TÓM TẮT:
Y tế là một trong những dịch vụ thiết yếu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người. Xu hướng chung, khi nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế càng cao, nhưng Nhà nước vẫn phải cung ứng phần lớn dịch vụ y tế cho xã hội. Vì thế, đầu tư công (ĐTC) cho y tế luôn là mối quan tâm của các chính phủ trong nền kinh tế thị trường. Việt Nam luôn khẳng định xây dựng và phát triển nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc chú trọng đến ĐTC cho y tế cũng là lẽ tất yếu. Do ĐTC là lĩnh vực có nội hàm khá rộng, nên trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến phân cấp quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương của Việt Nam.
Từ khóa: y tế, đầu tư công, quản lý vốn đầu tư công cho y tế.
1. Mô hình phân cấp quản lý vốn đầu tư công cho y tế ở cấp trung ương
Y tế là một trong những lĩnh vực quan trọng được nhận vốn từ ĐTC. Thông qua đó, đại đa số người dân có cơ hội được tiêu dùng các dịch vụ y tế thiết yếu nên phần lớn vốn ĐTC cho y tế được hình thành từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Do đó, việc xác lập mô hình tổ chức quản lý vốn ĐTC cho y tế bị chi phối bởi mô hình tổ chức hệ thống NSNN và phân cấp quản lý NSNN Việt Nam.
Luật NSNN Việt Nam hiện hành đã quy định nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương, trước hết là: “Đầu tư cho các dự án, bao gồm cả các dự án có tính chất liên vùng, khu vực của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương theo các lĩnh vực…” [10, điều 36, khoản 1, điểm a]. Như vậy, các khoản chi đầu tư phát triển cho y tế ở cấp Trung ương được giao cho Bộ Y tế quản lý điều hành dựa trên những quy định khung của pháp luật NSNN và ĐTC hiện đang có hiệu lực thi hành. Theo đó, mô hình phân cấp về quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương của Việt Nam hiện nay được mô tả qua Hình 1.
Hình 1: Mô hình quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương của Việt Nam
Nguồn: Tác giả tổng hợp và xây dựng
Theo Hình 1, phân cấp quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương của Việt Nam được mô tả khái quát như sau:
- Bộ Y tế với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về y tế của quốc gia chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động ĐTC được đảm bảo từ vốn ĐTC của trung ương cấp cho ngành.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính với tư cách là các cơ quan chức năng giúp Chính phủ về quản lý ĐTC và NSNN, chịu trách nhiệm hướng dẫn, thẩm định, tổng hợp nhu cầu ĐTC của Bộ Y tế vào kế hoạch ĐTC và kế hoạch vốn ĐTC trung hạn và hằng năm trình Chính phủ [8].
- Chính phủ trình Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTC trung hạn nguồn NSNN, Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, và dự toán NSNN hằng năm; trong đó có vốn kế hoạch ĐTC cho y tế ở cấp trung ương.
Sau khi Quốc hội đã quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau, Chính phủ phải “... quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương …” [10, điều 25, khoản 4]; trong đó có Bộ Y tế.
Kể từ khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Y tế trở thành cơ quan chủ quản các dự án sử dụng vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Y tế có quyền tiến hành phân cấp quản lý, sử dụng vốn ĐTC thuộc ngành sao cho có thể đạt hiệu quả một cách tốt nhất.
Từ quý II năm 2014 đến nay, mô hình tổ chức quản lý vốn ĐTC ở Bộ Y tế đã có những thay đổi đáng kể; cụ thể: ngày 07 tháng 3 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định 789/QĐ-BYT, về việc thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) y tế trọng điểm với nhiệm vụ “… giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý và tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam và các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế trọng điểm khác…” [1, điều 2].
Từ quý II năm 2016, bộ máy quản lý vốn ĐTC ở Bộ Y tế lại được bổ sung thêm một bộ phận nữa là Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế (BQLDACTYT) trực thuộc Bộ Y tế. Nhiệm vụ của Ban này là: “… giúp Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư một số dự án xây dựng công trình y tế của Bộ Y tế khi được Bộ trưởng giao; thực hiện chức năng quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng vốn NSNN, vốn nhà nước ngoài ngân sách do Bộ trưởng giao hoặc hợp đồng với các chủ đầu tư và thực hiện dịch vụ tư vấn quản lý các dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật.” [2, điều 2].
Ngoài ra, còn có một số đơn vị chủ đầu tư là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có dự án ĐTC được triển khai thực hiện tại cơ sở đang hoạt động hoặc cơ sở mới được đầu tư thêm - cơ sở 2; từ đó làm phong phú thêm số lượng các đơn vị chủ đầu tư cùng tham gia quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp trung ương.
Mối quan hệ giữa các đơn vị, bộ phận, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp trung ương được phản ánh tóm tắt như Hình 2.
Hình 2: Mô hình phân cấp quản lý vốn ĐTC tại Bộ Y tế
Nguồn: Tác giả tổng hợp và xây dựng
Hình 2 cho thấy mô hình phân cấp quản lý vốn ĐTC tại Bộ Y tế cũng khá phức tạp. Chịu trách nhiệm quản lý chung là Bộ trưởng Bộ Y tế. Tham mưu đắc lực cho Bộ trưởng về quản lý vốn ĐTC cho y tế là Vụ Kế hoạch - Tài chính [4]. Tham mưu cho Bộ trưởng về quy hoạch xây dựng, về trang bị và sử dụng vốn ĐTC để mua sắm trang thiết bị y tế là Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế [3]. Bên cạnh đó, có 3 loại đơn vị giữ vai trò đơn vị chủ đầu tư được quan hệ trực tiếp và toàn diện với Bộ trưởng Bộ Y tế và các Vụ chức năng để giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình quản lý dự án; cụ thể:
(i) Ban QLDA y tế trọng điểm giữ vai trò là chủ đầu tư dự án xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế trọng điểm khác (nếu có) theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế;
(ii) BQLDACTYT thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư một số dự án xây dựng công trình y tế khi được Bộ trưởng giao;
(iii) Một số đơn vị sự nghiệp y tế (SNYT) trực thuộc Bộ cũng được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng công trình y tế theo quy định của Bộ trưởng.
Trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương được xác định như sau:
- Tại các đơn vị chủ đầu tư: trách nhiệm, quyền hạn cao nhất thuộc về thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án xây dựng công trình y tế. Thủ trưởng đơn vị chủ đầu tư phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định tại điều 68 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Đơn vị chủ đầu tư phải phải phối hợp chặt chẽ với Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Tại Ban QLDA y tế trọng điểm và BQLDACTYT: trách nhiệm, quyền hạn cao nhất thuộc về Giám đốc Ban - người được giao làm chủ đầu tư và thực hiện chức năng quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình y tế sử dụng vốn NSNN, vốn nhà nước ngoài ngân sách và các nguồn vốn khác thông qua các hợp đồng với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị khác.
Tại Vụ Kế hoạch - Tài chính: trách nhiệm, quyền hạn cao nhất thuộc về Vụ trưởng - người có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về tài chính và quản lý đầu tư của ngành Y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế [4].
Tại Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế: trách nhiệm, quyền hạn cao nhất thuộc về Vụ trưởng - người có trách nhiệm về quy hoạch xây dựng các công trình y tế và mua sắm các trang thiết bị y tế [3].
Trong toàn hệ thống, trách nhiệm, quyền hạn cao nhất thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế - người chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động ĐTC của ngành Y tế được đảm bảo bằng vốn ĐTC của Trung ương.
Mô hình phân cấp quản lý vốn ĐTC mà Bộ Y tế đã thiết lập như trên, về cơ bản đảm bảo được tính hợp pháp và phản ánh đúng tính chất của mô hình trực tuyến - chức năng trong tổ chức bộ máy. Nhờ đó, vừa phát huy được quyền quản lý tập trung của Bộ trưởng Bộ Y tế, vừa từng bước đề cao tính chuyên nghiệp hóa trong quản lý dự án đầu tư; đồng thời có kết hợp với đặc thù của từng dự án trên nhiều phương diện. Vì thế, lãnh đạo Bộ Y tế kỳ vọng rằng, hiệu quả ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương sẽ không ngừng được cải thiện. Thực tế cũng đã chứng minh, quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương đã có những đóng góp đáng kể vào kết quả hoạt động của ngành này trong những năm qua, như: các cơ sở y tế do Trung ương quản lý được phân bổ khá đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước; trang thiết bị và nhân lực của các cơ sở y tế do Trung ương quản lý luôn được nâng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ y tế chất lượng cao cho nhân dân trong nước và khách quốc tế; các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo lứa tuổi đã và đang từng bước được phát triển theo hướng chuyên ngành và rộng khắp ở các vùng miền; khả năng phản ứng với dịch bệnh - đặc biệt như đại dịch Covid - 19, của ngành Y tế được nhân dân tin tưởng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước đánh giá cao;…
Bên cạnh đó, cơ chế phân cấp quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương đã dần bộc lộ một số hạn chế sau:
Thứ nhất, phân cấp khá nhiều dự án cho thủ trưởng các đơn vị SNYT trực thuộc làm chủ đầu tư dự án, như: Dự án xây dựng Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa; Dự án Nâng cấp trang thiết bị Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2; Dự án Đầu tư trang thiết bị đơn vị gen trị liệu Bệnh viện Bạch Mai; Dự án xây dựng cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương; Dự án xây dựng cơ sở 2 - Trường Đại học Y dược Đà Nẵng;… Tính chung trong cả giai đoạn 2016 - 2020, có gần 35% số dự án được giao cho thủ trưởng các đơn vị SNYT làm chủ đầu tư. Kéo theo đó, mỗi đơn vị lại phải thành lập Ban QLDA đầu tư; trong khi quản lý dự án đầu tư luôn là lĩnh vực khó, phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn vừa rộng, vừa sâu; đồng thời phải tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động QLDA đầu tưmới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặt khác, pháp luật về xây dựng cũng chỉ cho phép cấp Bộ “… thành lập Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực để quản lý một số dự án thuộc cùng chuyên ngành, tuyến công trình hoặc trên cùng một địa bàn.” [9, điều 63, khoản 1].
Thứ hai, vấn đề phân định trách nhiệm giải trình và gánh chịu hậu quả. Đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế; do tính đặc thù về cơ cấu vốn đầu tư của các công trình này. Thực tế cho thấy, vốn đầu tư cho các đơn vị SNYT nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu hoặc khả năng khám, chữa bệnh, nên phụ thuộc rất nhiều vào trình độ công nghệ của các trang thiết bị đã được đầu tư. Về mặt pháp lý, trách nhiệm lựa chọn trình độ công nghệ và mức giá phù hợp của các trang thiết bị y tế là thuộc về chủ đầu tư. Nhưng trong thực tiễn quản lý thì không phải chủ đầu tư nào cũng tinh thông về trình độ công nghệ và mức giá hợp lý của các trang thiết bị đó. Mặt khác, việc sử dụng vốn ĐTC để mua sắm các trang thiết bị y tế lại thuộc danh mục mua sắm tập trung và thẩm quyền kiểm soát của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế. Tuy nhiên, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế lại không chịu trách nhiệm về mức giá của các trang thiết bị y tế đã được các chủ đầu tư trình thẩm định. Nhưng, sau khi có được bút phê mang tính đồng thuận của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thì các chủ đầu tư tự hiểu rằng, việc mua sắm các trang thiết bị y tế đã được Vụ chức năng nhất trí hoàn toàn và yên tâm triển khai các thủ tục mua sắm. Ở đây rõ ràng có vấn đề về tính trách nhiệm trong quá trình thẩm định hồ sơ đấu thầu của các Vụ chức năng [5, điều 104, khoản 4], của Bộ trưởng [7, điều 73], nhất định phải được ràng buộc một cách chặt chẽ và đầy đủ.
Thứ ba, vấn đề áp giá dịch vụ y tế. Đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, với lộ trình đến năm 2020 phải tính đủ cả khấu hao tài sản cố định (TSCĐ). Trong khi, khấu hao TSCĐ luôn phải dựa trên một căn cứ rất quan trọng là nguyên giá của các TSCĐ này. Nguyên giá của TSCĐ là tổng các chi phí vốn đầu tư được phép tính vào giá trị của từng TSCĐ. Như vậy, giữa vốn ĐTC cho các cơ sở y tế công lập - “Đầu vào”, với giá dịch vụ y tế - “Đầu ra” của chính cơ sở y tế đó là mối quan hệ mật thiết của vòng chu chuyển vốn. Vậy nên, khi vốn ĐTC được quyết toán vào giá trị khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành của các dự án y tế càng cao, thì giá dịch vụ y tế càng cao, gánh nặng y tế sẽ trút lên người bệnh và Bảo hiểm y tế. NSNN thiệt đơn, thiệt kép, vì vừa phải cấp vốn ĐTC cho y tế công lập, vừa phải cấp bù cho bảo hiểm y tế và hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế. Gánh nặng cuối cùng lại đổ lên đầu người dân do thuế tăng, hoặc NSNN không đủ tiền dành cho đầu tư phát triển để có thể đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” mà Đảng đã đề ra… Như vậy, một loạt hệ lụy ở cả tầm vĩ mô và vi mô sẽ xảy ra với các mức độ khác nhau có liên quan đến trách nhiệm trong quản lý vốn ĐTC của ngành Y tế ở cấp Trung ương.
3. Một số khuyến nghị
Từ thực trạng phân cấp quản lý vốn ĐTC cho y tế ở cấp Trung ương như trên, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị sau:
Một là, Bộ Y tế cần sớm nghiên cứu và sắp xếp lại số lượng các đơn vị chủ đầu tư để làm cơ sở cho kiện toàn lại các Ban QLDA đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành. Theo đó, Bộ Y tế chỉ nên có 2 Ban QLDA đầu tư, như sau:
- Ban QLDA y tế trọng điểm tiếp tục hoạt động để thực hiện nhiệm vụ quản lý các dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ [6, điều 4, khoản 1]. Tuy nhiên, các thành viên của Ban này cần phải được kiện toàn lại theo hướng: Thành viên của Ban QLDA y tế trọng điểm đang thực hiện xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức tại Phủ Lý tiếp tục duy trì cho đến khi dự án hoàn thành toàn bộ; Thành viên của Ban QLDA y tế trọng điểm tại các dự án khác nhất thiết phải là những người đáp ứng tốt về năng lực chuyên môn và làm việc toàn thời gian tại Ban. Số lượng người và tuyển chọn người làm việc cho Ban này do Trưởng Ban QLDA y tế trọng điểm quyết định dựa vào quy định của pháp luật và các “đầu ra” mà Bộ Y tế đặt hàng.
- Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế trực thuộc Bộ Y tế (viết tắt là BQLDACTYT), tiếp tục tồn tại và phải mở rộng hoạt động theo hướng chịu trách nhiệm làm chủ đầu tư các công trình y tế của Bộ Y tế (trừ các công trình y tế trọng điểm). Trong BQLDACTYT có thể thành lập thêm các Ban QLDA khu vực [6, điều 4, khoản 2]. Việc thành lập Ban QLDA khu vực nên trao lại quyền cho Giám đốc BQLDACTYT, bởi Ban này hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập đã được quy định theo Nghị định số 16/2015/NĐ - CP. Theo đó, các dự án thuộc quyền quyết định đầu tư của Bộ trưởng Bộ Y tế cần phải giao lại quyền chủ đầu tư cho BQLDACTYT. Song, để tránh xáo trộn quá mức và khó quy định được trách nhiệm có liên quan đến hiệu quả đầu tư, thì chỉ những dự án mới hoàn thành ở bước “Chuẩn bị dự án” mới phải bàn giao lại cho BQLDACTYT; còn các dự án đang ở bước “Thực hiện dự án”, các chủ đầu tư cũ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành bàn giao.
Muốn làm được việc này, cần có sự đồng lòng, sự chỉ đạo và kiểm tra sát sao của Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế; sự quyết liệt, mạnh dạn, khách quan của Bộ trưởng Bộ Y tế trong giao nhiệm vụ và đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các Ban QLDA.
Hai là, các Vụ chức năng và lãnh đạo Bộ Y tế phải thực hiện trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng từ việc phê duyệt hồ sơ mời thầu, phương thức tổ chức đấu thầu, đến đấu thầu - đặc biệt phải rất lưu tâm đến dự toán và giá cả của trang thiết bị y tế; đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý hoặc chỉ đạo xử lý kịp thời những sai lệch phát sinh trong suốt quá trình hoạt động của dự án.
Để có căn cứ so sánh đánh giá kết quả quản lý vốn ĐTC giữa các dự án, các Vụ chức năng nên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dựa trên các tiêu chí đã có của “Trách nhiệm giải trình tài chính và chi tiêu công”, viết tắt là PEFA - Public Expenditure and Financial Accountability, do Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xây dựng và khuyến khích áp dụng từ năm 2005. Trên cơ sở đó, trình Bộ trưởng ký ban hành và áp dụng chung trong đánh giá quản lý vốn ĐTC của ngành. Theo chúng tôi, có thể chọn lựa các tiêu chí: từ PI-1 đến PI-4 của mục A; PI-5, PI-6 và PI-10 của mục B; PI-11, PI-12, và từ PI-16 đến PI-25 của mục C rất nên nghiên cứu để đưa vào bộ tiêu chí đánh giá quản lý vốn ĐTC của các dự án này.
Ba là, nên kiến nghị với Chính phủ giãn lộ trình áp giá dịch vụ y tế theo hướng kéo dài thời gian khấu hao TSCĐ. Kiến nghị này xuất phát từ khó khăn về thu nhập của người dân đã bị kéo dài bởi đại dịch Covid - 19 từ cuối năm 2019 đến nay. Sự sụt giảm nguồn thu của NSNN và sự gia tăng chi tiêu của NSNN cũng vì đại dịch dẫn đến hạn chế rất nhiều khả năng hỗ trợ sự thiếu hụt của Quỹ Bảo hiểm Y tế trong năm 2021 và còn có thể kéo dài đến các năm sau. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và toàn dân trong bối cảnh hiện nay là “Chống dịch như chống giặc”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Y tế. (2014). Quyết định số 789/QĐ-BYT ngày 07/03/2014, về việc thành lập Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm trực thuộc Bộ Y tế.
- Bộ Y tế. (2016). Quyết định số 1081/QĐ-BYT ngày 29/03/2016, về việc thành lập Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế trực thuộc Bộ Y tế.
- Bộ Y tế. (2018). Quyết định số 5868/QĐ-BYT ngày 28/09/2018, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế, (thay thế Quyết định số 1188/QĐ-BYT ngày 08/04/2014).
- Bộ Y tế. (2018). Quyết định số 7768/QĐ-BYT ngày 27/12/2018, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế, (thay thế Quyết định số 1168/QĐ-BYT ngày 07/04/2014).
- Chính phủ. (2014). Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
- Chính phủ. (2015). Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015, về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Quốc hội. (2013). Luật số 43/2013/QH13: Luật Đấu thầu, ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2013.
- Quốc hội. (2014). Luật số 49/2014/QH13: Luật Đầu tư công, ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2014.
- Quốc hội. (2014). Luật số 50/2014/QH13: Luật Xây dựng, ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2014.
- Quốc hội. (2015). Luật số 83/2015/QH13: Luật Ngân sách Nhà nước, ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2015.
THE DECENTRALIZATION IN MANAGING
PUBLIC INVESTMENT FOR HEALTHCARE
SECTOR IN THE CENTRAL LEVEL IN VIETNAM:
CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS
• Assoc.Prof. Ph.D DANG VAN DU1
• Master. NGUYEN DAI HUNG2
1Former Dean, Faculty of Public Finance, Academy of Finance
2Specialized Medical Work Construction Project Management Board
ABSTRACT:
Healthcare is one of the essential services associated with the development of human society. The stronger the economy grows, the higher the demand for healthcare services is and the state plays a major role in providing healthcare services for society. Therefore, public investment for healthcare sector is always a top concern of governments. Vietnam is developing a socialist-oriented market economy and the country always pay attention to the public investment for healthcare sector. As the public investment is a broad concept, this paper focuses on analyzing the decentralization in managing public investment for healthcare sector in Vietnam.
Keywords: healthcare, public investment, management of public investment for healthcare sector.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]