TÓM TẮT: Thực tế cho thấy, kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp nói chung và tại các doanh nghiệp may gia công xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng tuy đã được quan tâm nhưng thực sự chưa sâu sát, toàn diện. Để phản ánh thực tiễn triển khai kế toán quản trị chi phí, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới đây. Từ khóa: Kế toán quản trị chi phí, may xuất khẩu, tỉnh Ninh Bình. |
1. Thực trạng kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực Nam miền Bắc, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, giáp ranh với các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, có giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường biển. Năm 2017, Ninh Bình hiện có trên 80 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó doanh nghiệp may gia công xuất khẩu chiếm gần 30%. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Ninh Bình đạt 1,174 tỷ USD, trong đó mặt hàng may gia công xuất khẩu đạt kim ngạch khá cao, chiếm trên 30% tổng kim ngạch của cả tỉnh.
Giá trị may mặc xuất khẩu đạt được phần lớn là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, như: Công ty TNHH Great Global, Công ty Dệt may NiengHSing, Công ty May Excel… và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước như Công ty CP May xuất khẩu Ninh Bình, Công ty CP Thương binh 27-7, Công ty CP May Vạn Lợi…
Cũng giống như các doanh nghiệp dệt may trong cả nước, các doanh nghiệp may mặc tỉnh Ninh Bình có những lợi thế sẵn có, như: Giá nhân công rẻ, sự ổn định về chính trị, nguồn nguyên liệu sẵn có giá rẻ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang đứng trước những thách thức do hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, như sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các công ty trong và ngoài nước, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đối thủ có những lợi thế về khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đem lại năng suất cao, trình độ tay nghề lao động và trình độ quản lý cao, sản phẩm được chuyên môn hóa… Vì vậy, các doanh nghiệp may Ninh Bình cũng đang không ngừng hoàn thiện hệ thống thông tin kinh tế tài chính, đặc biệt là hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí nhằm giúp các nhà quản trị doanh nghiệp có thể kiểm soát chặt chẽ có hiệu quả chi phí, lập dự toán linh hoạt, không ngừng cải tiến chất lượng chủng loại mẫu mã hiện đại, đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài. Một số thành tựu và tồn tại hạn chế trong công tác kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cụ thể như sau:
1.1. Thành tựu
- Phần lớn các doanh nghiệp đã tiến hành phân loại chi phí sản xuất kinh doanh theo công dụng của chi phí. Việc sắp xếp chi phí thành các khoản mục chi phí sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin của kế toán tài chính về các chỉ tiêu giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng định mức tiêu hao nguyên phụ liệu cho từng mã hàng dựa trên điều kiện sản xuất thực tế và kinh nghiệm từ các đơn hàng trước. Căn cứ vào định mức tiêu hao nguyên phụ liệu và số lượng sản phẩm sản xuất để lập dự toán chi phí nguyên phụ liệu.
- Các biểu mẫu chứng từ kế toán chi phí khá đầy đủ, rõ ràng, được sắp xếp, lưu trữ theo đúng quy định, là căn cứ quan trọng để kế toán vào sổ kế toán. Quy trình xử lý, phân tích thông tin kế toán chi phí phù hợp với quy mô và trình độ cán bộ kế toán và cán bộ quản lý tại đơn vị.
1.2. Hạn chế
Một là: Về phân loại chi phí sản xuất kinh doanh
Chi phí trong doanh nghiệp chưa được phân loại theo mối quan hệ với mức độ hoạt động. Kế toán chưa nhận diện rõ ràng các khoản biến phí và định phí trong doanh nghiệp, do vậy sẽ gây khó khăn cho việc phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận, chưa đáp ứng việc tăng cường công tác kiểm soát chi phí và phân tích thông tin chi phí để làm cơ sở cho việc ra các quyết định quản lý.
Hai là: Về lập định mức và dự toán chi phí
Tại hầu hết các đơn vị, việc lập dự toán còn mang tính tổng quát, chưa khả thi, chưa gắn liền với mục tiêu kiểm soát chi phí. Công ty chưa lập dự toán chi phí ngoài sản xuất (chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN); chi phí sản xuất chung chưa phân loại theo cách ứng xử chi phí, do đó, việc định mức chi phí sản xuất chung sẽ không được chính xác và khó kiểm soát chi phí.
Các dự toán được lập hầu như chỉ dựa trên số liệu của các năm trước và dựa theo kinh nghiệm thực tế, chưa mang tính khả thi. Đồng thời, công ty chưa lập dự toán linh hoạt để cung cấp thông tin cho nhà quản trị nhằm đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời trong các tình huống khác nhau.
Ba là: Về kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm
Về cơ bản, các doanh nghiệp đang áp dụng mô hình chi phí truyền thống, chưa tính đúng tính đủ chi phí cho sản phẩm. Giá thành sản xuất sản phẩm đang tính theo phương pháp toàn bộ, toàn bộ chi phí sản xuất được tính vào giá thành sản xuất sản phẩm, có thể làm đội giá thành của sản phẩm cao lên.
Bốn là: Về phân tích thông tin để ra quyết định kinh doanh
Tại các doanh nghiệp mới chỉ tiến hành phân tích thông tin trên các báo cáo tài chính, chỉ thực hiện phương pháp so sánh để đánh giá mức độ biến động của chi phí, chưa khai thác được các kỹ thuật phân tích thông tin của kế toán quản trị để đánh giá nhân tố ảnh hưởng, không thực hiện phân tích điểm hòa vốn, phân tích mối quan hệ chi phí, khối lượng lợi nhuận, ứng dụng thông tin thích hợp cho việc ra quyết định sản xuất - kinh doanh ngắn hạn, gây ra tình trạng thụ động.
Năm là: Về sổ sách, báo cáo kế toán
Các sổ sách báo cáo kế toán mới dừng lại ở kế toán tài chính phục vụ cho nhu cầu bên ngoài đơn vị, sổ kế toán chi tiết chưa thấy được sự so sánh, phân tích các số liệu phục vụ cho công tác quản lý.
Sáu là: Về tổ chức bộ máy kế toán
Trong những năm qua, sự nhận thức và hiểu biết về kế toán quản trị chi phí còn khá mới mẻ, chưa thực hiện được đầy đủ và có hệ thống. Bộ máy kế toán mới chỉ tập trung vào công tác kế toán tài chính, chưa chú trọng đến kế toán quản trị; các đơn vị chưa bố trí được nhân viên kế toán quản trị thực hiện công tác kế toán quản trị một cách chuyên môn hóa.
2. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Năm 2018 được dự báo là một năm khó khăn với ngành Dệt may Việt Nam khi sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng khốc liệt, đặc biệt là sự dịch chuyển các đơn hàng sang những nước có mức giá cạnh tranh hơn, áp lực cạnh tranh tăng cao cả về giá cả và nguồn lao động. Để đẩy mạnh xuất khẩu, giải pháp cơ bản của ngành Dệt may Việt Nam là tiếp tục sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn, giá cả hợp lý nhất.
Từ thực trạng này đòi hỏi các nhà quản lý phải hoàn thiện hệ thống quản lý doanh nghiệp, phù hợp với cách thức sản xuất mới theo công nghệ tiên tiến hiện đại, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Và công cụ đắc lực không thể thiếu trong hệ thống quản lý doanh nghiệp là kế toán quản trị, mà chủ yếu là kế toán quản trị chi phí.
- Giải pháp về tổ chức bộ máy kế toán
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa chú trọng đến vai trò của kế toán quản trị, bộ máy kế toán mới chỉ dừng lại ở công tác kế toán tài chính. Trách nhiệm kiểm soát chi phí chưa gắn liền với người phụ trách kế toán. Do đó, cần xây dựng mô hình bộ máy kế toán kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị. Các nhân viên kế toán vừa làm kế toán tài chính, vừa kiêm nhiệm kế toán quản trị. Việc kết hợp mô hình kế toán quản trị và kế toán tài chính hỗn hợp sẽ vừa sử dụng được dữ liệu đầu vào của kế toán tài chính (Tài khoản kế toán chi tiết, tổng hợp, các bảng kê chi tiết phù hợp...) cũng như sẽ bổ sung thêm dữ liệu cần có của các báo cáo nội bộ, các kế hoạch sản xuất… Đồng thời, thường xuyên tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật các kiến thức mới cho các nhân viên kế toán.
- Giải pháp về phân loại chi phí
Để có được các thông tin có giá trị làm cơ sở cho việc tổng hợp lập báo cáo sử dụng cho hoạt động quản trị thì việc đầu tiên đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân biệt rõ ràng và nhận diện được chi phí. Theo đó, nhà quản lý cần phải xem khả năng phản ứng hoặc thay đổi như thế nào của chi phí khi mức độ hoạt động sản xuất - kinh doanh thay đổi (mức độ ở đây có thể hiểu là số lượng sản phẩm được sản xuất ra, số lượng sản phẩm tiêu thụ, số giờ máy chạy...). Việc xem xét sự thay đổi của chi phí khi mức độ hoạt động của chi phí chính là phân loại chi phí theo mô hình ứng xử chi phí. Cách phân loại này sẽ thấy được mối quan hệ giữa chi phí và mức độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp nhà quản lý trong việc lập kế hoạch, kiểm soát chi phí và ra quyết định kinh doanh.
Theo tiêu thức ứng xử chi phí với mức độ hoạt động thì chi phí được chia thành 3 loại: biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp, trong đó, chi phí hỗn hợp sẽ được theo dõi một cách chi tiết nhất.
Đối với các doanh nghiệp dệt may, việc phân loại chi phí theo mức độ hoạt động sẽ giúp nhà quản trị kiểm soát chi phí ở từng phân xưởng, lập báo cáo sản xuất theo từng phân xưởng, báo cáo dạng lãi trên biến phí, vận dụng vào mô hình mối quán hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận (CVP); đồng thời cũng giúp nhận diện đâu là chi phí kiểm soát được, đâu là chi phí không kiểm soát được, đâu là chi phí sản phẩm, đâu là chi phí thời kỳ.
- Giải pháp về xây dựng dự toán chi phí
Hiện nay, dự toán chi phí được lập chủ yếu dựa vào định mức chi phí được xây dựng cho một đơn vị sản phẩm và căn cứ vào tình hình thực hiện dự toán kỳ trước. Tuy nhiên, để có được hệ thống dự toán có hiệu quả, Công ty cũng cần tính đến sự ảnh hưởng của các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước (như: giá cả thị trưởng, chính sách tín dụng, chính sách thuế, chính sách tỷ giá…), điều kiện về năng lực máy móc thiết bị, nguồn nhân lực hiện có, các chính sách về bán hàng, mua hàng, chính sách cho người lao động… Đây là những nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tại đơn vị, làm sao để việc lập dự toán sản xuất - kinh doanh hàng năm hoặc dự toán cho các phương án kinh doanh của đơn vị có tính khả thi cao nhất.
Bên cạnh đó, việc lập dự toán hiện nay ở các công ty mới chỉ dừng lại ở dự toán tĩnh, có nghĩa là chỉ theo một mức độ hoạt động nhất định, chỉ có tác dụng trong công tác kế hoạch hóa, không có tác dụng trong hoạt động kiểm soát.
Theo đó, các công ty cần phải có cả dự toán chi phí linh hoạt, tức là dự toán chi phí được lập cho các quy mô hoạt động khác nhau, giúp nhà quản trị có thể so sánh được chi phí thực tế ở các mức độ hoạt động khác nhau.
- Kế toán trách nhiệm đối với các trung tâm trách nhiệm chi phí
Để kiểm soát có hiệu quả chi phí sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các đơn vị cần xây dựng các trung tâm trách nhiệm chi phí theo mô hình quản trị trực tuyến chức năng trong doanh nghiệp. Các trung tâm chi phí được hình thành theo 3 nhóm: Trung tâm chi phí thuộc mảng sản xuất, trung tâm chi phí thuộc mảng kinh doanh và trung tâm chi phí thuộc mảng quản lý.
Tại các trung tâm chi phí, kế toán tiến hành phân tích biến động về biến phí sản xuất theo yếu tố để kiểm soát chi phí và có hướng điều chỉnh theo từng nguyên nhân phát sinh. Đối với định phí sản xuất như chi phí khấu hao, bảo trì máy móc, cần được kiểm soát so với số liệu dự toán, để đánh giá và kiểm soát định phí sản xuất theo từng trung tâm chi phí.
- Hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị chi phí
Các báo cáo kế toán quản trị chi phí cần phải phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thu nhận, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp dệt may, đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản trị. Muốn vậy, báo cáo phải được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, đảm bảo tính so sánh được và phù hợp với nhu cầu thông tin của nhà quản trị doanh nghiệp. Các chỉ tiêu trong báo cáo phải có quan hệ chặt chẽ, logic với nhau. Hình thức kết cấu các báo cáo cần đa dạng, linh hoạt, tùy thuộc vào tiêu chuẩn đánh giá thông tin trong mỗi báo cáo phục vụ cho từng tình huống cụ thể. Các chỉ tiêu trong báo cáo thực hiện nên được phân bổ theo loại sản phẩm, mặt hàng, hoặc theo khu vực, thời gian, bộ phận.
Ví dụ như: Báo cáo tình hình thực hiện chi phí tại phân xưởng sản xuất, báo cáo tình hình thực hiện chi phí bộ phận bán hàng; Báo cáo tình hình chi phí bộ phận kinh doanh; Báo cáo tình hình thực hiện chi phí toàn doanh nghiệp; Báo cáo tình hình thực hiện giữa dự toán so với thực tế…
3. Kết luận
Ngày nay, kế toán quản trị có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các nhà quản trị thực hiện các chức năng quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng và tổ chức vận dụng kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí tại các đơn vị dệt may trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng cần có những giải pháp đồng bộ, kết hợp từ phía Nhà nước, các ngành chủ quản và bản thân từng doanh nghiệp ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
2. PGS.TS. Đoàn Xuân Tiên (2009), Giáo trình kế toán quản trị doanh nghiệp, NXB Tài chính, Hà Nội.
3. Hồ Mỹ Hạnh (2013), Tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp may Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh doanh và quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân.
4. Lê Thị Huyền Trâm, Kế toán quản trị tại tổng công ty dệt may Hòa Thọ, Luận án thạc sĩ, Đại học Đà Nẵng.
5. Báo cáo về kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình của Sở Công Thương các năm 2016, 2017, 2018.
SOLUTIONS TO ENHANCE THE IMPLEMENTATIONOF THE COST MANAGEMENT ACCOUNTINGAT GARMENT EXPORTERS IN NINH BINH PROVINCE● MA. HA THI MINH NGA - DANG HA QUYEN - VU THI PHUONG Hoa Lu University ABSTRACT: In fact, enterprises in general and outsourcing garment production exporters in Ninh Binh Province in particular have paid attention to the cost management accounting. However, the cost management accounting has not yet received enough attention. This article is to propose some solutions to enhance the implementation of the cost management accounting at outsourcing garment production exporters in Ninh Binh Province in the coming time. Keywords: Cost management accounting, garment exports, Ninh Binh Province. |