Giải quyết điểm nghẽn logistics trong tăng trưởng

Tạo động lực khiến các doanh nghiệp trong nước tăng tốc đầu tư vào công nghệ nâng cao sức cạnh tranh, giải quyết điểm nghẽn của logistics trong tăng trưởng theo hướng kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics trong GDP xuống dưới 20% trong thời gian tới.

diem nghen

Tăng tốc đầu tư

Mới đây, Công ty cổ phần Transworld QBV ICD đã đầu tư vào Hải Phòng một trung tâm logistics có tổng diện tích 20 ha toàn bãi, trong đó có 87.000 m2 khu vực tác nghiệp container, 7.500 m2 kho ngoại quan và kho tổng hợp, 1.500 m2 kho hàng lạnh để khai thác thị trường dịch vụ logistics đang sôi động tại khu vực phía Bắc. Dịch vụ chính mà Transworld QBV ICD cung cấp là kinh doanh kho bãi, lưu giữ, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ đóng gói, thông quan hàng hóa nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy tại cảng ICD Quảng Bình - Đình Vũ.

Tập đoàn Sao Đỏ cũng đang dồn vốn đầu tư mạnh với việc sở hữu mảng dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có quy mô 1.329 ha, trong đó, khu cảng biển gồm 7 bến container và hàng tổng hợp, được thiết kế dành cho tàu 40.000 DWT, khu kho bãi rộng 105 ha, khu phi thuế quan rộng 210 ha…

Với Thủ đô Hà Nội, thành phố quyết định phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng. Cụ thể, Thành phố yêu cầu rà soát quy định phân công, phân cấp quản lý hoạt động logistics trên địa bàn đảm bảo rõ ràng; triển khai quy hoạch để bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, tích hợp sâu dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển ngành.

Theo định hướng của Thành phố, các trung tâm logistics sẽ phải có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai tiếp tục được nghiên cứu xây dựng, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng tại các khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp. Về nguyên tắc, sẽ phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội theo hướng dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng logistics.

Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, cả nước có tổng số 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắk Nông, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ).

Vì sao dòng tiên đua nhau đổ vào logistics? Câu trả lời khái quát là, do ngành logistics bao gồm các hoạt động dịch vụ chuỗi cung ứng hoàn thiện khép kín từ vận tải, kho bãi đến phân phối hàng hoá, kết nối nhà sản xuất tới người tiêu dùng. Còn cụ thể, chi phí logistic ở Việt Nam chiếm gần 21% tổng GDP, cao hơn so với hầu hết các quốc gia trong khối ASEAN, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Vì thế, đầu tư vào mảng cung cấp hạ tầng logistics hay dịch vụ logistics được cho là thị trường hết sức tiềm năng ở nước ta, xứng đáng được các nhà đầu tư rót vốn.

logistic

Tác động lan tỏa

Nhưng tác động của logistics không bó hẹp trong việc phục vụ các doanh nghiệp hiên đang sản xuất kinh doanh, mà còn kích hoạt các doanh nghiệp tiềm năng tham gia thị trường ở những khu vực có hậu cần logistics phát triển. Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) đã thu hút được hơn 70 dự án từ các nhà đầu tư trên thế giới, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD. Từ thành công trong thu hút đầu tư của Deep C I, trong thời gian gần đây, 2 khu công nghiệp tiếp theo đã liên tiếp được khởi công xây dựng. Một trong những ký do Deep C I hút khách là dịch vụ logistics ở thành phố cảng rất phát triển.

Công ty Daiwa House Việt Nam nhìn nhận, xu hướng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng lên và họ muốn chọn địa điểm tốt để có thể đầu tư lâu dài. Doanh nghiệp Nhật Bản rất kỹ tính trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư., nơi đó không những phải gần cảng biển, giao thông thuận lợi, có hạ tầng logistics cơ bản.

Đây cũng là lý do để Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logictics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa; kết hợp kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; yêu cầu các đơn vị chức năng phải xử lý nghiêm minh và kịp thời các vi phạm để xây dựng thị trường kinh doanh dịch vụ logistics lành mạnh và hiệu quả, góp vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện hữu, cũng như tạo ra mảnh đất màu mỡ mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Mới đây Đà Nẵng đã quyết định kêu gọi vốn 13.695 tỷ đồng để xây dựng Thành phố thành một trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm miền Trung; lấy đó làm nền tảng thu hút các nhà đầu tư có uy tín, năng lực thật sự trong các lĩnh vực sản xuất, lắp đặt sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao ở 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch, dịch vụ chất lượng cao; cảng biển, hàng không; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp công nghệ thông tin gắn với kinh tế số; nông nghiệp công nghệ cao và sạch.

Tập đoàn tư vấn đầu tư bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) của Mỹ vừa cho biết, đầu tư vào lĩnh vực hậu cần (logistics) và bất động sản công nghiệp tại châu Á -Thái Bình Dương sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3-5 năm tới khi các nhà đầu tư tìm cách gia tăng thị phần với loại tài sản này. JLL dự báo khối lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp sẽ tăng từ 25-30 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 lên 50-60 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ tăng trưởng của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt 14-16%, với quy mô 40-42 tỷ USD. Thị trường có sự tham gia của 4.000 doanh nghiệp trong nước và 25 tập đoàn nước ngoài. Trong đó, vốn ngoại đang chảy mạnh vào lĩnh vực này. Mới đây, EcoTruck, là doanh nghiệp của Việt Nam đang quản lý hơn 300 đối tác nhà xe với hơn 9.000 xe đầu kéo và xe tải các loại, phục vụ hơn 500 khách hàng là các doanh nghiệp có nhu cầu vận tải xuyên suốt từ Bắc đến Nam và xuyên biên giới đã nhận 2 triệu USD từ STIC Ventures - một doanh nghiệp của Hàn Quốc. Trước đó, Giao hàng Tiết kiệm đã được chuyển nhượng cho Pacel (Singapore) 42% cổ phần; SF Holdings (Trung Quốc) đã mua lại 51,8% của Kerry Logistics để mở rộng thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện Việt Nam rất ủng hộ việc áp dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng logistics, bởi theo các chuyên gia, đây là ngành rất tiềm năng, nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề mà doanh nghiệp trong nước cần giải quyết. Điểm nổi cộm nhất là vấn đề tối ưu lộ trình đòi hỏi việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhưng chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực đủ mạnh để tiếp cận. Cùng với đó, trong khi nhu cầu nâng cao hiệu suất và cắt giảm chi phí logictics của các doanh nghiệp Việt đang rất cấp bách, nhưng doanh nghiệp logistics trong nước chưa có nhiều giải pháp đột phá giải quyết bài toán này.

Vì vậy, thu hút FDI là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ tạo thêm một lực lượng doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics nhằm đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng quốc tế và trong nước, mà còn tạo động lực khiến các doanh nghiệp trong nước tăng tốc đầu tư vào công nghệ nâng cao sức cạnh tranh, giải quyết điểm nghẽn của logistics trong tăng trưởng theo hướng kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics trong GDP xuống dưới 20% trong thời gian tới.  

Nhóm phóng viên