TÓM TẮT:
Giao thông đô thị luôn giữ vai trò trọng yếu và là huyết mạch của đô thị. Mạng lưới đường giao thông liên kết các chức năng đô thị, tạo lập cấu trúc và là hành lang vững chắc trong sự phát triển của đô thị. Trong thực tiễn, giao thông đô thị đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với phát triển bền vững của đô thị. Nhất là đối với các quốc gia đang phát triển, nơi có quá trình đô thị hóa và tăng trường kinh tế nhanh như Việt Nam. Hà Nội là đô thị loại đặc biệt và có số dân đông thứ hai ở nước ta, do đó giao thông Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày một tăng. Để phát triển giao thông đường bộ đô thị Hà Nội đi trước một bước, có rất nhiều vấn đề đặt ra như vốn đầu tư; giao thông công cộng và đặc biệt là quy hoạch cần được giải quyết. Bài viết này phân tích một số vấn đề lý luận và thực tế đặt ra trong phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đô thị Hà Nội theo hướng bền vững.
Từ khóa: hạ tầng giao thông đường bộ, đô thị, giao thông đô thị, phát triển bền vững, thành phố Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, phát triển bền vững đang là mục tiêu vô cùng quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Mục tiêu phát triển bền vững luôn được tiến hành song song với các mục tiêu phát triển khác. Hội nghị Thượng đỉnh trái đất về Môi trường và Phát triển (1992) tại Rio de Janero (Brazil) đã thông qua rất nhiều văn kiện quan trọng, trong đó nổi bật nhất là tuyên bố về Môi trường và Phát triển với 27 nguyên tắc chung về phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 21 toàn cầu (Agenda 21) về phát triển bền vững. Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình phát triển bền vững trên thế giới và đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, đặt nền móng cho phát triển bền vững, như: Công ước MARPOL về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển; Công ước BASEL về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và loại bỏ chúng; Tuyên ngôn quốc tế của Liên hợp quốc về sản xuất sạch hơn,...
Nền kinh tế đất nước đang dần chuyển mình với nhiều bước tiến, nhiều khu đô thị, thành phố lớn đã ra đời và ngày một phát triển hơn. Quá trình đô thị hóa mang lại nhiều hiệu quả tích cực song cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập về quy hoạch đô thị và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị liên quan đến các khía cạnh về kinh tế - xã hội - môi trường. Các đô thị đang gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng sâu sắc của bùng nổ đô thị trên mọi phương diện như: Phát triển đô thị mất cân đối, thiếu bền vững; năng lực quản lý đô thị chưa tốt; an toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế không ổn định,… Phát triển bền vững đô thị được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những bài toán về quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị.
Giao thông đô thị luôn giữ một vai trò trọng yếu và là huyết mạch của đô thị. Mạng lưới đường giao thông liên kết các chức năng đô thị, tạo lập cấu trúc và là hành lang vững chắc trong sự phát triển của đô thị. Trong thực tiễn, giao thông đô thị đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với phát triển bền vững của đô thị, nhất là đối với quốc gia đang phát triển, nơi có quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh như ở Việt Nam.
2. Lý luận chung về hạ tầng giao thông đường bộ đô thị
2.1. Khái niệm về hạ tầng giao thông đường bộ đô thị
Hạ tầng giao thông đường bộ đô thị là hệ thống cơ sơ hạ tầng kỹ thuật giao thông trong đô thị như: các công trình cầu, đường bộ, hầm chui, bến - bãi đỗ xe, trạm bảo dưỡng,… và các công trình phụ trợ (biển báo, dải phân cách, rào hộ lan, đèn tín hiệu,…), đáp ứng các yêu cầu vận chuyển người và hàng hóa thuận tiện, an toàn.
Hạ tầng giao thông đường bộ đô thị là nền tảng cho sự phát triển đô thị, kết nối từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm của các hoạt động sản xuất vật chất, phục vụ quá trình tồn tại và phát triển của đô thị nói chung và kinh tế đô thị nói riêng.
2.2. Các bộ phận cấu thành hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị
Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị được cấu thành bởi hệ thống giao thông động và hệ thống giao thông tĩnh, cụ thể như sau:
+ Hệ thống giao thông động: là tập hợp hệ thống công trình trên tuyến giao thông phục vụ cho việc di chuyển của phương tiện chuyên chở hàng hóa và hành khách trong đô thị (mạng lưới đường, nút giao thông, cầu vượt, hầm chui, biển báo, đèn tín hiệu, dải phân cách,…).
+ Hệ thống giao thông tĩnh: là cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông phục vụ phương tiện trong quá trình tạm ngừng hoạt động, như: bến - bãi đỗ xe, các điểm dừng đỗ, các trạm bảo dưỡng kỹ thuật,…
Như vậy, có thế thấy hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị giống như huyết mạch đảm bảo sự tồn tại và phát triển của đô thị, cần được đầu tư, quản lý và bảo trì nhằm đáp ứng các yêu cầu về công năng, chức năng, an toàn thuận tiện và đảm bảo các yêu cầu khác như mỹ quan, cảnh quan, môi trường,…
2.3. Vai trò của hạ tầng giao thông đường bộ đô thị
Hạ tầng giao thông đường bộ đô thị có vai trò rất quan trọng, cụ thể:
+ Vai trò tạo đô thị: Khi có điều kiện thuận tiện về giao thông, trước hết là giao thông đường bộ, đây được xem là nền tảng để sinh ra các đô thị và ngày càng phát triển các đô thị. Sự phát triển hay tăng trưởng của đô thị đều phụ thuộc vào điều kiện phát triển giao thông đường bộ và sự cạnh tranh với các đô thị lân cận về giao thông đường bộ. Do đó, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đóng vai trò tạo lập nên đô thị.
+ Tạo hệ thống hành lang kỹ thuật chung: Trong quy hoạch đô thị, giao thông đô thị luôn có sự liên kết với các tuyến đường dây điện, đường ống cấp - thoát nước, hệ thống cáp thông tin viễn thông,… nhằm tạo ra hệ thống hành lang hạ tầng kỹ thuật chung cho đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống hành lang hạ tầng kỹ thuật chung này còn kết hợp với một số yếu tố khác như cây xanh, vỉa hè, công trình quảng cáo,… xây dựng nên bộ mặt cảnh quan đô thị.
+ Phục vụ kinh tế và đời sống: Có thể hiểu phục vụ sản xuất là sự ưu tiên hàng đầu của giao thông vận tải. Thông qua giao thông vận tải, các hoạt động trong sinh hoạt, sản xuất, giao thương được diễn ra thuận lợi. Do đó, giao thông vận tải có vai trò phục vụ kinh tế và đời sống của người dân đô thị.
Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu đi lại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, giao thông vận tải còn quyết định đến cảnh quan, môi trường đô thị. Bên cạnh đó, giao thông vận tải trong đô thị còn liên quan đến sự an toàn của người dân. Vì thế, cần giải quyết tốt bài toán về giao thông vận tải trong đô thị, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.
3. Các đặc trưng của hạ tầng giao thông đường bộ đô thị
Hạ tầng giao thông đường bộ đô thị có các đặc trưng sau:
+ Tính hệ thống: Các công trình hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị không tồn tại và vận hành độc lập nhau mà nó gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau tạo thành hệ thống, nên có thể tác động đến hoạt động vận tải trên phạm vi một hoặc nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn. Sự ách tắc ở một tuyến, hoặc một đoạn tuyến, có thể gây ra ách tắc, tê liệt hệ thống hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị trên phạm vi một hoặc nhiều vùng rộng lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu “không nên quy hoạch các tuyến đường giao thông quan trọng huyết mạch là các tuyến đường độc đạo”.
+ Tính đồng bộ: Các phương tiện vận tải phải phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị; các bến cảng, sân bay, ga đường sắt phải được kết nối với nhau bởi hệ thống hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị. Các bộ phận cấu thành của hệ thống hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị phải có sự liên kết đồng bộ, cân đối trong tổng thể hợp lý, nếu không có thể sẽ dẫn đến làm tê liệt cả hệ thống hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị hoặc làm cho công trình không phát huy được hết công năng sử dụng;
+ Tính tiên phong, định hướng: Hạ tầng giao thông đường bộ đô thị luôn đi trước, mở đường cho các hoạt động kinh tế xã hội tiếp theo. Các nhà đầu tư khi tìm kiếm nơi đầu tư, nơi ở, nơi làm việc, nơi giao lưu hợp tác thường lựa chọn những nơi đi lại thuận tiện, hạ tầng đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu đối với các khu vực ưu tiên thu hút đầu tư, hoặc khi xây dựng các khu đô thị mới, các khu tái định cư,… nhất định phải quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, đầu tư trước hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đảm bảo hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, có quỹ đất dự trữ để mở rộng nâng cấp khi cần thiết;
+ Tính công cộng: Hạ tầng giao thông đường bộ đô thị được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của tất cả các tổ chức, cá nhân trong khả năng cho phép trên cơ sở người và các phương tiện tham gia lưu thông phải tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, Chính vì vậy, cần giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa nhà đầu tư bỏ vốn để xây dựng với đối tượng sử dụng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị.
+ Tính vùng: Hạ tầng giao thông đường bộ đô thị trải dài trên tuyến, đi qua nhiều vùng, nhiều khu vực khác nhau, quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên (địa hình, các nguồn tài nguyên), khí hậu thổ nhưỡng, phong tục tập quán, đặc điểm và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng khu vực,… Chính vì vậy, khi quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ đô thị phải gắn với công tác quy hoạch môi trường.
+ Tính cố định, lâu dài, chi phí lớn: Đầu tư xây dựng cố định một chỗ, không di chuyển được với chi phí lớn, có mục đích sử dụng lâu dài, tiêu hao nhiều tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy trước khi đầu tư xây dựng cần quy hoạch, tính toán cân nhắc rất kỹ giữa chi phí đầu tư xây dựng với hiệu quả kinh tế - xã hội, mục tiêu củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.
4. Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đô thị theo hướng bền vững
4.1. Khái niệm phát triển hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng bền vững
Phát triển bền vững đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc và phổ biến trong các tài liệu khoa học, trong các văn bản về chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển, quản lý ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Bền vững trong phát triển là yêu cầu, tiêu chuẩn để đưa ra quyết định đánh giá quá trình phát triển. Tính bền vững được nhìn nhận như một đặc trưng quan trọng của phần lớn các hoạt động của con người.
Bộ Giao thông Vận tải thuộc Hội đồng châu Âu (ECMT, 2004) đã đưa ra quan điểm hệ thống giao thông vận tải bền vững như sau:
+ Đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng nhưng đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái, thúc đẩy bình đẳng trong và giữa các thế hệ kế tiếp.
+ Giá cả phải chăng, hoạt động công bằng, hiệu quả, đa dạng hóa phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế, đồng thời phát triển công bằng trong khu vực.
+ Giới hạn xả thải vào môi trường, sử dụng tài nguyên tái tạo bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ sử dụng của thế hệ trước. Sử dụng nguồn tài nguyên không tái tạo bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ phát triển sản phẩm thay thế, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm tiếng ồn.
Năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề cập đến khái niệm về giao thông vận tải bền vững như sau: “Vận tải đạt được mục đích chính của sự di chuyển con người và hàng hóa, đồng thời góp phần thực hiện phát triển bền vững môi trường, kinh tế và xã hội”. [1]
Từ các cách tiếp cận trên có thể rút ra khái niệm: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị theo hướng bền vững là sự phát triển của hạ tầng giao thông đường bộ đô thị thỏa mãn yêu cầu về di chuyển, lưu thông hàng hóa và vận chuyển con người ở giai đoạn hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo hướng bền vững dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức như nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông đường bộ đô thị hiện có; đầu tư xây mới công trình hạ tầng giao thông đường bộ đô thị; quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ đô thị theo hướng bền vững.
4.2. Nội hàm phát triển hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng bền vững
- Về khía cạnh kinh tế
Phát triển về kinh tế phải đảm bảo sự ổn định, hài hòa giữa các ngành kinh tế, các chủ thể kinh tế. Sự phát triển về kinh tế có vai trò quan trọng, tạo động lực cho sự tồn tại và phát triển song hành cùng các lĩnh vực khác. Góc độ kinh tế giao thông đường bộ phát triển sẽ là điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển giao thông đường bộ đô thị, nâng cao đời sống xã hội của người dân. Đồng thời, đóng góp thêm chi phí đầu tư vào công cuộc bảo vệ môi trường đô thị. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về kinh tế ngành Giao thông đường bộ phải đảm bảo không gây tác động tiêu cực đến các khía cạnh xã hội cũng như môi trường tự nhiên, phát huy vai trò của cộng đồng trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đô thị, duy trì sự công bằng và bình đẳng.
- Về khía cạnh xã hội
Nguyên tắc phát triển bền vững về xã hội thể hiện ở góc độ đầu tư phát triển bền vững hạ tầng giao thông đường bộ phải có sự bình đẳng về thu nhập giữa người dân, đáp ứng đủ các nhu cầu về quyền lợi con người và sự bình đẳng về xã hội.
- Về khía cạnh môi trường
Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đô thị phải đảm bảo giữ gìn sự trong sạch cho môi trường xung quanh. Cần thường xuyên đánh giá, kiểm định chất lượng về môi trường trong quá trình xây dựng công trình giao thông đường bộ đô thị nhằm đảm bảo các chỉ tiêu bền vững về môi trường.
5. Một số vấn đề đặt ra với việc phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đô thị ở Hà Nội hiện nay
5.1. Vốn đầu tư
Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội được cấu thành bởi các quốc lộ hướng tâm, các đường vành đai, trục chính đô thị và đường phố. Mạng lưới bao gồm giao thông đối ngoại và giao thông đối nội. Giao thông đối ngoại bao gồm đường cao tốc, quốc lộ, vành đai 1, 2, 3, 4 và vành đai 5.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 dự kiến mở rộng, nâng cấp và làm mới hàng trăm cây số đường bộ, hàng chục cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà và 12 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) dài 460km,… Theo đó, tổng đầu tư cho đường bộ, đường sắt 1,17 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020 là 470 nghìn tỷ đồng, trung bình 100 nghìn tỷ đồng/năm.
Trong suốt những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của Thành phố còn hạn chế so với nhu cầu đầu tư thực tế. Hiện tại, ngân sách Thành phố chỉ đáp ứng 5-7% cho tổng đầu tư toàn bộ hạ tầng giao thông. Do nguồn vốn nội lực hạn chế nên đến nay hệ thống đường cao tốc còn thiếu chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu kết nối nhanh giữa Hà Nội với những khu vực khác. Hệ thống quốc lộ nhiều tuyến chưa được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, gây hiện tượng quá tải. Các đường vành đai 4, 5 chưa hình thành nên luồng xe liên tỉnh đi vào khu vực nội đô mỗi khi qua Hà Nội tạo áp lực lên mạng lưới giao thông đường bộ đô thị.
5.2. Giao thông công cộng
Giao thông Hà Nội có những đặc điểm đặc trưng như: số lượng xe gắn máy tham gia giao thông chiếm tỷ lệ rất lớn. Bên cạnh đó, số lượng xe ôtô cũng đang tăng trong giao thông nội đô, trong khi đó giao thông công cộng chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của thủ đô. Ngoài ra, mạng lưới tuyến nhìn chung không ổn định, thường xuyên phải thay đổi, điều chỉnh lộ trình theo một khoảng thời gian nhất định do ảnh hưởng của việc cải tạo, phân luồng giao thông.
Tính đến cuối năm 2015, nội thành Hà Nội đã có tổng số 78 tuyến xe bus, trong đó có 59 tuyến xe bus đặt hàng và 19 tuyến xe bus xã hội hóa, với tổng chiều dài tuyến 1.205 km, cự ly tuyến bình quân là 19,1 km. Trên toàn mạng lưới có 1.121 điểm dừng đỗ (trong đó có 298 nhà chờ), có 10 điểm trung chuyển hành khách chính (trong đó, điểm trung chuyển Long Biên là điểm trung chuyển hành khách lớn nhất hiện nay ) và có 63 điểm đầu cuối.
Đến năm 2020 tổng số tuyến xe bus Hà Nội có là 98 tuyến (tương đương 20%) con số này còn quá thấp và chậm so với sự gia tăng về nhu cầu di chuyển của thủ đô (theo chỉ tiêu, vận chuyển khách bằng phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng 70% nhu cầu, hiện tại mới đáp ứng được 15%). Để cải thiện tình trạng này, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần lên phương án đẩy nhanh việc gia tăng giao thông công cộng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải của Thủ đô.
5.3. Quy hoạch giao thông
Hiện nay, công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị của Hà Nội còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong quy hoạch, các tuyến đường chưa tạo thành mạng lưới liên kết hoàn chỉnh.
Ngoài ra khi lập quy hoạch, các vấn đề về môi trường, bảo tồn các ao hồ chứa nước, hướng tiêu thoát nước chưa được chú trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái môi trường, hiện tượng úng ngập xảy ra khi mùa mưa đến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của công trình và phá hủy kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đô thị.
Một vấn đề nữa là khu vực đất giành cho giao thông vận tải đến thời điểm hiện tại vẫn rất thấp, mặc dù tỷ lệ này có tăng đều qua các năm nhưng mức tăng không đáng kể so với số lượng lớn phương tiện giao thông trên địa bàn. Dẫn đến kết cấu hạ tầng giao thông của thủ đô luôn trong tình trạng quá tải. Theo chỉ tiêu, diện tích đất cần thiết dành cho giao thông phải đạt từ 20 - 25% diện tích đất đô thị (tương ứng với 5 km - 7 km/km2), tuy nhiên tỷ lệ này ở Hà Nội chỉ chiếm khoảng 7,8% (tương ứng 3,89 km/km2). Khu vực đất dành cho đường giao thông đô thị chỉ đáp ứng khoảng 40% lượng phương tiện giao thông đăng ký của thành phố, cùng với lượng phương tiện cá nhân từ khu vực ngoại tỉnh lưu thông hàng ngày.
6. Kết luận
Hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia, giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là hành lang vững chắc trong việc đảm bảo quốc phòng - an ninh, phục vụ nhu cầu của người dân. Vì vậy, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ cần được quan tâm và đưa lên hàng đầu. Trong đô thị, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển song hành với tăng trưởng nền kinh tế của đô thị. Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đô thị là tiền đề đảm bảo cho sự duy trì và phát triển ngành kinh tế đô thị. Bên cạnh đó, các yếu tố cấu thành giao thông đường bộ đô thị như tốc độ, quy mô, khả năng phát triển,… của hạ tầng giao thông đường bộ đô thị liên quan mật thiết đối với trình độ phát triển của kinh tế - xã hội đô thị.
Để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và hạ tầng giao thông đường bộ đô thị nói riêng theo hướng bền vững cần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ, đa dạng và hiện đại, có thể hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, cũng như các tác động xấu từ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh, an toàn, tiết kiệm chi phí, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc phòng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tiếng Việt
- Lê Tuyết Minh (2006), Giáo trình phát triển bền vững, NXB Đại học Cần Thơ.
- Ngô Thắng Lợi, Vũ Thành Hưởng (2016), “Phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu”, NXB Chính trị Quốc gia.
- Chính phủ (2004), Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam.
- Chính phủ (2012), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
- Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn/dau-tu-va-xay-dung.
- Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám thống kê thành phố Hà Nội, các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.
- UBND thành phố Hà Nội, JICA, Bộ Giao thông Vận tải (2006), Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội - HAIDEP, Hà Nội.
Tiếng Anh
- Merkisz-Guranowska and associates. (2013). Development Of A Sustainable Road Transport System.
- Adewole S. Oladele and associates. (2020). Technological Advances and Sustainable Workforce Development through Enhanced Collaboration for Sustainability of Transport Infrastructure.
- Agnieszka Merkisz-Guranowska and associates. (2013). Development of sustainable road transport system.
- Andrea Broaddus, Todd Litman, Gopinath Menon. (2009).Transportation demandmanagement. Germany: GIZ Transport policy advisory services.
Some theoretical and practical problems in the sustainable development of urban road infrastructure in Hanoi
Master. Nguyen Van Hieu1
Assoc.Prof.Ph.D Vu Thanh Huong2
1Ph.D student, National Economics University
2Lecturer, National Economics University
Abstract:
Urban transport always plays an important role and it is considered as the lifeblood of a city. The network of roads connects urban functions, and creates an urban structure and a solid corridor for the city development. In practice, the development of urban transport is posing many challenges to the sustainable development of cities, especially cities in developing countries which experience a rapid urbanization and economic growth rate like Vietnam. Hanoi, the second most populated city in Vietnam, have experienced an increasing demand for transporting goods and passengers. This paper analyzes some theoretical and practical problems in the sustainable development of urban road infrastructure in Hanoi.
Keywords: road transport infrastructure, urban, urban transport, sustainable development, Hanoi city.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]