TÓM TẮT:
Thị trường ví điện tử là một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy Việt Nam tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Bài viết phân tích tổng quan tình hình thanh toán bằng ví điện tử ở Việt Nam nhằm đánh giá những ưu, nhược điểm cũng như cơ hội và thách thức, qua đó đề xuất các giải pháp phát triển hình thức thanh toán bằng ví điện tử.
Từ khóa: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tài khoản, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Theo báo cáo “Số hóa tiền mặt ở ASEAN - Cash digitization in ASEAN” của Standard Chartered, mặc dù có sự phát triển vượt bậc của các phương tiện thanh toán điện tử, thanh toán tiền mặt vẫn chiếm ưu thế ở các nước Đông Nam Á. Trong số 6 nước ASEAN được khảo sát, Việt Nam có tỷ lệ người trên 15 tuổi sử dụng tài khoản ngân hàng thấp nhất với 30,6%, và nằm trong nhóm thấp nhất về tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, lần lượt là 4,12% và 26,72%. Ngoài ra, tại Việt Nam ngay cả trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, 90% người tham gia khảo sát đã chọn thanh toán khi giao hàng (Cash on Delivery) là phương thức yêu thích nhất, trong khi chưa đến 10% người được hỏi ở Singapore chọn phương thức này.
Vì vậy, để hướng tới mục tiêu một nền kinh tế 90% không dùng tiền mặt bằng cách giảm các giao dịch tiền mặt và tăng thanh toán điện tử, trong đó ít nhất 50% tổng số hộ gia đình ở thành phố sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử cho giao dịch hàng ngày, việc phát triển các phương tiện trung gian thanh toán như ví điện tử là vô cùng cần thiết. Ví điện tử giống như một “ví tiền” trên internet và đóng vai trò là một chiếc ví tiền mặt trong thanh toán trực tuyến, giúp người sử dụng thực hiện công việc thanh toán các khoản phí trên internet, gửi và chuyển tiền một cách nhanh chóng, đơn giản; giúp tiết kiệm cả về thời gian và tiền bạc của người sử dụng.
2. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm hiểu cơ sở hình thành và phát triển của hình thức thanh toán bằng ví điện tử tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển hình thức thanh toán này trong thời gian tới.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết dựa trên các lý thuyết kinh tế, thanh toán điện tử để mô tả, giải thích và phân tích định tính.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Tổng quan tình hình thanh toán bằng ví điện tử tại Việt Nam
3.1.1. Quá trình hình thành và phát triển ví điện tử tại Việt Nam
Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”.
Như vậy, ví điện tử hay ví số là một tài khoản điện tử thường được tích hợp trong các ứng dụng điện thoại hoặc sử dụng qua website có công dụng như một chiếc ví giúp người dùng đựng tiền từ các tài khoản ngân hàng, có chức năng thanh toán và giao dịch trực tuyến với các trang web điện tử hoặc các loại phí trên internet mà có liên kết và cho phép thanh toán bằng ví điện tử. Các nhà cung cấp dịch vụ này sẽ hợp tác với ngân hàng để quản lý tiền của người dùng và thông qua kết nối này, ngân hàng sẽ giảm sự quản lý các giao dịch thanh toán từ thẻ khách hàng bởi các giao dịch này sẽ do nhà cung cấp ví điện tử quản lý.
Ra đời năm 2008 trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang cần những phương tiện thanh toán phù hợp, dịch vụ ví điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bắt đầu cho phép triển khai thí điểm. Tuy nhiên, cho đến năm 2013, chiếc “ví thần” này đã gặp nhiều thách thức để tìm chỗ đứng trên thị trường. Theo số liệu của NHNN, tính đến hết năm 2013, cả nước có trên 1,84 triệu ví điện tử, tổng lượng giao dịch trong năm đạt 23.350 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). So với quy mô của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, con số này còn khiêm tốn. Chỉ tính riêng thị trường thẻ, đến năm 2013 cả nước đã có hơn 66 triệu chiếc, tổng doanh số giao dịch nội địa lên tới 1,1 triệu tỷ đồng (52 tỷ USD).
Trước tình hình thực tiễn, NHNN đã ban hành Thông tư số 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Sau nhiều năm thí điểm ví điện tử mới chính thức được coi là một dịch vụ trung gian thanh toán bên cạnh các loại hình khác như thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử. Kể từ khi Thông tư số 39/2014/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 01/3/2015) đến 30/6/2019, NHNN đã tiếp nhận Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT của 82 tổ chức và đã thực hiện cấp giấy phép cho 31 tổ chức, trong đó có 27 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.
NHNN đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, NHNN đã đưa ra nhiều quy định mới được đánh giá là mở đường cho ví điện tử phát triển. Tính đến hết quý I/2020, Việt Nam đang có 13 triệu tài khoản ví điện tử được kích hoạt, sử dụng với tổng số dư ví vào khoảng 1.360 tỷ đồng. Trong quý I/2020, tổng số lượng giao dịch bằng Ví điện tử đạt gần khoảng 225,6 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch 77.700 tỷ đồng.
3.1.2. Thị trường ví điện tử ở Việt Nam
Theo thống kê của NHNN, 5 “ông” lớn trong thị trường ví điện tử đang chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch, gồm: Payoo, MoMo, AirPay, MoCa, FPT (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp).
Cụ thể, MoMo (Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến) dẫn đầu thị trường khi xét về tổng số lượng giao dịch. Còn Payoo (Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt) nắm ngôi Quán quân khi xét về tổng giá trị giao dịch trên thị trường.
Kết quả này phản ánh chính xác thị trường ví điện tử tại Việt Nam. MoMo là ví điện tử dành cho người dùng cuối. Người dùng cài đặt MoMo trên điện thoại thông minh (smartphone) của họ và thanh toán tại các điểm chấp nhận, do đó phát sinh rất nhiều giao dịch. Là ví điện tử có mặt rất sớm tại Việt Nam, “chịu khó” phát triển thị trường, xây dựng mạng lưới, kêu gọi đầu tư, kết quả số 1 về số lượng giao dịch xứng đáng với những gì MoMo đã làm. Ví Momo được nhắc nhiều về hoạt động khuyến mãi hấp dẫn như “Chia sẻ Momo”, “Liên kết thẻ ngân hàng”, “Mua vé CGV 9k bằng Momo”, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, điện thoại trả sau,…), mua thẻ cào điện thoại với mức chiết khấu cao.
Trong khi đó, một công ty khởi nghiệp khác ít biết đến hơn nhưng bền bỉ không kém MoMo là Payoo cũng đạt được thành quả tương tự. Payoo dẫn đầu thị trường về tổng giá trị giao dịch. Ngay từ ban đầu, Payoo xác định là một nền tảng kết nối để liên thông các đơn vị khác nhau, do đó khá dễ hiểu khi tổng giá trị giao dịch của Payoo lớn hơn MoMo. Payoo có công khi làm nhẹ gánh việc đóng tiền điện, tiền nước, Internet, trả góp,... tại Việt Nam. Payoo chính là nền tảng trung gian kết nối giữa công ty điện lực, bên cấp nước, công ty viễn thông, công ty tài chính,... để khách hàng có thể ra các siêu thị bán hàng công nghệ và cửa hàng tiện ích để đóng những khoản tiền cơ bản hàng tháng nói trên thay vì phải đi đóng tiền ở từng nơi khác nhau. Trong top 5 các ví điện tử số 1 tại Việt Nam quý II/2019, MoMo và Payoo cùng thay nhau chiếm vị trí thứ nhất. Xét về tổng khối lượng giao dịch, MoMo dẫn đầu, kế đến là Payoo. Ngược lại, Payoo có giá trị giao dịch số 1 thì số 2 thuộc về MoMo. Có thể hiểu rằng, hai ví này đang cùng nhau chiếm ngôi vị cao nhất thị trường ví Việt Nam xét về tổng thể.
Trong top 5, SenPay (Công ty TNHH Ví FPT) và AirPay (Công ty CP Phát triển Thể Thao Điện tử Việt Nam) đều xuất hiện ở cả hai bảng, tức có tổng lượng giao dịch và giá trị giao dịch cao. SenPay đang là phương thức thanh toán trên Sen Đỏ. Shopee cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví AirPay. Một trong những ưu đãi mà Shopee dành cho khách hàng trả tiền bằng AirPay là các mã giảm giá sản phẩm và miễn phí vận chuyển. Tức là khách hàng có thể mua hàng với giá rẻ hơn từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn nếu chọn AirPay làm hình thức thanh toán. Hai trang thương mại điện tử vừa nói cùng giữ hai vị trí cao nhất về lượng truy cập tại Việt Nam trong quý II/2019.
Bên cạnh đó, Moca (Công ty CP Dịch vụ và Công nghệ MOCA) và ZaloPay (Công ty CP Zion) chỉ xuất hiện một lần trong top 5. Moca đứng thứ 4 về tổng lượng giao dịch, ZaloPay đứng thứ 5 về tổng giá trị giao dịch.
3.2. Đánh giá SWOT về thực trạng hình thức thanh toán bằng ví điện tử tại Việt Nam
3.2.1. Ưu điểm (Strengths)
Về ưu điểm, tài khoản ngân hàng cá nhân thường được kết nối với ví điện tử giúp khách hàng sử dụng thanh toán và giao dịch vô cùng linh hoạt và tiện lợi với các lợi ích như:
Thanh toán trực tuyến: Giúp thanh toán trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, các dịch vụ ăn uống, giải trí, hoặc thanh toán hóa đơn tiền điện, nước; điện thoại, vé máy bay, cước internet;
Nhận và chuyển tiền: Ví điện tử có khả năng giữ tiền cũng như tham gia các giao dịch chuyển khoản giữa các tài khoản ngân hàng như một tài khoản ngân hàng bình thường một cách nhanh chóng;
Nạp và rút tiền từ tài khoản điện tử: Nạp và rút tiền ở tài khoản này để duy trì và sử dụng mà không cần e ngại vấn đề an toàn và bảo mật của ví.
Do vậy, sử dụng ví điện tử mang đến cho khách hàng sự tiện lợi và an toàn, tiết kiệm thời gian trong việc di chuyển bởi chúng giúp dễ dàng thực hiện thanh toán chuyển và nhận tiền. Đồng thời, kiểm soát tài khoản tiền với việc truy vấn tài khoản và sự biến động trong tài khoản của khách hàng. Thanh toán bằng ví điện tử sẽ làm giảm bớt lượng tiền mặt trong lưu thông, góp phần ổn định lạm phát, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt;...
3.2.2. Nhược điểm (Weaknesses)
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng sử dụng ví điện tử vẫn có thể phát sinh một số nhược điểm như khách hàng có thể bị mất tài khoản nếu để lộ thông tin của mình, nhất là khi truy cập thường xuyên vào các trang web không đáng tin cậy.
Theo quy định, khi khách hàng muốn nạp tiền vào ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng bằng cách cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng đó, có nhà băng yêu cầu chụp cả giấy chứng minh nhân dân 2 mặt. Đây được coi là một "lá chắn" tài chính cho khách hàng thay vì nạp thẳng tiền vào ví như hiện nay. Thế nhưng quy định này sẽ làm hạn chế việc mở rộng người sử dụng ví, bởi dân số có tài khoản ngân hàng hiện nay chỉ khoảng 30%, đặc biệt vùng nông thôn còn thấp hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, nếu không có sự liên kết qua tài khoản ngân hàng thì việc chống rửa tiền, chống tham nhũng sẽ khó, do đó cần thiết phải có sự liên kết này.
3.2.3. Cơ hội (Opportunities)
Tại Việt Nam, thanh toán bằng hình thức ví điện tử là dịch vụ tương đối mới, tuy nhiên có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, xét về cả hai khía cạnh cung và cầu.
Xét về cung, Việt Nam có lượng lớn thuê bao điện thoại, khoảng 129,5 triệu thuê bao (theo TCTK, 2019); trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm tỷ lệ gần 45% dân số (2019), Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan.
Xét về cầu, thị trường Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển hình thức thanh toán bằng ví điện tử. Hiện nay, mới có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng (theo NHNN, tháng 11/2019), thấp hơn so với Trung Quốc (80%) và châu Á - Thái Bình Dương (70%) (theo Ngân hàng Thế giới). Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam năm 2019 là 11,33% (giảm 0,45% so 2018), phải phấn đấu quyết liệt mới có thể đạt mục tiêu khoảng 10% cuối năm 2020 theo định hướng Chính phủ. Tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông/GDP của Việt Nam năm 2019 là 20,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (theo Financial Inclusion). Vì vậy, Việt Nam còn dư địa và có khả năng phát triển thanh toán điện tử trong tương lai gần. Đó cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 1/2020.
3.2.4. Thách thức (Threats)
Người dùng không quá xa lạ với các ví điện tử quốc tế như: PayPal, Alert Pay, Moneybookers, WebMoney, Perfect Money,... PayPal là ví điện tử phổ biến nhất và được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay. Ngoài ra, Alipay, Wechat Pay cũng đang từng bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam và sở hữu nhiều ưu thế hơn khi có hệ sinh thái rộng khắp, nhiều điểm chấp nhận thanh toán tại nhiều quốc gia. Điều đó báo hiệu rằng thị trường thanh toán điện tử Việt Nam sẽ có sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt trong thời gian tới. Đây vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức lớn cho ví điện tử Việt Nam.
3.3. Giải pháp thúc đẩy phát triển hình thức thanh toán bằng ví điện tử tại Việt Nam
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về hình thức thanh toán bằng ví điện tử.
Xu hướng phát triển cùng với những lợi ích mang lại của ví điện tử đòi hỏi có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để thể chế hóa chủ trương được Chính phủ đặt ra. Để có thể tạo nền tảng thúc đẩy loại hình dịch vụ này, đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh và phòng ngừa rủi ro của một phương thức mới trong loại hoạt động có tính nhạy cảm cao là lưu thông tiền tệ, một khung pháp lý đủ sức mạnh là thực sự cần thiết.
Khi xây dựng khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động nói chung và ví điện tử nói riêng, nhà quản lý chính sách có thể tập trung vào các nội dung chính về tính pháp lý được Tổ chức Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA) đưa ra liên quan đến các vấn đề: Định danh khách hàng, phân loại khách hàng, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy, tính minh bạch, phát triển công nghệ, và cơ sở hạ tầng.
Thứ hai, xây dựng và thống nhất các quy định về thanh toán.
Theo kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển dịch vụ này cho thấy, khung pháp lý cho thanh toán thường liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành. NHNN cần chủ trì trong việc rà soát, xem xét lại các quy định liên quan đến thanh toán để đánh giá sự phù hợp của khung pháp lý đối với những rủi ro của các hoạt động thanh toán, bao gồm cả phân tầng các công ty cung cấp dịch vụ để đảm bảo giám sát hiệu quả chuỗi giá trị tổng thể của hoạt động thanh toán; Nâng cao vai trò của việc chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng và các công ty thanh toán; Hạn chế tối đa sự phân mảnh cùng với các quy định phức tạp như ở một số nước trên thế giới.
Thứ ba, xây dựng và đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phần mềm để phục vụ cho thanh toán bằng ví điện tử.
Các công ty cung cấp ví điện tử cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ thông tin, tăng cường các lớp bảo mật để ngăn chặn tấn công của kẻ gian. Một ví điện tử cần thiết phải có 2 lớp bảo mật, 1 lớp vào ví và 1 lớp bảo mật OTP (One time password - Mật khẩu một lần) khi thực hiện thanh toán, chuyển khoản tiền.
Theo đó, vấn đề an toàn, bảo mật của ví điện tử mới là quan trọng, quyết định việc khách hàng sử dụng dịch vụ, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là vấn đề mà khách hàng sử dụng ví thời gian qua khá quan tâm. Khi các ngân hàng tăng cường đầu tư bảo mật công nghệ thông tin thì việc kết nối ví điện tử với tài khoản ngân hàng được xem như là “lá chắn” thứ 2 cho ví điện tử.
4. Kết luận
Với thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, hàng loạt các ngành và các loại hình kinh doanh cùng với các hình thức thanh toán giao dịch mới ra đời. Ví điện tử là một trong những hình thức thanh toán mới đã xuất hiện và sẽ phát triển trong thời gian tới. Hình thức này tồn tại bên cạnh các hình thức thanh toán truyền thống và dần dần chiếm lĩnh thị phần của các hình thức thanh toán truyền thống. Đây là hình thức thanh toán ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong lĩnh vực tiền tệ, các khách hàng có thể thực hiện giao dịch thanh toán tài chính thông qua mạng viễn thông mà không cần phải thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức thanh toán này tác động nhiều mặt đến nền kinh tế, xã hội Việt Nam như: Giúp quá trình thanh toán dễ dàng, đơn giản và an toàn hơn là thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt; Giúp những người ở vùng sâu, vùng xa trung tâm tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội; Tạo nên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số; Góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu ví điện tử nói riêng cũng như các hình thức thanh toán điện tử nói chung tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề lớn, cần nghiên cứu lâu dài và cụ thể hơn. Nghiên cứu này gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi sâu hơn vào các hình thức giao dịch thanh toán mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Đặng Thùy Linh, Nguyễn Thị Diễm (2020), Thị trường ví điện tử Việt Nam - cơ hội và thách thức. Tạp chí Ngân hàng - số 8/2020.
- Nguyễn Thị Đoan Trang (2020), Những vấn đề cần trao đổi xung quanh việc sử dụng ví điện tử. Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 - Tháng 7/2020.
- Đinh Văn Sơn, Nguyễn Hoàng Việt, Nguyễn Thế Ninh. (2018). Cash or cashless? Promoting consumers’ adoption of mobile payments in an emerging economy. Stragic Direction, Số 34 - Tháng 1/2018.
- Standard Chartered. (2018). Cash digitisation in ASEAN. London: Standard Chartered.
- Ngân hàng Nhà nước (2019), Thông tư số 23/2019/TT-NHNN; Thông tư số 39/2014/TT-NHNN.
SOME SOLUTIONS TO PROMOTE THE DEVELOPMENT OF E-WALLET SERVICES IN VIETNAM
Master. PHAM THU TRANG 1
Master. NGUYEN BICH NGOC 1
1 Thuongmai University
ABSTRACT:
The popularity of e-wallet services is one of the biggest drivers pushing Vietnam towards a cashless society. This paper analyzes the current situation of e-wallet services in Vietnam in order to assess the strengthes and weaknesses, highlight the opportunities and challenges of this cashless payment type. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to promote the development of e-wallet services in Vietnam.
Keywords:e-wallet service, cashless payment, account, Vietnam.