Một số kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia trong đảm bảo an toàn hạt nhân

Mạc Thị Hoài Thương (Khoa Pháp luật Quốc tế - Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Ở Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng năng lượng hạt nhân chưa nhiều và mới chỉ dừng lại ở khai thác các ứng dụng phi năng lượng. Mặc dù ứng dụng phi hạt nhân được đánh giá là có mức độ an toàn cao, rất ít khả năng gây ra các tai nạn hạt nhân, nhưng không có nghĩa các ứng dụng này an toàn tuyệt đối. Với xu hướng khai thác ứng dụng hạt nhân ngày càng tăng, việc quản lý các hoạt động này nhằm bảo vệ những tác hại của hạt nhân đối với môi trường vẫn là vấn đề vô cùng cần thiết. Bài viết phân tích sự cần thiết hợp tác quốc tế giữa các quốc gia theo nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, thực tiễn hợp tác quốc tế của Việt Nam và một vài kiến nghị góp phần tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân.

Từ khóa: Hợp tác quốc tế, đảm bảo an toàn hạt nhân, luật quốc tế, Việt Nam.

1. Sự cần thiết hợp tác quốc tế giữa các quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân

Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được hiểu là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm và có giá trị bắt buộc đối với mọi chủ thể, trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Và một trong những đặc trưng của các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế đó là tính phổ cập và tính mệnh lệnh bắt buộc chung. Các nguyên tắc này mang tính bắt buộc với mọi chủ thể và trong mọi lĩnh vực. Bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các nguyên tắc này đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế. Các văn kiện quốc tế có nội dung trái nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế đều bị coi là vô hiệu ngay từ đầu.

Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Theo đó, "các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực của quan hệ quốc tế không phụ thuộc vào hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa, nhằm mục đích duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và góp phần vào việc ổn định kinh tế thế giới, vì sự phồn vinh chung của các dân tộc và hợp tác quốc tế". Trong lĩnh vực đảm bảo an toàn hạt nhân, nguyên tắc này càng thể hiện rõ vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động nguy hiểm có nguy cơ gây ra thiệt hại xuyên biên giới. Bởi lẽ, thiệt hại do mất an toàn hạt nhân gây ra có thể vượt qua ranh giới của quốc gia và các quốc gia phải hợp tác để đạt được mục đích an toàn hạt nhân, các quốc gia khai thác ứng dụng hạt nhân phải hợp tác với các quốc gia khác và phải cung cấp thông tin liên quan trước và trong suốt hoạt động để ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra do tai nạn hạt nhân. Các quốc gia cũng có nghĩa vụ hợp tác trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân, khắc phục hậu quả tai hại của tai nạn và để hạn chế tác động của nó đến mức có thể. Như vậy, nhiệm vụ hợp tác có hai mục đích: Thứ nhất, để ngăn chặn một tai nạn hạt nhân, có thể gây ra thiệt hại; Thứ hai, để giảm thiểu những ảnh hưởng có hại của tai nạn.

Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân mà cụ thể là điện hạt nhân vì nhiều lý do khác nhau nhưng không vì thế chúng ta tránh khỏi mối đe dọa thiệt hại môi trường do các thảm họa hạt nhân. Chúng ta đều biết, tai nạn hạt nhân thường gắn liền với thiệt hại môi trường xuyên biên giới. Trước xu hướng phát triển điện hạt nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là quốc gia láng giềng, việc Nhà nước quan tâm áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với các thiệt hại môi trường đặc biệt là thiệt hại môi trường xuyên biên giới là vô cùng cần thiết. Các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHT) của Trung Quốc gần biên giới nước ta đã vận hành và đang xây dựng: NMĐHN Phòng Thành - tổ máy 1 (Quảng Tây) vận hành thương mại từ tháng 1/2016 (chỉ cách biên giới nước ta khoảng 60 km), xây dựng tổ máy số 2 (từ năm 2011), tổ máy số 3 (tháng 12/2015), tổ máy số 4, 5, 6 đã có kế hoạch xây dựng; NMĐHN Xương Giang - tổ máy 1 (đảo Hải Nam) vận hành thương mại từ tháng 12/2015, đang xây dựng tổ máy số 2 (từ tháng 11/2010), tổ máy số 3, 4 có kế hoạch xây dựng từ năm 2016 -2018. Ngoài ra, các nước láng giềng hoặc lân cận khác như Thái Lan, Indonesia, Campuchia… cũng đã đưa ra tín hiệu về kế hoạch phát triển và xây dựng NMĐHN. Trong khi đó, nước ta lại nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa, với vị trí địa lý và điều kiện khí tượng, thủy văn ở nước ta, vấn đề phát tán phóng xạ và lan tuyền tầm xa trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy, hầu hết khu vực Đông Bắc, đồng bằng và Trung du Bắc bộ, khu vực miền Trung... sẽ chịu ảnh hưởng bởi rơi lắng phóng xạ, đặc biệt là các vùng ven biển phía Đông Bắc.

2. Thực tiễn hợp tác quốc tế giữa các quốc gia khác trong đảm bảo an toàn hạt nhân hiện nay

Trước hết, để bảo đảm an toàn hạt nhân không xảy ra sự cố hạt nhân, điều đầu tiên phải nhắc tới đó là nghĩa vụ quốc gia phải hợp tác với các quốc gia khác - đặc biệt là các quốc gia láng giềng như cung cấp thông tin liên quan đến đánh giá tác động môi trường, thông báo, tư vấn và đàm phán nhằm tránh những ảnh hưởng bất lợi đến môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì các quốc có quyền thực hiện việc kiểm soát không chỉ đối với các hoạt động hạt nhân được tiến hành trong lãnh thổ của mình mà còn cả với các hoạt động thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiểm soát của nó trong các khu vực bên ngoài lãnh thổ của nó.

Thêm nữa, khi nhắc tới vai trò của nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác không thể không nhắc tới vai trò hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên chính phủ trong đảm bảo an toàn hạt nhân. Mục đích chính của các tổ chức này là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia với mục tiêu đã được thiết lập. Họ đóng một vai trò quan trọng trong sự hỗ trợ và phối hợp giữa các quốc gia trong quá trình xây dựng, vận hành và trong các trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa và giảm thiệt hại do mất an toàn hạt nhân. IAEA đóng vai trò quan trọng trong phối hợp giữa các quốc gia và cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và vận hành các cơ sở hạt nhân, cũng như trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Do đó, một quốc gia bắt buộc phải hợp tác với các quốc gia bị ảnh hưởng và các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế. Cụ thể:

Trong thực tiễn, trách nhiệm quốc gia phải cung cấp thông báo cho các quốc gia lân cận đã được ghi nhận trong một số điều ước song phương giữa các quốc gia lân cận, chẳng hạn như Hiệp định về hợp tác nhằm tôn trọng sự an toàn của các nhà máy hạt nhân nằm trong khu vực gần biên giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ký tại Lisbon ngày 31/3/1980. Theo thỏa thuận đó, các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cần thông báo và cung cấp cho quốc gia lân cận, khi có yêu cầu, thông tin về việc cho phép thiết lập, xây dựng và vận hành các cơ sở hạt nhân trong khu vực biên giới. Hay Hiệp định giữa Đan Mạch và Cộng hòa Liên bang Đức liên quan đến việc trao đổi thông tin về xây dựng hạt nhân của các nhà máy hạt nhân năm 1977. Tuy nhiên, các hiệp định này chỉ áp dụng giữa các bên liên quan trong khi thiệt hại do các vụ tai nạn hạt nhân thường lan ra phạm vi rất rộng ở nhiều quốc gia. Do đó, đòi hỏi phải áp dụng các quy tắc chung của luật quốc tế. Các trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin theo các quy tắc này đã được ILC thảo luận và ghi nhận trong Dự thảo của ILC về Ngăn ngừa thiệt hại xuyên biên giới. Theo đó, quốc gia xuất xứ có trách nhiệm cung cấp cho thông báo các quốc gia khác có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiệt hại do hoạt động nguy hiểm với thông tin kỹ thuật liên quan và đánh giá rủi ro.

Việc sử dụng năng lượng hạt nhân là một hoạt động nguy hiểm đòi hỏi sự trao đổi thông tin giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế có liên quan, đặc biệt là IAEA, NEA và EURATOM trong nỗ lực ngăn ngừa và giảm thiểu các tổn hại xuyên biên giới do tai nạn hạt nhân. Việc thông báo và trao đổi thông tin, giúp đỡ cộng đồng quốc tế đánh giá liệu quốc gia lắp đặt có thực hiện trách nhiệm của mình về đảm bảo an toàn. Những thông tin như vậy cũng giúp các quốc gia thành viên hiểu rõ về phạm vi và các hậu quả môi trường có hại và cho phép quốc gia đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa được thực hiện để bảo vệ môi trường.

Theo Dự thảo của ILC về Ngăn ngừa thiệt hại xuyên biên giới thì :"… các quốc gia liên quan phải trao đổi kịp thời mọi thông tin có sẵn liên quan đến hoạt động liên quan đến việc ngăn ngừa tổn hại có tính xuyên quốc gia đáng kể hoặc bất kỳ sự kiện nào làm giảm thiểu nguy cơ. “Trách nhiệm quốc gia phải trao đổi thông tin được phản ánh khá nhiều các điều ước quốc tế khác nhau như: Điều 200 của UNCLOS năm 1982 quy định việc trao đổi thông tin liên quan đến môi trường sống. Điều 4 của Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn tạo điều kiện trao đổi thông tin khoa học, kỹ thuật, kinh tế xã hội, dữ liệu thương mại và thông tin pháp lý giữa các bên. Công ước an toàn hạt nhân 1994, bắt buộc các quốc gia thành viên phải cung cấp thông tin liên quan đến sự an toàn của việc lắp đặt một cách rõ ràng trong các báo cáo định kỳ phải được đệ trình trong các cuộc họp định kì.

Theo Công ước an toàn hạt nhân 1994, quốc gia có trách nhiệm tham khảo ý kiến các bên thành viên gần khu vực dự án xây dựng công trình hạt nhân nếu công trình đó có khả năng ảnh hưởng đến họ và nếu được yêu cầu phải cung cấp cho các quốc gia này những thông tin cần thiết cho phép họ tự xem xét, đánh giá về tác động mà công trình hạt nhân có thể gây ra đối với sự an toàn trên lãnh thổ quốc gia mình. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc trao đổi thông tin giữa các quốc gia thường không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đặc biệt khi liên quan đến các hoạt động hạt nhân. Bởi vì các thông tin về hoạt động này thường liên quan đến bí mật, an ninh của các quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Khi nào thì quốc gia lắp đặt phải thông báo cho các quốc gia khác? Những quốc gia nào nên được thông báo? Loại thông tin nào nên được cung cấp bởi quốc gia thông báo? Câu trả lời cho những câu hỏi này phải chính xác liên quan đến việc tiến hành các hoạt động nguy hiểm và đặc biệt liên quan đến việc sử dụng các hoạt động hạt nhân. Lý do đằng sau những câu hỏi này là thông tin liên quan đến công nghệ hạt nhân là quan trọng và không dễ cung cấp hoặc chia sẻ với các quốc gia khác, bởi vì những thông tin đó liên quan đến bí mật công nghiệp và an ninh quốc gia. Mặt khác, rủi ro phát sinh từ các hoạt động hạt nhân là rất cao và thiệt hại có thể vượt quá biên giới của quốc gia, có khả năng ảnh hưởng đến các quốc gia xa xôi và môi trường của họ. Như vậy, vấn đề đặt ra là quốc gia lắp đặt phải thông báo cho cả thế giới những thông tin cần thiết về hoạt động dự kiến hay chỉ phải thông báo cho các quốc gia láng giềng?

Thứ hai, là hợp tác nhằm giảm thiểu thiệt hại, khắc phục sự cố mất an toàn hạt nhân. Sau tai nạn Chernobyl, nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác được này lại một lần nữa được nhấn mạnh trong nội dung Công ước 1986 về trợ giúp trong trường hợp tai nạn hạt nhân hoặc khẩn cấp về phóng xạ. Công ước này áp đặt trách nhiệm chung đối với các quốc gia ký kết hợp tác với nhau và với IAEA để tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân hoặc tình trạng khẩn cấp phóng xạ. Mặc dù Công ước Trợ giúp cũng như công ước thông báo sớm được coi là một sự đổi mới trong luật quốc tế và tập hợp các vấn đề hỗ trợ và hợp tác giữa các quốc gia trong các quy tắc của luật tập quán quốc tế. Tuy nhiên, Công ước lại không xác định được nghĩa vụ rõ ràng trong hỗ trợ cho các quốc gia khác. Công ước không có quy định rõ ràng để buộc các quốc gia thành viên phải đưa ra sự trợ giúp hoặc chấp nhận sự trợ giúp trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Nói chung, các điều khoản của Công ước đã không được chấp nhận bởi tất cả các quốc gia thành viên, vì có nhiều sự bảo lưu của các quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, điểm hạn chế trong nghĩa vụ hợp tác này đó là chưa có quy định cụ thể và chưa có cơ chế pháp lý ràng buộc. Công ước để lại một phạm vi rộng lớn về quyền tự quyết của quốc gia nơi xảy ra tai nạn và điều đó làm giảm tính hiệu quả của nguyên tắc thông báo. Quốc gia nơi xảy ra tai nạn đánh giá mức độ nghiêm trọng của tai nạn về nguyên tắc, việc không thông báo có thể được miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế vì lý do quốc gia nơi xảy ra tai nạn không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của tình huống. Hơn nữa, phạm vi của Công ước bao gồm các tai nạn hạt nhân do các hoạt động hạt nhân gây ra cho các mục đích hòa bình mà không bao gồm các tai nạn do các hoạt động quân sự gây ra. Cuối cùng, Công ước quy định rằng một quốc gia thành viên phải trực tiếp thông báo cho quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi tai nạn hạt nhân hoặc IAEA, nhưng nó không nêu rõ quốc gia nào có nghĩa vụ thông báo cho vụ tai nạn. Thuật ngữ “quốc gia thành viên” có thể hiểu bao gồm mỗi quốc gia thành viên của Công ước, quốc gia có thẩm quyền tài phán về tai nạn đã xảy ra, quốc gia bị ảnh hưởng bởi tai nạn và một quốc gia thành viên không bị ảnh hưởng bởi tai nạn.

3. Thực tiễn hợp tác quốc tế của Việt Nam đảm bảo an toàn hạt nhân và một vài kiến nghị góp phần tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế

Thực hiện nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác trong đảm bảo an toàn hạt nhân. Tại Việt Nam cho đến nay, hợp tác quốc tế đóng vai trò là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển ngành Năng lượng hạt nhân. Cho tới nay, về hợp tác đa phương, Việt Nam là quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ năm 1978; Tổ chức Hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân (RCA) từ năm 1981 và Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA) từ năm 2000. Về hợp tác song phương, Việt Nam đã ký khá nhiều Hiệp định hợp tác về hạt nhân với nhiều quốc gia khác nhau có thể kể tới: Ấn Độ (1986), Hàn Quốc (1996), Trung Quốc (2000), Achentina (2001), Nga (2002), Pháp (2009), Nhật Bản (2011), Hoa Kỳ (2014).

Tuy nhiên, đứng trước thực tiễn các quy định của pháp luật quốc tế về năng lượng hạt nhân còn nhiều quy định chưa rõ ràng, cụ thể như đã phân tích ở trên. Các quy định mang tính bắt buộc trong đảm bảo an toàn hạt nhân còn chưa bao trùm hết tất cả các lĩnh vực có sử dụng năng lượng hạt nhân. Các quy định của pháp luật quốc tế về an toàn hạt nhân hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào điện hạt nhân, các lĩnh vực khác hầu như chưa có. Các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất an toàn hạt nhân còn chưa đầy đủ và chưa có cơ chế bắt buộc thực hiện. Trong khi, nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia láng giềng của Việt Nam đều có kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Như đã phân tích ở trên, thiệt hại hạt nhân là xuyên biên giới, chúng ta khó tránh khỏi thiệt hại kể cả khi chúng ta không phát triển điện hạt nhân. Vì những lẽ trên, theo tác giả, mặc dù hiện nay Việt Nam tạm thời dừng chưa phát triển ứng dụng điện hạt nhân nhưng chúng ta không thể quên nhiệm vụ đảm bảo an toàn hạt nhân cho con người và môi trường từ các hoạt động hạt nhân khác. Đồng thời, chúng ta cần tích cực chuẩn bị xây dựng tất cả phương án có thể xảy ra để khắc phục thiệt hại hạt nhân nếu có. Để đạt mục đích đó, đòi hỏi Việt Nam phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau như: sửa đổi, hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử 2008 cho đến nay đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế; Đào tạo, nâng cao nhận thức của cán bộ ngành Năng lượng hạt nhân về vấn đề an toàn; xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân… Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, tác giả đề xuất chúng ta cần đặc biệt quan tâm các vấn đề như sau:

Thứ nhất, cần chủ động tham gia vào các tổ chức hạt nhân quốc tế và khu vực. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công khai, minh bạch trong quan hệ quốc tế, khẳng định rõ Việt Nam chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và chúng ta có đủ khả năng bảo đảm an toàn, an ninh.

Thứ hai, chủ động, tích cực đàm phán ký kết các điều ước quốc tế song phương với cam kết đảm bảo an toàn hạt nhân đối với tất cả hoạt động hạt nhân của các bên. Đồng thời thỏa thuận cụ thể về cơ chế hợp tác và giải quyết bồi thường thiệt hại xuyên biên giới nếu có sự cố xảy ra.

Thứ ba, cần tận dụng triệt để những lợi ích từ các điều ước quốc tế mang lại như cần nghiên cứu thế mạnh từng đối tác, học hỏi kỹ thuật công nghệ cũng như học hỏi kinh nghiệm xây dựng chính sách, quy định pháp luật và thực tiễn về vấn đề quản lý bảo đảm an toàn hạt nhân của các quốc gia khác.

Thứ tư, trên cơ sở hợp tác, hữu nghị, Việt Nam cần thiết lập cơ chế thường xuyên trao đổi với các quốc gia láng giềng về an toàn hạt nhân. Đồng thời, Việt Nam cần tích cực tăng cường phổ biến các kiến thức cần thiết về sự cố hạt nhân cho người dân; khi phát hiện sự cố, cơ quan chức năng cần thông báo kịp thời tới cộng đồng.

Và cuối cùng, Việt Nam cần sớm triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Mạng lưới sẽ giúp phát hiện sớm sự cố và kịp thời có phương án ứng phó, bởi phóng xạ di chuyển không biên giới và không thể nhận biết bằng mắt thường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế năm 1970.

2. Bài viết: “Xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia” tại http://www.vinatom.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tong-hop/mang-luoi-canh-bao-moi-truong.aspx

3. Dự thảo Điều ILC năm 2001 về Ngăn ngừa thiệt hại xuyên biên giới.

4. Công ước an toàn hạt nhân.

5. Krateros Iôannou, “Nuclear Energy, Peaceful Uses”, in: EPIL, Vol. 3, 1997, pp. 700- 705, at p. 704.

6. Công ước Thông báo sớm tai nạn hạt nhân.

Recommendations to strengthen international cooperation between Vietnam and other countries in ensuring nuclear safety

Mac Thi Hoai Thuong

International Law - Hanoi Law University

ABSTRACT:

In Vietnam today, the application of nuclear power is still limited and only for exploiting non-energy applications. Although non-nuclear applications are considered to have high levels of safety, it does not mean that they are totally safe. With the growing trend in the usage of nuclear applications, the management of these activities to prevent the harmful effects to the environment on the environment remains a matter of urgency. The paper analyzes the need for international cooperation among nations in accordance with the fundamental principles of international law; the international cooperation practice in Vietnam and a number of recommendations that enhance the effectiveness of international cooperation to ensure nuclear safety.

Keywords: International cooperation, nuclear safety, international law, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây