TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách đối với du lịch biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách đối du lịch biển, bao gồm: (1) Môi trường tài nguyên thiên nhiên; (2) Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; (3) Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch; (4) Nhân viên phục vụ du lịch; (5) An toàn và an ninh; (6) Giá cả cảm nhận. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các hàm ý quản trị, kiến nghị về du lịch biển.
Từ khóa: sự hài lòng của du khách, du lịch biển, biển Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, du lịch biển đang là một loại hình du lịch được rất nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt vào mùa hè. Việt Nam có đường bờ biển dài khoảng 3260km chạy dọc từ Bắc vào Nam, với rất nhiều bãi tắm đẹp là điều kiện thuận lợi tiên quyết để khai thác, phát triển loại hình du lịch biển.
Biển Thạnh Phú là một trong ba bãi biển nổi tiếng được khai thác du lịch tại tỉnh Bến Tre, hay còn được biết đến với tên gọi là biển Cồn Bửng. Với vị trí nằm cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 70km về phía Đông, là một bãi biển đẹp có độ dốc không lớn và vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu trong lành là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch. Biển Thạnh Phú được khai thác du lịch cách đây gần 10 năm nên hầu như hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ du lịch về cơ bản đã được đầu tư khá đầy đủ để phục vụ nhu cầu du khách. Bên cạnh đó, người dân địa phương rất thân thiện, hiếu khách. Đặc biệt hơn hết hải sản ở đây rất đa dạng, đảm bảo tươi sống và giá cả hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách vào những ngày cuối tuần hay các dịp Lễ, Tết. Tuy nhiên, vấn đề phát triển du lịch biển ở Thạnh Phú vẫn có những hạn chế nhất định như: do là biển phù sa nên nước không được trong như các bãi biển ở nơi khác, việc khai thác vẫn còn mang tính tự phát chưa có sự đầu tư phát triển đồng bộ. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một vấn đề thiết thực nhất cần phải ưu tiên giải quyết đó là đáp ứng sự hài lòng của du khách để nhằm thu hút du khách quay lại lần nữa.
Do vậy nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách và đề xuất hàm ý quản trị nhằm đáp ứng tốt sự hài lòng của du khách, góp phần thu hút du khách quay lại nói riêng và phát triển du lịch biển huyện Thạnh Phú trong thời gian tới nói chung.
2. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu về sự hài lòng của du khách
Hiện nay có một số mô hình đánh giá mức độ hài lòng được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng như: mô hình SERVQUAL (Service Quality), mô hình HOLSAT (Holiday Satisfaction) và mô hình SERVPERF (Service Performance).
Jain & Gupta (2004) cho rằng, mô hình SERVPERF nên là công cụ nghiên cứu ưu tiên trong việc thực hiện so sánh chất lượng dịch vụ các ngành công nghiệp dịch vụ [10]. Mô hình SERVPERF do Cronin và Taylor công bố năm 1992, cho rằng mức độ cảm nhận của khách hàng đối với sự thực hiện dịch vụ của doanh nghiệp phản ánh tốt nhất chất lượng dịch vụ và mô hình này là mô hình đơn giản thích hợp cho việc đánh giá sự hài lòng của du khách, chỉ cần xác định mức độ cảm nhận của du khách sau khi đi du lịch [8].
Do đó, bài viết quyết định chọn mô hình SERVPERF cho việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đến biển Thạnh Phú. Bộ thang đo SERVPERF cũng sử dụng 5 thành phần chất lượng dịch vụ như phần hỏi về cảm nhận của khách hàng trong mô hình SERVQUAL, bỏ qua phần hỏi về kỳ vọng. Bao gồm:
1. Sự tin cậy (Reliability): Thể hiện khả năng thực hiện dịch vụ phù hợp và đúng hạn ngay lần đầu.
2. Sự đáp ứng (Responsiveness): Thể hiện sự sẵn lòng của nhân viên phục vụ nhằm cung cấp dịch vụ kịp thời cho khách hàng.
3. Năng lực phục vụ (Assurance): Thể hiện trình độ chuyên môn và cung cách phục vụ lịch sự, niềm nở với khách hàng.
4. Sự đồng cảm (Empathy): Thể hiện sự quan tâm chăm sóc đến từng cá nhân khách hàng.
5. Phương tiện hữu hình (Tangibles): Cơ sở vật chất, cảnh quan, trang thiết bị,… để thực hiện dịch vụ.
Theo đó, các yếu tố về sự tin cậy, sự đáp ứng, năng lực phục vụ và sự đồng cảm của mô hình SERVPERF sẽ được tổng hợp và đánh giá thông qua biến “Nhân viên phục vụ” của mô hình nghiên cứu. Đối với yếu tố phương tiện hữu hình của mô hình SERVPERF, nhóm tác giả sẽ chia ra thành hai biến: “Môi trường tự nhiên” và “Cơ sở vật chất”, tương ứng với những cảnh quan tồn tại trong tự nhiên của biển Thạnh Phú và những công trình do bàn tay con người tạo nên. Bên cạnh đó, để mở rộng mô hình nghiên cứu, bài viết cũng sử dụngmột số biến đã được kiểm định thông qua các nghiên cứu trước đây. Bao gồm: Cơ sở hạ tầng [2], An toàn và an ninh [6, 12], Giá cả cảm nhận [2, 12].
Như vậy, bài viết đề xuất các giả thuyết nghiên cứu ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch đến biển Thạnh Phú, như sau:
Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch: Cơ sở vật chất - kỹ thuật bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ lữ hành,… Do đó, giả thuyết sau đây được đề xuất:
Giả thuyết H1: Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của du khách.
Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Cơ sở hạ tầng của một điểm đến du lịch bao gồm bao gồm hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, y tế,… [1]. Do đó bài viết đề xuất giả thuyết:
Giả thuyết H2: Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của du khách.
An toàn và an ninh: Là việc bảo vệ con người khỏi các hoạt động tội phạm hay các cuộc tấn công khủng bố. Du khách cảm thấy an toàn, yên tâm khi đi du lịch [1, 6, 12]. Do đó, bài viết đề xuất giả thuyết:
Giả thuyết H3: An toàn và an ninh có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của du khách.
Nhân viên phục vụ du lịch: Các yếu tố về nhân viên phục vụ bao gồm trình độ và thái độ của nhân viên phục vụ. Trong đó, trình độ của nhân viên phục vụ gồm các yếu tố như trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch, sự đào tạo về mặt kĩ năng cho nhân viên. Thái độ của nhân viên phục vụ bao gồm sự nhiệt tình, ân cần, sẵn lòng phục vụ, giúp đỡ du khách và việc giải quyết nhanh chóng những phàn nàn của du khách [9, 11]. Do đó, bài viết đề xuất giả thuyết:
Giả thuyết H4: Nhân viên phục vụ du lịch có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của du khách.
Môi trường tài nguyên thiên nhiên: Bao gồm tất cả những thứ tồn tại trong tự nhiên và không được thực hiện hoặc tạo ra bởi con người. Theo Beerli và Martin (2004), trong lĩnh vực du lịch môi trường tài nguyên thiên nhiên bao gồm thời tiết, bãi biển, hồ, núi, sa mạc… [7]. Do đó, bài viết đề xuất giả thuyết:
Giả thuyết H5: Môi trường tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của du khách.
Giá cả cảm nhận: Là giá của các hàng hóa, dịch vụ tại nơi du lịch. Giá cả hợp lý là rất cần thiết, nếu giá cả quá cao sẽ khiến du khách cảm thấy không hài lòng và sẽ không sẵn lòng chi trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ đó [2, 12]. Do đó, bài viết đề xuất giả thuyết:
Giả thuyết H6: Giá cả cảm nhận có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của du khách.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
![sự hài lòng của du khách](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-doi-voi-du-lich-bien-huyen-thanh-phu--tinh-ben-tre_67973a4222b74.jpg)
3. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành nghiên cứu, tác giả kế thừa thang đo từ một số tác giả khác sau:
- Thang đo Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch (VCKT) với 6 biến quan sát, kế thừa từ [3, 13].
- Thang đo Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch (CSHT) với 5 biến quan sát, kế thừa từ [2].
- Thang đo An toàn và an ninh (ATAN) với 5 biến quan sát, kế thừa từ [6, 12].
- Thang đo Nhân viên phục vụ du lịch (NVPV) với 3 biến quan sát, kế thừa từ [5, 12].
- Thang đo Môi trường tài nguyên thiên nhiên (MTTN) với 3 biến quan sát, kế thừa từ [4].
- Thang đo Giá cả cảm nhận (GC) với 3 biến quan sát, kế thừa từ [2, 12].
- Thang đo Sự hài lòng (SHL) với 4 biến quan sát do tác giả đề xuất.
Trước hết, nghiên cứu thực hiện khảo sát 7 chuyên gia là những người đã có kinh nghiệm và hiểu biết trong ngành du lịch và loại hình du lịch biển. Sau khi hoàn thành 2 bước khảo sát chuyên gia và khảo sát sơ bộ các thang đo về Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch, Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, An toàn và an ninh, Nhân viên phục vụ du lịch, Môi trường tài nguyên thiên nhiên, Giá cả cảm nhận và Sự hài lòng được giữ nguyên về số lượng. Giai đoạn nghiên cứu chính thức được tiến hành bằng với cỡ mẫu n = 252 du khách tại bãi biển Thạnh Phú. Dữ liệu sau khi thu thập xong được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Phân tích hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha
Qua phân tích hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha cho thấy các thang đo hoàn toàn phù hợp với các biến nghiên cứu nên đều này được giữ lại trong mô hình.
Bảng 1. Hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo
![sự hài lòng của du khách](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-doi-voi-du-lich-bien-huyen-thanh-phu--tinh-ben-tre_67973a55242b5.jpg)
Nguồn: Kết quả xử lý từ kết quả khảo sát
4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA có hệ số KMO = 0,759 và Sig. = 0,000 nên mô hình được xem là phù hợp, các biến trong mô hình có liên quan chặt chẽ. Ngoài ra, có 6 nhân tố được hình thành từ các biến trong mô hình.
Bảng 2. KMO and Bartlett’s Test của biến phụ thuộc
![sự hài lòng của du khách](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-doi-voi-du-lich-bien-huyen-thanh-phu--tinh-ben-tre_67973a66c5dad.jpg)
Nguồn: Kết quả xử lý từ kết quả khảo sát
Bảng 3. KMO and Bartlett’s Test của biến độc lập
![sự hài lòng của du khách](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-doi-voi-du-lich-bien-huyen-thanh-phu--tinh-ben-tre_67973a7340f37.jpg)
Nguồn: Kết quả xử lý từ kết quả khảo sát
Qua kết quả phân tích ở Bảng 3, cho thấy giá trị hệ số KMO = 0,860, điều kiện (0,5 < KMO < 1) và kiểm định Bartlett’s về tương quan của các biến quan sát có giá trị Sig. = 0,000, điều kiện Sig. < 0,05 (5%), như vậy thỏa đủ điều kiện để phân tích nhân tố là phù hợp.
4.3. Kết quả phân tích hồi quy đa biến
Bảng 4. Model Summary
![sự hài lòng](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-doi-voi-du-lich-bien-huyen-thanh-phu--tinh-ben-tre_67973ad666f9a.jpg)
Nguồn: Kết quả xử lý từ kết quả khảo sát
Bảng 4 cho thấy giá trị R2 hiệu chỉnh (Adjusted R Square) = 0,220 cho thấy các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 22% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại 78% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Ngoài ra, giá trị Durbin-Watson = 2,262 nằm trong khoảng 1 đến 3 thì không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất, cho thấy kết quả này phù hợp.
Kết quả dữ liệu của bảng ANOVA cho thấy Sig < 0,05 nên bác bỏ giả thuyết H0, điều này có nghĩa là mô hình hồi quy hoàn toàn phù hợp.
Bảng 5. ANOVA
![sự hài lòng của du khách](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-doi-voi-du-lich-bien-huyen-thanh-phu--tinh-ben-tre_67973a8488fa9.jpg)
Nguồn: Kết quả xử lý từ kết quả khảo sát
Thông qua bảng phân tích mô hình hồi quy ta thấy tất cả 6 nhân tố đều có tác động đến sự hài lòng vì hệ số Sig. đều nhỏ hơn 0,05.
Bảng 6. Coefficientsa
![sự hài lòng của du khách](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/27/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-doi-voi-du-lich-bien-huyen-thanh-phu--tinh-ben-tre_67973a96310a2.jpg)
Nguồn: Kết quả xử lý từ kết quả khảo sát
Từ kết quả trên ta có phương trình hồi quy như sau:
SHL = 0,196VCKT + 0,255CSHT + 0,128ATAN + 0,289GC + 0,285MTTN + 0,214NVPV + e
Nhìn vào phương trình hồi quy ta thấy trong 6 nhân tố Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch, Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, An toàn và an ninh, Giá cả cảm nhận, Môi trường tài nguyên thiên nhiên, Nhân viên phục vụ du lịch thì yếu tố tác động mạnh nhất đối với sự hài lòng của du khách là Giá cả cảm nhận và tất cả các yếu tố đều tác động dương đến sự hài lòng của du khách.
5. Một số đề xuất
Thứ nhất, hàm ý quản trị về nhân tố Giá cả cảm nhận: qua kết quả nghiên cứu cho thấy Giá cả cảm nhận (GC) tác động cùng chiều và cao nhất đến sự hài lòng của du khách. Do vậy, để có được lượng du khách đến với biển các nhà quản lí du lịch của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cần phải có chính sách giá hợp lý. Du lịch huyện Thạnh Phú cần chú trọng đến giá cả mua sắm nhiều hơn, vì khi đi du lịch du khách thường có thói quen mua sắm ở nơi mình đến, nhất là quà lưu niệm. Kế đến, là giá cả ăn uống và giá cả lưu trú cũng cần được quan tâm vì đây là hai nhu cầu thiết yếu khi đi du lịch. Giá cả về mua sắm, ăn uống, lưu trú cần được duy trì ở mức giá ổn định, có niêm yết giá cụ thể và không được tăng giá vào các ngày lễ, Tết hoặc các mùa du lịch cao điểm để thu thêm nhiều lợi nhuận. Tại các cửa hàng mua sắm cần phải có các bảng giá cụ thể cho từng món hàng và không được tự ý tăng giá khi gặp khách.
Thứ hai, hàm ý quản trị về nhân tố Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: qua kết quả nghiên cứu cho thấy Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch (CSHT) tác động cùng chiều đến sự hài lòng của du khách. Cho nên, các nhà quản lý du lịch biển Thạnh Phú cần phải có các chính sách nâng cấp, mở rộng chất lượng mặt đường phải được bằng phẳng để du khách di chuyển một cách thuận tiện. Đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc, cần có bưu điện, trạm điện thoại công cộng để phục vụ du khách. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, ban quản lí du lịch và các bộ phận có liên quan cần có những định hướng và kế hoạch hợp lý, sao cho các công trình hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên và không làm mất đi vẻ mỹ quan tự nhiên của bãi biển. Đồng thời, các ban quản lý cần phải có các biện pháp quản lý sức chứa tại điểm du lịch để tránh tình trạng quá tải tại bãi biển vào các mùa cao điểm. Thêm vào đó, xung quanh khu vực bãi biển cần phải xây dựng phòng y tế để có thể sơ cấp cứu ban đầu khi có vấn đề xảy ra đối với du khách. Đặc biệt, hệ thống cung cấp điện và nước sạch cần đảm bảo đầy đủ để phục vụ du khách.
Thứ ba, hàm ý quản trị về nhân tố Môi trường tài nguyên thiên nhiên: qua kết quả nghiên cứu cho thấy Môi trường tài nguyên thiên nhiên (MTTN) tác động cùng chiều đến sự hài lòng của du khách. Chính vì lẽ đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức hoạt động thu gom rác mỗi ngày, tổ chức các chuyên đề về vấn đề ô nhiễm môi trường và các tác hại của rác thải ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và cảnh quan trên địa bàn cho người dân nắm thông tin. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường vận động người dân ý thức tham gia vào việc bảo vệ môi trường, cần có chính sách khuyến khích người dân thu gom rác, thành lập đội tình nguyện viên làm những công tác tình nguyện như thu gom rác thải tại bãi biển. Đồng thời, việc bố trí thêm nhiều thùng đựng rác, hố chứa rác thải trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi làm tổn hại đến môi trường. Ngoài ra, địa phương nên thành lập đội quản lý môi trường biển, thường xuyên tổ chức kiểm tra và đưa khung xử phạt hợp lý cho từng trường hợp gây ô nhiễm môi trường hoặc những trường hợp phá hại tài nguyên biển.
Thứ tư, hàm ý quản trị về nhân tố Nhân viên phục vụ du lịch: qua kết quả nghiên cứu cho thấy Nhân viên phục vụ du lịch (NVPV) tác động cùng chiều đến sự hài lòng của du khách. Vì vậy, các nhà quản lý cần phải có các giải pháp phát triển nguồn nhân lực đào tạo về các kỹ năng và nghiệp vụ để đáp ứng sự hài lòng của du khách. Do đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch tại biển Thạnh Phú chủ yếu là lao động trong gia đình, tự phát. Nhân viên cần phải duy trì sự niềm nở, thân thiện và chào đón khách một cách nồng nhiệt, cũng như phải tăng cường bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng trong du lịch để có thể phục vụ du khách được tốt hơn, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong du lịch và sự hài lòng của du khách. Đồng thời, cần duy trì lòng hiếu khách, sự thân thiện của người dân địa phương đối với khách phương xa.
Thứ năm, hàm ý quản trị về nhân tố Cơ sở vật chất - kỹ thuật: kết quả nghiên cứu cho thấy Cơ sở vật chất - kỹ thuật (CSHT) tác động cùng chiều đến sự hài lòng của du khách. Vì thế, các cơ sở lưu trú tại biển Thạnh Phú cần đa dạng đủ các loại hình lưu trú từ nhà nghỉ, homestay đến khách sạn nhằm để đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách khác nhau và cần phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị từ cơ bản đến nâng cao. Cơ sở phục vụ ăn uống cũng phải đa dạng tương tự như cơ sở lưu trú, nhưng đặc biệt các cơ sở ăn uống này phải chú ý đến đặc sản của địa phương vùng biển. Cần xây thêm nhà vệ sinh công cộng và khu đậu xe rộng rãi, an toàn để có thể đáp ứng tốt sự hài lòng của du khách đặc biệt là vào mùa cao điểm.
Cuối cùng, hàm ý quản trị về nhân tố An toàn và an ninh: kết quả nghiên cứu cho thấy An toàn và an ninh (ATAN) tác động cùng chiều đến sự hài lòng của du khách. Do đó, vấn đề an toàn và an ninh trong du lịch hết sức quan trọng. Tại biển Thạnh Phú hiện nay chưa có tình trạng ăn xin cũng như tình trạng chèo kéo du khách. Tuy nhiên, các nhà quản lý du lịch Thạnh Phú cần phải phối hợp với chính quyền địa phương có những chính sách phù hợp để khắc phục tình trạng này trong tương lai. Tình trạng chính trị ở điểm du lịch cũng rất quan trọng trong việc thu hút du khách đến tham quan và du lịch, một nơi có sự hòa bình thì du khách cảm thấy an tâm, sự an toàn được bảo đảm, họ được tự do đi lại và giao tiếp với người dân địa phương.
6. Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo
Nghiên cứu này chỉ đưa ra được 22% các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách. Do vậy, đây là một hạn chế của nghiên cứu. Hướng nghiên cứu tiếp theo mà các đề tài khác có thể thực hiện tổng hợp thêm nhiều nhân tố ở nhiều khía cạnh khác nhau để đưa vào mô hình và đánh giá, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đinh Công Thành, Phạm Lê Hồng Nhung, và Trương Quốc Dũng (2011). Đánh giá mức độ hài lòng của khách nội địa đối với du lịch tỉnh Sóc Trăng. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 20(a), 199 -209.
2. Lê Thị Tố Quyên, Lê Mỷ Tiên, và Huỳnh Tấn Mãi (2019). Các nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch tại quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 55(1C), 100-112.
3. Nguyễn Minh Triết và Hoàng Mạnh Dũng (2020). Các yếu tố chất lượng dịch vụ du lịch ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách nội địa tại Bãi Sau - Thành phố Vũng Tàu. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/cac-yeu-to-chat-luong-dich-vu-du-lich-anh-huong-den-su-hai-long-cua-du-khach-noi-dia-tai-bai-sau-thanh-pho-vung-tau-68889.htm
4. Nguyễn Thị Thanh Nga (2020). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch nội địa khi đến Kiên Giang. Tạp chí Công Thương, 29+30, 253-258.
5. Phạm Thị Diệp Hạnh (2018). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách đến Đảo Phú Quốc. Tạp chí Kinh tế đối ngoại, 98,
6. Trương Trí Thông (2019). Các nhân tố thu hút du khách đến du lịch biển đảo ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 55(4C), 113-122.
7. Beerli, A., & Martý́n, J. D. (2004). Tourists’ characteristics and the perceived image of tourist destinations: a quantitative analysis - a case study of Lanzarote, Spain. Tourism management, 25(5), 623-636.
8. Cronin Jr, J., & Taylor, S. A. (1992). Measuring service quality: A reexamination and extension. Journal of marketing, 56(3), 55-68.
9. Hassan, M. K. (2012). Measuring tourist satisfaction: a categorical study on domestic tourists in Bangladesh. Journal of Business, 33(1), 1-13.
10. Jain, S. K., & Gupta, G. (2004). Measuring service quality: SERVQUAL vs. SERVPERF scales. Vikalpa, 29(2), 25-38.
11. Parasuraman, A., Zeithaml, V. A., & Berry, L. L. (1994). Reassessment of expectations as a comparison standard in measuring service quality: implications for further research. Journal of marketing, 58(1), 111-124.
12. Razak, A. (2022, July). Determinants of Tourist Satisfaction in Beach Tourism. In Proceedings of the 1st International Conference on Social, Science, and Technology, ICSST 2021, 25 November 2021, Tangerang, Indonesia.
13. Sanusi, A. (2024). Measuring Tourist Satisfaction with Facilities and Cleanliness at Beach Destinations (A Case Study of Air Cina Beach Tourism, Lifuleo Village, Kupang Regency, East Nusa Tenggara, Indonesia). International Journal of Sustainable Development & Planning, 19(8).
FACTORS INFLUENCING TOURIST
SATISFACTION WITH BEACH TOURISM
IN THANH PHU DISTRICT, BEN TRE PROVINCE
• NGUYEN THI MY LINH1
• MBA. NGUYEN THANH PHUOC2
• PHAN HUU VIEN3
1Student, University of Cuu Long
2Lecturer, University of Cuu Long
3Master student, Dong Thap University
ABSTRACT:
This study aims to identify and analyze the factors influencing tourist satisfaction with beach tourism in Thanh Phu district, Ben Tre province. The study findings reveal six key factors impacting satisfaction: (1) Natural resource environment, (2) Tourism infrastructure, (3) Technical facilities for tourism, (4) Service staff quality, (5) Safety and security, and (6) Perceived pricing. Based on these results, the study offers management implications and practical recommendations to enhance the quality and appeal of beach tourism in the region.
Keywords: tourists satisfaction, beach tourism, Thanh Phu beach, Ben Tre University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]