Một số vấn đề lý luận về giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người

Bài báo nghiên cứu "Một số vấn đề lý luận về giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người" do ThS. Đàm Danh Liêm (Thông tấn xã Việt Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, các quyền này không phải là tuyệt đối và chúng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định vì lý do chính đáng. Giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người là một vấn đề phức tạp và nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp. Bài viết nhằm cung cấp một số vấn đề lý luận về giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người (khái niệm, vị trí, vai trò và các điều kiện giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người,…), nhằm làm hiểu rõ thêm vị trí, vai trò của nguyên tắc giới hạn quyền con người, tạm đình chỉ quyền con người.

Từ khóa: giới hạn quyền, tạm đình chỉ quyền, tình trạng khẩn cấp, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Ngày 10/12/1948, Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, bản tuyên ngôn khẳng định: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi”. Ý thức về nhân quyền và việc thực hiện nhân quyền là một quá trình lịch sử lâu dài gắn với lịch sử phát triển loài người và giải phóng con người qua các hình thái kinh tế - xã hội và các giai đoạn đấu tranh giai cấp, qua đó quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đó Nhà nước Việt Nam luôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội.

Quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Quyền con người là một nội dung cơ bản trong pháp luật của một nước, là cơ sở để khẳng định sự phát triển con người, sự tiến bộ của quốc gia đó.

Tuy nhiên các quyền này không phải là tuyệt đối và chúng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định vì lý do chính đáng, việc tước quyền nào đó của người dân phải theo trình tự thủ tục pháp lý chặt chẽ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ trên phạm vi toàn thế giới cũng như Việt Nam, việc bảo đảm các quyền con người lại càng được chú trọng, quan tâm hơn bao giờ hết. Mối nguy hiểm từ dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các mặt kinh tế, chính trị, y tế, đạo đức và cả pháp luật đe dọa đến cuộc sống của cá nhân, cộng đồng.

2. Khái niệm và các nguyên tắc giới hạn quyền con người, tạm đình chỉ quyền con người

          Giới hạn quyền con người (limitation of rights) là quy định được ghi nhận trong một số điều ước quốc tế về quyền con người và cho phép các quốc gia thành viên áp đặt một số điều kiện, giới hạn với việc thực hiện/hưởng thụ một số quyền con người nhất định. Hay nói một cách khác, các quyền con người được thực hiện trong một khuôn khổ nhất định. Trong xã hội pháp quyền và tự do, hầu hết các quyền đều có những giới hạn nhất định. Tuy vậy, không phải tất cả mọi quyền đều có thể bị giới hạn. Một số quyền không thể bị giới hạn được gọi là các quyền tuyệt đối, theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) gồm quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục (Điều 7), quyền không bị bắt giữ làm nô lệ hay nô dịch (Điều 8), quyền không bị bỏ tù chỉ vì lý do không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (Điều 11), quyền không bị áp dụng hồi tố trong tố tụng hình sự (Điều 15), quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật (Điều 16).[1]

      Tạm đình chỉ quyền là việc một nhà nước tuyên bố, dựa trên cơ sở quy định pháp luật, việc giới hạn quyền ở mức độ cao hơn trong một thời gian nhất định khi xuất hiện tình trạng khẩn cấp đe dọa đến sự sống còn của quốc gia.[2] Tạm đình chỉ có thể coi là một hình thức hạn chế quyền ở mức độ cao hơn so với giới hạn quyền con người ở bối cảnh thông thường. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản của giới hạn quyền và tạm đình chỉ quyền chính là về phạm vi áp dụng. Nếu như giới hạn quyền con người được áp dụng trong mọi hoàn cảnh thì tạm đình chỉ quyền con người chỉ được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp. Khi các quốc gia phải đối mặt với tình huống đặc biệt như dịch bệnh, thảm họa tự nhiên, xung đột vũ trang,… xảy ra trên thực tế và đã làm thay đổi trạng thái xã hội bình thường của một khu vực hay toàn bộ lãnh thổ quốc gia khi đó đặt ra yêu cầu cần kịp thời thực hiện các biện pháp ứng phó đặc biệt. Lúc này, mối ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, bảo vệ quốc phòng và an ninh quốc gia. Cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực đặc biệt để thực thi các biện pháp đặc biệt giúp ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả của tình trạng chưa từng có tiền lệ này, do đó một số quyền con người có thể bị tạm dừng, tạm đình chỉ trong thời gian này nhằm ưu tiên nhiệm vụ cấp bách. Trong tình trạng khẩn cấp, nhiều quốc gia xuất hiện nhu cầu đặc biệt đó là giới hạn các quyền hiện định để xử lý tình huống cấp thiết, vì thế nhà nước tạm dừng nghĩa vụ đảm bảo một số quyền (hay còn gọi là tạm đình chỉ quyền).[3]

3. Vị trí, vai trò của nguyên tắc giới hạn quyền con người, tạm đình chỉ quyền con người

Trong một xã hội luôn luôn tồn tại rất nhiều mối quan hệ, chúng qua lại tác động lẫn nhau. Sự xuất hiện nhà nước, pháp luật là để điều chỉnh những mối quan hệ ấy, định hướng cho xã hội phát triển theo một mục tiêu, trật tự phù hợp. Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Không chỉ duy trì trật tự xã hội, nhà nước còn phải đảm bảo cho mỗi người được thụ hưởng, thực hiện quyền của mình. Để dung hòa các mối quan hệ trong xã hội cần phải có sự hạn chế quyền này để không ảnh hưởng tới những quyền khác. Với quyền con người, nếu mỗi quyền đều là tuyệt đối thì dễ xảy ra tình trạng xã hội hỗn loạn, khó kiểm soát, với những cá nhân khác trong xã hội đó sẽ là vi phạm quyền của họ và với mỗi quốc gia thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trật tự, an ninh quốc gia.

Giới hạn quyền hoàn toàn không phải là vấn đề vi phạm quyền, mà thực chất để bảo vệ quyền một cách tốt hơn.[4] Có những lý do hiển nhiên chúng ta không thể không giới hạn quyền con người. Ví dụ, mọi người có quyền tự do đi lại nhưng không có nghĩa quyền này cho phép được đi tự do đi vào các khu vực cấm của nhà nước hay nơi ở của một người khác. Quyền tự do ngôn luận có thể bị lợi dụng để bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác.

Giới hạn quyền con người mặc dù là vi phạm quyền con người nhưng điều này là chính đáng để mà bảo vệ những mục tiêu nhất định như:

Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi của người khác. Giới hạn quyền của người này chính là bảo vệ quyền của người khác. Do vậy, cần có sự giới hạn quyền để không xảy ra xung đột giữa hai bên.

Thứ hai, sức khỏe cộng đồng. Bảo vệ sức khỏe của mỗi người là trách nhiệm của cả cộng đồng. Một người bị mắc bệnh lây nhiễm có thể dễ dàng lây cho những người khác khi người này được phép di chuyển một cách tự do. Vì vậy, luật quốc tế cho phép các quốc gia giới hạn quyền của con người vì mục đích sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 rất nhiều quốc gia đã phải áp dụng giới hạn quyền tự do đi lại, tự do hội họp,… để nhằm kiểm soát và tránh sự lây nhiễm chéo giữa các cá nhân.

Thứ ba, an ninh quốc gia. Tự do không giới hạn sẽ dễ dàng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Nhiều đối tượng sẽ lợi dụng quyền của mình như tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do đi lại để nhằm mục đích chống chính quyền nhà nước. Tuy vậy, chính phủ cũng có thể lợi dụng lý do vì an ninh quốc gia để phá hoại tính dân chủ.

Thứ tư, đạo đức xã hội. Đạo đức trong một cộng đồng thể hiện qua những quy tắc ứng xử được áp dụng từ việc hợp với đạo lí xưa nay và phong tục của địa phương, cộng đồng đó. Đạo đức của cả một xã hội cần phải được xem xét trên tất cả các yếu tố cơ bản nhất. Để duy trì một đạo đức xã hội tốt đẹp, các quốc gia có thể đưa ra các quy định giới hạn quyền con người vì mục đích này.

Thứ năm, thúc đẩy sự công bằng trong xã hội. Khoản 2 điều 29 Tuyên ngôn nhân quyền nêu ra mục đích của giới hạn quyền con người, trong đó việc giới hạn phải nhằm đáp ứng phúc lợi chung trong xã hội dân chủ. Bản chất của phúc lợi chung chính là các chính sách, các chương trình và các dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của xã hội hoặc các nhóm xã hội khác nhau về đời sống, kinh tế, văn hóa, tinh thần, giáo dục và chăm sóc sức khỏe… Các chính sách và giải pháp phúc lợi chung thường tập trung vào nhóm người yếu thế, nhóm người thiệt thòi trong xã hội. Do vậy, suy cho cùng, các chính sách về phúc lợi chung là nhằm hướng tới sự công bằng trong xã hội.

Trong tình trạng khẩn cấp, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp bao gồm việc tạm đình chỉ các quyền con người là cần thiết để các quốc gia đối đầu với tình trạng khẩn cấp. Tạm đình chỉ quyền con người là biện pháp áp dụng tiêu cực bậc nhất đối với các quyền con người. Vì vậy, việc áp dụng chúng cần dựa trên những điều kiện khắt khe và chỉ sau khi nhà nước tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Bởi mặc dù chỉ được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp và sự giới hạn về thời gian, tuy nhiên biện pháp tạm đình chỉ quyền có khả năng tác động và ảnh hưởng đáng kể đến các quyền cơ bản khác. Mức độ, phạm vi áp dụng các giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người trong mỗi tình trạng khẩn cấp là khác nhau dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, pháp luật quốc gia và điều kiện thực tế.

Việc quy định nguyên tắc giới hạn quyền con người, tạm đình chỉ quyền con người cũng có ý nghĩa quan trọng để phòng tránh và xử lý các giới hạn, đình chỉ các quyền con người trái với các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia. Trên cơ sở của pháp luật quốc tế, các quốc gia thường quy định trong Hiến pháp nguyên tắc giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người, trong đó một trong những nội dung quan trọng nhất đó là quy định các điều kiện giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người. Việc quy định ở tầm Hiến pháp chính là sự giới hạn quyền lực nhà nước, nghiêm cấm sự tùy tiện của các cơ quan nhà nước trong việc đặt ra các giới hạn, tạm đình chỉ quyền con người.

Tóm lại, giới hạn quyền con người, tạm đình chỉ là một tất yếu mà không thể phủ nhận trong cuộc sống. Đây là một trong những nhân tố giúp xã hội phát triển ổn định. Nhưng đồng thời, việc quy định nguyên tắc giới hạn quyền con người, tạm đình chỉ quyền con người với các điều kiện áp dụng chặt chẽ có ý nghĩa phòng tránh và xử lý các lạm dụng, vi phạm của nhà nước đối với các quyền con người.

4. Các điều kiện giới hạn quyền con người, tạm đình chỉ quyền con người

Việc giới hạn quyền con người phải đảm bảo những điều kiện hết sức chặt chẽ và cụ thể, một số điều ước, ví dụ: Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (tiếng Anh: International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, viết tắt: ICESCR) dành một điều riêng (Điều 4) đề cập đến vấn đề này, gọi là điều khoản giới hạn chung (general limitation clause) áp dụng cho tất cả các quyền trong Công ước; trong khi ở một số điều ước khác, việc giới hạn được đề cập ở quy định về các quyền. Theo Điều 4 ICESCR, các quốc gia thành viên có thể đặt ra những giới hạn với các quyền ghi nhận trong Công ước, với các điều kiện sau:

Thứ nhất, những giới hạn đó phải được quy định trong pháp luật quốc gia. Yêu cầu này nhằm để tránh sự tùy tiện trong việc áp đặt các giới hạn về quyền. Ở đây cũng cần hiểu, kể cả khi những điều kiện hạn chế được quy định trong pháp luật quốc gia thì chúng cũng không được trái với nội dung của ICESCR.

Thứ hai, những giới hạn đặt ra phải không trái với bản chất của các quyền có liên quan. Yêu cầu này nhằm bảo đảm những giới hạn đặt ra không làm tổn hại đến khả năng của các cá nhân có liên quan trong việc hưởng thụ các quyền đó. Do bản chất của một số quyền con người, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa khá trừu tượng nên việc đánh giá là một giới hạn đặt ra có trái hay không với bản chất của một quyền thường phải dựa vào việc xem xét vấn đề trong bối cảnh cụ thể.

Thứ ba, nếu việc đặt ra các hạn chế về quyền là cần thiết trong một xã hội dân chủ và nhằm mục đích duy nhất là để thúc đẩy phúc lợi chung của cộng đồng. Liên quan đến điều kiện này, trong một số điều ước khác, danh mục các mục đích được bổ sung thêm một số yếu tố như để bảo vệ an ninh quốc gia (national security), để bảo đảm an toàn cho cộng đồng (public safety), để bảo vệ sức khỏe hay đạo đức của cộng đồng (public health or moral) và để bảo vệ các quyền, tự do hợp pháp của người khác (rights and freedoms of others).

Để áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ thực hiện các quyền con người trong tình trạng khẩn cấp, Điều 4 Công ước về các quyền dân sự và chính trị đòi hỏi:

Thứ nhất, các biện pháp áp dụng phải thực sự xuất phát từ tình huống khẩn cấp, do tình hình bắt buộc phải làm để cứu vãn sự sống còn của quốc gia. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban quyền con người của Liên Hợp quốc đã đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn dùng để xác định tính hợp lý của tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của các quốc gia.

Thứ hai, các biện pháp áp dụng không được trái với những nghĩa vụ khác xuất phát từ luật pháp quốc tế và đặc biệt là không được mang tính chất phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, ngôn ngữ hoặc nguồn gốc xã hội.

Thứ ba, các biện pháp này không được trái với quy định trong các Điều 6, 7, 8, 11, 15, 16 và 18 của ICCPR. Nói cách khác, kể cả trong tình huống khẩn cấp, các quốc gia cũng không được tạm đình chỉ việc thực hiện các quyền ghi nhận ở các Điều đã nêu, bao gồm: quyền sống (Điều 6), quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục (Điều 7), quyền không bị bắt giữ làm nô lệ hay nô dịch (Điều 8), quyền không bị bỏ tù chỉ vì lý do không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (Điều 11), quyền không bị áp dụng hồi tố trong tố tụng hình sự (Điều 15), quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật (Điều 16), quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18). Những quyền này được gọi là những quyền không thể bị đình chỉ (non-derogatable rights).

Thứ tư, khi áp dụng các biện pháp này, phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên khác của ICCPR thông qua Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ những biện pháp cụ thể đã áp dụng và thời gian dự định sẽ chấm dứt áp dụng các biện pháp này.

Về tính hợp lý của các biện pháp áp dụng trong bối cảnh khẩn cấp của các quốc gia, Ủy ban Quyền con người Liên hợp quốc đã xác định những nguyên tắc định hướng cho các quốc gia mà sau đó được nêu trong văn kiện có tên là “Các nguyên tắc Siracusa về các điều khoản giới hạn và tạm đình chỉ trong ICCPR”. Có thể tóm tắt như sau:

Thứ nhất, các biện pháp áp dụng phải mang tính chất bắt buộc như là phương thức cuối cùng và việc áp dụng chỉ mang tính tạm thời, chỉ trong thời gian quốc gia bị đe dọa.

Thứ hai, việc áp dụng các biện pháp đó không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền con người khác, đặc biệt là các quyền không thể bị tạm đình chỉ. Thậm chí trong khi áp dụng các biện pháp đó, cần phải tăng cường bảo vệ các quyền không thể bị tạm đình chỉ.

Thứ ba, chỉ áp dụng các biện pháp đó khi có mối đe dọa thực sự và cấp thiết với quốc gia. Mối đe dọa đó phải tác động đến toàn bộ quốc gia và thực sự ảnh hưởng đến đời sống bình thường của dân chúng mà việc áp dụng các biện pháp khắc phục bình thường sẽ không mang lại kết quả.

5. Kết luận

          Giới hạn và tạm đình chỉ quyền con người là 2 khái niệm không đồng nhất mặc dù trên thực tế tạm đình chỉ hay giới hạn quyền đều dẫn đến một kết quả là hạn chế việc bảo vệ quyền[5]. Dù đặt trong bối cảnh bình thường hay tình trạng khẩn cấp, giới hạn và tạm đình chỉ quyền đều có vị trí và vai trò nhất định. Song việc thực thi các biện pháp giới hạn hay tạm đình chỉ dẫn đến nhiều quyền con người trong hiến định bị hạn chế và tạm dừng nghĩa vụ. Do đó, để đảm bảo tối đa khả năng ứng phó, kiểm soát tình trạng khẩn cấp nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến nền công bằng dân chủ và nhân quyền thì cơ quan hành pháp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện, nguyên tắc.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Đại học Quốc gia Hà Nội (2018). Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam. NXB Tư pháp, Hà Nội.

[2] Lã Minh Trang (2022). Tạm đình chỉ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp - Thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia và những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Khoa, Trường Đại học Luật Hà Nội

[3] Nguyễn Anh Đức, Vũ Công Giao (2020). Một số vấn đề lý luận về tình trạng khẩn cấp, Pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Kỉ yếu Hội thảo quốc tế.

[4] Nguyễn Minh Tuấn (2019). Những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ về giới hạn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 7(375)/2019, tr.3-7,73.

[5] Vũ Công Giao (2022). Quy định về giới hạn quyền con người trong điều kiện khẩn cấp quốc gia, Tạm đình chỉ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp - Thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia và những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Đề tài nghiên cứu cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR)
  2. Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (tiếng Anh: International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, viết tắt: ICESCR)
  3. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (tiếng Anh: Universal Declaration of Human Rights, viết tắt: UDHR)
  4. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Tường Duy Kiên và CTV (2015). Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  5. Nguyễn Minh Tuấn (2019). Những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ về giới hạn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 7(375).
  6. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Luật Châu Á Đại học Luật Melbourne (2020). Pháp luật về tình trạng khẩn cấp (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế). NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  7. Nguyễn Anh Đức, Vũ Công Giao (2020). Một số vấn đề lý luận về tình trạng khẩn cấp, Pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Kỉ yếu hội thảo quốc tế.
  8. Lã Minh Trang (2022). Tạm đình chỉ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp - Thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia và những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Khoa, Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Some theoretical issues on limitation and derogation from human rights

Master. Dam Danh Liem

Vietnam News Agency

ABSTRACT:

Human rights are the natural needs and interests inherent to individuals, recognized and protected by national laws and international legal agreements. However, these rights are not absolute and can be restricted under certain justifiable circumstances. Limitation and derogation from human rights are complex issues that garner significant societal attention, especially in emergency situations. This paper provided theoretical insights into the limitations and derogation from human rights, including concepts, positions, roles, and conditions for such limitations and derogation from rights.

Keywords: limitation of rights, derogation from rights, state of emergency, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 6 năm 2024]