Nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính ngành Xây dựng

ThS. MAI TUẤN ANH (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện qua việc sử dụng nguồn vốn kinh doanh. Qua phân tích tình hình, có thể đưa ra các nhận định sau: tình hình tài chính của ngành Xây dựng tương đối khả quan và đạt được nhiều thành công nhất định. Nhưng bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, cần phải khắc phục.

Từ khóa: Ngành Xây dựng, doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, vốn, hiệu quả hoạt động.

I. Sự cần thiết của hiệu quả hoạt động tài chính

Hiệu quả hoạt động tài chính chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành Xây dựng nói riêng. Đó là công cụ quản lý có hiệu quả mà các doanh nghiệp sử dụng từ trước đến nay. Nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính giúp doanh nghiệp tự đánh giá, xem xét việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế như thế nào, những mục tiêu kinh tế được thực hiện đến đâu, từ đó tìm ra những biện pháp để tận dụng một cách triệt để thế mạnh của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là nâng cao hiệu quả hoạt động cũng gắn với việc phân tích hiệu quả hoạt động tài chính, không chỉ là điểm kết thúc một chu kỳ kinh doanh mà còn khởi đầu một chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Kết quả phân tích của thời gian kinh doanh đã qua và những dự đoán trong phân tích điều kiện kinh doanh sắp tới sẽ là những căn cứ quan trọng để doanh nghiệp hoạch định chiến lược phát triển và phương án kinh doanh có hiệu quả, nhằm hạn chế rủi ro bất định trong kinh doanh.

Phân tích hiệu quả hoạt động tài chính không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa đối với những ai quan tâm đến doanh nghiệp đặc biệt là nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung cấp..., vì phân tích hiệu quả hoạt động sẽ giúp cho họ có những thông tin để có những quyết định chính xác hơn, kịp thời hơn.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển một cách bền vững. Mặt khác, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp còn là một chỉ tiêu đánh giá kết quả kinh doanh, trình độ quản lý của doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Việc phân tích hiệu quả hoạt động tài chính cần được xem xét trên mọi góc độ và việc tổng hợp số liệu phải xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như kế toán tài chính, kế toán quản trị nhằm đảm bảo sự phù hợp của nguồn tư liệu đánh giá hiệu quả hoạt động.

II. Thực trạng hoạt động tài chính doanh nghiệp ngành xây dựng

1. Hiệu quả đầu tư tài sản kinh doanh

Do đặc điểm ngành Xây dựng là các công trình với số vốn lớn, thời gian thi công dài. Do đó chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho không cao, điều này chứng tỏ lượng dự trữ lớn, bị ứ đọng vốn nhiều. Lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp xây dựng thường khoảng 40%. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chú ý duy trì một tỷ lệ hàng tồn kho hợp lý trong cơ cấu tài sản để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra nhịp nhàng, quay vòng vốn nhanh để tiếp tục đầu tư với những dự án mới.

Đồng thời do đặc thù của ngành Xây dựng, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thời gian thi công các công trình kéo dài, việc nghiệm thu, bàn giao được thực hiện từng phần, giải ngân vốn chậm, quá trình hoàn tất hồ sơ thi công cũng như thống nhất phê duyệt quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu thường mất thời gian, do vậy việc bị chiếm dụng vốn là phổ biến. Điều này khiến cho kỳ thu tiền bình quân của các doanh nghiệp này thường lớn.

2. Hiệu quả khai thác và sử dụng vốn kinh doanh

Hệ số nợ vốn cổ phần của doanh nghiệp ngành là cao, cho thấy họ sử dụng nhiều nợ hơn là sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho tài sản. Đây là nét đặc trưng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh đó, hệ số khả năng thanh toán nhanh hiện hành của ngành >1. Điều này chứng tỏ khả năng kiểm soát được nợ của doanh nghiệp, tài sản lưu động vẫn đủ để đảm bảo việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, các hệ số này không phải là cao, lại đang có xu hướng giảm dần qua các năm, điều này hoàn toàn không tốt, đòi hỏi doanh nghiệp giữ ở một mức nhất định an toàn để tránh tình trạng không thanh toán được nợ.

3. Hiệu quả thực hiện hoạt động kinh doanh

Các chỉ tiêu ROA, ROE của doanh nghiệp ngành là khá cao. Điều này cho thấy việc quản lý chi phí của doanh nghiệp là khá tốt. Đồng thời do đặc điểm ngành nghề kinh doanh là trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động đầu tư luôn gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sản phẩm là các công trình, mà các công trình này không tập trung với nhau mà rải rác khắp trên mọi miền đất nước, vì vậy, trong quá trình thi công, các tài sản cố định (TSCĐ) lớn phục vụ công tác thi công hầu như được đi thuê, doanh nghiệp chỉ đầu tư vào một số TSCĐ thiết yếu phục vụ ở các địa bàn gần. Đây là điều hoàn toàn hợp lý.

Trong thời gian vừa qua, sau cuộc khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế đang dần đi vào quỹ đạo tuy nhiên còn rất nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy mà trong những năm vừa qua doanh nghiệp ngành không có sự đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính nào cả về đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn.

Hiện nay, khoa học kỹ thuật trên thế giới rất phát triển và ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào hoạt động sản xuất để nâng cao hiệu suất, rút ngắn thời gian thi công. Do vậy, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa vào đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

III. Giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính

Một là, doanh nghiệp ngành cần làm tốt công tác phân tích, lên kế hoạch tài chính.

Để thực hiện việc này doanh nghiệp cần phải đào tạo và tuyển dụng nhiều hơn nữa đội ngũ chuyên gia am hiểu và nắm rõ về tài chính và phân tích - lập kế hoạch tài chính. Lập kế hoạch tài chính không chỉ đơn giản là việc lên các kế hoạch mà còn dự báo được các luồng thu - chi, qua đó có những định hướng tốt nhất cho doanh nghiệp, ngoài ra còn tránh được những biến động bất thường của thị trường. Các kế hoạch cần có tính khả thi và nắm bắt đúng với nhu cầu của thị trường đồng thời phải phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức đầu tư.

Trong nền kinh tế thị trường nhiều biến động hiện nay, cạnh tranh giữa các công ty, doanh nghiệp rất gay gắt trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của nền kinh tế. Bất kỳ hoạt động đầu tư nào cũng chứa đựng ít nhiều rủi ro, đó là điều không thể tránh khỏi, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn và ngược lại. Vì vậy, để tránh thua lỗ và thất bại, doanh nghiệp ngành nên phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa các hình thức đầu tư.

Từ những phân tích ở trên thấy, tình hình đầu tư tài chính của doanh nghiệp ngành trong những năm gần đây chưa thực sự được chú trọng, gần như không có mấy các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hay dài hạn. Đó là một hạn chế của doanh nghiệp ngành Xây dựng, trong thời gian tới nên quan tâm nhiều hơn đến các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn những khoản có thể đem lại lợi nhuận trước mắt, tạm thời cho doan nghiệp và các khoản đầu tư dài hạn đem lại lợi nhuận lâu dài và ổn định.

Ba là, nâng cao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn.

Nâng cao hiệu quả và mức sinh lợi của vốn lưu động bằng cách tăng cường quản lý chặt chẽ nhu cầu vốn lưu động trong kinh doanh. Doanh nghiệp ngành nên thực hiện các biện pháp giảm vốn lưu động cho phù hợp với năng lực kinh doanh và tình hình thực tế của thị trường thông qua việc xác định nhu cầu vốn lưu động cần thiết hợp lý cho từng loại tài sản trong khâu mua sắm, dự trữ, sản xuất và tiêu thụ cũng như thanh toán. Cụ thể như sau: Trong khâu mua sắm dự trữ tồn kho, cố gắng phấn đấu giảm định mức tồn kho bằng cách quay nhanh vòng quay kho. Trong khâu thanh toán, xác định phương thức thanh toán hợp lý, dùng các biện pháp chiết khấu để thu hồi vốn lưu động nhanh.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định và TSCĐ bằng cách tăng cường công tác thanh lý tài sản cố định, nâng cao hơn nữa sức sản xuất củaTSCĐ và sức sinh lợi củaTSCĐ. TSCĐ của doanh nghiệp ngành chủ yếu là đi thuê theo công trình, nhưng đối với những tài sản đã có nên quản lý tốt và hiệu quả. Thực hiện chế độ khấu hao hợp lý, xử lý dứt điểm những TSCĐ đã cũ không sử dụng được nhằm thu hồi lại vốn để dùng vào luân chuyển bổ sung cho vốn kinh doanh. Nâng cao hệ số doanh lợi doanh thu bằng cách tăng lợi nhuận, giảm chi phí nghiệp vụ kinh doanh cần thiết. Thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn TSCĐ. Bảo dưỡng sửa chữa TSCĐ nhằm để duy trì năng lực hoạt động bình thường của TSCĐ trong quá trình sử dụng, đem lại hiệu quả tốt. Để bảo dưỡng TSCĐ các doanh nghiệp thường tiến hành sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn.

Bốn là lựa chọn, tìm kiếm nguồn tài trợ vốn phù hợp, cơ cấu vốn hợp lý và tăng cường sử dụng vốn có hiệu quả.

Để xây dựng được chính sách huy động vốn hợp lý, tránh tình trạng lúc thì thiếu vốn, khi lại thừa vốn thì doanh nghiệp cần phải xác định chính xác nhu cầu vốn trong từng giai đoạn. Nếu nguồn vốn huy động được, không đủ để đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ làm giảm doanh thu của doanh nghiệp và còn không đáp ứng được yêu cầu của các hợp đồng hàng hóa. Còn nếu nguồn vốn huy động được mà lại chưa đưa vào sử dụng thì sẽ gây nên một khoản chi phí tài chính cho doanh nghiệp như trả lãi suất hoặc sự trượt giá của đồng tiền. Cùng với nguồn vốn huy động, công ty cần phải xây dựng được cơ cấu vốn hợp lý để có thể tránh tình trạng rủi ro thanh toán do khách hàng mua chịu và cũng để tránh dồn nợ quá nhiều gây thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc thu hồi nợ phải được tiến hành thường xuyên, có chính sách bán chịu hợp lý.

Tóm lại, cần phải tính toán và cân nhắc các phương án sản xuất kinh doanh để hiệu quả sử dụng vốn cao nhất, đảm bảo doanh lợi cho công ty, cho cán bộ nhân viên, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đưa nền kinh tế nước ta phát triển theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm là, Nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp ngành Xây dựng tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi.

Nước ta vẫn còn thuộc vào diện nước đang phát triển, vì thế nên thường được hưởng những khoản vay ưu đãi. Những khoản vốn huy động từ nguồn này thường được dành cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo… Có những khoản vay mà Nhà nước có thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp. Nhà nước nên tổ chức những cuộc xúc tiến, trao đổi thông tin để doanh nghiệp có điều kiện tìm hiểu thêm về những nguồn vốn như thế. Công tác thông tin là vô cùng quan trọng, bởi thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn thông tin cần thiết. Thiếu thông tin là yếu tố cản trở đầu tiên để doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn đó. Nhà nước cũng có thể đưa thêm những ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đầu tư luôn là câu hỏi cần đặt ra. Cần phải có sự đảm bảo về chất lượng những công trình như thế này từ phía doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp đã có được những ưu đãi nhất định.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể đứng ra xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi. Những chương trình này thường nhằm phục vụ cho các dự án trọng điểm hoặc những dự án đầu tư cho phúc lợi xã hội. Đây cũng là một công cụ để Nhà nước định hướng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Sáu là lựa chọn phương án kinh doanh, sản phẩm thích hợp.

Qua việc phân tích các thông số tài chính về cơ cấu vốn và tỷ suất lợi nhuận ta thấy, hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành thời gian gần đây có khả quan hơn, nhưng độ an toàn về tài chính chưa cao. Một trong những nguyên nhân là chưa quan tâm đúng mức đến việc lựa chọn phương án kinh doanh và phương án sản xuất.

Do đó các phương án kinh doanh, phương án sản phẩm phải được xây dựng trên cơ sở tiếp cận thị trường. Nói cách khác, phải xuất phát từ nhu cầu thị trường để quy định quy mô, chủng loại, mẫu mã, chất lượng và giá bán sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm sản xuất ra mới có khả năng tiêu thụ được, quá trình sản xuất mới tiến hành bình thường, tài sản cố định mới có khả năng phát huy hết công suất và công nhân viên chức có việc làm, vốn lưu động chu chuyển đều đặn, hiệu quả sử dụng vốn cao, từ đó công ty có điều kiện bảo toàn và phát triển vốn. Để nâng cao công tác lựa chọn phương án kinh doanh, phương án sản xuất công ty nên thành lập tổ chức chuyên trách về vấn đề tìm hiểu thị trường nhằm thường xuyên có được những thông tin đầy đủ, chính xác, tin cậy về diễn biến của thị trường. Trong đó, đặc biệt quan trọng là phải nhận biết được sản phẩm của công ty đang ở giai đoạn nào của chu kỳ sống, để chuẩn bị sản phẩm thay thế. Bên cạnh đó, còn phải thu thập những thông tin về các doanh nghiệp khác, đối thủ cạnh tranh để có thể thay đổi kịp thời phương án kinh doanh, phương án sản phẩm và xác định phương thức tiêu thụ sản phẩm và chính sách giá cả hợp lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Khoa Ngân hàng tài chính, PGS.TS Lưu Thị Hương, PGS.TS Vũ Duy Hào. Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, (2012), Hà Nội.

2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Khoa Khoa học quản lý, PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Giáo trình Khoa học quản lý II, NXB Khoa học và Kỹ thuật, (2013), Hà Nội.

3. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Khoa Khoa học quản lý, PGS.TS Mai Văn Bưu, (2013), Giáo trình Hiệu quả và Quản lý dự án Nhà nước, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

4. Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Viện Kế toán, kiểm toán, GS.TS Đặng Thị Loan,(2013), Giáo trình kế toán tài chính trong các doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

ENHANCING THE EFFECTIVENESS OF FINANCIAL

ACTIVITIES IN VIETNAMESE CONSTRUCTION SECTOR

Master. MAI TUAN ANH

Faculty of Banking and Finance,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The business performance of enterprises could be reflected in their use of capital. By analyzing Vietnamese construction sector, the results showed that the construction sector is in a good condition with some achievements. However, the results also revealed that the sector still has to face many challenges which must be addressed as soon as possible.

Keywords: Construction sector, enterprise, fundamental construction investment, capital, performance.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây