Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam

THS. GIAO THỊ HOÀNG YẾN (Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Giáo dục khởi nghiệp có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và trong các trường đại học nói riêng. Bài viết đã phân tích thực trạng giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: giáo dục khởi nghiệp, sinh viên, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Phát triển ý định khởi nghiệp của sinh viên là một trong những xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, tạo động lực tăng trưởng trong đổi mới, sáng tạo. Sinh viên đại diện cho thế hệ mới với ưu điểm vượt trội về khả năng thích nghi, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển lối tư duy sáng tạo. Đứng trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và quốc tế hiện nay, phát triển ý tưởng khởi nghiệp được coi là một công cụ hữu hiệu đối phó với sự năng động của nền kinh tế, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, các ý tưởng khởi nghiệp là nền tảng của tư duy đổi mới, sáng tạo, khai thác các biên giới công nghệ, tạo ra thị trường mới, từ đó đưa nền kinh tế phát triển vượt bậc. Chính vì vậy, phát triển ý tưởng khởi nghiệp đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển trong những năm gần đây. Không chỉ vậy, nhiều quốc gia đặt thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp là mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Gần đây, ý định khởi nghiệp bền vững đã được đề xuất là đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, chẳng hạn như nghèo đói, đói và sự nóng lên toàn cầu theo nghiên cứu Porter và Kramer (2011). Khởi nghiệp bền vững không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn tạo ra nhiều giá trị hơn đối với môi trường và xã hội. 

Giáo dục khởi nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng và khai thác hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp ở sinh viên. Đây được xem là động lực thúc đẩy cũng như tạo định hướng để ý tưởng khởi nghiệp trở nên rõ ràng, cụ thể và thiết thực hơn. Tuy nhiên, cách thức để xây dựng một chương trình giáo dục khởi nghiệp hiệu quả đang là câu hỏi lớn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

2. Thực tiễn giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học tại Việt Nam hiện nay

Thực tiễn hướng nghiệp trong những năm gần đây tại Việt Nam phần lớn được hình thành, phát triển ở mức định hướng qua 4 giai đoạn, gồm: giáo dục nghề, tư vấn nghề, tuyển chọn nghề và thích ứng nghề. Những năm trước đó ở cấp độ trung học, giáo dục khởi nghiệp chưa nhận được sự quan tâm đúng mực. Các hoạt động giáo dục khởi nghiệp chưa thực sự thiết thực, chưa có các chương trình đào tạo bài bản về các kỹ năng và môn học trong lĩnh vực khởi nghiệp nên học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học chưa tiếp cận được những nguyên lý cơ bản về kinh tế học và thực tiễn kinh doanh cần thiết.

Năm 2016 làn sóng khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, học sinh đã bắt đầu được tiếp cận các nội dung liên quan đến khởi nghiệp trong sách giáo khoa, cụ thể là môn Công nghệ lớp 10 Trung học phổ thông tại Phần học “Tạo lập doanh nghiệp”, bao gồm 2 chương và 8 bài, được giảng dạy trong 11/54 tiết, gồm các nội dung như: Giáo dục kinh doanh là một hình thức giáo dục hướng nghiệp - khởi nghiệp, Doanh nghiệp và lựa chọn lĩnh vực kinh doanh, Tổ chức và quản lý doanh nghiệp, (Hà Trang, 2018). Bên cạnh đó, giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào giảng dạy trong phạm vi các bộ môn phù hợp (Giáo dục công dân, Công nghệ,…) và các hoạt động giáo dục khác (giáo dục nghề phổ thông, giáo dục ngoài giờ lên lớp), qua đó cung cấp cho các em học sinh nguồn thông tin đúng đắn về các ngành nghề cần thiết được phát triển ngay tại địa phương, giúp học sinh định hướng, phát triển năng lực nghề nghiệp tương ứng đồng thời khuyến khích tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của giới trẻ. Những thay đổi này đã cho thấy nỗ lực trong việc đổi mới, phát triển giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Thông qua cổng thông tin chính thức là Website dean1665.vn, Bộ Giáo dục và Đào tạo không ngừng hỗ trợ, khuyến khích hoạt động Hướng nghiệp, Khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong khuôn khổ đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1665). Website này là cầu nối hữu ích giúp học sinh, sinh viên có cơ hội tham gia vào Hành trình Khởi nghiệp, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về hoạt động của Đề án 1665. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Đề án ngày 30/10/2017 và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì triển khai.

Đề án ra đời với mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở các bạn học sinh, sinh viên đồng thời cung cấp các kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp cho các bạn ngay trong thời gian học tập tại nhà trường; xây dựng môi trường tốt để học sinh, sinh viên được hỗ trợ, nuôi dưỡng và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, từ đó góp phần giúp học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm. Những tỷ lệ rất đáng mừng đã xuất hiện, 70% các trường cao đẳng, trung cấp, 100% các học viện, trường đại học trên cả nước có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các bạn học viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí của Chính phủ hoặc kết hợp với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Cuộc thi ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia SV.STARTUP được tổ chức hàng năm với quy mô lớn nhất cả nước dành cho học sinh sinh viên toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, kết hợp với các Bộ, Ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức, để khuyến khích, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các bạn học sinh, giúp các em có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, dám ước mơ và có khát vọng, sự kiên trì lớn để thực hiện được ước mơ, ý tưởng thành công. Các bạn học sinh, sinh viên khi tham dự cuộc thi được tự do thể hiện ý tưởng và tìm kiếm cơ hội để thực hiện hóa những  ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình. Không chỉ vậy, đây còn là môi trường tốt, thích hợp để kết nối “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Đối với Nhà nước, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là sản phẩm của một nền giáo dục và đào tạo tốt. Với doanh nghiệp, SV.STARTUP là một sân chơi thú vị để khai phá các ý tưởng/dự án mới, tiềm năng để đầu tư và có thể mang lại lợi nhuận cho mình cũng như nhiều ích lợi cho cộng đồng, xã hội.

Phát biểu trong ngày hội khởi nghiệp SV.STARTUP 2020, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định, Bộ luôn cố gắng và sẽ tiếp tục tạo nền tảng căn bản cho các bạn trẻ về tư duy, phương pháp một cách toàn diện. Bởi đây là những yếu tố căn bản, muốn khởi nghiệp, muốn có sự đổi mới sáng tạo thì trước hết tư duy, phương pháp của giới trẻ phải đổi mới. Đây là trách nhiệm và sứ mệnh của cả ngành Giáo dục, của các cán bộ và giáo viên.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã được triển khai một cách đa dạng. Đã hình thành và đưa vào hoạt động hiệu quả nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn. Không chỉ vậy, một số đơn vị ươm mầm đào tạo, giúp đỡ khởi nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Institute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như khi các trường đại học thành lập các vườn ươm,…

3. Một số giải pháp phát triển giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới

Để tạo điều kiện phát triển tối đa năng lực sinh viên trong phát triển hành vi khởi nghiệp, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực giúp sinh viên nói riêng và tất cả mọi người nói chung vai trò quan trọng của giáo dục khởi nghiệp. Theo Liên Hợp quốc, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, đặc biệt với khởi nghiệp bền vững là một trong những mục tiêu để phát triển bền vững của thế giới. Trong đó, để phát triển ý tưởng khởi nghiệp bền vững ở sinh viên, giáo dục khởi nghiệp là yếu tố nền tảng quan trọng. Chính vì vậy, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục khởi nghiệp như sau:

Thứ nhất, vai trò giáo dục khởi nghiệp là vô cùng quan trọng và cần phổ biến rộng rãi đối với sinh viên. Chính vì vậy, nên đưa khởi nghiệp thành một môn học tự chọn tại các trường đại học, cao đẳng. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường học tuy đã nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục khởi nghiệp, nhưng việc tiến hành các chương trình giáo dục khởi nghiệp chưa phổ biến, thậm chí ít được quan tâm. Một số chương trình giáo dục khởi nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của sinh viên về cả số lương và chất lượng. Cụ thể, các chương trình giáo dục khởi nghiệp thường được tổ chức thành một buổi vào một vài dịp đặc biệt mà không được tổ chức thường xuyên. Với thời lượng một vài buổi nhỏ và không liên tục, điều này không đảm bảo có thể thúc đẩy động lực nội tại bên trong sinh viên hay cải thiện các kỹ năng về tư duy phản biện, đánh giá rủi ro,... Cũng như đã đề cập ở trên, việc đào tạo không thường xuyên tức là tạo ra các khoảng cách về thời gian, từ đó có thể làm hao mòn ý chí, quyết tâm của sinh viên đối với khởi nghiệp. Điều này tạo ra những hạn chế to lớn trong việc tiếp cận ý giáo dục khởi nghiệp ở sinh viên. Chính vì vậy, việc tổ chức khởi nghiệp thành một bộ môn tự chọn sẽ giúp cải thiện những vấn đề này. Những sinh viên có sẵn động lực về khởi nghiệp hoặc những sinh viên mong muốn được tiếp cận với khởi nghiệp sẽ dễ dàng đăng kí học và được tiếp cận một cách cụ thể, thường xuyên hơn. Từ đó, sinh viên phần nào thích thú và quan tâm nhiều hơn, quá trình tiếp cận thường xuyên sẽ rèn luyện tinh thần kiên quyết hơn trong khởi nghiệp, đồng thời quá trình rèn luyện các kỹ năng cũng trở nên hiệu quả hơn.

Thứ hai, giáo dục khởi nghiệp cần được xây dựng thành một hệ thống giáo dục hợp lý, đồng bộ, thống nhất. Đây là cơ sở để công tác giáo dục khởi nghiệp trở nên hiệu quả, chất lượng hơn. Vấn đề giáo dục khởi nghiệp cần thiết được thực hiện, tuy nhiên thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao? Điều này yêu cầu giáo dục khởi nghiệp phải xây dựng hệ thống giảng dạy thống nhất chất lượng. Cụ thể, công tác giảng dạy cần được đầu tư về giáo trình, cơ sở hạ tầng, có sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, cũng như sự phân chia hợp lý theo các lĩnh vự chuyên môn. Đặc biệt, đối với giáo dục khởi nghiệp, cập nhật sự thay đổi liên tục của thị trường, xu hướng kinh doanh là những nhân tố quyết định chất lượng giảng dạy. Việc xây dựng hệ thống giáo dục vừa đáp ứng kiến thức, vừa ứng dụng thực tiễn sẽ giúp sinh viên tăng sự hiểu biết, tự tin và khả năng nhận thức tính khả thi. Giáo dục nước ta luôn hướng tới phát triển tư duy đổi mới,  sáng tạo ngay cả trong học tập và lao động. Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục khởi nghiệp đặc biệt quan trọng và cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước. Việc thường xuyên đặt vấn đề và thôi thúc nhân viên suy nghĩ sáng tạo được cho là những yếu tố cốt lõi hình thành các ý tưởng độc đáo.

Trước bối cảnh hiện nay, thế giới ngày càng hướng tới xu hướng phát triển bền vững. Chính vì vậy, giáo dục khởi nghiệp bền vững được xem là khoản đầu tư cho tương lai, vừa phát triển ý tưởng khởi nghiệp, vừa xây dựng định hướng phát triển bền vững đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn hơn với nền giáo dục khởi nghiệp nước nhà, đó là cần có cơ chế quản lý và giảng dạy phù hợp, tiến bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Trang, (2018). Giáo dục khởi nghiệp ngay từ phổ thông, Thời báo Ngân hàng, truy cập tại https://thoibaonganhang.vn/giao-duc-khoi-nghiep-ngay-tu-pho-thong-72004.html.
  2. Xuân Hòa (2020), “Thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay”, truy cập tại https://idautu.com/thuc-trang-khoi-nghiep-o-viet-nam-hien-nay/
  3. Huỳnh Kim Thùy, (2018), Khởi nghiệp trong sinh viên, những thời cơ - thách thức, Trang báo Sinh viên Đại học An Giang. Truy cập tại https://enews.agu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=19944&Itemid=118
  4. Krueger F., Brazael,D. (1994). Entrepreneurial Potential and Potential Entrepreneurial. Entrepreneurship Theory and Practice, 18(3), 91- 104.
  5. Lê Duy Bình, Trương Đức Trọng, Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Thúy Nhị, (2016). Việt Nam - đất lành cho khởi nghiệp: Tại sao không? Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USA ID).
  6. Lê Thị Khánh Vân, 2017. Tạo lập môi trường khởi nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số tháng 9/2017, 8-11.
  7. Nghiêm Phúc Hiếu, (2017). Giáo dục khởi nghiệp và trường học khởi nghiệp kinh doanh hướng tiếp cận mới trong thời đại 4.0. Kỷ yếu Hội nghị khởi nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.
  8. Nguyễn Thị Thu Hoài, (2021), Thực trạng đào tạo về pháp lý khởi nghiệp cho sinh viên, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, truy cập tại http://lsvn.vn/dao-tao-ve-phap-ly-khoi-nghiep-cho-sinh-vien-thuc-trang-va-giai-phap1627920290.html
  9. Phương Hiền, (2017). Không có giới hạn với tinh thần khởi nghiệp, Cổng thông tin điện tử Chính phủ Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại https://tphcm.chinhphu.vn/khong-co-gioi-han-voi-tinh-than-khoi-nghiep.

Some solutions to improve the quality of entrepreneurship education

in universities in Vietnam

 Master. Giao Thi Hoang Yen

National Economics University

ABSTRACT:

Entrepreneurship education plays a very important role in the startup ecosystem in Vietnam in general and in Vietnamese universities in particular. This paper analyzes the current entrepreneurship education in universities in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the quality of entrepreneurship education in universities in the coming time.

Keywords: entrepreneurship education, students, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 11 năm 2021]