Tầm quan trọng của dữ liệu thống kê
Tầm quan trọng của dữ liệu thống kê đã được tổ chức Thống kê thế giới đưa ra câu khẩu hiệu như “Dữ liệu thống kê tốt hơn cuộc sống tốt hơn”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Hãy kết nối thế giới bằng dữ liệu đáng tin cậy”. Điều này càng khẳng định dữ liệu thống kê ngày càng quan trọng.
Trong thời gian qua, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động với việc các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp nhiều khó khăn, qua đó có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong đó có hoạt động ngoại thương. Trong bối cảnh đó, những dữ liệu thống kê về hoạt động thương mại của Việt Nam với các đối tác FTA có thể giúp cơ quan tham mưu cho các bộ, ngành liên quan thấy được bức tranh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với thị trường thế giới và có những điều chỉnh kịp thời về chính sách kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát, trong điều kiện giá năng lượng và các vật tư chiến lược trên thị trường thế giới biến động không ngừng, tổng cầu thế giới phục hồi chưa chắc chăn.
Đồng thời, dữ liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và các đối tác FTA có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng kế hoạch kinh doanh và đưa ra các quyết định kịp thời. Doanh nghiệp không bao giờ muốn lãng phí thời gian, tiền bạc và nhân lực để nhằm vào thị trường ít quan tâm đến hàng hóa dịch vụ mà họ đang cung cấp. Chính vì vây, các doanh nghiệp thường săn lùng dữ liệu thống kê để hiểu rõ một cách rõ ràng hơn khu vực thị trường nào cần được doanh nghiệp danh cho nhiều nguồn lực và công sức hơn, khu vực thị trường nào cần được thu hẹp lại.
Nơi cung cấp dữ liệu thống kê
Nhằm hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công chúng nắm được một cách đầy đủ, chính xác, cập nhật thông tin về các FTA mà Việt Nam tham gia; trong đó tập trung lượng hóa, hệ thống hóa hoạt động thương mại của Việt Nam và các đối tác FTA, Cổng thông điện tử về các FTA (FTAP) thiết kế mục Dữ liệu và Thống kê. Mục Dữ liệu và Thống kê xuất hiện ở các FTA và đã được cập nhật ở các FTA như EVFTA, CPTPP, hay UKVFTA…
Điểm nhấn dễ thấy nhất của mục Dữ liệu và Thống kê là tập trung vào các ngành hàng và các thị trường quan trọng. Chỉ cần đọc tiêu đề các bài viết trong mục này cũng thấy rõ điều đó:
- Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu từ các thị trường đối tác trong các FTA đa phương 6 tháng đầu năm 2023;
-Nhập khẩu rau quả từ các thị trường đối tác trong các FTA đa phương 6 tháng đầu năm 2023;
-Báo cáo nhập khẩu ngành sữa và sản phẩm sữa từ các thị trường trong các FTA đa phương 6 tháng đầu năm 2023;
- Báo cáo về 10 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ EU trong 5 tháng đầu năm 2023;
-Thống kê xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác trong EAEU từ tháng 1-tháng 6/2023;
-Báo cáo nhập khẩu hóa chất từ các thị trường trong các FTA đa phương 6 tháng đầu năm 2023;
- Báo cáo triển vọng cho ngành cà phê từ Hiệp định UKVFTA;
- 10 địa phương dẫn đầu về trị giá nhập khẩu trong tháng 7/2023.
Trong các báo cáo này, các dữ liệu thống kê tập trung vào thị trường các FTA có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn với Việt Nam. Cụ thể, các báo cáo về thị trường rau quả, sữa, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất… tập trung thống kê và phân tích từ các đối tác trong các FTA: EVFTA, RCEP, CPTPP, ATIGA, EAEU…
Những báo cáo này không chỉ là số liệu thống kê, mà còn có những phân tích dữ liệu cụ thể. Ví dụ như trong Báo cáo nhập khẩu hóa chất từ các thị trường trong các FTA đa phương 6 tháng đầu năm 2023, phân tích: Xét theo các thị trường cung ứng thuộc các FTA đa phương khác nhau mà Việt Nam tham gia thì trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ các thị trường thành viên của RCEP, với 411,3 triệu USD trong tháng 6 và tổng cộng 2,57 tỷ USD trong nửa đầu năm. Như vậy riêng khối thị trường này đã chiếm tới 67,48% tổng nhập khẩu hóa chất của nước ta trong 6 tháng đầu năm nay. Tính chung nhập khẩu hóa chất từ các thị trường thuộc RCEP vào Việt Nam giảm 27,2% trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong RCEP, Trung Quốc là nhà cung ứng hóa chất lớn nhất cho nước ta, với 1,44 tỷ USD 6 tháng đầu năm nay, chiếm 37,86% tổng trị giá nhập khẩu từ thế giới và 56% tổng trị giá nhập khẩu từ các thị trường thành viên của RCEP.
Đứng thứ hai là nhập khẩu từ các thị trường CPTPP, với 84,4 triệu USD trong tháng 6 và 639,1 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, tổng nhập khẩu từ các thị trường trong CPTPP đã giảm 26,99% so với cùng kỳ năm trước, do nhập khẩu từ các thị trường thành viên ở châu Á giảm mạnh.
Việt Nam cũng nhập khẩu hóa chất từ các thị trường trong EVFTA, với trị giá 224,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, chiếm 5,89%. Đặc biệt, trong bối cảnh nhập khẩu từ hầu hết các thị trường sụt giảm thì nhập khẩu từ các thành viên của EVFTA lại tăng 28,31% trong nửa đầu năm nay.
Nhập khẩu từ các thị trường trong EAEU cũng tăng 22,92% so với 6 tháng đầu năm 2022, nhưng chỉ đạt 23,99 triệu USD và chiếm tỷ lệ khiêm tốn là 0,63% tổng trị giá nhập khẩu hóa chất của Việt Nam.
Và có những nhận định rất đáng chú ý, giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình tổng quan một cách nhanh nhất:
- Cần lưu ý là một số thành viên trong CPTPP đồng thời cũng là các thành viên trong RCEP và ASEAN, do đó tổng tỷ trọng của các thị trường theo FTA đa phương cộng lại có thể lớn hơn 100%;
- Trong khi nhập khẩu từ các thị trường trong RCEP, CPTPP sụt giảm ở mức 2 con số trong 6 tháng đầu năm 2023 so cùng kỳ năm trước, nhập khẩu từ các thị trường trong EVFTA và EAEU lại gia tăng.