Một số giải pháp tái cơ cấu ngành Khoa học công nghệ của Việt Nam

ThS. TRẦN THỊ HOA LÝ (Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Tái cơ cấu ngành Khoa học công nghệ là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò động lực quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp và nền kinh tế của nước ta.

Từ khóa: Tái cơ cấu, ngành Khoa học công nghệ, nền kinh tế, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam với mô hình tăng trưởng dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào như vốn, lao động giá rẻ và tài nguyên đã bộc lộ những hạn chế. Tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, tốc độ đổi mới công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chỉ số kinh tế tri thức chưa đạt mức trung bình của thế giới.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh thì lựa chọn bắt buộc là chiến lược phát triển phải dựa trên khoa học và công nghệ, nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức.

Đại hội Đảng 12 đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 là: “Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Cụ thể đặt ra chỉ tiêu “năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm”.

2. Thực trạng phát triển khoa học công nghệ

Cùng với thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, ngành Khoa học công nghệ của nước ta đã có những bước phát mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Môi trường pháp lý về khoa học công nghệ được hoàn thiện, tạo điều kiện bình đẳng, phát huy sáng tạo và tham gia đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ tăng nhanh về số lượng và chất lượng, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu khoa học công nghệ được nâng cấp, hiện đại hóa. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động khoa học công nghệ với sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được chấn chỉnh cũng góp phần lành mạnh hóa môi trường nghiên cứu và kinh doanh. Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

Trong giai đoạn 2010-2015, theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư cho khoa học và công nghệ tăng trung bình 16,5%/ năm; giá trị giao dịch công nghệ tăng trung bình 13,5%/năm; tỷ lệ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 43%.

Về nhân lực khoa học và công nghệ, cả nước có trên 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 24,3 nghìn tiến sỹ, 101 nghìn thạc sỹ. Đây là lực lượng có tiềm năng tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ. Theo số liệu thống kê, số cán bộ nghiên cứu và phát triển đạt tỷ lệ 7 người/10.000 dân.

Về các tổ chức khoa học và công nghệ, Việt Nam có trên 2.000 tổ chức, đang tăng nhanh về số lượng và đa dạng hóa về loại hình, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt là loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có triển vọng trở thành lực lượng chủ lực trong ứng dụng khoa học và công nghệ.

Hoạt động khoa học và công nghệ đã được doanh nghiệp chú trọng, ngày càng tăng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Trình độ công nghệ sản xuất có thay đổi theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp vào việc gia tăng giá trị.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, Nhà nước duy trì đầu tư hàng năm cho hoạt động khoa học công nghệ ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tốc độ tăng trung bình khoảng 16,5%/năm trong thời gian gần đây. Điều này đã tạo điều kiện để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực trình độ cao và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư từ nguồn lực xã hội cho khoa học công nghệ đạt một số kết quả. Hơn 30 tỉnh, thành phố và hàng trăm doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, tạo ra nguồn vốn lớn cho hoạt động khoa học công nghệ. Một số doanh nghiệp đã thành lập viện nghiên cứu, trường đại học, có doanh nghiệp chi 5% thu nhập cho đầu tư khoa học công nghệ. Tổng đầu tư toàn xã hội cho khoa học công nghệ bình quân gần đây đạt khoảng 1,08% GDP. Cơ cấu đầu tư cho khoa học công nghệ chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng của Nhà nước.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã được cải thiện một bước. Cả nước đã có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thuộc các lĩnh vực công nghệ ưu tiên; một số lượng lớn các phòng thí nghiệm chuẩn thuộc các chuyên ngành tương đối hiện đại, đồng bộ. Các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung được đầu tư phát triển. Cả nước có 3 khu công nghệ cao quốc gia, 8 công viên phần mềm, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

3. Hạn chế và nguyên nhân trong phát triển khoa học công nghệ

Tuy nhiên, trình độ công nghệ của còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực; đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao còn chậm; chưa phát triển được các sản phẩm có giá trị công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng còn thấp. Ứng dụng khoa học công nghệ chưa trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.

Việt Nam vẫn thiếu các nhà khoa học đầu ngành có năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. Hoạt động khoa học công nghệ chưa tập trung vào định hướng ưu tiên, chưa tạo được đột phá trong những lĩnh vực có lợi thế, chưa có các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu.

Trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới và khu vực. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện tại có khoảng 10% số doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến, 40% sử dụng công nghệ trung bình và 50% sử dụng công nghệ lạc hậu. Sản xuất vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá thấp. Theo số liệu của ILO, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, kém từ 2 -15 lần so với các nước ASEAN. Chỉ số KEI của Việt Nam cũng thuộc nhóm trung bình thấp.

Những tồn tại, hạn chế trong phát triển khoa học công nghệ kể trên đang là nút thắt đối với phát triển kinh tế - xã hội. Có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, nhận thức và tư duy của nhiều cấp, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về vai trò của khoa học công nghệ còn hạn chế, nhất là về tính đặc thù của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương còn chưa đề cập hoặc chỉ dừng ở mức độ hình thức về giải pháp khoa học công nghệ, dẫn đến việc bố trí nguồn lực chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Thứ hai, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ thiếu quyết liệt và hiệu quả chưa cao; các giải pháp thiếu đồng bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Thứ ba, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ, hạn chế năng lực sáng tạo, đầu tư cho khoa học công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Thứ tư, cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học công nghệ còn nặng về hành chính, chưa khuyến khích, động viên để phát huy sức sáng tạo của đội ngũ làm khoa học và hạn chế khả năng thu hút cán bộ có năng lực, khó thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; không tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trong nước được giao lưu, hợp tác và làm việc ở các trung tâm khoa học lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, môi trường hoạt động khoa học công nghệ chưa thực sự minh bạch, dân chủ.

Thứ năm, các doanh nghiệp chưa coi trọng vai trò của khoa học công nghệ. Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng nên chưa thật sự khuyến khích khoa học công nghệ. Chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ chưa đủ mạnh, không tạo động lực đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là chính sách về vốn, thuế, hỗ trợ phát triển.

4. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ

Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước đặt ra yêu cầu cấp thiết với việc đẩy mạnh đổi mới, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cùng với tập trung thực hiện các đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế.

Do đó nhất thiết cần tập trung thúc đẩy tái cơ cấu ngành khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ, đồng bộ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò kiến tạo và hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó huy động mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

- Giải pháp về cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ:

Hoàn thiện khung pháp lý, nhất là các quy định về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, đồng thời rà soát và điều chỉnh các quy định liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ trong các luật chuyên ngành khác. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về khoa học công nghệ tập trung vào việc hoạch định cơ chế, chính sách và định hướng chiến lược. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức khoa học công nghệ công lập.

Hoạt động khoa học công nghệ phải gắn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ. Hình thành cơ chế đánh giá độc lập, hội đồng tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các hoạt động khoa học công nghệ. Thúc đẩy liên kết giữa nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ - doanh nghiệp - Nhà nước.

Tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ quy mô lớn, có tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia. Chú trọng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của người dân. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu, kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo trong các trường đại học.

- Giải pháp tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ:

Có chính sách tuyển dụng và tôn vinh cán bộ khoa học công nghệ, chính sách thu hút nhân lực khoa học công nghệ ở nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, nhất là việt kiều. Tập trung đào tạo cán bộ quản lý khoa học công nghệ các cấp, chú trọng phát triển nhân lực khoa học công nghệ trong các trường đại học.

Lựa chọn các tổ chức khoa học công nghệ có tiềm năng để tập trung đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm. Hình thành lập các tổ chức khoa học công nghệ theo mô hình tiên tiến có vốn nước ngoài hoặc liên kết với các tổ chức khoa học nước ngoài; các tổ chức khoa học công nghệ, trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ, trong đó chú trọng dịch vụ chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trung tâm thông tin và thống kê khoa học công nghệ.

- Giải pháp về đầu tư và cơ chế tài chính:

Ban hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ theo hướng dựa vào kết quả, hiệu quả sử dụng kinh phí, tránh dàn trải, kém hiệu quả. Phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học công nghệ theo hướng giao quyền chủ động và gắn trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, gắn với trách nhiệm của thủ trưởng các tổ chức trực tiếp sử dụng ngân sách.

Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, mua kết quả khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ quốc gia về khoa học công nghệ. Xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Thực hiện cơ chế đầu tư đặc biệt, hợp tác công tư (PPP) đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ quy mô lớn.

Thực hiện khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán từng phần, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ. Triển khai giao dự toán lương và hoạt động bộ máy của các tổ chức khoa học công nghệ.

- Giải pháp về phát triển thị trường khoa học công nghệ:

Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, xây dựng thí điểm các quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ để định hướng nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.

Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân, nhất là về sáng chế và công bố quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ thiết bị.

Hỗ trợ nghiên cứu, khai thác sáng chế, giải mã công nghệ nhập khẩu. Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đảm bảo tính liên kết với chuẩn quốc tế.

Công khai thông tin về việc thực hiện và kết quả ứng dụng nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tổ chức đánh giá, công bố xếp hạng đối với các tổ chức khoa học công nghệ.

- Giải pháp về ưu tiên phát triển một số công nghệ:

Khoa học và công nghệ về nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại. Khoa học và công nghệ về y, dược để làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh tật, nâng cao khả năng sản xuất các dược chất, vắcxin và thuốc y học cổ truyền, một số trang thiết bị y tế.

Khoa học và công nghệ về công nghiệp và dịch vụ để làm chủ công nghệ chế tạo một số dây chuyền, thiết bị đồng bộ; thiết bị thiết yếu cho các phương tiện vận tải; dây chuyền chế biến nông, lâm sản, máy nông nghiệp nông nghiệp; sản phẩm công nghệ thông tin; hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng, tài chính, logistics. Khoa học và công nghệ về năng lượng để có năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ các nhà máy nhiệt điện và thủy điện, thiết bị truyền tải điện; phát triển ứng dụng các dạng năng lượng mới.

Khoa học và công nghệ về giao thông vận tải và xây dựng chú trọng công nghệ tiên tiến trong thi công, quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông; xây dựng công trình hiện đại; vật liệu xây dựng tiên tiến; chế tạo động cơ, linh kiện, phụ tùng quan trọng của ôtô, tàu thủy, toa xe, máy xây dựng.

Khoa học và công nghệ biển nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu biển, quản lý và khai thác có hiệu quả các tài nguyên biển, giám sát và điều tra tài nguyên, môi trường biển, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu và dự báo xu hướng phát triển; cung cấp cơ sở khoa học phục vụ công tác làm chính, chú trọng nghiên cứu về mô hình và chiến lược phát triển, thể chế kinh tế thị, xu thế phát triển của xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và con người Việt Nam, xu thế phát triển quốc tế và hội nhập quốc tế.

Khoa học tự nhiên tập trung nghiên cứu và phát triển có trọng điểm, triển khai thực hiện chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực toán, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển.

5. Kết luận

Cách mạng khoa học và công nghệ nói chung và cụ thể là cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa vừa là thách thức, nhưng tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các nước đang phát triển như Việt Nam, nếu tận dụng tốt hoàn toàn có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, trong đó có giải pháp quan trọng là tái cơ cấu lĩnh vực khoa học công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12.

2. Nghị quyết 27 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

3. Quyết định 2245/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế.

4. Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025".

5. Quyết định 1062/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016-2020.

6. Quyết định 1931/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

7. Quyết định 88/QĐ-TTg về Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

SOLUTIONS TO RESTRUCTURE THE SCIENCE AND TECHNOLOGY SECTOR OF VIETNAM

MA. TRAN THI HOA LY

Electric Power University

ABSTRACT:

Reconstructing S&T is a component of the overall national economy restructuring, playing an important role in transforming the growth model, enhancing quality, efficiency and competitiveness of every sectors.

Keywords: Restructuring, science and technology, economy, Vietnam.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây