TÓM TẮT:
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhu cầu cấp thiết đối với nước ta, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những nước dễ bị ảnh hưởng nhất bởi quá trình tự động hóa dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trung tâm Giáo dục quốc tế (Education hub) Educity tại Malaysia được thành lập dựa theo chiến lược quốc gia về quốc tế hóa giáo dục đại học, là hình mẫu phù hợp để Việt Nam có thể học hỏi và tham khảo kinh nghiệm xây dựng khu giáo dục quốc tế trong tương lai. Tại bài báo này sẽ đề xuất các giải pháp thu hút FDI đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đại học nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư mở các chi nhánh giáo dục quốc tế tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, cũng như khu vực.
Từ khóa: Nhân lực chất lượng cao, trung tâm giáo dục, thu hút đầu tư, chi nhánh giáo dục quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Đây cũng là một trong những thách thức quan trọng mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động từ các ngành kinh tế thâm dụng đầu vào giá trị thấp sang nền kinh tế công nghệ cao. Đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do quá trình tự động hóa tại Đông Nam Á (Kattan, 2018).
Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện nay bộc lộ nhiều điểm yếu kém cả về trình độ chuyên môn, năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp. Nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang là nhu cầu cấp thiết trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nguồn lao động của nước ta từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp chất lượng cao cũng như phi nông nghiệp. Hơn bao giờ hết, vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học cần phải được quan tâm cải thiện nhằm tạo ra một đội ngũ nhân lực tri thức, đóng góp vào công cuộc phát triển của Nhà nước.
2. Đánh giá tổng quan chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam
Năm 2015, Việt Nam có 53.7 triệu người tham gia vào lực lượng lao động của cả nước. Tuy nhiên, cơ cấu phân bố lao động không hợp lý, khi nông thôn tập trung phần lớn lao động (chiếm khoảng 70%), nhưng nông nghiệp lại là ngành đóng góp thấp nhất vào GDP cả nước (Trịnh Hoàng Lâm, 2016). Mặt khác, theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ, Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng thừa nhưng thiếu lao động (Võ Thanh Dũng và cộng sự, 2010). Theo đó, mặc dù số lượng và tỉ lệ thất nghiệp của cả nước trong quý 1/2018 giảm so với cùng kỳ năm 2017 (giảm 96,9 nghìn người) (Tổng cục Thống kê, 2018), tuy nhiên, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên lại tăng. Ngành Nông nghiệp mặc dù tập trung nhiều lao động, nhưng phần lớn là lao động giản đơn, chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các ngành khác, do đó hạn chế khả năng chuyển đổi sang thị trường lao động phi nông nghiệp.
Có thể thấy, thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam được thể hiện thông qua 3 khía cạnh chính: (i) trình độ chuyên môn kỹ thuật, (ii) năng suất lao động và (iii) kỹ năng nghề nghiệp. Thực tế, hệ thống giáo dục đại học nước ta hiện vẫn chưa đáp ứng được 3 vấn đề trên một cách hiệu quả. Đầu tiên, về trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong năm 2013, số lượng lao động có trình độ chuyên môn của nước ta là thấp, khi tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta chỉ chiếm 18,2%, so với Singapore 61,5% và Hàn Quốc 62% (Nguyễn Anh Bắc, 2015).
Thêm vào đó, mặc dù lao động trình độ cao (từ cao đẳng trở lên) chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng số lao động đã qua đào tạo, chiếm khoảng 20%, tuy nhiên tỷ lệ phân bố lao động theo ngành là chưa hợp lý khi ngành Công nghiệp và Xây dựng chiếm 9,3%, thấp hơn so với ngành Nông, Lâm, Thủy sản (11,4%) và Dịch vụ (28,1%) (Tổng cục Thống kê, 2018b). Điều này phản ánh trình độ chuyên môn của lực lượng lao động nước ta còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, năng lực xã hội của sinh viên sau khi ra trường còn hạn chế, chưa theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Sự thiếu hụt kỹ năng lao động và tay nghề trong một số ngành mũi nhọn đang là đặc trưng của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay.
Năng suất lao động của nước ta trong năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (Tổng cục Thống kê, 2018b). Tuy nhiên, mặc dù năng suất lao động tăng hàng năm (tăng 4,7% so với năm 2011, 6% so với năm 2016) và được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam đạt 9.894 USD, chỉ bằng 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% năng suất lao động của Philippines (Tổng cục Thống kê, 2018b). Đáng chú ý là mức chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (PPP 2011) của các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào so với Việt Nam vẫn tăng liên tục từ năm 2006 đến nay. Và lực lượng lao động chính là nhân tố đầu tiên, cũng như quan trọng nhất tác động đến năng suất lao động của một quốc gia. Trong đó trình độ chuyên môn và trình độ văn hóa là hai yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng lớn đối với năng suất lao động của mỗi người lao động. Giải quyết được triệt để hai vấn đề này, Việt Nam sẽ rút ngắn được khoảng cách hiện có để bắt kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Về khía cạnh kỹ năng nghề nghiệp, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp và năng lực tư duy phản biện trong giảng dạy của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đều thấp hơn đáng kể so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, và thậm chí là Campuchia (World Economic Forum, 2018). Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm theo thang điểm 10, xếp thứ 11 trong tổng số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng (Ngọc Quỳnh, 2018).
Mặt khác, theo ý kiến phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động, phần lớn sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam đều thiếu các kỹ năng mềm phục vụ cho yêu cầu công việc, hầu hết các doanh nghiệp phải đào tạo lại trước khi sử dụng. Đây là hệ quả tất yếu của một hệ thống giáo dục chưa hoàn chỉnh với các nút thắt kết nối còn rời rạc giữa chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi giáo dục phải trang bị cho người học cả về tư duy, tri thức và kỹ năng sáng tạo, nhằm thích ứng với các thách thức mà phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng được.
3. Hình thành Trung tâm Giáo dục quốc tế (Education hub) - Bài học từ Malaysia và đúc kết kinh nghiệm cho Việt Nam
Năm 2015, Malaysia đã ban hành kế hoạch chiến lược quốc gia về giáo dục đại học trong 10 năm từ 2015-2025 (Ministry of Education, 2015) với sự tham gia của tất cả các cơ quan ban ngành trong nước như Bộ Giáo dục đại học, Bộ Ngoại giao (cơ quan nhập cư), Bộ Lao động (phát triển nguồn nhân lực), Bộ Tài chính… Trong đó, Educity được đầu tư chính bởi Iskandar Investment Bhd (IIB) - một tổ chức đầu tư của chính phủ - là một hoạt động nằm trong chiến lược quốc gia nhằm mục đích xây dựng Malaysia trở thành một trung tâm giáo dục quốc tế (Knight & Morshidi, 2011).
Về mặt chính sách, Educity là 1 trong 7 hướng đi mũi nhọn trong chiến lược Quốc tế hóa giáo dục đại học được đề ra trong National Higher Education Strategic Plan của Malaysia. Mục tiêu đặt ra là nhằm đưa Malaysia trở thành trung tâm giáo dục quốc tế đến năm 2020. Educity đào tạo chủ yếu phát triển dựa trên 9 trụ cột, đó là chế biến nông sản, dầu khí, điện và điện tử, giáo dục, tài chính, y tế, sáng tạo, logistics và du lịch. Educity đóng góp trực tiếp về mặt giáo dục, nhưng chính những trường đại học tại đây đã góp phần kết nối những sinh viên tài năng với các công ty tại quốc gia của họ.
Do đó, chúng tôi kiến nghị: (i) Nhà nước cần có tầm nhìn, mục tiêu dài hạn và đề ra các chiến lược với hành động cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra; (ii) Cần xây dựng khung quốc gia về đo lường hiệu quả quốc tế hóa giáo dục với các tiêu chí cụ thể và đề ra mục tiêu phải đạt được đối với từng trường đại học tham gia khu đại học; (iii) Xây dựng các trụ cột ngành đào tạo chính của quốc gia (lợi thế cạnh tranh của quốc gia), từ đó lên chính sách sách đầu tư nguồn lực, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực đại học.
Về vị trí xây dựng khu giáo dục quốc tế, Educity được xây dựng tại Johor với các vị trí địa lý thuận lợi, như: (1) Đây là khu vực tự do kinh tế; (2) Gần Singapore (cách 30 phút di chuyển), có 2 cảng biển quốc tế; (3) Khu giáo dục quốc tế nằm gần các khu công nghiệp; (4) Sinh viên tốt nghiệp được xem xét tuyển dụng tại 2 cảng biển và các công ty có trụ sở tại Johor nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy kinh tế khu vực. Nghiên cứu vị trí địa lý của Việt Nam, khu vực phù hợp với việc xây dựng khu giáo dục quốc tế tại nước ta là tại các khu kinh tế, với vị trí gần các cảng biển hoặc sân bay, thuận lợi kết nối các trục giao thông trong nước và quốc tế, nơi đây cũng tập trung nhiều khu công nghiệp lớn phù hợp với việc phát triển nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Khu vực xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc tế nên tách biệt với các thành phố du lịch, nhằm giảm sự tập trung dân số vào các thành phố này, cũng như tạo điều kiện cho các thí sinh người địa phương và nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho địa phương đó. Các khu vực phù hợp có thể kể đến như khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) gần với Lào, Thái Lan, Myanma, từ đó có thể thu hút sinh viên từ các nước láng giềng. Theo đó, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các thành phần tư nhân và nước ngoài đầu tư vào khu vực đại học. Ví dụ, Nhà nước sẽ quy hoạch cơ sở hạ tầng theo yêu cầu của nhà đầu tư, giảm hoặc miễn phí thuê đất trong 10 năm đầu tiên… với hợp đồng thuê đất và quyền lợi ưu đãi cho nhà đầu tư tương tự như các khu vực đặc khu kinh tế trọng điểm quốc gia.
Về nguồn đầu tư, tại Educity, đầu tư công trong nước chiếm 50%, đầu tư tư nhân trong nước chiếm 40%, phần còn lại 10% từ đầu tư tư nhân nước ngoài và các nguồn khác. EISB - một tổ chức thuộc Chính phủ - đóng vai trò chính trong việc xây dựng Educity, từ thu hút vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho thuê các tòa nhà… đến tiếp thị, quảng bá cho Educity.
Từ các thông tin trên, chúng tôi kiến nghị: (i) Cần có các cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào việc xây dựng khu giáo dục, có thể xem xét hình thức liên doanh giữa các tập đoàn trong nước với trường đại học nước ngoài như các nước Trung Quốc và Malaysia hiện nay đang áp dụng, theo đó các tập đoàn trong nước sẽ cung cấp đất xây dựng hoặc cho thuê đất với giá ưu đãi trong thời gian dài. Ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho tất cả các trường trong khu giáo dục như ký túc xá, khu vui chơi giải trí, khu thể thao…; (ii) Đơn giản hóa khung pháp lý/thủ tục là yêu cầu cấp bách để thu hút mạnh mẽ đầu tư từ nước ngoài, trải thảm đỏ kêu gọi vốn và thu hút tri thức từ nưóc ngoài (đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng người nước ngoài cho công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chức danh quản lý, đẩy mạnh xúc tiến giấy phép thành lập trường hay phân hiệu trường quốc tế của các trường đại học danh tiếng); (iii) Cần thành lập 1 bộ phận riêng, chuyên phụ trách xây dựng và quản lý khu giáo dục từ việc thu hút đầu tư đến xây dựng, tổ chức, vận hành, ví dụ như một trong những chức năng của bộ phận đó là xúc tiến và kêu gọi đầu tư từ các trường đại học danh tiếng mở chi nhánh tại Việt Nam.
Việc mời các trường ĐH tham gia khu giáo dục có thể bắt nguồn từ các mối quan hệ chính trị hoặc cá nhân như các nước khác. Tại Educity, tính đến năm 2018 đã có tất cả 7 trường ĐH quốc tế (trong đó có 2 trường đang xây dựng cơ sở hạ tầng), mỗi trường có một khoa chuyên ngành. Đặc điểm khác biệt của khu giáo dục Educity là tất cả các cơ sở chi nhánh nước ngoài, mỗi cơ sở chuyên về một ngành cụ thể, đều nằm trong một khu vực chung. Đề tài kiến nghị các trường ĐH được mời tham gia vào khu giáo dục cần được lựa chọn dựa vào các ngành công nghiệp mũi nhọn cũng như định hướng phát triển tại địa phương xây dựng khu giáo dục đó. Số lượng các trường nên dao động từ 5-10 trường, theo lộ trình 10 năm chia làm 2 giai đoạn. Các trường có uy tín, đạt thứ hạng từ top 200 trở lên, mỗi trường sẽ chuyên trách 1 chuyên ngành, nhằm hình thành 1 trung tâm giáo dục đa ngành (multi-varsity education center), phục vụ sự phát triển của địa phương và của đất nước.
4. Giải pháp thu hút FDI đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đại học
Giáo dục được xem là lĩnh vực kém hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 3/2017, cả nước chỉ có 320 dự án FDI trong lĩnh vực này (chiếm 1,3% tổng số dự án), tương ứng với số vốn là 684,3 triệu USD (chiếm khoảng 0,2% tổng số vốn FDI) đầu tư vào Việt Nam (Cục Đầu tư nước ngoài, 2017). Thực tế cho thấy, Chính phủ cũng đã tiếp thu ý kiến, nguyện vọng từ nhà đầu tư và có những thay đổi tích cực trong việc ban hành Nghị định 86 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước đây từ Nghị định 73. Với nhiều nội dung sửa đổi của Nghị định mới đã đáp ứng được nhu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu thực trạng xây dựng các trường đại học quốc tế xuất sắc và phát triển chi nhánh giáo dục quốc tế tại Việt Nam, kết hợp với việc đúc kết kinh nghiệm thu hút đầu tư FDI tại các nước Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Trung Quốc (kết quả nghiên cứu từ đề tài nhánh đề tài Nhà nước, chúng tôi đề xuất các giải pháp nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục nước ngoài mở chi nhánh giáo dục quốc tế tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, đối với Nghị định 86, chúng tôi kiến nghị một số thay đổi liên quan đến việc xác định nguồn vốn đầu tư, tăng tỷ lệ sinh viên Việt Nam và điều chỉnh các môn học tiếng Việt. (i) Về nguồn đầu tư, thay vì chỉ bằng tiền mặt như hiện nay, phương thức xác định nên được đa dạng hóa hơn nhằm phù hợp với đối tượng chủ đầu tư là người nước ngoài. Thêm vào đó, việc áp dụng mức vốn đầu tư đối với các chi nhánh giáo dục nước ngoài là 1.000 tỷ đồng căn cứ vào quy định đầu tư trong nước là không hợp lý. Nhà nước cần điều chỉnh mức vốn hợp lý hơn nhằm tạo điều kiện cho các trường top giữa tại các nước phát triển có thể xây dựng các chi nhánh giáo dục quốc tế tại Việt Nam, cũng như khuyến khích thu hút đầu tư tại các địa phương, thay vì chỉ tập trung vào 2 thành phố lớn như hiện nay; (ii) Tỷ lệ sinh viên nội địa là nguồn thu quan trọng đối với các chi nhánh giáo dục quốc tế, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc yêu cầu 50% sinh viên người nước ngoài là bất khả thi đối với các chi nhánh giáo dục mở tại các địa phương không phải là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thậm chí tại 2 thành phố lớn nhất nước, yêu cầu này cũng là quá khắt khe. Tại các quốc gia khác như Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore tỷ lệ sinh viên nội địa luôn cao hơn sinh viên quốc tế, có thể lên đến 90%, tùy thuộc vào khả năng tuyển sinh của từng trường (Hou và cộng sự, 2018).
Do đó, chúng tôi kiến nghị tăng tỷ lệ sinh viên Việt Nam tại các chi nhánh giáo dục quốc tế nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này; (iii) Việc áp dụng quy định bắt buộc phải có các môn học Việt Nam trong chương trình đào tạo đối với đối tượng học sinh là người Việt Nam tham gia chương trình học là quá cứng nhắc, gây tâm lý không công bằng giữa các em học sinh. Do đó, các môn học Việt Nam nên được chuyển sang dạng môn học tự chọn hoặc theo chuyên đề, tùy vào nhu cầu, năng lực của học sinh thay vì bắt buộc như hiện nay. Cuối cùng, nên xem xét đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, áp dụng thủ tục đăng ký online, với 2 giấy phép yêu cầu được áp dụng cho tất cả các cấp học bao gồm giáo dục đại học.
Thứ hai, từ kinh nghiệm tại các quốc gia Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, chúng tôi đề xuất việc ban hành luật (Luật Đầu tư và Luật Giáo dục) cần tách bạch rạch ròi giữa đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Các quy định yêu cầu về số vốn đầu tư, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo… không thể áp dụng từ các quy định hiện có đối với đầu tư trong nước mà phải nghiên cứu theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ các nước cũng chưa thống nhất về cách thức kiểm định chất lượng đối với các chương trình đào tạo tại chi nhánh giáo dục quốc tế, có quốc gia sử dụng trung tâm kiểm định trong nước, nước khác sử dụng trung tâm kiểm định trung lập, có nước lại giao cho quốc gia trụ sở. Với điều kiện hiện có của Việt Nam, chúng tôi kiến nghị áp dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc, tức là giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường đại học nước ngoài, việc kiểm định chất lượng đào tạo sẽ là trách nhiệm của các quốc gia trụ sở và của bản thân các trường đại học. Chính phủ chỉ nên đóng vai trò kiểm soát thông qua kiểm toán tài chính, kiểm tra cơ sở vật chất và trang thiết bị nhằm đảm bảo sinh viên được cung cấp một môi trường đúng chuẩn quốc tế ngay tại trong nước mà không tốn nhiều chi phí khi du học tại nước đó.
Bài báo được đăng dựa trên bài tham luận cho hội thảo khoa học cấp quốc gia và sử dụng tư liệu trong đề tài nhánh “Quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam”, thuộc Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam” - Mã số: KHGD/16-20.ĐT.018, do TS. Trần Mai Đông là chủ nhiệm đề tài nhánh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cục Đầu tư nước ngoài (2017). Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 12 tháng năm 2017 [online] http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5455/Tinh-hinh-thu-hut-Dau-tu-nuoc-ngoai-12-thang-nam-2017.
2. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/06/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
3. Ngọc Quỳnh (2018). Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp 4.0: Yêu cầu cấp bách [online] https://baomoi.com/phat-trien-nguon-nhan-luc-nong-nghiep-4-0-yeu-cau-cap-bach/c/26894019.epi.
4. Nguyễn Anh Bắc (2015). Năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Tập 90, số 5.
5. Tổng cục Thống kê (2018). Thông cáo báo chí về tình hình Lao động việc làm quý I năm 2018 [online] https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=18787
6. Tổng cục Thống kê (2018b). Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 [online] https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=18668
7. Trịnh Hoàng Lâm (2016). Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập [online] http://laodongxahoi.net/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-1304507.html
8. Võ Thanh Dũng, Nguyễn Văn Sánh, Nguyễn Phú Son, Phạm Hải Bửu (2010), Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và tác động của sự dịch chuyển này đến nông hộ ở thành phố Cần Thơ, Tạp chí Khoa học.
9. Hou, A. Y. C., Hill, C., Chen, K. H. J., & Tsai, S. (2018). A comparative study of international branch campuses in Malaysia, Singapore, China, and South Korea: regulation, governance, and quality assurance. Asia Pacific Education Review, Vol. 2018, No. 19, pp. 543-555.
10. Knight, J., & Morshidi, S. (2011). The complexities and challenges of regional education hubs: Focus on Malaysia. Higher Education, Vol. 62, No. 5, pp. 593-606.
11. World Economic Forum (2018). The global competitiveness report 2018 [online] https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018.
Improving the quality of labour force by attracting investment for developing international education campuses in Vietnam
Dr. TRAN MAI DONG
Department of Research Administration - International Relations, University
of Economics Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
Educating and training labour force are essential requirements for Vietnam, especially when Vietnam is among the most affected countries by Industry 4.0. The Education hub (Educity) which was established in Malaysia based on Malaysia’s national strategy on educational internationalization is a suitable model for Vietnam to study and build a similar centre in the future. This paper recommends suggestions to attract foreign direct investment (FDI) on higher educational sector in order to encourage foreign institutions establishing international campuses at Vietnam to improve the country’s labour force.
Keywords: High quality labour force, education hub, investment attraction, international campus.