Nghiên cứu sản xuất Collagen từ sứa biển

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng Enzyme trong sản xuất Collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì nhiệm vụ đã được Bộ Công Thương nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ngày 28/12/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng Enzyme trong sản xuất Collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì. PGS.TS. Phí Quyết Tiến – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu.

Nghiên cứu sản xuất Collagen từ sứa biển
Ngày 28/12/2021, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng Enzyme trong sản xuất Collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam”

 

Đây là đề tài trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Báo cáo với Hội đồng, Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Mạnh Hà - Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết, Collagen hiện được ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về tách chiết và sản xuất collagen từ các nguồn nguyên liệu khác nhau nhưng cho tới nay, có rất ít các công trình nghiên cứu về tách chiết collagen từ sứa biển được thực hiện. Nhìn thấy tiềm năng từ nguồn sứa biển, Viện đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ triển khai đề tài nghiên cứu này.

Thông qua đó, Ban chủ nhiệm đã tập hợp và xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhà khoa học từ các các viện nghiên cứu với các công ty, doanh nghiệp tạo thành một ekip hợp tác trong quá trình thực hiện đề tài. Đây là một lĩnh vực còn mới mẻ và có nhiều tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam và cũng là cơ hội tốt nhằm nâng cao được năng lực nghiên cứu của các cán bộ nghiên cứu, để các học viên đào tạo bậc sau đại học có thể thu thập số liệu, thực tập và thực nghiệm và là cơ hội để tăng cường gắn kết giữa tổ chức nghiên cứu với các cơ sở sản xuất.

Nghiên cứu sản xuất Collagen từ sứa biển
Thư ký đề tài trình bày các kết quả đạt được sau thời gian nghiên cứu triển khai nhiệm vụ

 

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị ứng dụng enzyme để tách chiết collagen từ Sứa biển Việt Nam quy mô từ 1.000 kg nguyên liệu/mẻ; Đã sản xuất được tổng số 522 kg bột collagen có độ tinh khiết từ 82,6% đến 83,7%, đảm bảo độ an toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế; Đã sản xuất được tổng số 75.000 viên nang thực phẩm chức năng chứa collagen (hàm lượng ≥ 200 mg/viên) đảm bảo độ an toàn và chất lượng theo quy định của Bộ Y tế.

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành xây dựng Quy trình công nghệ sản xuất collagen từ sứa biển, được thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot và quy mô xưởng sản xuất 1.000kg nguyên liệu/mẻ. Qua tính toán, việc áp dụng quy trình sản xuất collagen từ sứa biển sẽ đem lại giá trị lợi nhuận rất cao, góp phần nâng cao tỷ lệ các sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế các sản phẩm chế biến thô, đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết quả của đề tài mở ra hướng đi mới trong tận dụng tài nguyên thủy hải sản của Việt Nam, giúp cho cơ sở sản xuất (các doanh nghiệp chế biến thủy sản…) tiếp cận được công nghệ và thiết bị mới, mở rộng sản xuất. Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị cho nguồn lợi Sứa, đa dạng hóa các mặt hàng chế biến, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Nghiên cứu sản xuất Collagen từ sứa biển
Đề tài đã sản xuất được tổng số 75.000 viên nang thực phẩm chức năng chứa collagen (hàm lượng ≥ 200 mg/viên) đảm bảo độ an toàn và chất lượng theo quy định của Bộ Y tế

 

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đề tài đã hỗ trợ đào tạo 01 Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật hóa học. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã đăng 02 bài báo trên Tạp chí khoa học quốc tế; 02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước, 01 bài trình bày tại hội thảo chuyên ngành trong nước.

“Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về công nghệ chiết xuất collagen từ sứa biển nên chúng tôi khó khăn trong việc tìm tài liệu tham khảo. Việc nghiên cứu tìm ra quy trình, công nghệ phù hợp và có hiệu quả chiết xuất, chất lượng sản phẩm cao là điều rất quan trọng. Nhờ sự hỗ trợ cơ sở vật chất để sản xuất quy mô 1.000 kg/mẻ của một số doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành được nhiệm vụ này. Do thời gian ngắn nên đề tài chưa đánh giá đầy đủ tất cả các mặt về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, đây thực sự là một hướng đi rất tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam” - Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Mạnh Hà cho biết.

Nghiên cứu sản xuất Collagen từ sứa biển
Bột collagen có độ tinh khiết từ 82,6% đến 83,7%, đảm bảo độ an toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế

 

Qua việc thẩm định tại cơ sở và báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ, các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu Bộ Công Thương đã nhất trí nghiệm thu đề tài. Hội đồng cũng đánh giá, đây là nhiệm vụ quan trọng và kiến nghị Bộ Công Thương cho tiếp tục nghiên cứu dự án sản xuất thử nghiệm, nhằm hoàn thiện công nghệ và thiết bị ở quy mô công nghiệp, góp phần tăng hiệu suất sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng quy mô sản xuất và nhân rộng ra nhiều cơ sở sản xuất để tận dụng hết nguồn nguyên liệu sứa còn rất lớn ở biển Việt Nam.

Nghiên cứu sản xuất Collagen từ sứa biển
Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Mạnh Hà - Viện Tài nguyên và Môi trường biển 

 

Collagen là protein nhiều nhất trong cơ thể và đây là thành phần chính của các mô liên kết tạo nên một số bộ phận cơ thể như gân, dây chằng, da và cơ bắp. Ngày nay, Collagen được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực y học, dược học và một số các ngành công nghiệp khác.

Các nhà khoa học trên thế giới nhận định rằng, thị trường nguyên liệu sinh học Collagen toàn cầu dự báo sẽ có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng kép 10,4%/năm giai đoạn 2017-2025. Các công dụng tuyệt vời của Collagen được biết đến như: Cải thiện sức khỏe làn da; Giúp giảm đau khớp; Có thể ngăn ngừa mất xương; Có thể tăng khối lượng cơ bắp; Tăng cường sức khỏe tim mạch…

Tại Việt Nam, hiện chỉ có Công ty Vĩnh Hoàn và Công ty CP Nam Việt (Navico) có nhà máy chiết xuất Collagen và Gelatin từ da cá tra. Chiết xuất Collagen từ sứa biển hiện chưa có đơn vị nào. Đây là nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này.

Hồ Nga