Một số bất cập, hạn chế khi áp dụng biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án theo pháp luật về Thi hành án dân sự

ThS. NCS. Nguyễn Thanh Tùng - Ngô Hữu Phúc (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự và biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là tổ hợp nhóm các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp cho quá trình thi hành án dân sự được diễn ra hiệu quả. Nếu như các biện pháp này được thực hiện không thống nhất, không đồng bộ và không kịp thời thì việc thi hành án dân sự sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo cho các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự phát huy hiệu quả, đòi hỏi các quy định của pháp luật về các biện pháp này phải được hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và đương sự thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự và biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc thi hành án dân sự. Vì vậy, đây là vấn đề cần được nghiên cứu để từ đó đề xuất các kiến nghị nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đó.

Từ khóa: biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, thi hành án dân sự.

1. Đặt vấn đề

          Kết quả thi hành án dân sự thành công có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính nghiêm minh, tính khả thi của việc thực thi một bản án, quyết định của Tòa án, từ đó góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người được thi hành án và đồng thời giúp duy trì trật tự pháp lý trong xã hội. Tuy nhiên, kết quả thi hành án phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có sự tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án. Trên thực tế, có không ít trường hợp người phải chấp hành án không tự nguyện chấp hành án, do đó cơ quan thi hành án phải áp dụng đến các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần sớm khắc phục.

2. Một số bất cập, vướng mắc nảy sinh trong áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và kiến nghị hoàn thiện

2.1. Về việc áp dụng biện pháp bảo đảm

Thực tế đã chứng minh, việc áp dụng biện pháp bảo đảm có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Biện pháp bảo đảm có thể do đương sự có đơn yêu cầu chấp hành viên áp dụng hoặc do chấp hành viên tự mình quyết định áp dụng. Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp bảo đảm đã nảy sinh bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản, đó là: Theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) thì Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án. Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp”.

            Theo quy định này, khi xác minh được người phải chấp hành án có tài khoản tại tổ chức tín dụng Chấp hành viên có quyền yêu cầu những cơ quan, tổ chức này tiến hành ngay việc phong tỏa tài khoản đó. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít trường hợp do muốn giữ mối quan hệ làm ăn với khách hàng nên khi vừa mới nhận thấy tài khoản của khách hàng có dấu hiệu bị phong tỏa, thì ngay lập tức đã có người của tổ chức tín dụng đó báo tin cho người phải chấp hành án chuyển hết toàn bộ tiền có trong tài khoản sang một tài khoản khác. Do đó, khi Chấp hành viên chưa kịp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án thì tài khoản đó đã trống rỗng, gây khó khăn cho quá trình thi hành án.

2.2. Về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án

            Thứ nhất, kê biên nhà của người phải thi hành án nhưng nhà đó lại nằm trên đất của người khác: Trong thời gian qua, đã có không ít trường hợp người phải thi hành án chỉ có tài sản đáng giá nhất để thi hành án, nhưng ngôi nhà đó lại được xây dựng trên đất thuộc quyền sở hữu của người khác. Cụ thể như: vụ việc của anh Nguyễn Xuân Nam là người phải thi hành án trong một bản án đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó, anh Nam phải trả cho anh Lê Tiến Dũng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Quá trình xác minh thi hành án cho thấy, ngoài tài sản là ngôi nhà 3 tầng, anh Nam hầu như không có tài sản gì có giá trị khác. Do anh Nam không tự nguyện thi hành án nên cơ quan thi hành án buộc phải kê biên ngôi nhà nói trên. Tuy nhiên, ngôi nhà anh Nam đang ở lại xây dựng trên đất của cha anh là ông Nguyễn Xuân Phương. Trước đây, khi anh Nam lấy vợ, ông Phương đã cắt một phần đất của mình để chia cho cậu con trai ra ở riêng. Tuy nhiên, việc cho đất chỉ dừng ở việc nói miệng, thực tế đến nay quyền sử dụng toàn bộ mảnh đất này vẫn mang tên ông Phương. Anh Nam không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh ông Phương đã cho anh sở hữu quyền sử dụng mảnh đất này. Vào thời điểm anh Nam bị thi hành án, ông Phương cũng chối phăng việc mình cho con trai mảnh đất này mà chỉ nói là “cho mượn”. Ông cũng không đồng ý để cơ quan thi hành án kê biên cả quyền sử dụng đất của mình. Do đó, cơ quan thi hành án chỉ kê biên được ngôi nhà của anh Nam nằm trên phần đất của ông Phương. Kê biên nhà nhưng có đến mấy lần mở phiên đấu giá rồi hạ giá, nhà vẫn không bán được vì không ai muốn mua ngôi nhà không gắn liền với đất. Như vậy, mặc dù có kê biên được tài sản nhưng không thể bán tài sản đó để lấy tiền phục vụ cho việc thi hành án được.

         Thứ hai, về việc định giá tài sản đã được kê biên: Để xác định giá trị của tài sản bán đấu giá để thi hành án, việc định giá tài sản tài sản đã được kê biên là rất cần thiết, đảm bảo tốt quyền lợi chính đáng cho người phải thi hành án và người được thi hành án, đảm bảo việc thi hành án được diễn ra minh bạch, khách quan. Tuy nhiên, không phải lúc nào các đương sự cũng thỏa thuận được với nhau về giá trị của tài sản được kê biên mà có rất nhiều trường hợp do đương sự không thỏa thuận được về giá tài sản hoặc tổ chức thẩm định giá tài sản nên trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên có quyền ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn cấp tỉnh nơi có tài sản kê biên để tiến hành định giá tài sản (điểm a khoản 2 điều 98 Luật Thi hành án dân sự). Do đó, rất có thể trong thời gian chờ đợi tài sản kê biên được định giá thì giá trị của tài sản kê biên đã bị giảm sút so với thời điểm kê biên, gây thiệt hại cho người phải thi hành án.

         Thứ ba, tại khoản 1 điều 13 Nghị định số 33/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015 hướng dẫn một số điều của Luật THADS quy định: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tài sản duy nhất của người phải thi hành án lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản; tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định tuyên xử lý để thi hành án hoặc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định này”. Trên thực tế, nếu gặp phải trường hợp này sẽ gây khó cho Chấp hành viên. Bởi lẽ, nếu người phải chấp hành án chỉ còn duy nhất một tài sản có thể kê biên, bán đấu giá để thi hành án nhưng vì tài sản duy nhất của người phải thi hành án lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản mà Chấp hành viên không thể kê biên, bán đấu giá tài sản thì Chấp hành viên phải lấy tài sản nào của người phải chấp hành án để thi hành án? Mặt khác, nếu Chấp hành viên cố tình kê biên, bán đấu giá tài sản còn lại duy nhất đó để thi hành án thì trái với quy định của pháp luật, đồng thời giả dụ nếu nghĩa vụ phải thi hành án chỉ có 5 - 7 triệu đồng nhưng lại phải kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền trên đất có giá trị 1 tỷ đồng thì việc xử lý như vậy là khó thuyết phục, trong quá trình thi hành án có thể sẽ gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phía người phải chấp hành án. Do đó, khi rơi vào tình huống này pháp luật chưa dự liệu được phương án dự phòng để việc thi hành án được thực thi.

           Thứ tư, điểm b, khoản 1 điều 44a Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về việc xác định chưa có điều kiện thi hành án: “Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 113 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó”. Như vậy, vật đặc định là vật duy nhất, không thể thay thế, tuy nhiên, nếu khi vật đặc định đã không còn hoặc đến mức không thể sử dụng được lại được xếp vào trường hợp chưa có điều kiện thi hành án thì sẽ dẫn đến tình trạng không thể giải quyết việc thi hành án đối với trường hợp này được.

            Thứ năm, theo quy định tại khoản 5 điều 115 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về vấn đề cưỡng chế trả nhà, giao nhà thì: Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm”. Đây được xem là một quy định mang tính nhân văn đối với người phải thi hành án, tuy nhiên quy định này cũng nảy sinh bất cập trong thực tiễn áp dụng. Theo đó, nếu như người phải thi hành án không còn đủ tiền thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì Chấp hành viên sẽ trích ra một khoản tiền “phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm”. Mặc dù vậy nhưng đây là quy định mang tính chung chung nên rất khó định lượng, bởi lẽ hiện nay Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có hướng dẫn việc tính giá thuê nhà trung bình tại địa phương sẽ tính như thế nào? “Địa phương” ở đây được hiểu là cấp đơn vị hành chính lãnh thổ nào (cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh)? “Giá thuê nhà” ở đây được hiểu là giá nhà trọ, hay nhà ở nguyên căn? Và cần phải khảo sát bao nhiêu giá nhà cho thuê trên địa bàn rồi chia ra để lấy giá thuê nhà trung bình? Do đây là những vấn đề mà Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bỏ ngỏ nên trên thực tế việc ấn định khoản tiền thuê nhà để đưa cho người phải thi hành án thường dựa vào ý chí chủ quan của Chấp hành viên, từ đó có thể phát sinh hiện tượng thi hành án dân sự của các vụ án khác nhau nhưng ở trên cùng một địa phương, tương tự bản chất, mức độ, điều kiện hoàn cảnh thi hành án song khoản tiền thuê nhà mà những người phải thi hành án trong các vụ án lại nhận được các mức khác nhau. Ngoài ra, mặc dù quy định này được xem là mang tính nhân văn đối với người phải thi hành án song nếu như khoản tiền bán đấu giá ngôi nhà không đủ để thi hành án hoặc khoản tiền thu được từ việc bán đấu giá ngôi nhà để thi hành án lúc đầu vừa đủ để thi hành án song do phải trích ra một khoản để đưa cho người phải thi hành án thuê nhà do họ không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới nên không còn đủ để thi hành án thì việc trích một khoản tiền từ tiền thu được thông qua việc bán đấu giá ngôi nhà để đưa cho người phải thi hành án thuê nhà trong những trường hợp này liệu có hợp lý? Khoản tiền thiếu hụt trong thi hành án trong trường hợp này sẽ phải xử lý như thế nào? Quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án phải giải quyết như thế nào để được đảm bảo trong trường hợp này? Tất cả những vấn đề này đều chưa được Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đề cập và làm rõ.

2.3. Một số kiến nghị hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

2.3.1. Đối với việc áp dụng biện pháp bảo đảm

Đối với việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản là tài khoản được mở ở các tổ chức tín dụng: để khắc phục tình trạng tẩu tán tiền có trong tài khoản khi thấy có dấu hiệu sắp bị phong tỏa tài khoản, Luật Thi hành án dân sự cần bổ sung quy định: tổ chức tín dụng đã thực hiện giao dịch chuyển tiền sang tài khoản khác cho người phải thi hành án phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng nơi nguồn tiền được chuyển đến. Nếu tổ chức tín dụng không cung cấp thông tin tài khoản đó hoặc Chấp hành viên, người được thi hành án chứng minh được tổ chức tín dụng cố ý trong việc giúp người phải thi hành án chuyển tiền để trốn tránh việc thi hành án thì giao dịch chuyển tiền đó bị vô hiệu, đồng thời tổ chức tín dụng đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2.3.2. Đối với việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án

            Thứ nhất, thống nhất đối với trường hợp khi kê biên nhà của người phải thi hành án nhưng nhà đó lại nằm trên đất của người khác dẫn đến việc bán đấu giá tài sản đó bị thất bại thì cơ quan thi hành án được áp dụng khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 104 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 để giải quyết.

            Thứ hai, về việc định giá tài sản đã được kê biên: cần bổ sung chế định  việc định giá tài sản thi hành án được thực hiện song song, đồng thời với việc kê biên tài sản thi hành án.

             Thứ ba, để quy định tại khoản 1 điều 13 Nghị định số 33/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015 hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự phù hợp với thực tiễn thi hành, cần bổ sung quy định nếu xảy ra những trường hợp này, người phải thi hành án phép tiến hành cầm cố, thế chấp tài sản đó để lấy tiền thi hành án.

             Thứ tư, bỏ quy định “Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được;” tại điểm b khoản 1 điều 44a Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 để tránh tình trạng tồn động hồ sơ thi hành án không có khả năng thực hiện trên thực tế.

            Thứ năm, do quy định tại khoản 5 điều 115 Luật THADS là quy định mang tính nhân văn, tiến bộ nên cần bổ sung quy định để hướng dẫn việc thi hành quy định này ở trên thực tế. Theo đó, cần bổ sung quy định xác định phương thức để tính giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm để áp dụng thống nhất, tránh cảm tính. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định hướng dẫn để giải quyết việc: nếu số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản là ngôi nhà để thi hành án nhưng vẫn không đủ để thi hành án thì Chấp hành viên có được áp dụng quy định khoản 5 điều 115 Luật Thi hành án dân sự để chi khoản tiền thuê nhà cho người phải thi hành án hay không; đồng thời nếu như sau khi trích một khoản tiền để đưa cho người phải thi hành án thuê nhà do họ không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì khoản tiền còn lại không đủ để thi hành án, không đủ để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án thì quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án sẽ được đảm bảo như thế nào.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2008, 2014). Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  3. Chính phủ (2020). Nghị định số 33/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015 hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
  4. Thu Hằng (2014). Bế tắc khi kê biên nhà Thi hành án dân sự trên đất của người khác. Truy cập tại: http://baophapluat.vn/tu-phap/be-tac-khi-ke-bien-nha-thi-hanh-an-dan-su-tren-dat-cua-nguoi-khac-182116.html.

 

SEVERAL LIMITATIONS AND INADEQUACIES

THAT AFFECT THE EFFECTIVENESS OF ENFORCEMENT CIVIL JUDGMENT

PhD. Student Nguyen Thanh Tung - Ngo Huu Phuc

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

Civil judgment enforcement security measures and civil judgment enforcement measures are kinds of measures to secure and enforce civil judgments, playing a particularly important role in effective execution of judgments enforcement. If these measures are not implemented uniformly, synchronously and untimely, the civil judgment enforcement will face many difficulties in practice.  It is required that the legal provisions on these measures be perfected to create a solid legal corridor for civil judgment enforcement agencies, enforcers and involved parties to perform. However, current regulations on measures to secure civil judgment enforcement and measures to enforce civil judgments have revealed several limitations and inadequacies that affect the effectiveness of enforcement civil judgment. Therefore, this is an issue that needs to be studied to propose suggests and recommendations.

Keywords: measures to secure civil judgment enforcement, coercive civil judgment enforcement measures, civil enforcement.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2022]