo đều thỏa điều kiện như hệ số Cronbach’s Alpha từ 0.6 trở lên, hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3. Điều này cho thấy, các biến trong thang đo khá gắn kết với nhau và là thang đo tốt. Thang đo nhân tố Mức độ cạnh tranh có hệ số Cronbach’s Alpha cao nhất 0.880, chiến lược kinh doanh có hệ số Cronbach’s Alpha khá cao 0.861, thang đo nhân tố trình độ nhân viên kế toán chấp nhận được 0.79, thang đo nhân tố văn hóa công ty chấp nhận được 0.719.
Bảng 1. Giá trị R2
Nguồn: Kết quả nghiên cứu, 2020
Đánh giá mô hình cấu trúc tuyến tính cần phải xem xét mối quan hệ giữa các cấu trúc ngoại sinh có tốt hay không. Mô hình được gọi là tốt khi chỉ số R2 đạt yêu cầu. Bảng 1 đã chỉ ra rằng chỉ số R2 đều lớn hơn 0,1 do Falk và Miller's (1992) đề nghị. Như vậy, mô hình cấu trúc được xem là đạt yêu cầu.
Hình 2: Kết quả đánh giá mô hình nghiên cứu
Nguồn: Kết quả nghiên cứu, 2020
Tiếp theo, đề tài sử dụng hệ số b để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất. Hình 2 cho thấy tất cả các hệ số đường dẫn đều có giá trị dương, nghĩa là các mối quan hệ giữa các khái niệm nghiên cứu đều có mối quan hệ thuận chiều. Điều này có nghĩa là các giả thuyết nghiên cứu đề xuất đều được chấp nhận.
Hệ số b của mối quan hệ giữa biến “Vận dụng kế toán quản trị chiến lược” và “Hiệu quả hoạt động doanh ngiệp là lớn nhất và có giá trị rất cao (0,573), giữa các nhân tố chiến lược kinh doanh, mức độ cạnh tranh, trình độ nhân viên kế toán, văn hóa công ty với nhân tố vận dụng SMA lần lượt là 0,08; 0,137; 0,341; 0,069 đã chỉ ra rằng các nhân tố đề xuất trong mô hình đều có tác động cùng chiều đến khả năng vận dụng SMA và doanh nghiệp cần phải sử dụng hệ thống SMA vì việc vận dụng nó sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Kết quả này đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của hệ thống SMA nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh càng ngày càng gay gắt tại tỉnh Bình Dương - Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
5. Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, việc phải đối đầu những áp lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm buộc các doanh nghiệp sản xuất phải có đầy đủ các thông tin chiến lược cần thiết như khách hàng, đối thủ cạnh tranh, thị trường và môi trường bên ngoài nói chung, điều đó cho phép tạo ra và đạt được lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức. Vì vậy, bài báo này là cơ sở mở ra các hướng nghiên cứu thực nghiệm tiếp theo về việc kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vận dụng SMA vào doanh nghiệp sản xuất, từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đoàn Ngọc Phi Anh (2012). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị chiến lược tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, số 264, tháng 10 năm 2012.
- Aksoylu, S., & Aykan, E. (2013). Effects of strategic management accounting techniques on perceived performance of businesses. Journal of US-China Public Administration, 10(10), 1004-1017.
- AlMaryani, M. A. H., & Sadik, H. H. (2012). Strategic management accounting techniques in Romanian companies: Some survey evidence. Procedia Economics and Finance, 3, 387-396.
- Alamri, A. M. (2018). Association between Strategic Management Accounting facets and Organization performance. Baltic Journal of Management, 14(2), 212-234.
- Alsoboa, S. (2015). The external orientation of strategic management accounting: Customer accounting, business strategies, and customer performance. Environment (Woodruff, 1997; Weir, 2014), 6, 18.
- Cadez, S., & Guilding, C. (2008). An exploratory investigation of an integrated contingency model of strategic management accounting. Accounting, organizations and society, 33(7-8), 836-863.
- Cinquini, L., & Tenucci, A. (2010). Strategic management accounting and business strategy: A loose coupling?. Journal of Accounting & organizational change, 6(2), 228-259.
- Erserim, A. (2012). The impacts of organizational culture, firm's characteristics and external environment of firms on management accounting practices: an empirical research on industrial firms in Turkey. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 62, 372-376.
- Galbraith, J. (1973). Designing complex organizations. Reading, MA: Addison-Wesley.
- Langfield-Smith, K. (2008). Strategic management accounting: how far have we come in 25 years?. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 21(2), 204-228.
- Neely, A., Gregory, M., & Platts, K. (1995). Performance measurement system design: a literature review and research agenda. International journal of operations & production management, 15(4), 80-116.
- Simmonds, K. (1981). Strategic management accountin. Management Accounting, CIMA (April), pp.26-29.
IMPROVING THE PERFORMANCE OF MANUFACTURING
ENTERPRISES LOCATED IN BINH DUONG PROVINCE
BY USING THE STRATEGIC MANAGEMENT ACCOUTING
• Master. BUI THI TRUC QUY
• Master. HUYNH THI XUAN THUY
• Master. PHAM BINH AN
Thu Dau Mot University
ABSTRACT:
This study used qualitative research methods to examine the factors affecting the application of Strategic Management Accouting (SMA) to improve the business performance at manufacturing enterprises. Based on the study’s findings, the preventive theory and the information behavior theory were used to buld research models and hypotheses about the factors affecting the use of SMA at manufacturing enterprises located in Binh Duong Province, Vietnam. The quantitative research methods were also used to survey managers and accountants working for 183 manufacturing companies in Binh Duong to test the impacts of SMA on the business performance. This study’s results propose a research model consisting of 4 independent variables, namely competitiveness level, company culture, accounting level, business strategy; an intermediate variable - the use of SMA and a dependent variable - the firm's performance.
Keywords: Strategic management accounting, operational efficiency, SMA.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]