Nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật thi hành án hành chính

ThS.GVC. DIỆP THÀNH NGUYÊN (Phó trưởng Khoa, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Thi hành án hành chính được quy định tại chương XIX từ Điều 309 đến Điều 315 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Bài viết trình bày khái niệm, thủ tục thi hành án hành chính, những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật thi hành án hành chính.

Từ khóa: Thi hành án hành chính, bản án hành chính, tòa án.

1. Khái niệm thi hành án hành chính và thủ tục thi hành án hành chính

1.1. Khái niệm thi hành án hành chính

Khái niệm thi hành án hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP như sau: Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật Tố tụng hành chính, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

1.2. Thủ tục thi hành án hành chính

1.2.1. Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành

Điều 309 Luật Tố tụng hành chính quy định những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành gồm:

(1). Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

(2). Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

(3). Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án.

(4). Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 296 của Luật Tố tụng hành chính.

(5). Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị.

1.2.2. Thi hành bản án, quyết định của Tòa án

Điều 311 Luật Tố tụng hành chính quy định:

  1. Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thực hiện như sau:
  2. a) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;
  3. b) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án để thi hành;
  4. c) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải thực hiện bản án, quyết định của Tòa án;
  5. d) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

đ) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;

  1. e) Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án;
  2. g) Trường hợp Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thi hành ngay khi nhận được quyết định;
  3. h) Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
  4. Thời hạn tự nguyện thi hành án được xác định như sau:
  5. a) Người phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;
  6. b) Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải thông báo kết quả thi hành án quy định tại khoản này bằng văn bản cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.

1.2.3 Yêu cầu, quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án

Điều 312 Luật Tố tụng hành chính quy định:

  1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật này mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án.

  1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Quyết định buộc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án cũng phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án.
  2. Thực tiễn chấp hành pháp luật thi hành án hành chính trong thời gian qua

Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, tình hình chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định; công tác theo dõi thi hành án hành chính của Hệ thống Thi hành án dân sự đã được triển khai, từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, tình hình chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế; số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành ngày càng tăng qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu là do: Ý thức chấp hành pháp Luật Tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thi hành án hành chính chưa được thực hiện hiệu quả.[1]

Theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ có 21 vụ việc mà bản án, quyết định đã có hiệu lực trước ngày 01/7/2016 chưa được thi hành xong, cụ thể gồm:

  1. Bản án số 06/HC-ST ngày 15/7/2008 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Bản án số 31/HC-PT ngày 24/9/2008 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM. Thời điểm có hiệu lực: 24/9/2008. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy Quyết định số 1477/QĐ-UBND ngày 18/4/2007 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung thiệt hại về đất cho ông Phạm Ngọc Dũng ở phường 6, TP. Vũng Tàu. Hủy Quyết định số 4678/QĐ-UBND ngày 21/12/07 của Chủ tịch UBND tỉnh về giải quyết khiếu nại, Giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết bồi thường cho ông Phạm Ngọc Dũng.
  2. Bản án số 09/2013/HC-ST ngày 17/12/2013 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quyết định số 62/2014/HC-PT-QĐ ngày 06/5/2014 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM; Thời điểm có hiệu lực: 6/5/2014. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy Quyết định số 2581/QĐ-UB ngày 21/5/2004 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thu hồi, hủy bỏ, thay thế Quyết định số 71/QĐ-UBT ngày 17/01/1994 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về giải quyết tranh chấp giữa bà Lê Thị Cường và bà Nguyễn Thị Vịnh; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện, nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
  3. Bản án số 07/2014/HC-ST ngày 14/8/2014 TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Bản án số 19/2015/HC-PT ngày 09/3/2015 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM. Thời điểm có hiệu lực: 9/3/2015. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 02/02/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thu hồi 4613,2 m2đất tại đường Bình Giã, Phường 8, TP Vũng Tàu do Công ty du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam không có nhu cầu sử dụng và tự nguyện trả lại đất. Buộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho VCSB đối với diện tích 4613,2 m2 ở số 141 Bình Giã (nay là 198), phường 8, TP Vũng Tàu tại Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 02/02/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Buộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải bồi hoàn cho VCSB giá trị 153776,5 m2 đất làm mặt bằng để SXKD (thuộc nhóm đất SX, KD phi nông nghiệp) theo khung giá đất của UBND tỉnh tại thời điểm thi hành án.
  4. Bản án số 04/2010/HC-ST ngày 27/9/2010 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Bản án số 05/2011/HC-PT ngày 20/01/2011 của TAND cấp cao tại TPHCM. Thời điểm có hiệu lực: 20/01/2011. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy bỏ một phần Quyết định số 13550/QĐ-UBND ngày 15/5/2004 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thu hồi diện tích đất 324,1 m2không bồi thường để UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định khác đúng pháp luật.
  5. Bản án số 03/2015/HC-ST ngày 14/4/2015 của TAND tỉnh Bình Dương; Bản án số 85/2016/HC-PT ngày 22/6/2016 của TANDCC tại TPHCM. Thời điểm có hiệu lực: 22/6/2016. Nghĩa vụ phải thi hành án: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trương Chi Văn và bà Vương Tố Phi về việc yêu cầu hủy các quyết định hành chính, cụ thể: Hủy Quyết định số 1635/QĐ-UB ngày 31/5/1997 của UBND tỉnh Bình Dương; Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 24/3/2009 và khoản 1, khoản 2 Điều 1 Quyết định số 2464/QĐ-UBND ngày 09/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
  6. Bản án số 69/2012/HC-PT ngày 08/8/2012 của Tòa án nhân dân Tối cao. Thời điểm có hiệu lực: 8/8/2012. Nghĩa vụ phải thi hành án: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông La Hồng Hiệp. Hủy Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 31/10/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Buộc thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định pháp luật.
  7. Bản án số 06/2011/HC-PT ngày 14/4/2011 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm có hiệu lực: 14/4/2011. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy một phần Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 18/8/2009 của UBND thành phố Buôn Ma Thuột về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình: Nâng cấp mở rộng đường vào nhà ga hàng không Buôn Ma Thuột đối với hộ ông Nguyễn Hoàng Sang.
  8. Bản án số 05/2011/HC-PT ngày 14/4/2011 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm có hiệu lực: 14/4/2011. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy một phần Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 18/8/2009 của UBND thành phố Buôn Ma Thuột về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình: Nâng cấp mở rộng đường vào nhà ga hàng không Buôn Ma Thuột đối với hộ ông Tạ Đình Vui.
  9. Bản án số 04/2011/HC-PT ngày 14/4/2011 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm có hiệu lực: 14/4/2011. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy một phần Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 18/8/2009 của UBND thành phố Buôn Ma Thuột về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình: Nâng cấp mở rộng đường vào nhà ga hàng không Buôn Ma Thuột đối với hộ ông Bùi Đức Diên và bà Chu Thị Hồng Loan.
  10. Bản án số 12/2012/HC-PT ngày 20/8/2012 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm có hiệu lực: 20/8/2012. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy một phần Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 17/11/2006 của UBND thành phố Buôn Ma Thuột về việc phê duyệt phương án bồi thường, đối với ông Nguyễn Bá Triệu và bà Ngô Tú Trân.
  11. Bản án số 05/2014/HC-ST ngày 18/9/2014 của TAND thị xã Sơn Tây. Thời điểm có hiệu lực: 18/10/2014. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy một phần Quyết định số 511/QĐ-UBND ngày 18/4/2013 của UBND thị xã Sơn Tây về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án nhà ở Phú Thịnh giai đoạn 1 (Điều chỉnh bổ sung quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 7/3/2007 của UBND tỉnh Hà Tây) đối với hộ gia đình ông Mai Lục.
  12. Bản án số 01/2015/HC-ST ngày 13/5/2015 của TAND thị xã Hồng Lĩnh; Bản án số 05/2015/HC-PT ngày 24/8/2015 của TAND tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm có hiệu lực: 24/8/2015. Nghĩa vụ phải thi hành án: Buộc UBND phường Đậu Liêu phải làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Bùi Quang Chức.
  13. Bản án số 17/2013/HC-ST ngày 31/12/2013 của TAND tỉnh Kiên Giang. Thời điểm có hiệu lực: 14/01/2014.  Nghĩa vụ phải thi hành án: Công nhận cho hộ bà Nguyễn Hòa Bình được tiếp tục nhận khoán với Ban quản lý rừng An Biên - An Minh theo hợp đồng giao khoán và bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ và biên bản giao nhận khoán ngày 07/6/2004 diện tích 13,4 hecta thuộc ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang. Hộ bà Bình phải chấp hành quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
  14. Bản án số 12/2016/HC-ST ngày 10/6/2016 của TAND huyện Phú Quốc. Thời điểm có hiệu lực: 25/6/2016. Nghĩa vụ phải thi hành án: Buộc Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc phải giải quyết việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và giải quyết việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho bà Nguyễn Thị Hạnh.
  15. Bản án số 01/HC-ST ngày 14/4/2016 của TAND huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Thời điểm có hiệu lực: 14/5/2016. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy toàn bộ công văn hành chính số 255/UBND-TNMT ngày 13/3/2014 của Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang về việc trả lời đơn khiếu nại của công dân là trái pháp luật; buộc người có thẩm quyền của UBND huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang thực hiện trách nhiệm công vụ theo quy định của pháp luật.
  16. Bản án số 08/2016/HC-ST ngày 27/5/2016 của TAND huyện Phú Quốc. Thời điểm có hiệu lực: 13/6/2016. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy các Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 18/01/2011; Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 18/01/2011; Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 18/01/2011 của UBND huyện Phú Quốc về thu hồi đất đối với ông Đỗ Văn Thơ; Quyết định số 1564/QĐ-UBND ngày 21/01/2011; Quyết định số 1600/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 của UBND huyện Phú Quốc về bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với ông Đỗ Văn Thơ.
  17. Bản án số 70/2014/HC-PT ngày 22/9/2014 của TAND tỉnh Long An. Thời điểm có hiệu lực: 22/9/2014. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 22/6/2009 của UBND thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An), tỉnh Long An lấy 6,2 m2 đất từ thửa số 276, tờ bản đồ số 10 của bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga để giao cho ông Cao Văn Hoa.
  18. Bản án số 02/2013/HC-PT ngày 12/3/2013 của TAND tỉnh Quảng Nam. Thời điểm có hiệu lực: 12/3/2013. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy Quyết định số 2069/QĐ-UBND ngày 20/5/2011 của UBND huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) về việc bồi thường bổ sung cho hộ ông bà Phạm Thị Lang (Lan) và Trịnh Văn Năm.
  19. Bản án số 66/2016/HC-PT ngày 10/6/2016 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Thời điểm có hiệu lực: 6/10/2016. Nghĩa vụ phải thi hành án: Buộc UBND Tiền Giang có trách nhiệm ban hành quyết định khác theo đúng trình tự pháp luật quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
  20. Bản án số 1365/2015/HC-PT ngày 30/9/2015 của TAND TP Hồ Chí Minh. Thời điểm có hiệu lực: 30/9/2015. Nghĩa vụ phải thi hành án: Hủy một phần các Quyết định: Quyết định số 10160/QĐ-UBND ngày 19/7/2010 của UBND Quận 2 và Quyết định giải quyết khiếu nại số 5979/QĐ-UBND-TTr ngày 02/5/2012 của Chủ tịch UBND Quận 2, buộc UBND Quận 2 bồi thường, hỗ trợ bổ sung đối với phần diện tích đất ở tự chuyển đổi mục đích trước ngày 20/12/2001. UBND Quận 2 điều chỉnh lại giá trị bồi thường hỗ trợ cho bà Phạm Thị Thùy theo quy định của pháp luật.
  21. Bản án số 397/2016/HC-PT ngày 30/3/2016 của TAND TP Hồ Chí Minh. Thời điểm có hiệu lực: 30/3/2016. Nghĩa vụ phải thi hành án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tăng Thị Lệ Thu về việc yêu cầu tuyên hủy Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 09/6/2010 và Quyết định số 2838/QĐ-UBND-BT ngày 14/11/2012 của UBND Quận 12.

      Việc không thi hành hoặc chậm trễ thi hành án như các trường hợp nêu trên sẽ làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật thi hành án hành chính

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác thi hành án hành chính đã đạt được những kết quả khả quan, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên trong khâu thi hành án. Với đặc thù đối tượng bị kiện trong  vụ án hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước; hơn nữa thi hành án hành chính là cơ chế tự thi hành khiến cho hiệu quả thi hành các bản án hành chính còn chưa cao.[2]  Do đó, để nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật thi hành án hành chính, kiến nghị thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần có biện pháp khắc phục tình trạng - Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên ngại va chạm trong việc ban hành các văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân là người phải thi hành án nhưng chậm thi hành án, không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ.

Thứ hai, bảo đảm công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành tất cả bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án hành chính tại các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành còn tồn đọng.

Thứ ba, cần quy định rõ trách nhiệm của người  không thi hành án, chậm thi hành án và có biện pháp xử lý nghiêm để đảm bảo kỷ cương trong bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.      

Thứ tư, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ Chấp hành viên để nâng cao chất lượng theo dõi việc thi hành các bản án hành chính, đặc biệt là các bản án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Thứ năm, cần xây dựng Luật Thi hành án hành chính. Bên cạnh những vấn đề nêu trên thì quy định của pháp luật về thi hành án hành chính còn rải rác ở nhiều văn bản khác nhau như Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, cần có Luật thi hành án hành chính với những chế tài đủ mạnh giúp công tác này đạt hiệu quả như mong muốn.

4. Kết luận

Nếu bản án hành chính, sản phẩm của quá trình tố tụng hành chính, được nghiêm chỉnh thi hành thì quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức được bảo vệ, công bằng xã hội được bảo đảm. Phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước sẽ chỉ trên giấy nếu không được tổ chức thi hành hoặc thi hành không đầy đủ trên thực tế. Hoạt động thi hành án hành chính kém hiệu quả hoặc không hiệu quả sẽ làm vô hiệu toàn bộ quá trình tố tụng của các cơ quan tố tụng ở các giai đoạn trước, gây tổn hại đến trật tự, kỷ cương, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, có thể nói thi hành án là khâu cuối cùng để công lý được thực thi.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

[2] Vụ Nghiệp vụ 3- Tổng cục Thi hành án dân sự, Một số chỉ đạo của Quốc hội để nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự, https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/ChiDaoDieuHanh/View_Detail.aspx?ItemID=3781

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp 2013.
  2. Quốc hội (2015). Luật Tố tụng hành chính 2015.
  3. Chính phủ (2016). Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
  4. Chính phủ (2019). Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
  5. Vụ Nghiệp vụ 3 - Tổng cục Thi hành án dân sự, Một số chỉ đạo của Quốc hội để nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự, https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/ChiDaoDieuHanh/View_Detail.aspx?ItemID=3781

IMPROVING THE QUALITY OF LAW OBSERVANCE OF ADMINISTRATIVE JUDGMENT EXECUTION

LLM. DIEP THANH NGUYEN

Vice Dean, Facuty of Law, Can Tho University

ABSTRACT:

Execution of administrative judgments is specified from Article 309 to Article 315 in the Chapter XIX, the 2015 Law on Administrative Procedures. The Government Decree No. 71/2016/ND-CP on time limits, sequences and procedures of administrative judgment enforcement, and dealing with acts of non-execution of judgments and decisions of the Court was promulgated on July 1, 2016. This paprer presents the concept of executing administrative judgments and proposes solutions to improve the quality of law observance of administrative judgment execution.

Keywords: Execution of administrative judgments, administrative judgments, courts.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]