Doanh nghiệp chủ động đổi mới để tiết kiệm năng lượng
Trong số đơn vị điển hình về tiết kiệm năng lượng có thể kể đến Tổng công ty dệt may Hà Nội (Hanosimex). Đơn vị đã chủ động lắp đặt biến tần tiết kiệm cho các động cơ máy sợi con, lắp bộ tiết kiệm máy may 3S cho máy may công nghiệp. Bên cạnh đó, việc bố trí nhà xưởng, văn phòng làm việc sao cho tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, công ty đã đầu tư thay thế 14.636 bóng đèn huỳnh quang T10 và chấn lưu sắt từ bằng loại đèn T8 và chấn lưu.
Ngoài ra, một số cải tiến khác trong chiếu sáng cũng được áp dụng như: Tổ chức lắp công tắc riêng cho từng đèn hoặc từng khu vực để có thể chủ động tắt khi cần thiết; triển khai áp dụng phương pháp giảm bớt chiếu sáng chung, kết hợp với chiếu sáng cục bộ tại mỗi máy may.
Bằng giải pháp đầu tư, Tổng công ty dệt may Hà Nội không chỉ tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện/năm, mà còn giúp giảm phát thải khí CO2 tương đương 4.000 tấn/năm.
Hay tại Công ty Dệt may Huế cũng là một trong những doanh nghiệp ngành dệt may đi đầu về tiết kiệm năng lượng. Với quy mô doanh nghiệp trên 2.600 công nhân, doanh thu trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí năng lượng tiêu tốn rất lớn, bình quân 30 tỷ đồng/năm. Do đó, giải quyết bài toán tiết giảm chi phí năng lượng là mục tiêu mà công ty luôn hướng đến.
Nhận thấy lượng hao tổn trong sản xuất rất lớn, công ty đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Tư vấn phát triển công nghiệp để hỗ trợ tiết kiệm năng lượng. Từ đó, công ty đã tiết kiệm được 437.350 kWh, tương đương gần 500 triệu đồng/năm.
Cụ thể, Công ty đã lắp đặt biến tần điều khiển động cơ máy nén khí giúp tiết kiệm 172.588 kWh, tương đương 20% điện năng cho khu vực này. Hay cải tạo hệ thống chiếu sáng khu vực Nhà máy May, bằng cách giảm bớt 17/46 bộ đèn/chuyền, phân bố đều 29 bộ đèn còn lại và lắp đặt bộ đèn Led tăng cường chiếu sáng tập trung cho từng máy. Với giải pháp này lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ là 15.266W, mỗi năm công ty tiết kiệm trên 43.000 kWh tương đương 37,5 triệu đồng...
Công ty còn thực hiện một số giải pháp khác như lắp đặt hệ thống biến tần điều khiển động cơ quạt hút, quạt đẩy 55kW tại buồng điều không, lắp đặt thiết bị Sewsaver cho máy may, lắp biến tần điều khiển động cơ 22kW của máy nhuộm, lắp biến tần điều khiển cho nhánh ống Mutara và giải pháp lắp biến tần điều khiển động cơ 11kW của máy nhuộm, cải tiến hệ thống đầu mối sợi con, cắt giảm từ 3 - 4 tụ bù tự động ở Nhà máy sợi nhằm giảm tổn thất do chạy không tải, mỗi tháng tiết kiệm được 8.196kWh.
Cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ
Hiện nay các doanh nghiệp dệt may đã chú trọng nghiên cứu, đưa ra nhiều cải tiến công nghệ, biện pháp quản lý sản xuất nhằm giảm thiểu tối đa mức tiêu hao năng lượng (chi phí đầu vào). Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp dệt may có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu dẫn tới tiêu hao năng lượng lớn, tính cạnh tranh chưa cao.
Để các đơn vị thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm năng lượng, các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, hướng dẫn các doanh nghiệp dệt may xây dựng mô hình quản lý, kế hoạch kiểm toán và quy trình tiết kiệm năng lượng.
Riêng đối với doanh nghiệp dệt may có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên nên tham gia ký kết và thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (HR). Ngoài ra các doanh nghiệp cần cử cán bộ chuyên môn đi học lấy chứng chỉ người quản lý năng lượng do Bộ Công Thương cấp, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo sử dụng điện về các đơn vị liên quan theo định kỳ.
Với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và kim ngạch xuất khẩu, ngành may mặc đang khẳng định vị thế lớn trong ngành công nghiệp của cả nước. Bên cạnh những nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, mỗi doanh nghiệp phải tự nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, tự động hóa.
Đối với doanh nghiệp có hệ thống máy móc cũ cần thực hiện kiểm soát năng lượng, bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm điện và vận hành linh hoạt theo tải…