Một số ý kiến hoàn thiện các quy định pháp luật về các chủ thể tham gia giao dịch của Sở Giao dịch Hàng hóa theo pháp luật Việt Nam

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội - VNU) và ThS. LS. Nguyễn Anh Thư (Công ty Luật TNHH SMiC (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa (SGDHH) đang trở thành một kênh đầu tư mới, hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH (Nghị định số 51/2018/NĐ-CP) đã đạt được thành tựu trong việc kết nối liên thông giữa SGDHH tại Việt Nam với các sàn giao dịch trên thế giới, mở cánh cửa đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích thực trạng quy định pháp luật hiện hành về các chủ thể tham gia giao dịch của SGDHH, từ đó chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình thực thi và đề xuất hoàn thiện pháp luật.

Từ khóa: chủ thể tham gia giao dịch, hoạt động mua bán hàng hóa, Sở Giao dịch Hàng hóa, Luật Thương mại, hợp đồng hàng hóa.

1. Các quy định pháp luật về chủ thể tham gia giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa

Trong hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH, bên cạnh chủ thể trung tâm và trung gian trong mọi giao dịch là SGDHH thì hoạt động này còn có sự tham gia của khách hàng (hay những người có nhu cầu mua, bán hàng hóa qua SGDHH); thành viên SGDHH (thực hiện vai trò môi giới cho khách hàng hoặc hoạt động tự doanh hoặc cả hai) và một số chủ thể trung gian khác (khi khách hàng không đủ điều kiện đặt lệnh trực tiếp lên thành viên SGDHH) [6]. Các quy phạm pháp luật về chủ thể tham gia giao dịch đều hướng tới việc mô tả những nét đặc trưng nhất của từng loại chủ thể; điều kiện trở thành chủ thể giao dịch; quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia giao dịch; và điều kiện để chấm dứt tư cách chủ thể giao dịch. Những quy phạm này có ý nghĩa đặt nền móng để xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh về các chủ thể tham gia giao dịch qua SGDHH.

Tại Việt Nam, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP đã đạt được một số thành tựu nhất định trong việc kết nối liên thông giữa SGDHH nội địa với các SGDHH trên thế giới, mở cánh cửa đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào “sân chơi chung” này. Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị định số 51/2018/NĐ-CP nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH vẫn còn gặp một số vướng mắc. Phần lớn những vướng mức đến từ việc quy phạm về các chủ thể tham gia giao dịch qua SGDHH còn chưa thống nhất, mặc dù đây là nhóm quy phạm quan trọng trong pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH. Để đánh giá về các quy định pháp luật này thực thi trong thực tiễn kinh doanh thương mại, chúng tôi đưa ra một số nhận định sau đây:

Thứ nhất, khái niệm về khách hàng chưa thật sự đầy đủ.

Theo quy định tại Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH (Nghị định số 158/2006/NĐ-CP),“Khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của SGDHH, thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH thông qua việc ủy thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH”. Như vậy, khách hàng khi có nhu cầu mua, bán hàng hóa qua SGDHH chỉ tham gia vào một quan hệ, đó là quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa.

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, thành viên kinh doanh của SGDHH có quyền hoạt động tự doanh, mua bán hàng hóa qua SGDHH cho chính mình, nhằm mục đích lợi nhuận. Khi đó, họ có tư cách của người có nhu cầu mua, bán hàng hóa qua SGDHH hay khách hàng. Do vậy, việc Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: “Khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của SGDHH…” chưa thật sự hợp lý, chưa bao quát hết các trường hợp tham gia của các chủ thể và chỉ phù hợp khi những người mua, người bán hàng hóa không phải là thành viên kinh doanh của SGDHH [4, tr. 62]. Vì vậy, quy định này cần được xem xét, chỉnh sửa để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn hơn.

Thứ hai, quyền giao dịch của khách hàng qua SGDHH còn bị hạn chế.

Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 158/2006/NĐ-CP không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, nhưng quy định việc khách hàng muốn mua bán hàng hóa qua SGDHH phải ủy thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH để thực hiện. Như vậy, khách hàng là chủ thể của hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa qua SGDHH, có các quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP về ủy thác giao dịch không hoàn toàn thống nhất. Cụ thể, Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân không phải là thành viên kinh doanh của SGDHH có thể ủy thác cho thành viên kinh doanh thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH”. Trong khi đó, theo tinh thần của Khoản 13 Điều 3 và Khoản 19 Điều 1 Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, khách hàng bắt buộc phải ủy thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH nếu muốn mua bán hàng hóa qua SGDHH. Do vậy, trong tương lai, cần sửa đổi các quy định pháp luật để việc áp dụng luật được thống nhất và có hiệu quả trong thực tiễn.

Hơn nữa, việc pháp luật hiện hành quy định: khách hàng “phải ủy thác cho thương nhân kinh doanh của SGDHH để thực hiện giao dịch” đã tước bỏ quyền rất cơ bản của khách hàng khi muốn tham gia trực tiếp vào giao dịch với tư cách là người mua, người bán hàng hóa qua SGDHH. Điều này cũng dẫn đến những điểm bất hợp lý khi xét đến tư cách chủ thể quan hệ mua bán hàng hóa qua SGDHH của thành viên kinh doanh SGDHH.

Thứ ba, cũng từ sự chưa thống nhất về nội dung của các quy phạm đã nêu ở trên, tư cách của thành viên kinh doanh của SGDHH khi thực hiện các hoạt động tự doanh và nhận ủy thác mua bán hàng hóa qua SGDHH cho khách hàng chưa được phân định rõ.

Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, trong hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH, thành viên kinh doanh giữ vai trò quan trọng nhất bởi họ là người tạo lập thị trường và trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ mua bán.

Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: “Thành viên kinh doanh có quyền thực hiện các hoạt động tự doanh hoặc nhận ủy thác mua bán hàng hóa qua SGDHH cho khách hàng”. Do vậy, chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa qua SGDHH có thể là:

Một là: thành viên kinh doanh (khi đặt lệnh mua theo ủy thác) và một thành viên kinh doanh khác (khi đặt lệnh bán theo ủy thác). Trong trường hợp này, hợp đồng được giao kết giữa thành viên kinh doanh và thành viên kinh doanh theo ủy thác của khách hàng. Theo đó, thành viên kinh doanh có tư cách người mua, người bán hàng hóa qua SGDHH; có các quyền và nghĩa vụ của người mua, người bán hàng hóa, như: nhận hàng, giao hàng, thanh toán qua Trung tâm giao nhận hàng hóa của SGDHH, hay thanh toán bù trừ qua Trung tâm thanh toán bù trừ của SGDHH. Như vậy, thành viên kinh doanh có các quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể: vừa có quyền và nghĩa vụ của chủ thể ủy thác mua bán hàng hóa theo ủy thác giao dịch của khách hàng; vừa có quyền và nghĩa vụ của người mua, người bán hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa qua SGDHH [3, tr.100].

Hai là, chính là thành viên kinh doanh khi hai lệnh mua, bán đối ứng được chuyển lên SGDHH theo ủy thác của hai khách hàng; hoặc một lệnh được đặt theo ủy thác của khách hàng, một lệnh đối ứng thành viên kinh doanh đặt cho chính mình.

Một thành viên kinh doanh đồng thời là người bán, đồng thời là người mua với hai lệnh bán, lệnh mua hàng hóa tương lai đối ứng được khách hàng ủy thác giao dịch; hoặc một lệnh nhận ủy thác của khách hàng, một lệnh đối ứng thành viên kinh doanh tự đặt cho mình. Theo Điều 161 Luật Thương mại năm 2005,“Bên nhận ủy thác có thể nhận ủy thác của nhiều bên ủy thác khác nhau”. Điều này có nghĩa là họ hoàn toàn có thể nhận ủy thác của nhiều khách háng để giao dịch trên SGDHH. Nếu trường hợp này xảy ra, thành viên kinh doanh sẽ ký hợp đồng với chính mình, hoặc với chủ thể thứ ba mà mình cũng là người đại diện. Đây là đặc trưng của giao dịch qua trung gian, khi những người có nhu cầu mua, bán hàng hóa qua SGDHH cùng ủy thác cho một chủ thể trung gian thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, quy định này có thể dẫn đến việc lạm dụng vị thế của thành viên kinh doanh, gây thiệt hại cho lợi ích của khách hàng, cũng như góp phần làm lũng đoạn nền kinh tế. Vì vậy, trong tương lai, các nhà làm luật cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quyền hạn của thành viên kinh doanh của SGDHH, xác định rõ tư cách chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa qua SGD để đảm bảo sự hợp lý trong các quy định của hệ thống pháp luật nước ta [3, tr.101].

Thứ tư, quy định về thành viên môi giới còn tương đối mờ nhạt.

Khi đề cập tới “trung gian môi giới” trong thị trường mua bán hàng hóa qua SGDHH, trong cuốn sách “Thị trường hàng hóa giao sau” của Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương có nội dung như sau: “Tất cả các nhà giao dịch có mặt ở SGDHH kỳ hạn đều hoặc là trung gian ăn hoa hồng hoặc là người buôn bán tự do. Trung gian hoa hồng đơn giản là người thực hiện các giao dịch cho người khác. Trung gian hoa hồng có thể là một nhà buôn bán độc lập thực hiện các giao dịch cho cá nhân, tổ chức hoặc là đại diện giao dịch cho một hãng trung gian lớn. Trong ngành buôn bán kỳ hạn các hãng trung gian này được gọi là Hãng buôn Hoa hồng kỳ hạn (FCM)…” [2]. Như vậy, thành viên môi giới là những chủ thể quan trọng trong thị trường mua bán hàng hóa qua SGDHH, bởi là người kết nối các giao dịch kỳ hạn, giao dịch quyền chọn giữa người bán và người mua; còn thành viên kinh doanh không được thực hiện các hoạt động làm trung gian mua bán cho khách hàng.

Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua SGDHH chỉ được phép thực hiện các hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua SGDHH và không được phép là một bên của hợp đồng mua bán hàng hoá qua SGDHH” (Khoản 2 Điều 69). Nghị định số 51/2018/NĐ-CP cũng nhắc lại tinh thần này khi quy định: “Thành viên môi giới chỉ được thực hiện hoạt động môi giới hàng hóa qua SGDHH” (Khoản 19 Điều 1). Hoạt động môi giới hàng hóa qua SGDHH được định nghĩa là “việc thành viên của SGDHH làm trung gian thực hiện việc mua bán hợp đồng hàng hóa cho khách hàng trên SGDHH” (Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 51/2018/NĐ-CP). Từ định nghĩa này, thành viên môi giới có thể thực hiện hai công việc: (1) Môi giới cho người bán và người mua để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH; (2) Môi giới cho khách hàng với thành viên kinh doanh của SGDHH để thực hiện hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa qua SGDHH.

Tuy nhiên, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP cũng bổ sung thêm một quyền mới của thành viên kinh doanh là thực hiện hoạt động môi giới hàng hóa. Chính việc không phân định rõ hoạt động môi giới giữa thành viên kinh doanh và thành viên môi giới đã khiến vai trò của thành viên môi giới trong hoạt động mua bán hàng hòa qua SGDHH tương đối mờ nhạt. Hơn nữa, việc Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: “Quyền và nghĩa vụ của thành viên môi giới thực hiện theo Luật Thương mại và Điều lệ hoạt động của SGDHH” (Điều 20) là chưa thực sự chỉ rõ được những quyền và nghĩa vụ riêng của thành viên môi giới SGDHH phù hợp với tính chất hoạt động môi giới mua bán hàng hóa qua SGDHH. Do vậy, quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên môi giới của SGDHH cần được sửa đổi để phù hợp và phát huy hiệu quả điều chỉnh trong thực tiễn.

Thứ năm, quy định về nhà đầu tư nước ngoài được tham gia giao dịch tại SGDHH ở Việt Nam chưa đảm bảo thu hút được nguồn lực mới.

Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm Điều 16 a tại Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ghi nhận Nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn thành lập SGDHH tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của SGDHH tại Việt Nam theo các cách thức dưới đây:

Một là, nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn thành lập SGDHH tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của SGDHH tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan,…

Hai là, nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên của SGDHH (thành viên môi giới, thành viên kinh doanh) với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế.

Việc bổ sung nội dung này được đặt ra nhằm đảm bảo được việc thu hút nguồn lực tài chính, kinh nghiệm nước ngoài cho sự phát triển của các SGDHH tại Việt Nam vốn còn phát triển hạn chế trong thời gian qua. Đặc biệt, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập SGDHH được coi là giải pháp tích cực vì sẽ thu hút được nguồn lực mới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, tỉ lệ tối đa vốn góp ở mức 49% chưa thực sự hấp dẫn, vì mức vốn góp này chưa có quyền quyết định. Nếu muốn thu hút tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài, thì mức vốn góp tối đa cần được nâng lên ở mức cổ đông nước ngoài được quyền quyết định, nhưng vẫn bảo đảm quyền tham gia và ra các quyết định quan trọng của cổ đông Việt Nam.

2. Hoàn thiện các quy định pháp luật về các chủ thể tham gia giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa

Từ những đánh giá của thực trạng các quy định pháp luật về chủ thể tham gia giao dịch qua SGDHH đã phân tích ở trên, tác giả kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về các chủ thể tham gia giao dịch qua SGDHH như sau:

Thứ nhất, mở rộng đối tượng cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước được giao dịch trực tiếp để mua bán hàng hóa qua SGDHH.

Khoản 13 Điều 3 của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: “Khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của SGDHH, thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH thông qua việc ủy thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH”. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 17 Nghị định này quy định thành viên của SGDHH bao gồm: a) Thành viên kinh doanh; b) Thành viên môi giới.

Như vậy, chỉ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện trở thành thành viên kinh doanh mới có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH. Các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên kinh doanh khi muốn tham gia giao dịch hàng hóa bắt buộc phải ký hợp đồng ủy thác giao dịch với thành viên kinh doanh. Thành viên kinh doanh chịu trách nhiệm đặt lệnh giao dịch (do khách hàng ủy thác) vào hệ thống giao dịch của SGDHH. Việc ủy thác giao dịch khiến cho người nông dân, nhà sản xuất không phải là thành viên của SGDHH chỉ được phép “gián tiếp” mà không được “trực tiếp” thực hiện giao dịch.

Thực tiễn của các SGDHH trên thế giới cũng cho thấy hiện nay, có rất nhiều nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ, hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chế biến, trồng trọt, chăn nuôi có nhu cầu mua bán hàng hóa qua SGDHH [5]. Đây là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động về giá của thị trường hàng hóa, tỷ giá và lãi suất. Vì vậy, việc sử dụng công cụ bảo hiểm giá (là các hợp đồng kỳ hạn trên thị trường hàng hóa) có thể được xem là một trong những lựa chọn phù hợp để giảm thiểu tác động của các diễn biến thị trường, quản lý và hạn chế rủi ro [1, tr. 69].

Tuy nhiên, quy định tại Khoản 13 Điều 3 của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và cơ chế ủy thác giao dịch đang hạn chế việc chủ động giao dịch trực tiếp hợp đồng kỳ hạn của các cá nhân, tổ chức không phải là thành viên của SGDHH. Khi các chủ thể trên đặt lệnh thông qua ủy thác, các thao tác do con người thực hiện phát sinh độ trễ nhất định. Độ trễ này xảy ra khi nhà đầu tư đặt lệnh qua thành viên kinh doanh bằng điện thoại, email, tin nhắn điện tử. Nhân viên của thành viên kinh doanh tiếp nhận lệnh, thao tác ghi nhận lệnh vào hệ thống. Do độ trễ trong thời gian đặt lệnh, nhà đầu tư thường không chốt được mức giá như ý muốn, trong khi thị trường hàng hóa biến động không ngừng. Nếu nhà đầu tư chủ động đặt lệnh, lệnh giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào hệ thống của SGDHH, không phụ thuộc vào bên thứ ba để đặt lệnh như hiện nay thì độ trễ chắc chắn ngắn hơn thao tác đặt lệnh qua thành viên kinh doanh, giảm thiểu được rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, hợp đồng kỳ hạn mua bán hàng hóa qua SGDHH tại Việt Nam hiện là một công cụ hiệu quả để bảo vệ người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến,… trước các chuyển biến bất lợi của thị trường hàng thực, phù hợp với thị trường của Việt Nam hiện nay. Đồng thời, công cụ này cho phép các cá nhân, tổ chức này tự thiết lập một mức giá có lợi trước khi bán hàng hóa của mình ra thị trường.

Do đó, cần có cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước không phải là thành viên kinh doanh của SGDHH giao dịch trực tiếp để tạo thế chủ động cho các chủ thể này, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước nhằm kéo giá Việt Nam tiệm cận với mặt bằng giá thế giới, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

Vì vậy, tác giả kiến nghị cần xem xét sửa đổi khoản 13 Điều 3 của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn về đối tượng, cho phép các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài không phải là thành viên của SGDHH, được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH thông qua các hình thức: đặt lệnh trực tiếp hoặc ủy thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH thực hiện giao dịch.

Thứ hai, sửa đổi quy định về tư cách tham gia quan hệ mua bán hàng hóa qua SGDHH của thành viên kinh doanh.

Quy định hiện hành cho phép thành viên kinh doanh vừa có tư cách chủ thể hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá qua SGDHH với khách hàng; vừa có tư cách chủ thể hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn trong quan hệ mua bán hàng hoá qua SGDHH. Tuy nhiên, quy định này có thể dẫn đến trường hợp thành viên kinh doanh đóng vai trò là cả hai bên trong một hợp đồng, tức là vừa là người mua, vừa là người bán trong cùng một quan hệ mua bán hàng hoá qua SGDHH, có khả năng dẫn tới việc thành viên kinh doanh lạm dụng vị thế của mình gây thiệt hại cho khách hàng.

Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các nhà làm luật nên xem xét, cân nhắc về việc hoàn thiện quy định này theo hướng: (1) Khi hoạt động tự doanh, thành viên kinh doanh là chủ thể của hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn do họ xác lập qua SGDHH; (2) Khi thực hiện dịch vụ cho khách hàng, họ là người môi giới hoặc là đại diện của khách hàng tiến hành giao dịch mà không nên cùng lúc là người nhận uỷ thác. Đồng thời, thành viên kinh doanh chỉ là chủ thể thực hiện dịch vụ nhận lệnh của khách hàng, chuyển lệnh lên SGDHH để khớp lệnh nhằm hưởng thù lao dịch vụ, không là chủ thể thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH. Định hướng như vậy vừa góp phần tránh sự mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật, vừa tránh việc lạm dụng vị thế của mình thành viên kinh doanh, đồng thời trả lại đúng vị trí của khách hàng với tư cách là người có nhu cầu mua, bán hàng hoá qua SGDHH.

Thứ ba, xem xét để hủy bỏ các quy định về thành viên môi giới.

Qua tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ và Nhật Bản cho thấy, thành viên SGDHH thường chỉ gồm 2 loại: (1) Thành viên chỉ có quyền hoạt động tự doanh; và (2) Thành viên vừa có quyền nhận ủy thác của khách hàng, vừa có quyền tự doanh; không quy định về thành viên chỉ thực hiện vai trò môi giới [3, tr. 167].

Hơn nữa, với việc quy định hiện hành, có thể thấy thành viên kinh doanh đang có xu hướng đảm nhận luôn vai trò của thành viên môi giới. Vì vậy, trong tương lai, khi sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH, các nhà lập pháp nên xem xét, cân nhắc về việc hủy bỏ quy định về thành viên môi giới, mà chỉ cần giữ lại thành viên kinh doanh.

Thứ tư, quy định cụ thể hơn về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua SGDHH.

Nghị định số 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung Điều 16a cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch tại SGDHH ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào mở tài khoản và giao dịch trên SGDHH ở Việt Nam, trong khi nhu cầu giao dịch tương đối lớn, đặc biệt đối với các mặt hàng mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu nhiều, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, gạo. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật trong nước có liên quan về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH của nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng.

3. Kết luận

Để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết nhu cầu giao dịch hàng hóa tại SGDHH ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và tuân thủ tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, chúng tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng các quy định chi tiết về hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua SGDHH. Hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH đang trở thành một kênh đầu tư mới, hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.[7] Quy định cụ thể hơn về việc nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua các SGDHH tại Việt Nam sẽ giúp tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cân bằng cán cân thương mại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. Phạm Văn Tuyết (2006). Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa (Hợp đồng giao sau nhìn từ góc độ của Luật Dân sự). Tạp chí Luật học, số 5/2006, tr. 67-
  2. Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương (2000). Thị trường hàng hóa giao sau. Nxb Lao động, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Yến (2011). Pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hóa ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Yến (2009). Các chủ thể tham gia giao dịch trên Sở Giao dịch Hàng hóa. Tạp chí Luật học, số 7/2009, tr.61-
  5. P. (2021). Kiến nghị cho phép cá nhân, tổ chức tham gia Sở Giao dịch Hàng hóa. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te/kien-nghi-cho-phep-ca-nhan-to-chuc-tham-gia-so-giao-dich-hang-hoa-588672.html.
  6. UNCTAD (2009). Development Impacts of Commodity Exchanges in Emerging Markets. United Nations Conference on Trade and Development, New York and Geneva.
  7. Doãn Hồng Nhung biên soạn (2021). Chương 6: Khái quát về các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam. Chủ biên: Nguyễn Ngọc Hà (Sách chuyên khảo). Trường Đại học Ngoại thương. Trong sách “Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới”. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ISBN: 978-604-324-066-5. Hà Nội, trang 237-265.

 

Some recommendations to improve regulations governing parties participating in the transactions through the Mercantile Exchange of Vietnam under Vietnam’s law

Assoc.Prof.Dr. Doan Hong Nhung

MSc. Lawyer. Nguyen Anh Thu2

1 School of Law, Vietnam National University - Hanoi

2SMiC Law Firm, Hanoi Bar Association

ABSTRACT:

The purchase and sale of goods through commodity exchanges are becoming a new and attractive investment channel in Vietnam to attract foreign investment. Decree  No 51/2018/ND-CP dated April 9, 2018 of the Government, which amends and supplements the Government’s Decree No.158/2006/ND-CP dated December 28, 2016 elaborating the commercial law with respect to trading in commodities through commodity exchanges has achieved achievements. It has facilitated the Mercantile Exchange of Vietnam to connect with other commodity exchanges in the world, bringing investment opportunities to domestic and international investors. However, the enforcement of this decree has faced many difficulties. This paper analyzes the current regulations which govern parties participating in the transactions through the Mercantile Exchange of Vietnam, points out shortcomings, and make some recommendations to further improve the legal system.

Keywords: parties participating in transactions, goods trading activities, commodity exchange, Commercial Law, commodity contract.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18(1), tháng 8 năm 2022]