Những yếu tố thuận lợi
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua.
Dẫn số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%/năm, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cũng cho hay, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các thương hiệu lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, Kuehne + Nagel...
Mặt khác, Thứ trưởng cho rằng, 2 năm qua, dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, phải đối mặt với khó khăn chưa từng thấy, nhưng xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng dương 2 con số. Cụ thể sau 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 600 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu gần 300 tỷ USD, tăng 17,5%.
Thứ trưởng Khánh nhận định, kết quả xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD có sự đóng góp tích cực của ngành logistics Việt Nam với vai trò là nhân tố hỗ trợ trong trung chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp logistics đã nỗ lực để đảm bảo chuỗi cung ứng của Việt Nam hoạt động bình thường, trong những thời điểm khó khăn nhất, giúp trung chuyển lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện với rủi ro dịch bệnh nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn khá tích cực. “Có rất nhiều yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển của logistics”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Thứ nhất, kinh tế thế giới và Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích tăng trưởng; hiệu quả từ các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng và nhiều nước bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa từ Quý III/2021 tạo nguồn cầu lớn cho dịch vụ logistics.
Ở trong nước, các biện pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế của Chính phủ sẽ giúp tăng trưởng phục hồi và tốt hơn trong Quý IV cũng như cả năm 2021 và 2022. Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ là tạo nền tảng, điều kiện quan trọng để sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ với động lực từ khu vực FDI. Kéo theo đó là các hoạt động logistics nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thành phẩm.
Thứ hai, Việt Nam đã và đang hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao và dự báo sẽ tiếp tục tích cực. Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA có quy mô lớn như CPTPP, EVFTA và gần đây nhất là RCEP.
Tác động của các Hiệp định FTA không chỉ ở mở rộng thị trường, kích thích tăng trưởng xuất nhập khẩu mà còn ở khía cạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, qua đó tạo nguồn cầu lớn cho hoạt động logistics để phục vụ những nhà đầu tư này.
Thứ ba, Việt Nam nằm trong top các nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 dự kiến đạt 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta sẽ đạt khoảng 52 tỷ USD. Sự bùng nổ của thương mại điện tử, cộng hưởng bởi tác động của dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, sẽ tạo cơ hội cho hoạt động logistics phục vụ thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Thứ tư, ngành logistics ngày càng nhận được sự quan tâm phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử cao, vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng kết hợp với sự quan tâm của Chính phủ đã và sẽ tạo tiền đề thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ.
Nhân lực vẫn là nhiệm vụ then chốt
Trong thời gian tới, để ngành logistics vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội để vươn lên xứng đáng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế, Thứ trưởng cho rằng, ngành này cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về logistics và các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành.
Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn vốn để nhanh chóng đầu tư, đổi mới kết cấu hạ tầng logistics, từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông, trung tâm logistics phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia và vùng.
Mặt khác, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) với vai trò chủ chốt cần kết nối các doanh nghiệp trong ngành, tạo ra các doanh nghiệp đầu đàn, hợp tác chia sẻ các lợi thế nhằm giảm chi phí logistics, tạo ra sân chơi lành mạnh và mang tính cạnh tranh cao trong ngành logistics... nhằm gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Đưa ra thêm những giải pháp để thúc đẩy ngành logistics, Thứ trưởng cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics khu vực ASEAN và trên thế giới. Song song đó, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý đến giải pháp tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp phù hợp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và quốc tế để đáp ứng cho ngành logistics. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ quản lý doanh nghiệp có kinh nghiệm và chuyên môn cao đáp ứng được yêu cầu trong thời đại mới.