Nhân tố tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

PGS. TS. TRẦN VĂN TÙNG (Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) và ThS. NCS. LÝ PHÁT CƯỜNG (Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm đánh giá, xây dựng và vận dụng mô hình với các nhân tố tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp gắn liền với các nhân tố để các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thực hiện. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp nhằm xác định mức động tác động của từng nhân tố trong mô hình tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ khóa: Kế toán trách nhiệm, hệ thống kế toán trách nhiệm, công ty dệt may, thị trường chứng khoán, niêm yết.

1. Đặt vấn đề

Khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt CPTPP) chính thức có hiệu lực thì Việt Nam là một trong những nước được hưởng nhiều lợi ích và lĩnh vực dệt may là một lĩnh vực được dự báo là xuất khẩu sẽ tăng với các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại. Tuy khi gia nhập CPTPP dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhưng đồng thời cũng là ngành mà khả năng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt.

Để ngành Dệt may có thể phát triển ổn định bền vững ngoài các yếu tố bên ngoài (huy động vốn, chính sách nhà nước…) còn các yếu tố bên trong của doanh nghiệp (tổ chức sản xuất, hệ thống quản trị…) rất quan trọng. Do đó, tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm (một phần của kế toán quản trị) là quan trọng và cấp thiết, bởi kế toán trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhà quản trị ra các quyết định kinh doanh và là công cụ đo lường nhằm đánh giá hiệu suất hoạt động của các bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp.

Vậy đối với công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì nhân tố nào tác động và tác động như thế nào nhằm giúp các nhà quản trị công ty hiểu rõ và để thực hiện tốt công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Các nghiên cứu liên quan đã công bố

Có một số nghiên cứu nước ngoài đã công bố về các nhân tố tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm, dưới đây là hai công trình tiêu biểu:

Nghiên cứu của Mohammad Ebrahim Nawaiseh et al (2014) cho rằng hệ thống kế toán trách nhiệm chịu sự tác động của các nhân tố là nhận thức của người làm kế toán, nhận thức của nhà quản lý và những trở ngại khi áp dụng hệ thống kế toán trách nhiệm theo sơ đồ sau:

Theo mô hình nghiên cứu của Ali Amiri et al (2013) cho rằng, hệ thống kế toán trách nhiệm chịu sự tác động của các nhân tố là cơ cấu tổ chức và phân quyền của nhà quản lý theo sơ đồ sau:

2.2. Các nghiên cứu tại Việt Nam

Trần Hải Long (2014) trình bày vai trò của kế toán trách nhiệm trong quản lý kinh tế như: nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát và đánh giá hiệu quả từng bộ phận, cung cấp thông tin cho nhà quản lý, xây dựng trung tâm trách nhiệm phù hợp cơ cấu tổ chức doanh nghiệp.

Thái Anh Tuấn (2014) nêu lý do vì sao phải tổ chức kế toán trách nhiệm trong các trường đại học. Kết quả nghiên cứu của tác giả đã chỉ ra rằng vận dụng kế toán trách nhiệm tại các trường đại học phải: xác định các trung tâm chi phí; xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá trung tâm chi phí; phương pháp đánh giá trung tâm chi phí.

Đàm Phương Lan (2014) trình bày kế toán trách nhiệm được hình thành bởi 2 nội dung: sự phân cấp trong quản lý và xác định các trung tâm trách nhiệm. Kết quả nghiên cứu của tác giả về ứng dụng kế toán trách nhiệm tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Nguyên: tổ chức các trung tâm trách nhiệm, tổ chức lập dự toán tại các trung tâm trách nhiệm, tổ chức hệ thống báo cáo tại các trung tâm trách nhiệm.

Hồ Mỹ Hạnh (2015) trình bày kết quả nghiên cứu vận dụng kế toán trách nhiệm trong cấu trúc tổ chức dựa trên 2 mô hình tổ chức quản lý để từ đó tác giả kiến nghị việc xây dựng các trung tâm trách nhiệm và xây dựng các chỉ tiêu đánh giá trách nhiệm tại các trung tâm trách nhiệm.

Nhìn chung các nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định công tác tổ chức kế toán trách nhiệm là cần thiết và quan trọng với nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau nhưng chưa có nghiên cứu sâu nào về nhân tố tác động đến công tác tổ chức kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bài nghiên cứu này với mục tiêu khám phá và đo lường các nhân tố tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, để từ đó kiến nghị và đề xuất các giải pháp.

2.3. Mô hình đề xuất và giả thuyết nghiên cứu

Vận dụng 2 mô hình nghiên cứu của nước ngoài và kế thừa các nhân tố khám phá, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với các thang đo của các biến phụ thuộc và độc lập như sau:

Mô hình hồi quy nghiên cứu được tác giả đề xuất: HTKTTN = β0 + CCTC + PQQL + NTKT + NTQL + TNTH + µ

Trong đó: HTKTTN là biến phụ thuộc và các biến CCTC, PQQL, NTKT, NTQL, TNTH là biến độc lập.

Giả thuyết H1: Cơ cấu tổ chức tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm

Trong bất kỳ một tổ chức nào muốn thành công khi tổ chức một hệ thống luôn đòi hỏi cơ cấu tổ chức, đó là cơ cấu tổ chức được xác định và phân chia tính chất hoạt động. Đồng thời, tổ chức phải phân chia công việc rõ ràng cho từng bộ phận, phòng ban với mô tả rõ ràng/mục tiêu cụ thể của các phòng ban, bộ phận (trung tâm trách nhiệm).

Giả thuyết H2: Phân quyền nhà quản lý tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm

Để có thể thành công khi tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm đòi hỏi tổ chức phải phân quyền cho nhà quản trị của từng phòng ban, bộ phận. Nhà quản lý của từng trung tâm trách nhiệm phải được phân chia công việc cụ thể phù hợp với từng trung tâm trách nhiệm. Các nhà quản lý khi được phân quyền phải có thẩm quyền ra các văn bản, quyết định với các trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng trong từng trung tâm trách nhiệm mà mình phụ trách. Đồng thời, nhà quản lý phải có thời gian để thực hiện công việc của mình và có trách nhiệm giải trình phục vụ cho yêu cầu công việc cũng như đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp.

Giả thuyết H3: Nhận thức người làm kế toán tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm

Trong bất kỳ hệ thống kế toán nào cũng đòi hỏi người làm kế toán phải có ý thức trong hệ thống kế toán và hệ thống kế toán trách nhiệm cũng không ngoại lệ. Nhận thức người làm kế toán tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm, đó là một hệ thống phân bổ chi phí giữa các trung tâm tương ứng với hệ thống kế toán chi phí rõ ràng. Người làm kế toán là người kiểm soát tài chính của tổ chức, do đó cần có kỹ thuật kiểm soát ngân sách được áp dụng trong công ty với chi phí tiêu chuẩn trong các trung tâm tương ứng và sự phối hợp giữa các trung tâm trách nhiệm.

Giả thuyết H4: Nhận thức nhà quản lý tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhận thức nhà quản lý tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm là nhà quản lý được thông báo về hệ thống kế toán trách nhiệm và có trách nhiệm với hệ thống kế toán trách nhiệm khi nhà quản lý nhận thức được lợi ích của hệ thống kế toán trách nhiệm. Lợi ích của hệ thống kế toán trách nhiệm mang lại theo nhà quản lý chính là tăng khả năng trách nhiệm pháp lý nhà quản lý và góp phần làm tăng năng suất lao động.

Giả thuyết H5: Trở ngại khi thực hiện kế toán trách nhiệm tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm

Để có thể thực hiện thành công công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm, đòi hỏi các công ty dệt may phải khắc phục các nhược điểm là không có hệ thống cụ thể để khuyến khích, không có cơ sở để thiết lập báo cáo hiệu suất, không có tiêu chuẩn chi phí để đo lường hiệu suất và không có một hệ thống thống nhất cho các báo cáo hiệu suất.

Nhân tố phụ thuộc công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được đo lường bởi 5 biến quan sát: (1) Việc sử dụng kế toán trách nhiệm làm tăng khả năng thích ứng công ty; (2) Việc sử dụng kế toán trách nhiệm làm giảm chi phí; (3) Việc sử dụng kế toán trách nhiệm cải thiện doanh số bán hàng; (4) Việc sử dụng kế toán trách nhiệm làm tăng năng suất lao động; (5) Việc sử dụng kế toán trách nhiệm làm tăng sự hài lòng khách hàng.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Nghiên cứu được tiến hành thông qua 2 bước: Bước 1: Nghiên cứu định tính bằng xây dựng phát triển hệ thống khái niệm/thang đo và các biến quan sát và hiệu chỉnh biến quan sát phù hợp với thực tế; Bước 2: Nghiên cứu định lượng: Sử dụng hệ số tin cậy Cronbach's Alpha để kiểm định mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương quan với nhau; Phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để kiểm định các nhân tố ảnh hưởng và nhận diện các yếu tố được cho là phù hợp; đồng thời sử dụng phân tích hồi quy tuyến tính đa biến xác định các nhân tố và mức độ tác động của từng nhân tố đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, tác giả còn nghiên cứu sử dụng phương pháp thảo luận nhóm để xác định có 5 nhân tố với 24 biến quan sát được cho là có tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

3.2. Dữ liệu và phương pháp thu thập dữ liệu

Để phục vụ nghiên cứu, tác giả tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp nhằm kiểm định mô hình nghiên cứu. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phương pháp sưu tầm tài liệu, phương pháp phỏng vấn các nhà quản lý của các đơn vị.

Nội dung các câu hỏi là các biến quan sát đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tác giả sử dụng thang đo 5 Likert cho toàn bộ bảng hỏi: 1 - Hoàn toàn đồng ý; 2 - Không đồng ý; 3 - Bình thường; 4 - Đồng ý; 5 - Hoàn toàn đồng ý. Đối tượng khảo sát là thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban giám đốc, trưởng các đơn vị phòng, ban… trong danh sách các công ty cổ phần dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để sử dụng kiểm định EFA, kích thước mẫu phải lớn. Theo Tabachnick và cộng sự (2007) thì quy mô mẫu có thể xác định theo công thức: n >= 50 + 8k, với k là số biến độc lập của mô hình. Trong nghiên cứu này, số lượng biến độc lập đưa vào phân tích là 3 với 24 biến quan sát. Như vậy, cỡ mẫu tối thiểu phải là n = 50 + 8*24 = 242. Tác giả đã phát ra 400 bảng câu hỏi khảo sát thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 03/2018, thu về có 336 phiếu hợp lệ, còn 64 phiếu không hợp lệ, do vậy đề tài sử dụng cỡ mẫu 336 lớn hơn cỡ mẫu tối thiểu là phù hợp.

3.3. Phương pháp xử lý dữ liệu

Căn cứ số liệu khảo sát, bài viết sử dụng phần mềm SPSS Statistics 22.0 để phân tích độ tin cậy của các nhân tố cũng như các tiêu chỉ đo lường nhân tố; đồng thời, áp dụng phương pháp thống kê để tổng hợp, so sánh nhằm lượng hóa mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các kiểm định của mô hình.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

4.1. Kết quả nghiên cứu

4.1.1. Kiểm định chất lượng thang đo

Kiểm định độ tin cậy thang đo (kiểm định Cronbach's Alpha) thực hiện công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ số Cronbach Alpha > 0.6 chứng tỏ thang đo lường này là tốt. Tuy nhiên, nếu xét hệ số tương quan biến - tổng thì không có biến bị loại khỏi mô hình vì có giá trị nhỏ hơn 0.3 (Nunnally, 1978; Peterson, 1994; Slater, 1995). Vì vậy, các biến đo lường được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá tiếp theo.

4.1.2. Kiểm định tính thích hợp EFA

Kết quả kiểm định tính thích hợp EFA cho thấy hệ số KMO = 0.734 thỏa mãn điều kiện 0.5< KMO = 0.734 < 1 nên EFA phù hợp với dữ liệu. Kết quả kiểm định tương quan giữa các biến quan sát, qua kiểm định KMO và Bartlett, kiểm định Bartlett có Sig. < 0.01 các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.

4.1.3. Kiểm định mức độ giải thích các biến quan sát đối với nhân tố

Phương sai trích là 79.603% sau khi xoay. Điều này có nghĩa là 79.603% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát (thành phần của Factor).

4.1.4. Kết quả mô hình EFA

Như vậy, khi thực hiện phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax, kết quả các nhóm yếu tố được gom lại gồm 24 biến cụ thể như sau:

Nhóm 1 (nhân tố Nhận thức người làm kế toán) gồm 5 biến: NTKT1, NTKT2, NTKT3, NTKT4, NTKT5.

Nhóm 2 (yếu tố Trở ngại khi thực hiện kế toán trách nhiệm) gồm 4 biến: TNTH1, TNTH2, TNTH3, TNTH4.

Nhóm 3 (yếu tố Nhận thức nhà quản lý) gồm 5 biến: NTQL1, NTQL2, NTQL3, NTQL4, NTQL5.

Nhóm 4 (yếu tố Phân quyền nhà quản lý) gồm 6 biến: PQQL1, PQQL2, PQQL3, PQQL4, PQQL5, PQQL6.

Nhóm 5 (yếu tố Cơ cấu tổ chức) gồm 4 biến: CCTC1, CCTC2, CCTC3, CCTC4.

4.1.5. Kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

Nghiên cứu thực hiện chạy hồi quy tuyến tính đa biến với phương pháp đưa vào một lượt (phương pháp Enter), trong đó:

- X1, X2, X3, X4, X5 là các biến độc lập theo thứ tự từ nhóm 1 đến nhóm 5.

- Y: Tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

- β0: Hằng số tự do

Trong bảng số liệu, khi xét tstat và tá/2 của các biến để đo độ tin cậy, thì các biến độc lập TNTH, PQQL, NTQL, CCTC, NTKT đều đạt yêu cầu và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều < 0.05. Ngoài ra, hệ số VIF của các hệ số Beta đều nhỏ hơn 10 và hệ số Tolerance đều >0.5 cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra (Hoàng Trọng - Mộng Ngọc, 2008).

4.1.6. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi qui tuyến tính đa biến

Bảng trên cho thấy, giá trị hệ số tương quan là 0.783 >0.5. Do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập.

Ngoài ra hệ số xác định của mô hình hồi quy R2 hiệu chỉnh là 0.612. Nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 61.2%. Điều này cho biết khoảng 61.2% sự biến thiên của biến phụ thuộc (HTKTTN) là do tác động của các biến độc lập (TNTH, PQQL, NTQL, CCTC, NTKT), các phần còn lại là do sai sót của các yếu tố khác. Kiểm định Durbin Watson = 2.004 trong khoảng 1 < D < 3 nên không có hiện tượng tự tương quan của các phần dư (Hoàng Trọng - Mộng Ngọc, 2008).

4.2. Bàn luận

Từ các kết quả trên, phương trình hồi qui ước lượng các nhân tố tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thiết lập như sau:

HTKTTN = 0.604 CCTC + 0.132 PQQL + 0.152 NTKT + 0.014 NTQL – 0.240 TNTH

Dựa vào phương trình hồi qui cho thấy với 5 biến 24 nhân tố đưa vào mô hình sau khi thực hiện phương pháp rút trích Principal components, ta thấy các biến đều có tương quan đến việc thực hiện công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhân tố đều tương quan thuận tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là nhân tố “Cơ cấu tổ chức”, “Phân quyền nhà quản lý”, “Nhận thức người làm kế toán”, “Nhận thức nhà quản lý” tăng thêm 1 điểm thì công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng thêm lần lượt là 0.604; 0.132; 0.152; 0.014 và nhân tố “Trở ngại khi thực hiện kế toán trách nhiệm” tương quan nghịch với công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 1 điểm thì công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng thêm 0.240. Trong 4 nhân tố tương quan thuận thì nhân tố “Cơ cấu tổ chức” có tác động mạnh nhất với hệ số là 0.604.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

5.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy với 04 biến tương quan thuận và 01 biến tương quan nghịch tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam theo thứ tự các mức quan trọng là: Cơ cấu tổ chức, Nhận thức người làm kế toán, Phân quyền nhà quản lý, Nhận thức nhà quản lý và Trở ngại khi thực hiện kế toán trách nhiệm. Mô hình chính thực với hệ số chuẩn hóa như sau:

5.2. Kiến nghị

Các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cần có cơ cấu tổ chức rõ ràng, hợp lý với các phòng ban, bộ phận phù hợp với từng trung tâm trách nhiệm với sự phân quyền rõ ràng với từng phòng ban, bộ phận cũng như quyền hạn của nhà quản lý tại từng phòng ban, bộ phận do mình quản lý. Phân quyền nhà quản lý cũng gắn liền với chức năng giải trình nhà quản lý.

Để các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tổ chức thành công hệ thống kế toán trách nhiệm đòi hòi người làm kế toán phải nắm vững vai trò, chức năng của kế toán trách nhiệm đồng thời nhà quản lý phải hiểu được những lợi ích mà hệ thống kế toán trách nhiệm mang lại cho đơn vị.

Mặt khác, để tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm thành công thì các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cần khắc phục những trở ngại như xây dựng hệ thống khen thưởng, tiêu chuẩn đo lường và hệ thống báo cáo ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đàm Phương Lan, 2014. Kế toán trách nhiệm và ứng dụng kế toán trách nhiệm tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Nguyên, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, trang 203-208.

2. Đào Văn Tài và cộng sự, 2003. Kế toán quản trị áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam, Nhà Xuất bản Tài chính.

3. Hồ Mỹ Hạnh, 2015. Kế toán trách nhiệm và mối quan hệ với cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính.

4. Phạm Văn Dược, Trần Văn Tùng, Phạm Xuân Thành và Trần Phước, 2010. Mô hình báo cáo đánh giá trách nhiệm quản trị công ty niêm yết, Nhà xuất bản Phương Đông.

5. Thái Anh Tuấn, 2014. Vận dụng kế toán trách nhiệm trong trường đại học, Tạp chí Tài chính.

6. Trần Hải Long, 2014. Kế toán trách nhiệm trong quản lý kinh tế ở doanh nghiệp, Tạp chí Kế toán Kiểm toán.

7. Ali Amiri, Hojjatallah Salari, Maryam Omidvar, Jacob Thomas, 2013. Effectiveness Of Responsibility Accounting System Of The Organizational Structure And Managers Authority, International Journal Of Research In Computer Application & Management, Vol. 3, Iss. 08, pp. 44-46.

8. Mohammad Ebrahim Nawaiseh, Abdul-rahman Zeidan, Mahmoud Falahat and Atala Qtish, 2014. An Empirical Assessment of Measuring the Extent of Implementing Responsibility Accounting Rudiments in Jordanian Industrial Companies listed at Amman Stock Exchange, Advances in Management & Applied Economics, Vol. 4, No. 3, pp. 123-138.

9. Ronald W. Hilton, 1991. Managerial Accounting, McGraw-Hill Companies.

FACTORS AFFECTING THE ORGANIZATION

OF RESPONSIBILITY ACCOUNGTING SYSTEM

AT GARMENT COMPANIES LISTED ON VIETNAM'S STOCK MARKET

● Assoc. Prof. PhD. TRAN VAN TUNG

Ho Chi Minh City University of Technology

● MA. LY PHAT CUONG

MA. Ho Chi Minh City University of Foreign Languages - Information Technology

ABSTRACT:

This research aims to assess, constract and apply models with the factors influencing the organization of esponsibility accounting system at the textile companies listed on the stock market in Vietnam. From there, the author proposes solutions related to the factors that the textile companies listed on the stock market of Vietnam can implement. The author uses a mixed methodology to determine the impact dynamics of each factor in the accounting system organization model of responsibility at textile companies listed on the stock market of Vietnam.

Keywords: Responsibility accounting, responsibility accounting system, textile company, stock market, listing.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây