Ngành Công Thương Hưng Yên: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế sôi động

Những năm gần đây, kinh tế tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Sự đa dạng trong các ngành công nghiệp từ chế biến thực phẩm, may mặc đến máy móc, thiết bị, điện tử tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển đa dạng, linh hoạt của kinh tế địa phương.

Các chỉ số tăng trưởng tốt

Hưng Yên
Hưng Yên phấn đấu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%

Trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, năm 2024, tỉnh Hưng Yên bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiều khó khăn và thách thức. Song nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, ngành Công Thương  Hưng Yên đã triển khai kịp thời các chương trình trọng tâm và bước đầu đạt được những kết quả nổi bật. Trong đó, tăng trưởng kinh tế quý I của tỉnh tiếp tục duy trì mức ổn định so với các năm gần đây với mức tăng trưởng chủ yếu đóng góp từ khu vực công nghiệp và xây dựng.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 3/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 3,32% so với tháng trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,80%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,72%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,58%.

Lũy kế 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 6,09% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,47%; Riêng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu toàn tỉnh đạt khoảng 1.254 triệu USD, tăng 10,50% so cũng kỳ.

Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực trẻ trung, tỉnh Hưng Yên đang hướng đến mục tiêu tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, một trong những hướng phát triển chủ đạo của tỉnh là tập trung vào các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển như: cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, năng lượng...

Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ

Hưng Yên
Quý I/2024, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Hưng Yên cũng đang nổi lên mạnh mẽ và được đánh giá là ngành có động lực dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tỉnh. Nhìn chung, hệ thống cơ sở vật chất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở tỉnh Hưng Yên có quy mô khá lớn và đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, tạo ra một môi trường sản xuất và kinh doanh linh hoạt và hiệu quả.

Chỉ tính riêng quý I/2024, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc như: sản xuất trang phục tăng 11,05%; ; sản xuất kim loại tăng 8,00%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 21,64%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,62%...

Bên cạnh đó, từ năm 2020, trong phương hướng phát triển chung, các cấp lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã xác định 3 khâu đột phá cần thực hiện để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trong đó ưu tiên các dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 17 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích khoảng 4.395 ha, trong đó, 11 KCN được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích hơn 2.873ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 398 triệu USD; 9 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư.

Trong quý 1/2024, tỉnh Hưng Yên có 563 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 7.299,5 triệu USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo tiến trình này, đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Và kỳ vọng đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thuận lợi và thách thức đan xen, để đạt được những kết quả trên, ngành Công Thương tỉnh đã tích cực bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Công Thương; đồng thời tập trung nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước, tạo năng lực sản xuất mới cho ngành. Song song với đó, cán bộ, nhân viên ngành Công Thương cũng quyết tâm thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, tích cực phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, cải thiện năng lực canh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Mục tiêu trong năm 2024, ngành Công Thương Hưng Yên phấn đấu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 95 nghìn tỷ đồng; tổ chức có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, của tỉnh trong điều hành kinh tế; xây dựng và triển khai các đề án cụ thể từng lĩnh vực; nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Minh Huế