Những vấn đề về kế toán môi trường tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Trần Hằng Diệu (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Tài chính – Marketing)

TÓM TẮT:

Thực tiễn cho thấy, phát triển bền vững với sự kết hợp hài hòa của phát triển kinh tế, xã hội và môi trường là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây vấn đề bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết và là mối quan tâm không chỉ của riêng một quốc gia, một tổ chức, một doanh nghiệp hay một cá nhân nào. Điều này dẫn đến tất yếu ngoài các thông tin cơ bản về tình hình sản xuất - kinh doanh, cần phải có thông tin về kế toán môi trường tại các doanh nghiệp nhằm làm căn cứ chứng minh cho các nghĩa vụ bảo vệ môi trường, mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc luật lệ môi trường mà doanh nghiệp cần thực hiện. Bài viết trình bày một số nội dung cơ bản về kế toán môi trường, cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển kế toán môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: kế toán môi trường, doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Năm 2015, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững đã thông qua văn kiện “Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development” - “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu tổng quát và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, trong đó vấn đề tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu tiếp tục là các mục tiêu ưu tiên. “Phát triển xanh” là hình thức phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tiêu hao ít tài nguyên và không gây hại đến môi trường sinh thái. Chỉ tiêu tổng hợp nhất là GDP xanh được dùng để phản ánh sự phát triển xanh. Như vậy, phát triển xanh là phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức với nền tảng dân trí giáo dục cao.

Tại Việt Nam, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế bảo vệ môi trường, các nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, hủy hoại môi trường. Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cần tuân thủ các quy định pháp lý về môi trường do Nhà nước ban hành. Trong quá trình sản xuất, tất yếu sẽ phải phát sinh các loại chi phí liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường như chi phí xử lý chất thải, khí thải; xử lý nguồn nước; xử lý ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn,... Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động sản xuất phát sinh các rủi ro ngoài dự kiến như tràn bể chất thải, ô nhiễm chất thải quá mức quy định, chậm thực hiện nghĩa vụ thuế - phí bảo vệ môi trường,… doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khoản nợ bồi thường phát sinh, các khoản phạt chậm nộp thuế. Đồng thời, doanh nghiệp phải phân bổ chi phí môi trường như thế nào vào giá thành sản phẩm cho hợp lý.

Như vậy, trong hoạt động của bất kỳ một doanh nghiệp nào trong bối cảnh hiện nay cũng không thể thiếu các thông tin liên quan tới vấn đề môi trường. Để phục vụ cho nhu cầu cung cấp thông tin cho quản trị điều hành doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng thông tin liên quan, cần thiết phải hình thành kế toán môi trường trong hệ thống kế toán doanh nghiệp.

2. Tổng quan về kế toán môi trường

Kế toán môi trường đã xuất hiện ở các nước phát triển từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Kế toán môi trường xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1972, sau Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tại Stockhom (Thụy Điển) vào năm 1972, nhưng chú trọng vào việc hạch toán ở cấp độ quốc gia. Đến năm 1990, kế toán môi trường tại các doanh nghiệp mới bắt đầu được nghiên cứu. Đến năm 1992, Ủy ban Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ tiến hành dự án về kế toán môi trường với nhiệm vụ khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ các khía cạnh về chi phí môi trường, mối quan hệ giữa chi phí môi trường và các yếu tố về môi trường trong các quyết định kinh doanh.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về kế toán môi trường. Theo Cơ quan Phát triển Bền vững của Liên Hiệp quốc (UNDSD, 2003) thống nhất giữa các nhóm chuyên gia đến từ 30 quốc gia đã đưa ra định nghĩa như sau: “Hạch toán quản lý môi trường là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ. Thông tin vật chất (phi tiền tệ) về sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường”. Theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) định nghĩa “Kế toán môi trường là một thuật ngữ có nghĩa rộng, bao gồm nhiều hàm ý như việc đánh giá và công bố thông tin môi trường kết hợp thông tin tài chính trong kế toán và báo cáo tài chính; đánh giá và sử dụng thông tin liên quan môi trường dưới hình thức đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất trong kế toán quản trị môi trường; việc ước tính chi phí và tác động môi trường bên ngoài doanh nghiệp, thường liên quan kế toán chi phí đầy đủ; kế toán nguồn lực và dòng luân chuyển của các tài nguyên thiên nhiên dưới dạng đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất, thường gọi là kế toán tài nguyên thiên nhiên; thu thập và báo cáo thông tin kế toán cấp độ doanh nghiệp, thông tin kế toán tài nguyên thiên nhiên và các thông tin khác để phục vụ mục tiêu kế toán quốc gia; xem xét thông tin dưới hình thức đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất liên quan đến môi trường trong khi thực hiện kế toán bền vững”.

Chi phí môi trường có nhiều loại với các đặc điểm khác nhau, doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp phổ biến trên thế giới, như: Phương pháp hạch toán chi phí dòng vật liệu (MFCA), phương pháp xác định chi phí môi trường dựa trên cơ sở hoạt động (ABC).

Theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế, chi phí môi trường được chia thành 6 loại sau:

(1) Chi phí vật liệu có trong đầu ra của sản phẩm

(2) Chi phí vật liệu không có trong sản phẩm đầu ra

(3) Chi phí xử lý và kiểm soát chất thải, phát thải

(4) Chi phí phòng chống ô nhiễm và chi phí quản lý môi trường khác

(5) Chi phí nghiên cứu và phát triển

(6) Chi phí môi trường ít tồn tại hữu hình.

Thu nhập môi trường là kết quả thu được từ quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến môi trường trong doanh nghiệp tạo ra,  như: thu nhập từ trợ giá tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs), thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm còn giá trị sử dụng tạo ra từ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các thông tin liên quan đến thu nhập môi trường về tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích, cải thiện chất lượng môi trường sẽ giúp cho nhà đầu tư và các bên liên quan có cái nhìn tổng quát và đánh giá được trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp.

Xây dựng hệ thống kế toán môi trường sẽ giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích, cụ thể là:

Thứ nhất, kế toán môi trường góp phần giảm thiểu chi phí chung của toàn doanh nghiệp. Hệ thống kế toán môi trường thực hiện các chức năng như quan sát, nhận diện, quản trị và cắt giảm các chi phí liên quan tới môi trường tại doanh nghiệp. Dựa vào số liệu do kế toán môi trường cung cấp, doanh nghiệp có thể nghiên cứu, tìm ra các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; nghiên cứu hệ thống xử lý chất thải, tìm kiếm nguồn tái chế, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động chung toàn doanh nghiệp.

Thứ hai, cải thiện hình ảnh từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp chú trọng tới bảo vệ môi trường và có tổ chức kế toán môi trường thì khả năng sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng. Hình ảnh của doanh nghiệp được cải thiện cũng giúp thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư hơn. Đồng thời, khi thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước hơn.

3. Thực trạng áp dụng kế toán môi trường tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Chính phủ cũng nhanh chóng nhìn nhận được các hậu quả do ô nhiễm môi trường đem lại đối với xã hội và nền kinh tế. Hàng loạt các chính sách tích cực được triển khai nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005. Tiếp đó, ngày 15/11/2010, Luật Thuế bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII. Trên cơ sở đó, ngày 08/08/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường; Bộ Tài chính ban hành các thông tư: Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ. Tuy vậy, các chính sách này vẫn còn nhiều điểm thiếu và chưa đồng bộ. Khi triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chế tài xử phạt đối với các cá nhân và doanh nghiệp vi phạm vẫn còn nhẹ, chưa đem lại hiệu quả cao.

Về hành lang pháp lý cho công tác kế toán, tại Việt Nam chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc tổ chức kế toán môi trường tại doanh nghiệp. Chế độ hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp trong việc bóc tách và theo dõi chi phí môi trường ra khỏi chi phí sản xuất - kinh doanh. Chưa có các tài khoản kế toán cụ thể dùng để ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường, như: chi phí khấu hao các thiết bị, phân xưởng xử lý chất thải, chi phí quan trắc môi trường, chi phí an toàn lao động, chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường sống. Hiện tại, các khoản chi phí và thu nhập này cũng chưa thể hiện trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và chưa giải trình cụ thể trên thuyết minh báo cáo tài chính. Điều này khiến những người sử dụng thông tin kế toán môi trường, đặc biệt là các nhà quản lý khó phát hiện quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng. Đồng thời, các nhà quản lý cũng khó có được bức tranh toàn cảnh để đánh giá đầy đủ và chính xác hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cũng như nhìn nhận được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Do đó, khi so sánh giữa lợi ích và chi phí bỏ ra, họ có xu hướng thiên về các lợi ích trước mắt trong ngắn hạn, hơn là việc tính đến tác động các yếu tố môi trường trong việc lập phương án sản xuất - kinh doanh. Doanh nghiệp chưa có tầm nhìn vĩ mô trong các hoạt động sản xuất, nhằm giữ gìn môi trường để đạt tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Khái niệm về trách nhiệm xã hội còn xa lạ hoặc thậm chí bị nhiều doanh nghiệp bỏ qua. Theo Dương Thị Thanh Hiền (2018), “tình trạng doanh nghiệp “trốn’’ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày càng phổ biến, kế toán môi trường nói chung và kế toán môi trường trong các doanh nghiệp thủy điện nói riêng thực sự chưa được coi trọng như mong muốn của các cơ quan quản lý”. Theo Trần Anh Quang (2019), “việc khai thác sử dụng cạn kiệt tài nguyên cùng với lượng chất thải xả ra môi trường trong quá trình sản xuất đang đòi hỏi kế hoạch sản xuất phải có sự tham gia của kế toán môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến thông tin do kế toán môi trường cung cấp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất xi măng”. Theo Trần Phương Thúy (2020), “một lượng lớn là chất thải rắn, bao bì, các loại thức ăn thừa, các vật liệu sử dụng trong công việc vệ sinh và bảo trì, tuy nhiên có rất ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn am hiểu và vận dụng kế toán quản trị môi trường vào công tác quản lý nói chung và công tác kế toán nói riêng”.

Về công tác đào tạo, tuy có một số cơ sở trường học đã đưa môn học Kế toán quản trị môi trường vào chương trình, nhưng vẫn còn rất đơn giản. Thậm chí nhiều trường hiện tại không có môn học này. Do không có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực, nên đội ngũ kế toán viên có chuyên môn về kế toán môi trường hầu như còn rất ít. Tại các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có đặc thù ngành nghề liên quan tới môi trường như công ty sản xuất xi măng, khai thác mỏ, khoáng sản, sản xuất nhựa, may mặc,... chưa có doanh nghiệp nào phân bổ kế toán viên chuyên trách công tác kế toán môi trường, vẫn thực hiện luân chuyển chứng từ theo kế toán truyền thống.

4. Một số giải pháp thúc đẩy áp dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam

4.1. Về phía Nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp

Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục ban hành và hoàn thiện hệ thống các văn bản luật và hướng dẫn liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường một cách đồng bộ. Đồng thời, cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức bảo vệ môi trường, các hiệp hội nghề nghiệp.

Thứ hai, Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về môi trường cho các doanh nghiệp; cần có các chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp nhìn nhận được các lợi ích mà việc đáp ứng các yêu cầu về môi trường mang lại cho quốc gia và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường các chế tài xử lý và biện pháp răn đe đối với các doanh nghiệp không tuân thủ.

Thứ ba, Bộ Tài chính cần ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn về lĩnh vực kế toán môi trường trong doanh nghiệp. Cụ thể, cần bổ sung tài khoản kế toán, các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với hoạt động môi trường, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động môi trường trong hệ thống Báo cáo tài chính. Phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp để ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển ứng dụng hiệu quả kế toán môi trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản,... nhằm đảm bảo hội tụ với các chuẩn mực quốc tế.

4.2. Về phía các doanh nghiệp

Thứ nhất, các doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm đối với xã hội liên quan tới các vấn đề về môi trường. Đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong nhóm sản xuất - kinh doanh có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cần quan tâm tổ chức công tác kế toán môi trường, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho bộ phận này.

Thứ hai, tìm hiểu và vận dụng kinh nghiệm về kế toán môi trường từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong cùng lĩnh vực, ngành nghề. Mạnh dạn thử nghiệm áp dụng kế toán môi trường cho một bộ phận, một đơn vị hoặc một xưởng sản xuất trước khi áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp.      

Thứ ba, hoạch định kế hoạch kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các tiêu chuẩn và luật pháp về môi trường của sản phẩm, đánh giá các lợi ích đem lại từ việc tuân thủ các qui định về môi trường. Hướng tới mở rộng sản xuất và phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

4.3. Về phía các cơ sở đào tạo

Hiện nay, hầu hết các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo đã được định hướng và trao quyền tự chủ, do đó các cơ sở giáo dục đào tạo cần chú trọng tới nhu cầu đầu ra của xã hội để có thể tăng cường năng lực cạnh tranh. Bước đầu, đưa vấn đề về kế toán môi trường vào thảo luận dưới dạng các chuyên đề, hội thảo. Sau đó, cần đẩy mạnh việc đưa vào giảng dạy các môn Kế toán môi trường, Kế toán quản trị môi trường nhằm góp phần chuẩn bị lực lượng chuyên môn có kiến thức, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

5. Kết luận

Kế toán môi trường tại Việt Nam tuy không phải là một vấn đề quá mới, nhưng hiện tại chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức. Để hướng tới áp dụng kế toán môi trường tại Việt Nam, sẽ cần nhiều yếu tố, trong đó có việc hoàn thiện môi trường pháp lý và ban hành khuôn khổ kế toán môi trường. Trên cơ sở từng bước hội tụ với các chuẩn mực kế toán quốc tế, Việt Nam đang cải tiến lại các chế độ kế toán, đặc biệt là các chuẩn mực kế toán theo hướng tuân thủ hoàn toàn với các chuẩn mực kế toán quốc tế. Theo hướng này, việc nhận thức về các vấn đề môi trường của nhà quản trị doanh nghiệp sẽ được nâng cao và chất lượng thông tin của báo cáo tài chính môi trường sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2011). Nghị định số 67/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường.
  2. Dương Thị Thanh Hiền (2018). Vai trò và định hướng phát triển kế toán môi trường trong các doanh nghiệp thủy điện. Tạp chí Tài chính. Truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/vai-tro-va-dinh-huong-phat-trien-ke-toan-moi-truong-trong-cac-doanh-nghiep-thuy-dien-137139.html
  3. International Federation of Accountants. (2005). Environmental Management Accounting, International Guidance Document. Retrieved from: https://www.ifac.org/system/files/publications/files/international-guidance-docu-2.pdf
  4. Quốc hội (2010). Luật số 57/2010/ QH12 Luật Thuế Bảo vệ môi trường.
  5. Trần Anh Quang (2019). Kế toán môi trường trong doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam hiện nay. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ke-toan-moi-truong-trong-doanh-nghiep-san-xuat-xi-mang-viet-nam-hien-nay-306004.html
  6. Trần Phương Thúy (2020). Kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tạp chí Công Thương. Truy cập tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ke-toan-quan-tri-moi-truong-tai-cac-doanh-nghiep-kinh-doanh-dich-vu-khach-san-tren-dia-ban-tinh-nam-dinh-71594.htm

SOME ENVIRONMENTAL ACCOUNTING ISSUES AT VIETNAMESE ENTERPRISES

Tran Hang Dieu

Faculty of Accounting - Auditing

University of Finance - Marketing

Abstract:

The fact shows that sustainable development with a harmonious combination of economic, social and environmental development is a megatrend in the world. In recent years, the environmental protection has become an issue of major concern to countries, organizations, enterprises and also individuals. It leads to the demand for business and production information to demonstrate the environmental protection obligations, the compliance of enterprises with environmental regulations. This paper presents some basic contents about environmental accounting and offers some solutions to develop environmental accounting in Vietnam in the coming time.

Keywords: environmental accounting, business, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]