Chi sẻ tại buổi tập huấn, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đến nay, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa điện tử là hướng đi tất yếu.
Cũng theo bà Bùi Thị Thanh An, trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, hiện Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê từ Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 68,87 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
“Để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, mỗi doanh nghiệp phải lựa chọn phương thức phù hợp. Nếu là các doanh nghiệp nhỏ, nên tận dụng việc bán hàng thông qua các kênh thương mại điện tử phổ biến tại Hoa Kỳ để xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận khách hàng toàn cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật thường xuyên những quy định về yêu cầu pháp lý của thị trường; các yêu cầu về quy định chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu; Kỹ năng khai thác thông tin và công cụ trực tuyến tìm kiếm các thông tin yêu cầu về thị trường Hoa Kỳ”- bà An chia sẻ.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng như bán hàng qua kênh thương mại điện tử đã đề cập ở trên, Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh ( ITPC), Amazon Global Selling Việt Nam (AGS) tổ chức Tập huấn trực tuyến với chủ đề “Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại thông qua kênh thương mại điện tử”.
Thông tin tại buổi tập huấn, đại diện Amazon Việt Nam cho biết, qua các trang thương mại điện tử của Amazon, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng quốc tế, trong đó có hơn 200 triệu thành viên Prime, từ đó giúp gia tăng xuất khẩu và phát triển thương hiệu toàn cầu. Với đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Amazon Global Selling đã hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả những thương hiệu quốc gia hàng đầu mở rộng kinh doanh trên toàn cầu thông qua các cửa hàng của Amazon.
Chỉ trong năm 2020, số lượng nhà bán hàng Việt Nam có doanh số bán hàng vượt mốc 1 triệu USD đã tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có thể triển khai bán hàng trên toàn cầu, không chỉ tập trung tại Mỹ mà còn thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Canada, Úc và Singapore..
Cũng tại tập huấn, diễn giả đến từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ các yêu cầu pháp lý của thị trường Hoa Kỳ và tiêu chuẩn sản phẩm, thuế quan, kỹ năng và công cụ trực tuyến tìm kiếm thông tin và yêu cầu thị trường Hoa Kỳ; các điều kiện quy định về chứng nhận xuất hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Kết thúc Tập huấn, Cục Xúc tiến thương mại cũng hy vọng các doanh nghiệp cần có hướng đầu tư sản xuất bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu chính, và xúc tiến bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.
Thời gian sắp tới, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt kim ngạch 76,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái,. Mỹ đang chiếm 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Nhóm sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Mỹ với tổng kim ngạch đạt 10,46 tỉ đô la, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng đạt 13,36 tỉ đô la, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,87 tỉ đô la, tăng 1,4%.
Đối với những nhóm mặt hàng truyền thống như hàng giày dép các loại, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 5,98 tỉ đô la, tăng 18,2%.