Một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế bằng trọng tài

TS. HÀ VIỆT HƯNG (Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết đi sâu phân tích và chỉ ra các ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan trọng tài mang tính đặc thù khi giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số bất cập về giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế tại Việt Nam, từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của Trọng tài quốc tế Việt Nam, góp phần vào việc nâng cao hiểu biết của cá nhân, tổ chức về luật hàng hải quốc tế, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi tham gia hoạt động hàng hải quốc tế.

Từ khóa: trọng tài hàng hải, tranh chấp hàng hải quốc tế, kiến nghị hoàn thiện, trọng tài quốc tế Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã tích cực tham gia các cơ chế song phương và đa phương về hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại hàng hải. Cam kết lộ trình mở cửa dịch vụ hàng hải khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới sẽ ngày làm cho việc cạnh tranh trong lĩnh vực này trở nên gay gắt. Để kinh tế biển thành ngành mũi nhọn, việc nâng cao hiểu biết của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về tranh chấp hàng hải quốc tế hiện nay là cần thiết và cấp bách.

Các tranh chấp về hàng hải quốc tế có thể giải quyết thông qua hình thức thương lượng, hòa giải, giải quyết tại cơ quan tòa án hoặc trọng tài. Bài viết này đi sâu phân tích phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan trọng tài mang tính đặc thù khi giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế.

2. Nội dung phân tích

2.1. Khái quát chung về giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế bằng phương thức trọng tài

Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải quốc tế là việc điều chỉnh các bất đồng, các xung đột dựa trên các căn cứ và bằng các phương thức khác nhau do các bên lựa chọn nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong lĩnh vực hàng hải quốc tế.

Trọng tài hàng hải giải quyết các tranh chấp liên quan chủ yếu tới các hợp đồng vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm, hoặc vận chuyển bằng tàu biển. Và trong hàng trăm năm, nền hàng hải cũng đã quen với việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn dưới dạng này hay dạng khác, và chủ yếu là phương thức trọng tài. Theo Phòng vận chuyển đường biển quốc tế (ICS), vào khoảng 90% thương mại thế giới được chuyên chở bằng đường biển quốc tế. Ngoài ra, có khoảng 50.000 tàu biển đăng ký ở trên 150 nước. Về mặt lịch sử, thương mại hàng hải không giới hạn bởi một quốc gia, do đó các tranh chấp phát sinh từ hoạt động hàng hải thường gắn với hợp đồng quốc tế giữa các bên đến từ các quốc gia khác nhau. Về giải quyết tranh chấp, hàng hải được thừa nhận rộng rãi như là một phương thức của trọng tài thương mại quốc tế. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua phương thức trọng tài hàng hải có nhiều ưu điểm như thủ tục tố tụng linh hoạt, giải quyết nhanh chóng, giữ được uy tín của các bên, tính chuyên nghiệp của trọng tài viên và tính chung thẩm của phán quyết. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường không căng thẳng mà diễn ra trong không khí hợp tác giữa các bên tranh chấp.

Các tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải có thể được đưa ra giải quyết tại các Trung tâm trọng tài về hàng hải có uy tín như Hiệp hội Trọng tài hàng hải London hay Hội đồng Trọng tài hàng hải New York. Ngoài ra, nhiều Trung tâm trọng tài khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hải cũng có thể giải quyết như Hiệp hội Sở Giao dịch thuê tàu Nhật Bản, Tòa án Trọng tài hàng hải Mátxcơva, Trung tâm Trọng tài hàng hải Gdynia Balan, Phòng Trọng tài hàng hải Paris, Hội đồng Trọng tài hàng hải Trung Quốc, Phòng Trọng tài hàng hải Singapore,…

Hiệp hội trọng tài hàng hải London (L.M.A.A) đặt trụ sở tại London và thực hiện việc giải quyết của mình trên cơ sở các điều kiện của L.M.A.A (2002). Hiệp hội Trọng tài hàng hải London đã ban hành bộ quy tắc LMAA. Bộ Quy tắc LMAA là một tập hợp các điều khoản về tố tụng sẵn có cho các bên để đưa điều khoản này vào hợp đồng của họ điều khoản giải quyết tranh chấp. LMAA cũng xuất bản Bộ quy tắc tố tụng về các khiếu nại trung gian (ICP), và Bộ quy tắc tố tụng về các khiếu nại nhỏ (SCP). Các bộ quy tắc này được sửa đổi vào năm 2002. Tiến trình trọng tài được khởi đầu bằng việc xem xét điều khoản trọng tài. Hiệp hội có thể có các thỏa thuận với Bản tin luật hàng hải của Lloyd để công bố bản tóm tắt các phán quyết nếu được sự đồng ý của các bên. Các bản tóm tắt này không công khai tên của các bên, hoặc tên của các trọng tài viên, hoặc tên của con tàu biển có liên quan. Hiệp hội đã ban hành bản Quy định về trình tự giải quyết bằng trọng tài nhanh chóng và chi phí thấp (FALCA), cùng các điều kiện hòa giải của L.M.A.A. Hiệp hội đã tham vấn cho Công hội Hàng hải quốc tế và vùng Ban tích (BIMCO) để thông qua điều khoản trọng tài BIMCO/LMAA.

Hội đồng Trọng tài hàng hải Trung Quốc: Hội đồng Trọng tài hàng hải Trung Quốc đặt trụ sở ở Bắc Kinh. Hiệp hội có thẩm quyền giải quyết một cách độc lập và công bằng các tranh chấp hàng hải từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng hoặc trong quá trình vận chuyển, sản xuất và hải trình trên biển, trong vùng nước ven biển và các vùng nước khác gắn liền với biển. Hiệp hội cũng có quyền giải quyết các tranh chấp hàng hải phát sinh từ cứu hộ và tổn thất chung, đâm va giữa các tàu biển, từ thiệt hại gây ra bởi tàu biển đến các công trình trên biển, trên các vùng nước gắn liền với biển, trên cảng biển cũng như các công trình ngầm dưới biển, tranh chấp phát sinh từ việc quản lí, vận hành, thuê tàu, thế chấp, đại lí, lai dắt tàu biển, nâng cấp, mua bán, sửa chữa, xây dựng, phá hủy tàu biển hoặc tàu sông, cũng như vận chuyển trên biển đối với các hợp đồng thuê tàu, vận đơn đường biển hoặc các văn bản khác và bảo hiểm hàng hải, tranh chấp liên quan đến sử dụng các nguồn lợi hàng hải và các ô nhiễm môi trường đối với môi trường biển, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng giao nhận, cung cấp kho bãi cho tàu biển, tuyển dụng thủy thủ ở nước ngoài trên hành trình ở nước ngoài, chế biến và đánh cá, cũng như các tranh chấp hàng hải khác các bên thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài.

Phòng Trọng tài hàng hải Singapore (SCMA): SCMA được thành lập năm 2004 nhằm tạo ra một cơ quan giải quyết tranh chấp độc lập, hiệu quả và thực tế trong các nước đang phát triển ở châu Á. SCMA cung cấp cho các bên liên quan đến tranh chấp hàng hải hệ thống các trọng tài viên có kinh nghiệm và có tiếng tăm trên trường quốc tế, các quy tắc trọng tài toàn diện và hữu ích nhằm đảm bảo một tiến trình trọng tài nhanh chóng và công bằng.

Trong nhiều trường hợp, tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển có thể giải quyết bằng trọng tài. Điều này thường thể hiện qua điều khoản trọng tài trong hợp đồng vận tải hay vận đơn đường biển. Các thỏa thuận trọng tài liên quan tới hợp đồng thuê tàu thường có trong các mẫu hợp đồng chuẩn và rất ít khi được đàm phán. Dưới đây là một minh họa về điều khoản trọng tài trong hợp đồng thuê tàu chuyến theo mẫu chuẩn của BIMCO:

THE BALTIC AND INTERNATIONAL N/A MARITIME COUNCIL (BIMCO)

BARECON 89 Standard Bareboat Charter

Điều 26. Luật điều chỉnh và trọng tài:

26.1. Hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của luật Anh và bất kì tranh chấp nào phát sinh từ hợp đồng này sẽ được giải quyết tại trọng tài ở London phù hợp với Luật trọng tài năm 1950 và 1979 hoặc bất kì quy định sửa đổi nào có hiệu lực vào thời điểm đó, trong đó mỗi trọng tài viên được một bên chỉ định và người thứ ba sẽ do hai người được lựa chọn chỉ định. Trên cơ sở nhận được sự chỉ định bằng văn bản của một bên, bên kia sẽ chỉ định trọng tài viên của mình trong thời hạn 14 ngày, nếu không quyết định của trọng tài viên duy nhất được lựa chọn sẽ được áp dụng. Nếu hai trọng tài viên được chỉ định không đồng ý, họ sẽ chỉ định một trọng tài viên mà quyết định của người này sẽ mang tính chung thẩm.

26.2. Nếu có tranh chấp phát sinh ngoài hợp đồng này, vấn đề tranh chấp sẽ được giải quyết bởi ba trọng tài viên tại New York, một người do mỗi bên chỉ định và người thứ ba sẽ do hai người được lựa chọn chỉ định; quyết định của họ hoặc của hai người trong số họ sẽ mang tính chung thẩm và nhằm mục đích thi hành phán quyết, thỏa thuận này sẽ được thực hiện bởi một quy tắc của tòa án. Các trọng tài viên phải là thành viên của Hiệp hội trọng tài hàng hải của New York và quá trình tố tụng sẽ được tiến hành phù hợp với quy tắc của tổ chức này.

Vì tính chất phổ biến và quan trọng của trọng tài trong giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế, nhiều tổ chức và hiệp hội trên thế giới đã đưa ra các dạng hợp đồng mẫu làm với việc ghi nhận điều khoản trọng tài.

Chẳng hạn, Hiệp hội đóng tàu Tây Âu (AWES) đã đưa ra hợp đồng mẫu có điều khoản trọng tài. Ở đây điều khoản trọng tài được diễn đạt khác nhau, bởi lẽ nó cung cấp quan điểm chuyên gia tiền trọng tài kéo theo giai đoạn trọng tài adhoc trong đó các bên tự do ấn định địa điểm trọng tài, luật áp dụng, và quyền chỉ định tòa án trọng tài trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận. Trong trường hợp mua bán tàu biển, một bên phải tham chiếu tới mẫu hợp đồng mua bán của Na Uy, một hợp đồng mẫu được tạo ra bởi một Hiệp hội tư nhân xuyên quốc gia - Công hội hàng hải quốc tế và Bantic (BIMCO). Phiên bản mới nhất năm 1993 quy định điều khoản trọng tài, theo đó các bên có thể lựa chọn trọng tài London hoặc New York, hoặc họ có thể hoàn thiện điều khoản trọng tài chỉ ra địa điểm trọng tài và luật áp dụng 

Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế có thể thấy ở nhiều nước đã có những tòa án chuyên trách giải quyết các tranh chấp hàng hải quốc tế. Bên cạnh đó, các tranh chấp hàng hải quốc tế có thể được đưa ra giải quyết tại các trung tâm trọng tài hàng hải có uy tín trên thế giới. Do tính chất đa dạng và phức tạp của các tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển nên trong các hợp đồng mẫu và các bên thường lựa chọn Hiệp hội Trọng tài hàng hải London hay Hội đồng Trọng tài hàng hải New York nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các bên.

2.2. Một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế bằng phương thức trọng tài ở Việt Nam

Theo qui định của pháp luật Việt Nam, Điều 337 và Điều 338 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 qui định: tranh chấp hàng hải là các tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải. Để giải quyết tranh chấp hàng hải, các bên liên quan có thể tiến hành bằng con đường thương lượng, thỏa thuận hoặc khởi kiện tại trọng tài hoặc tòa án có thẩm quyền. Tranh chấp hàng hải được trọng tài hoặc tòa án giải quyết theo thẩm quyền, thủ tục do pháp luật qui định. Tranh chấp hàng hải ở Việt Nam hiện tại được giải quyết theo qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Luật Trọng tài thương mại năm 2010, tại Điều 2 khoản 1 cũng làm rõ thẩm quyền của trọng tài và tranh chấp có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của trọng tài, theo đó trọng tài có quyền giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại theo sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở qui định của pháp luật. Hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li-xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thăm dò, khai thác; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài là tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại mà một bên hoặc các bên là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ có tranh chấp đó ở nước ngoài. Như vậy, trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải như giải quyết các tranh chấp về vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển,…

Trường hợp hợp đồng có ít nhất một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án ở nước ngoài. Trường hợp các bên liên quan đến tranh chấp hàng hải đều là tổ chức, cá nhân nước ngoài và có thỏa thuận bằng văn bản giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Việt Nam thì Trọng tài Việt Nam có quyền giải quyết đối với tranh chấp hàng hải đó, ngay cả khi nơi xảy ra tranh chấp ngoài lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, pháp luật Việt Nam công nhận khả năng đưa vụ tranh chấp hàng hải có yếu tố nước ngoài ra giải quyết bằng trọng tài hoặc tòa án ở nước ngoài và đã dự liệu khả năng một bên hoặc các bên nước ngoài lựa chọn trọng tài Việt Nam để giải quyết tranh chấp hàng hải có yếu tố nước ngoài trong trường hợp tranh chấp đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng hải quốc tế ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập. Về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở nhiều nước đã có các trung tâm trọng tài hàng hải có uy tín lớn trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải quốc tế nói chung và tranh chấp liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển nói riêng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chưa thành lập riêng Ban trọng tài hàng hải. Việc giải quyết các tranh chấp thương mại hàng hải ở Việt Nam hiện nay vẫn ở mức độ khiêm tốn. Thực tiễn cho thấy có quá ít các tranh chấp thương mại hàng hải có yếu tố nước ngoài đang giải quyết tại các Trung tâm trọng tài Việt Nam.

Bên cạnh đó, trình độ của các trọng tài viên của Việt Nam còn có những hạn chế về ngoại ngữ, kiến thức trong lĩnh vực thương mại hàng hải quốc tế cũng như những kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế nói chung và trong lĩnh vực hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển nói riêng. Mặc dù số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ trọng tài viên ở các Trung tâm trọng tài ngày càng được nâng cao, nhưng thực tế là năng lực giải quyết tranh chấp quốc tế ở không ít trọng tài viên còn thấp, thiếu kinh nghiệm, xét xử tranh chấp quốc tế, nói chung chưa đáp ứng được toàn diện các yêu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao năng lực của các thẩm phán, trọng tài viên và luật sư Việt Nam trong xét xử tranh chấp hàng hải quốc tế. Thực tiễn hiện nay, số lượng trọng tài viên có trình độ chuyên sâu về thương mại và hàng hải quốc tế rất hiếm. Bên cạnh đó, năng lực xét xử của đội ngũ trọng tài viên còn nhiều hạn chế, phần lớn các trọng tài viên ở các trung tâm trọng tài là làm việc kiêm nhiệm. Vì vậy, có ít trọng tài viên được coi là chuyên nghiệp trong hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại hàng hải quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao hiệu quả xét xử của tòa án, trọng tài sẽ là yêu cầu cần thiết. Để làm được điều này, cần phải đào tạo, bổ sung các cán bộ pháp lý giỏi về ngoại ngữ, có chuyên môn sâu về các lĩnh vực thương mại hàng hải quốc tế.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ trọng tài viên ở nước ta. Việc đào tạo có thể được tiến hành ở trong nước, theo đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy nâng cao trình độ tiếng Anh và kiến thức chuyên sâu về thương mại hàng hải quốc tế. Việc đào tạo cũng có thể tiến hành ở nước ngoài theo hình thức trao đổi chuyên gia hoặc cho các trọng tài viên đi tu nghiệp ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích trọng tài viên Việt Nam đi theo con đường hoạt động chuyên nghiệp, đồng thời góp phần tạo ra môi trường hoạt động trọng tài hấp dẫn hơn, thu hút các trọng tài viên nước ngoài có tên tuổi hoạt động tại Việt Nam.

3. Kết luận

Trọng tài đã trở thành phương thức được sử dụng phổ biến để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế và hiện tại là phương thức bắt buộc phải thi hành và ràng buộc về mặt pháp lý duy nhất có thể thay thế cho phương thức tranh tụng tại tòa án quốc gia. Trong thời gian gần đây, đã có những thay đổi đối với giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế phản ánh sự phát triển của thương mại quốc tế và các nguyên tắc xuyên quốc gia điều chỉnh nó. Điều này dẫn tới sự dịch chuyển quan trọng từ giải quyết tranh chấp tại Tòa án quốc gia đến trọng tài quốc tế, và nói riêng là trọng tài hàng hải quốc tế.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là cần phải tiếp tục sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế cho phù hợp hơn với các yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và thực tiễn thương mại hàng hải quốc tế. Hiểu biết và nắm bắt được các qui định liên quan đến giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế bằng phương thức trọng tài sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết của cá nhân, tổ chức về luật hàng hải quốc tế, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi tham gia hoạt động hàng hải quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Charles L. Measter & Peter Skoufalos, (2002). The Increasing Role of Mediation in Resolving Shipping Disputes. 26 TUL. MAR. L.J. 515, 517
  2. Buffy D. Lord, (2002). Dispute Resolution on the High Seas: Aspects of Maritime Arbitration. 8 Ocean & Coastal L.J. 71
  3. Internationnal Chamber of Shipping, Shipping Facts, http://www.marisec .org/shipping facts/wordtrade/index.php.
  4. Soo Sandra Jin Lee, (1997). Is Sky Reefer in Jeopardy? The MLA’s Proposed Changes To Maritime Foreign Arbitration Clauses. 72 WASH. L. REV. 625, 625
  5. Harold J. Berman & Colin Kaufman, (1978). The Law of International Commercial Transactions (Lex Mercatoria). 19 HARV. INT’L L.J. 221
  6. The Association of West European Shipbuilders ("AWES") model contract.
  7. The Baltic and International Maritime Council ("BIMCO").
  8. Quốc hội (2015), Bộ luật Hàng hải.
  9. Quốc hội (2010), Luật Trọng tài thương mại.
  10. Đỗ Văn Đại - Trần Hoàng Hải (2011), Pháp luật Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

SOME ISSUES RELATED TO THE SETTLEMENT OF INTERNATIONAL MARITIME DISPUTES VIA MARITIME ARBITRATORS

Ph.D Ha Viet Hung

Lecturer, Faculty of International Law

Hanoi Law University

Abstract:

This paper analyzes and points out the advantages of resolving international maritime disputes via maritime arbitrators. This paper also presents some shortcomings in the settlement of international maritime disputes in Vietnam. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the efficiency of settling maritime disputes in Vietnam via maritime arbitrators. This paper is expected to contribut to improving the understanding of individuals and organizations on international maritime law, protecting the legitimate rights and interests of the parties when participating in international maritime activities.

Keywords: maritime arbitration, international maritime disputes, recommendation, Vietnamese international arbitration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 5, tháng 3 năm 2021]