Phân tích hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở tỉnh Khánh Hòa

MAI DIỄM LAN HƯƠNG (Khoa Kế toán Tài chính - Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở tỉnh Khánh Hòa. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập trực tiếp từ báo cáo tài chính của 20 doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở tỉnh Khánh Hòa còn thấp, chưa tương xứng với lợi thế mà các doanh nghiệp này có được. Trên cơ sở kết quả phân tích, nghiên cứu, đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở tỉnh Khánh Hòa.

Từ khóa: Hiệu quả tài chính, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tỉnh Khánh Hòa.

I. Đặt vấn đề

Khánh Hòa nằm ở vị trí chiến lược của khu kinh tế trọng điểm miền Trung, với nhiều lợi thế, tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua đã tăng lên đáng kể và có đóng góp nhất định cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Theo thống kê cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 95 dự án FDI được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư. Tổng vốn thực hiện lũy kế từ đầu dự án cho đến nay đạt khoảng 633,2 triệu USD. Riêng trong năm 2016, có 8 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 10 triệu USD. [5] Đóng góp vào sự tăng trưởng này không thể không kể đến vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Khánh Hòa. Cho đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - DNĐTNN). Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp này rất đa dạng như: Nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu thủy sản; Sản xuất, gia công các loại ống và phụ kiện thép cho tàu biển; Cung cấp thức ăn chăn nuôi thủy sản; Cung cấp dịch vụ thiết kế và phát triển phần mềm; Kinh doanh các dịch vụ khách sạn; Nhà hàng và dịch vụ ăn uống… Năm 2016, doanh thu của các DNĐTNN đang có hoạt động sản xuất kinh doanh đạt khoảng 572 triệu USD, nộp ngân sách cả năm 2016 ước khoảng 8,9 triệu USD; số lao động hiện đang làm việc ở các DNĐTNN khoảng 18.840 người. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế như: Thị trường nguyên liệu, thị trường đầu ra bị thu hẹp; mức tiêu dùng trong nội địa và quốc tế giảm; khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;… Xuất phát từ thực tế trên, bài viết này được thực hiện nhằm phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa và trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp này.

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu hiệu quả tài chính của 20 DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa từ năm 2013 đến năm 2016 và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa.

2. Số liệu sử dụng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Số liệu sử dụng

Số liệu sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập trực tiếp từ báo cáo tài chính của 20 DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa. Số liệu được thu thập trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp, trong nghiên cứu này sử dụng phương pháp thống kê mô tả trên cơ sở số liệu thu thập được. Các chỉ tiêu được sử dụng bao gồm: Khả năng thanh toán hiện hành, vòng quay tổng tài sản, vòng quay hàng tồn kho, kỳ thu tiền bình quân, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. [2]

Phương pháp đo lường khả năng sinh lời của các DNĐTNN (ROA, ROS, ROE) được tính như sau: [4]


III. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

1. Tình hình tài chính của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa

1.1. Khả năng thanh toán hiện hành

Khả năng thanh toán hiện hành là chỉ tiêu đo lường khả năng đảm bảo thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp. Khả năng thanh toán hiện hành qua các năm của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa trong nghiên cứu được trình bày ở Bảng 1.

Nhìn chung, khả năng thanh toán hiện hành của các DNĐTNN là khá tốt. Cụ thể là, chỉ tiêu khả năng thanh toán hiện hành bình quân của các DNĐTNN qua các năm dao động từ 5,9 đến 18,92. Điều này có nghĩa là tài sản ngắn hạn của các doanh nghiệp luôn đảm bảo thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn. Hay nói cách khác, rủi ro trong thanh toán của các doanh nghiệp ở mức thấp.

1.2. Vòng quay hàng tồn kho

Vòng quay hàng tồn kho được tính bằng cách lấy giá vốn hàng bán chia cho giá trị hàng tồn kho bình quân. Trị giá chỉ tiêu này càng cao thì công việc kinh doanh được đánh giá là tốt, khả năng hoán chuyển tài sản này thành tiền cao.

Kết quả khảo sát cho thấy vòng quay của hàng tồn kho ở các DNĐTNN trong nghiên cứu là khá cao. Cụ thể là, vòng quay hàng tồn kho trung bình của các doanh nghiệp cao nhất là 68,49 vòng ở năm 2014. Vòng quay hàng tồn kho bình quân của các doanh nghiệp khá ổn định trong các năm 2013, 2015, 2016; dao động trong khoảng từ 11,93 đến 18,25 vòng. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy vòng quay hàng tồn kho có sự khác biệt rất lớn giữa các doanh nghiệp (thể hiện qua chỉ tiêu độ lệch chuẩn rất cao ở năm 2014 là 178,70).

1.3. Vòng quay tổng tài sản

Đây là chỉ tiêu giúp đánh giá hiệu quả sử dụng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp. Vòng quay tổng tài sản được tính bằng cách lấy doanh thu thuần chia cho tổng tài sản bình quân. Chỉ số này càng cao cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp càng cao và ngược lại. Kết quả thống kê cho thấy vòng quay tổng tài sản của các doanh nghiệp tương đối thấp. Cụ thể là, vòng quay tổng tài sản trung bình của các DNĐTNN thấp nhất là 1,05 vòng (năm 2013) và cao nhất là 1,25 vòng (2014). Vòng quay tổng tài sản của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa được trình bày chi tiết ở Bảng 3.

1.4. Kỳ thu tiền bình quân

Kỳ thu tiền bình quân được tính bằng cách lấy số dư bình quân các khoản phải thu khách hàng chia cho tổng doanh thu thuần sau đó nhân với 360 ngày. Chỉ tiêu này cho biết thời gian cần thiết để thu hồi nợ phải thu khách hàng bình quân trong kì của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kỳ thu tiền bình quân của các DNĐTNN trung bình dao động từ 132 ngày đến 2.084 ngày trong giai đoạn 2013 - 2016. Đối với các DNĐTNN, kỳ thu tiền bình quân như vậy là tương đối cao. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch về kỳ thu tiền bình quân giữa các doanh nghiệp trong nghiên cứu là khá lớn. Cụ thể là, độ lệch chuẩn của kỳ thu tiền bình quân ở năm 2014 là 283,70; năm 2015 là 687,18 và năm 2016 là 5.255,58.

2. Đo lường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa

2.1. Thống kê mô tả

Để đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa, trong nghiên cứu này sử dụng 3 chỉ tiêu đó là tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). [3] Mô tả dữ liệu về các chỉ tiêu về tỷ suất lợi nhuận của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2016 được trình bày chi tiết ở Bảng 5.

2.2. Đo lường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh

- Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)

Mô tả dữ liệu về ROA của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2016, được trình bày ở Hình 1.

Hình 1: Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của các DN ĐTNN tỉnh Khánh Hòa (2013 - 2016)

Kết quả phân tích thống kê cho thấy ROA bình quân của các DNĐTNN thấp nhất là vào năm 2013 (-10,76%) và cao nhất là vào năm 2014 và năm 2016 (7,83%). ROA của các DNĐTNN đã có xu hướng tăng trong năm 2015 và năm 2016. Cụ thể là, ROA bình quân của các DNĐTNN trong giai đoạn này lần lượt là 4,24% và 7,83%. Doanh nghiệp có ROA âm chiếm tỷ trọng lớn, với 8 doanh nghiệp có ROA âm (40%) năm 2013, năm 2014 là 5 doanh nghiệp (25%), năm 2015 là 10 doanh nghiệp (50%) và năm 2016 là 8 doanh nghiệp (40%). Điều này chứng tỏ xét về mặt bằng chung, các doanh nghiệp này làm ăn không có hiệu quả, ngược lại còn bị thua lỗ. Kết quả tính toán cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất thể hiện sự khác biệt về hiệu quả giữa các DNĐTNN là rất lớn.

- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS)

Mô tả dữ liệu về ROS của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2016, được trình bày ở Hình 2.

Hình 2: Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các DN ĐTNN tỉnh Khánh Hòa (2013 - 2016)
Nguồn: Tính toán từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được khảo sát

Kết quả nghiên cứu cho thấy ROS của các DNĐTNN được khảo sát là rất thấp. Cụ thể, ROS trung bình của các doanh nghiệp dao động trong khoảng từ -106,36% đến 11,92%. Tương tự như chỉ tiêu ROA, chỉ tiêu ROS của các DNĐTNN ở mức thấp trong năm 2013, nhưng tăng mạnh và đạt ở mức cao nhất trong năm 2014, nhưng giảm mạnh vào năm 2015 (-106,36%). Doanh nghiệp có ROS âm chiếm tỷ trọng lớn, với 7 doanh nghiệp có ROS âm (35%) năm 2013; năm 2014 giảm xuống còn 3 doanh nghiệp (15%); năm 2015 là 7 doanh nghiệp (35%); năm 2016 là 7 doanh nghiệp (35%).

- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

Mô tả dữ liệu về ROE của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2016, được trình bày ở Hình 3.

Hình 3: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các DN ĐTNN tỉnh Khánh Hòa (2013 - 2016)
Nguồn: Tính toán từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được khảo sát

Kết quả nghiên cứu cho thấy ROE trung bình của các DNĐTNN được chọn để nghiên cứu đạt ở mức thấp nhất vào năm 2013 và cao nhất vào năm 2016. Cụ thể là, ROE trung bình của các doanh nghiệp ở năm 2013 là - 46,17%. Điều này có nghĩa là trong năm này cứ 100 đồng vốn chủ sở hữu đem đi đầu tư thì doanh nghiệp phải lỗ mất 46,17 đồng. Bên cạnh đó, ROE của các doanh nghiệp ở năm 2013 có sự phân hóa rất lớn. Điều này được thể hiện thông qua giá trị nhỏ nhất, lớn nhất và chỉ tiêu độ lệch chuẩn của chỉ tiêu này rất lớn (153,40). Tuy nhiên, ROE của các DNĐTNN đã có sự phục hồi rất tốt và có xu hướng tăng qua các năm trong giai đoạn 2014 - 2016, từ 13,25% ở năm 2014, ở mức 2,69% ở năm 2015 và đạt ở mức cao nhất trong năm 2016 (43,82%). Doanh nghiệp có ROE âm chiếm tỷ trọng lớn, với 7 doanh nghiệp có ROE âm (35%) năm 2013, năm 2014 giảm xuống còn 4 doanh nghiệp (20%), năm 2015 là 9 doanh nghiệp (45%), năm 2016 là 6 doanh nghiệp (30%).

Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận của các DNĐTNN có sự biến động khá lớn theo thời gian. Do hoạt động kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp được khảo sát là sản xuất phụ kiện thép tàu biển, chế biến và nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến sản phẩm từ thủy sản, du lịch resort; mà vốn đầu tư vào các doanh nghiệp này phần lớn là vốn đầu tư nước ngoài nên nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa cũng giống như các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới và khu vực. Ngoài ra, chi phí đầu vào tăng như giá điện đã tăng 3 lần, lương và bảo hiểm xã hội tăng trong năm 2015 sẽ cộng thêm vào khó khăn đối với một số doanh nghiệp FDI. Đối với các dự án trong lĩnh vực du lịch, ngoài một số khó khăn về đền bù giải tỏa, sự sẵn sàng của hạ tầng kỹ thuật, thì lớn nhất vẫn là tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư còn chậm trong bối cảnh khủng hoảng của thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng. [6]

3. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa

Trên cơ sở kết quả phân tích tình hình tài chính và hiệu quả tài chính của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa, tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này như sau:

3.1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

- Tiếp tục thực hiện một số cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư: Chính sách ưu đãi về điều kiện thuê đất như chi phí đền bù giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền thuê đất của doanh nghiệp, giá thuê đất ưu đãi theo hướng giảm giá cho các dự án đầu tư có vốn lớn, thời gian hoạt động dài, đầu tư vào những lĩnh vực tỉnh đang có nhu cầu...

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và một cửa liên thông trong các ngành, các cấp chính quyền, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư;…

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư: Tiếp tục thực hiện các biện pháp xúc tiến đầu tư như tổ chức nghiên cứu, đề xuất về cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, môi trường và cơ hội đầu tư; tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, vận động đầu tư, tăng cường đối thoại với nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc…

- Khuyến khích đổi mới ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất: Động viên doanh nghiệp cải tiến và đổi mới thiết bị máy móc hiện đại, hỗ trợ các DNĐTNN ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, hoặc liên kết với các cơ quan nghiên cứu chuyển giao các thành tựu khoa học.

- Tích cực, chủ động trong việc tạo lập, xây dựng và cải thiện môi trường thu hút FDI; sự phối hợp của các ban, ngành trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận được các dự án thuận lợi, thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả như về thuế, vốn, về đất…

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn: Hàng năm tỉnh nên dành một khoản ngân sách nhất định để tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các DNĐTNN. Khuyến khích các DNĐTNN đào tạo nghề cho người lao động tại doanh nghiệp.

3.2. Đối với doanh nghiệp

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

- Nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp: Muốn nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải sử dụng tổng hợp các biện pháp từ nâng cao năng lực quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến việc tăng cường và cải thiện mọi hoạt động bên trong doanh nghiệp, biết làm cho doanh nghiệp luôn luôn thích ứng với những biến động của thị trường,...[7]

- Tích cực cập nhật thông tin, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức: Các chủ doanh nghiệp cần dành thời gian để nghiên cứu các thông tin, chính sách pháp luật nhằm nắm bắt diễn biến thị trường để từ đó điều chỉnh sản xuất, kinh doanh cho phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ: Để mở rộng thị trường tiêu thụ các doanh nghiệp có thể thực hiện một số biện pháp như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ; Hạ giá thành sản phẩm; Nâng cao chất lượng của công tác dự báo nghiên cứu nhu cầu thị trường; Xây dựng chính sách tiêu thụ sản phẩm hợp lý.

- Tham gia các tổ chức, hiệp hội có liên quan: Doanh nghiệp cần tích cực tham gia các tổ chức như Hội doanh nhân trẻ tỉnh Khánh Hòa, hiệp hội ngành nghề… Thông qua các tổ chức này, doanh nghiệp sẽ cập nhật được nhiều thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời học tập được nhiều kinh nghiệm từ những mô hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả.

IV. Kết luận

Nghiên cứu này tập trung phân tích tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNĐTNN ở tỉnh Khánh Hòa để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp này. Trên cơ sở số liệu báo cáo tài chính của 20 doanh nghiệp được thu thập trong 5 năm, kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng thanh toán của các doanh nghiệp là khá tốt. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng vòng quay hàng tồn kho của các doanh nghiệp là khá cao. Tuy nhiên, vòng quay tổng tài sản của các doanh nghiệp còn tương đối thấp. Về tỷ suất lợi nhuận, số DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa có ROA, ROS, ROE âm qua các năm là khá cao. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước những khó khăn này, việc đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính cho các DNĐTNN trong thời gian tới là cần thiết và mang tính khách quan.

Nghiên cứu đã đánh giá được tình hình tài chính của các DNĐTNN tỉnh Khánh Hòa. Từ đó làm cơ sở đưa ra một số giải pháp cần thiết để có thể nâng cao hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp này trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục thuế tỉnh Khánh Hòa, 2016. Báo cáo tài chính các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở tỉnh Khánh Hòa (2013 - 2016), Khánh Hòa.

2. Trương Đông Lộc, Trần Văn Tâm, 2013. Phân tích hiệu quả tài chính của các công ty lương thực ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 27, trang 61 - 67.

3. Nguyễn Thu Phương, 2015. Tìm hiểu về một số chỉ số khả năng sinh lời cơ bản, http://kketoan.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/132/1605/bai-viet-ths.-nguyen-thu-phuong-tim-hieu-ve-mot-so-chi-so-kha-nang-sinh-loi-co-ban.

4. Võ Đình Quyết, Đặng Hoàng Xuân Huy, 2013. Đo lường khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tỉnh Khánh Hòa, http://fof.hcmuaf.edu.vn/data/file/HNKHTTSTQ%202013/87_%20VDQuyet%20et%20al-Kha%20nang%20sinh%20loi%20DN%20che%20bien% 20TS.pdf.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, 2016. Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2016 và kế hoạch năm 2017.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, 2016. Báo cáo tình hình, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh trong 10 năm qua (giai đoạn 2006 - 2016); những khó khăn vướng mắc và đề xuất chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.

7. Võ Thị Tuyết. Các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất kinh doanh, http://voer.edu.vn/m/cac-bien-phap-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-cua-san-xuat-kinh-doanh/cc5dc6fc.

ANALYZING THE FINANCIAL PERFORMANCE OF FOREIGN

INVESTMENT ENTERPRISES IN KHANH HOA PROVINCE

● MAI DIEM LAN HUONG

Faculty ofAccountingand Finance - Nha Trang University

ABSTRACT:

This study aims at analyzing the financial performance of foreign investment enterprises in Khanh Hoa province. The data was directly collected from financial statements of 20 foreign investment enterprises from 2013 to 2016. The results derived from the study reveal that financial performance of foreign investment enterprises in Khanh Hoa province is low despite having quite the advantages. Based on the analysis, this research came up several solutions to improve the financial performance of foreign investment enterprises in Khanh Hoa province.

Keywords: Financial performance, foreign investment enterprises, Khanh Hoa province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây