Một số vấn đề về chuyển đổi cơ chế quản lý tài chính theo hướng tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp có thu

ThS. NGUYỄN THỊ THANH HOÀI (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Việt Nam đang thực hiện tiến trình đổi mới toàn diện phát triển nền kinh tế theo hướng hội nhập với nền kinh tế quốc tế. Việc thực hiện cải cách hành chính nhà nước là một phần trong tiến trình đổi mới, gắn liền với cải cách tài chính công. Trong giai đoạn từ năm 2011-2020, đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công được thực hiện theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch. Đổi mới cơ chế hoạt động tài chính sẽ giúp các đơn vị sự nghiệp có thu nâng cao được tính chủ động, quyền hạn và trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài chính theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Từ khóa: Cơ chế quản lý tài chính, tự chủ, đơn vị sự nghiệp có thu.

I. Tìm hiểu chung về đơn vị sự nghiệp có thu

1. Khái niệm đơn vị sự nghiệp có thu

Đơn vị sự nghiệp có thu là một loại đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, có tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật kế toán. Các đơn vị này cung cấp các dịch vụ công cộng và các dịch vụ nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của các ngành kinh tế quốc dân trong các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao…

2. Đặc điểm của đơn vị sự nghiệp có thu

Một là, đơn vị sự nghiệp có thu là tổ chức hoạt động theo nguyên tắc phục vụ xã hội, không vì mục đích kiếm lời như các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện vai trò của Nhà nước, được Nhà nước tổ chức và tài trợ cho các hoạt động sự nghiệp để cung ứng sản phẩm, dịch vụ xã hội công cộng, hỗ trợ cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế hoạt động bình thường, thúc đẩy phát triển con người, phát triển kinh tế.

Hai là, hoạt động sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp có thu luôn gắn liền và bị chi phối bởi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Ba là, sản phẩm của các đơn vị sự nghiệp có thu là các sản phẩm mang lại lợi ích chung có tính bền vững và gắn bó hữu cơ với quá trình tạo ra vật chất và giá trị tinh thần. Sản phẩm, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp có thu chủ yếu là giá trị về tri thức, văn hóa, các phát minh khoa học, sức khỏe, đạo đức…, có tính phục vụ không chỉ một ngành, một lĩnh vực nhất định mà các sản phẩm, dịch vụ đó thông thường có tác động đến toán bộ nền kinh tế quốc dân.

Bốn là, hoạt động của đơn vị sự nghiệp có thu không mang tính quyền lực pháp lý, không trực tiệp phục vụ cho quản lý hành chính nhà nước.

Năm là, đơn vị sự nghiệp có thu có nguồn thu thường xuyên từ hoạt động sự nghiệp, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước và được tự chủ về mặt tài chính.

3. Cơ chế quản lý tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu

Quản lý tài chính là một bộ phận, một khâu của quản lý kinh tế - xã hội mang tính tổng hợp. Trong đơn vị sự nghiệp, Nhà nước là chủ thể quản lý, đối tượng quản lý là tài chính của các đơn vị sự nghiệp. Việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính ở các đơn vị sự nghiệp có liên quan trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, có tác động tích cực đến các quá trình kinh tế - xã hội theo các phương hướng phát triển đã được hoạch định. Là chủ thể quản lý, Nhà nước có thể sử dụng tổng thể các phương pháp, các hình thức và công cụ để quản lý hoạt động tài chính của các đơn vị sự nghiệp trong những điều kiện cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Để đạt được những mục tiêu đề ra, công tác quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp bao gồm ba khâu công việc: Lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước trong phạm vi được cấp có thẩm quyền giao hàng năm; Tổ chức chấp hành dự toán thu, chi tài chính hàng năm theo chế độ, chính sách của Nhà nước; Quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước.

Thực tế tại các đơn vị sự nghiệp có thu tại Việt Nam, cơ chế quản lý tài chính vẫn còn một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về lập dự toán thu chi ngân sách: Các đơn vị sự nghiệp có thu vẫn lập dự toán trên cơ sở quá khứ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới của cơ chế tự chủ tài chính, các đơn vị cần áp dụng phương pháp lập dự toán cấp 0 cho một số hoạt động tự chủ, nhằm sử dụng các nguồn thu đúng mục đích trên cơ sở hiệu quả và tiết kiệm. Như vậy, các đơn vị sẽ đảm bảo thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ thu do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Thứ hai, về quản lý chi: Yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý chi là phải có hiệu quả và tiết kiệm. Các đơn vị cần phải tính toán sao cho hạn chế các khoản chi phí nhưng hiệu quả đạt được vẫn là cao nhất. Muốn vậy, các đơn vị phải phản ánh, ghi nhận kịp thời các khoản chi theo từng nội dung chi, mục đích chi…, đồng thời phải thường xuyên phân tích, đánh giá các hoạt động trên cơ sở tăng cường quản lý chi. Đối với kế toán trong quy trình này cần phải sử dụng nhuần nhuyễn công cụ kế toán để tổ chức hạch toán, quyết toán toàn bộ số thực thu, thực chi trong năm, tổ chức thực hiện thống nhất từ khâu chứng từ, tài khoản, sổ sách. Có như thế thì hệ thống báo cáo tài chính và hệ thống báo cáo quyết toán mới trình bày được tổng quát, toàn diện về tình hình thu - chi và cân đối ngân sách tại đơn vị trên cơ sở trung thực, hợp lý.

Thứ ba, về quy trình quản lý tài chính: Các đơn vị cần phải đảm bảo các quy định về các mục thu chi ngân sách thông qua việc kiểm tra quy trình quản lý tài chính các đơn vị sự nghiệp. Bắt đầu từ khâu lập dự toán ngân sách. Việc lập dự toán chi ngân sách phải theo hai nội dung riêng biệt, đó là kinh phí thực hiện chế độ tự chủ và kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ. Khi kiểm tra cần phải kiểm tra từng phần theo các loại dự toán này. Đến khâu thực hiện dự toán, kiểm tra tính hợp lý của các dự toán phân bổ từ đơn vị dự toán cấp 1 xuống các cấp còn lại. Kiểm tra sử dụng kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, cần xem xét từng khoản chi phí thực hiện chế độ tự chủ có đúng quy định không, nhất là đối với các khoản chi thanh toán cá nhân, chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi thuê mướn, chi vật tư, văn phòng,… Kiểm tra việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính giao để thực hiện chế độ tự chủ tiết kiệm được. Đối với kiểm tra việc thực hiện dự toán kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ, nên xem xét từng khoản chi của đơn vị có đúng với quy định chi hiện hành không. Cuối cùng là kiểm tra khâu quyết toán kinh phí, xem việc chuyển nguồn kinh phí, hạch toán kế toán, quyết toán ngân sách… có đúng theo biểu mẫu, thời hạn quy định hay không.

II. Chuyển đổi cơ chế quản lý tài chính theo hướng tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp có thu qua các giai đoạn

Quá trình đổi mới về chế độ tài chính có thể phân làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trước năm 2002, thực hiện theo chế độ quản lí tài chính chung đối với mọi đơn vị hành chính, sự nghiệp;

Giai đoạn 2: Từ năm 2002 đến năm 2006, thực hiện theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP (NĐ10) về cơ chế quản lí tài chính đơn vị sự nghiệp có thu và các thông tư hướng dẫn liên quan.

Giai đoạn 3: Từ năm 2006 đến năm 2015, thực hiện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP (NĐ43) quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các thông tư.

Giai đoạn 4: Từ năm 2015 đến nay, triển khai Nghị định 16/2015/NĐCP (NĐ 16) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua từng giai đoạn, cơ chế quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp đều có những sự thay đổi đáng kể, phù hợp với lộ trình cải cách đổi mới của Chính phủ.

a. Về các quyền tự chủ:

NĐ10 chỉ xác định các đơn vị được tự chủ về mặt tài chính, NĐ43 và NĐ16 quy định quyền tự chủ tài chính gắn chặt với 3 quyền tự chủ khác gồm tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

b. Về nguyên tắc thay đổi cơ chế tự chủ tài chính:

So với NĐ10, NĐ43 mở rộng và trao quyền tự chủ cao hơn, thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước. NĐ43 cho phép đơn vị sự nghiệp được tổ chức hoạt động dịch vụ, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết, góp vốn liên doanh. NĐ16 mở rộng thêm quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp thông qua xây dựng lộ trình hạch toán đầy đủ chi phí, chuyển đổi từ việc giao dự toán sang phương thức đặt hàng của nhà nước, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao, quy định cụ thể về giá, phí dịch vụ công.

c. Về thực hiện nghĩa vụ với NSNN:

So với NĐ10, NĐ43 và NĐ16, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp có hoạt động dịch vụ phải đăng kí, kê khai, nộp đủ các loại thuế và các khoản khác (nếu có), được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

d. Về nguồn tài chính:

So với NĐ10, NĐ43 quy định về nguồn tài chính chi tiết hơn, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp gồm 4 loại: Kinh phí do Nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ không thường xuyên; nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp; nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho, theo quy định của pháp luật; nguồn vốn vay, liên doanh liên kết. NĐ16 quy định cụ thể nguồn tài chính đối với từng loại đơn vị.

e. Về tự chủ sử dụng nguồn tài chính:

NĐ10 quy định thủ trưởng đơn vị được quyết định mức chi quản lí, chi nghiệp vụ cao hơn mức chi do Nhà nước quy định tùy theo nội dung và hiệu quả công việc trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng. NĐ43 giao cho đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần chi thường xuyên trở lên được nhiều quyền hạn hơn, căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính chi thường xuyên, thủ trưởng được quyết định một số mức chi phí quản lí, chi hoạt động nghiệp vụ cao hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; được quyết định phương thức khoán chi phí cho từng bộ phận, đơn vị trực thuộc; quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm mới và sửa chữa lớn tài sản. NĐ16 quy định các quyền quyết định mức chi của thủ trưởng đối với một số nội dung chi thường xuyên cao hơn so với chế độ của Nhà nước chỉ được áp dụng đối với đơn vị tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên.

f. Về việc sử dụng các quỹ:

NĐ10 quy định Thủ trưởng sử dụng các quỹ sau khi thống nhất với tổ chức Công đoàn. NĐ43 và NĐ16 quy định việc sử dụng các quỹ do thủ trưởng quyết theo Quy chế chi tiêu nội bộ. Do đó, việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ rất quan trọng: Quy chế do thủ trưởng quyết định ban hành sau khi tổ chức thảo luận rộng rãi dân chủ, công khai và có ý kiến thống nhất của tổ chức Công đoàn.

g. Về phân bổ và giao dự toán ngân sách:

NĐ16 thay đổi đáng kể cơ chế cấp kinh phí ngân sách so với NĐ43 và NĐ10.

III. Kết luận

Trong tiến trình đổi mới của Chính phủ, đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong các đơn vị sự nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Nghị định 16/2015/NĐ-CP ra đời được xem là bước đột phá trên lộ trình đổi mới toàn diện lại đơn vị sự nghiệp công. Bài viết này hệ thống hóa những nội dung cơ bản về đơn vị sự nghiệp có thu, về đặc điểm cơ chế quản lí tài chính và các bước chuyển đổi cơ chế tài chính qua các giai đoạn tương ứng với các nghị định, thông tư cụ thể, từ đó đánh giá được những điểm nổi bật của Nghị định 16/2015/NĐ-CP về tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính - 2015: Hội thảo “Cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”.

2. Phan Quý Phương: Thực tiễn hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và những đề xuất đổi mới.

3. Nghị định số 10/2002/NĐ-CP; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP; Nghị định 16/2015/NĐ-CP; Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015.

4. http://www.sav.gov.vn/759-1-ndt/quan-ly-tai-chinh-don-vi-su-nghiep-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay.sav

ISSUES RELATED TO THE IMPLEMENTATION OF PUBLIC

FINANCE REFORM PROCESSS AT REVENUE GENERATING

PUBLIC SERVICE DELIVERY UNITS

MA. NGUYEN THI THANH HOAI

Faculty of Accounting,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Vietnam is implementing a comprehensive renovation process to boost the country’s economic development under the global economic integration process. The state administrative reform is one of the fundamental tasks of the country’s renovation process and is associated with the public finance reform process of Vietnam. The country’s public finance reform processs has implemented towards autonomy, publicity and transparency. The implementation of public finance reform processs at revenue generating public service delivery units could help these agencies to enhance their initiative, power and responsibility in managing and using their financial resources towards autonomy and self-responsibility.

Keywords: Financial management mechanism, autonomy, revenue generating public service delivery units.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây